Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhân 50 năm ngày Khrushchev đọc bản "Báo cáo mật": KHRUSHCHEV CHẾT, STALIN SỐNG

(NCTG) Nửa thế kỷ trước đây, đúng vào ngày này, Khrushchev đã có một bài phát biểu có tầm quan trọng lịch sử, vạch trần nhũng tội ác của Stalin. Nhân dịp này, ái nữ và cháu của ông đã trả lời phỏng vấn - họ nhớ lại sự kiện trên với sự hoài nhớ.

Stalin và Khrushchev

"Những đặc tính của Lenin: kiên nhẫn hợp tác với các đồng sự; giáo dục nhân dân một cách kiên trì và chu đáo; khả năng vận động quần chúng không phải bằng cưỡng chế, mà bằng ảnh hưởng ý thức hệ của cả một tập thể - những đức tính ấy Stalin không hề có! Đồng chí Stalin đã bỏ qua những phương pháp thuyết phục và giáo dục của Lenin, thay cuộc đấu tranh tư tưởng bằng phương pháp bạo lực hành chính, đàn áp và khủng bố hàng loạt. Stalin thiên về sử dụng những tổ chức công quyền của nhà nước và trong hành dộng, đồng chí thường xuyên vi phạm những chuẩn mực đạo đức và luật pháp Xô-viết"

Một trích đoạn trong bài phát biểu (*) của Nikita Sergeyevich Khrushchev tại phiên họp kín ngày 25-2-1956, Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Bài phát biểu không được báo chí đăng tải, nhưng nó được lưu hành chính thức trong các cơ sở đảng. Chỉ có thể đọc bản in của bài phát biểu sau những cánh cửa đã khép kín. Tất nhiên, truyền thông phương Tây biết đến nó rất nhanh. Một thời gian dài, các đảng cộng sản đã phủ nhận sự xác tín của bản phát biểu.

Sở dĩ cần thiết phải giấu giếm vòng vo như thế vì những tuyên bố của Khrushchev, cho dù ngày nay nghe lại không lấy gì làm mạnh bạo cho lắm, trong hoàn cảnh Xô-viết thời ấy đã vang lên như một trái bom. Chủ nghĩa cộng sản kiểu Liên Xô còn tồn tại một thời gian dài. Tiếp nối thời kỳ "hòa dịu" là những thời kỳ căng thẳng. Nhưng không thể trở lại với thời kỳ khủng bố của Stalin.

Người ta hồi tưởng thế nào ở Nga về Satalin và người đã vạch trần những tội ác của ông ta? Tờ "Thời báo Mạc Tư Khoa" (Moscow Times) đã phỏng vấn Rada Adzhubei, ái nữ của Khrushchev, và Yury Levada, một nhà nghiên cứu xã hội học nổi tiếng.

Năm nay 74 tuổi, Rada Adzubej là sinh viên đại học năm 1956. Khi ấy, bà không hề biết cha mình chuẩn bị làm điều gì. Theo lời kể của bà, cùng các bạn đồng học, bà đã vô cùng sững sờ trước bài phát biểu và bài phát biểu ấy đã khiến rất nhiều người trở nên cấp tiến hẳn lên. "Nhưng cha tôi, Khrushchev, giận dữ phản đối mọi biểu hiện hướng tới sự thanh toán thể chế Xô-viết, dù là ở Liên Xô hay Đông Âu".

Levada còn là một ký giả trẻ khi bản báo cáo mật được Khrushchev đọc, về sau trở thành một tên tuổi lớn của ngành xã hội học Liên Xô và nhiều lần gặp rắc rối với chính quyền, gần đây nhất là với tổng thống Putin. Trả lời phỏng vấn "Thời báo Mạc Tư Khoa", ông cho biết ông cũng kinh ngạc trước bài phát biểu. "Nhưng thời kỳ hòa dịu chỉ kéo dài 4 năm và trong 18 năm dưới thời Leonid Brezhnev, hậu duệ của Khrushchev, truyền thông Xô-viết không hề được nói về Khrushchev cũng như về những phê phán Stalin của ông. Nước Nga không bao giờ có thể phủ nhận hoàn toàn Stalin! Đây là một trong những lý do khiến chúng tôi dậm chân tại chỗ, thậm chí tụt hậu. Ngày nay, vẫn còn một số kẻ tìm cách làm mới, hoặc ít nhất cũng mô phỏng thể chế độc tài Stalin".

Levada bị thuyên chuyển khỏi học viện nghiên cứu dư luận do chính ông thành lập, nhưng Vlagyimir Petukhov, giám đốc mới của học viện, mặc dù với những trọng tâm khác, cũng nhắc đến những kết quả củng cố các khẳng định của người tiền nhiệm.

Trong một kỳ thăm dò dư luận, 48% số người được hỏi lên án những vụ thanh trừng thời Stalin, nhưng 50% đồng tình việc Stalin tạo dựng một "nhà nước vững mạnh". Một thăm dò khác cho thấy 42% mong muốn "một Stalin khác", mặc dù 52% không muốn một tổng thống giống Stalin trên cương vị nguyên thủ quốc gia.

"Người ta không lãng mạn hóa thể chế Stalin - Petukhov nói. - Họ biết Stalin có nhiều tội ác, nhưng họ không muốn cùng với những kỷ niệm của ông ta, lịch sử nhà nước [Xô-viết] cũng bị hủy hoại".

Nina Khrushchova, cháu gái của Nikita Khrushchev, hiện là giáo sư tại Mỹ, phát biểu trên "Bưu điện Hoa Thịnh Đốn" (Washington Post): ngày nay, thực chất người ta muốn xóa bỏ những hình ảnh của Khrushchev trong lịch sử và nói thật, bà cũng không ngạc nhiên gì lắm về chuyện này.

"Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, sự vô chính phủ hoành hành ở đây. Đối với chúng tôi, dân chủ đồng nghĩa với hỗn loạn, tội phạm, nghèo đói, thổ hào cát cứ và sự thất vọng. Người Nga chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không hề thích được tụ do. Trong nhiều thế kỷ, chúng tôi tìm kiếm lòng tự trọng từ nhà nước. Chúng tôi hoài nhớ những vị quân vương thời xưa, nhũng người đảm bảo trật tự, khêu gợi cảm giác ái quốc và khiến chúng tôi tin rằng Nga là một dân tộc vĩ đại".

Khrushchova cho rằng dân Nga cần một "lãnh tụ mạnh", nếu có đáng sợ đi nữa cũng chả sao. Vì thế nước Nga mới sùng Putin.

Nói điều này, không phải Khrushchova muốn khẳng định rằng người Nga coi Putin là một Stalin mới. Một cách đặc biệt, Putin tự coi mình là một nhà dân chủ Nga. Dân Nga không nhìn ông như một người "cha già dân tộc", mà tìm thấy ở ông hiện thân của một người Nga bình thường, muốn yên ổn.

Theo Khruschchova, đây cũng đã là một thứ dân chủ cọc cạch.

(*) Đêm 24, rạng sáng 25-2-1956, có một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng đã xảy ra ở Liên Xô và trong phong trào cộng sản & công nhân quốc tế. Đó là bản "Báo cáo mật" của Khrushchev - bí thư thứ nhất Ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - đọc trong dịp Đại hội lần thứ XX của đảng. Bản báo cáo này gọi là "mật" vì nó được đọc trong phòng kín. Ngoài các đại biểu Liên Xô, không ai được có mặt, kể cả các đại biểu những đảng Cộng sản "anh em". Khrushchev nói: "Việc gì cũng có giới hạn của nó", "không được giặt áo bẩn trước mắt kẻ thù."

Tuy nhiên, bản báo cáo này đã được phát riêng cho trưởng đoàn các phái đoàn anh em. Các lãnh tụ cộng sản như Togliatti (Ý), Thorez (Pháp), Chu Đức (Trung Hoa), Trường Chinh (Việt Nam), v.v... đều được biết. Những người này khi trở về nước, có người chối cãi sự thật như Thorez, có người công nhận sự thật như Togliati; nhưng không ai can đảm đem sự thật ra thông báo trước các đảng viên của đảng. Riêng có một nhà lãnh đạo Ba Lan đã ngầm đem phát hành trong nội bộ Đảng Cộng sản Ba Lan, gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trong hàng ngũ đảng này. Một bản của báo cáo đó lọt vào tay cục tình báo C.I.A. Mỹ ở Ba Lan. Tờ "Thời báo New York" (New York Times, Mỹ) nhận được và dịch đăng trên số báo ra ngày 16-3-1956. Tiếp sau là tờ "Le Monde" ở Pháp. Và chỉ trong vòng hai tháng, các báo chí tư bản toàn thế giới đều đăng tin.

Lãnh tụ cộng sản các nước - khi được biết bản "Báo cáo mật" - nhận thấy đó là một biến cố quan trọng, có thể sẽ gây ra tai họa khôn lường. Họ hoang mang, hoảng hốt, tìm cách hạn chế mối họa, nhưng mỗi người hành động khác nhau. Có lãnh tụ như Togliati của Đảng Cộng sản Ý, sau mấy ngày do dự, tuyên bố bản báo cáo có thực. Hai đảng Cộng sản Anh và Mỹ công nhận sự tồn tại của bản báo cáo, nhưng yêu cầu một sự giải thích đầy đủ hơn. Tờ "Daily Worker" của Đảng Cộng sản Mỹ ngày 6-6-1956 đã trích đăng nhiều đoạn của bản báo cáo và phê bình ban lãnh đạo Liên Xô "mắc sai lầm" là không đem ra phát hành công khai. Tại Pháp, tổng bí thư Đảng Cộng sản Maurice Thorez chối cãi sự thực bằng mấy danh từ khôn khéo: "Bản báo cáo mà người ta bảo là của Khrushchev". (Hà Cương Nghị - Trích giới thiệu bản Việt ngữ của bản báo cáo mật Khrushchev)

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn dịch, từ bản tiếng Hung