Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ CUỘC CHIẾN TRUNG - VIỆT DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY

(NCTG) Nhà báo kỳ cựu Hungary Dunai Péter, từng là phóng viên thường trú tại Việt Nam của nhật báo lớn nhất Hung “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) và Hãng Thông tấn Hungary MTI trong thời kỳ 1981-1984, đã gửi cho NCTG chùm ảnh tư liệu quý về cuộc chiến biên giới khởi đầu ngày 17-2-1979.
Tác giả (giữa) trong một cuộc trao đổi tù binh. Ảnh chụp vào mùa đông năm 1982 tại biên giới Việt - Trung. Sau lưng nhà báo Dunai Péter là phía Trung Quốc. Cạnh tác giả là nhà báo Terzieff, phóng viên Hãng Thông tấn Bulgaria BTA
Dunai Péter là một nhà báo tài ba, đã “từng khẳng định mình ở cả Moscow và Tây Đức”, theo nhận định của cựu Đại sứ Hungary tại Việt Nam Szász Dénes, nhà ngoại giao có vợ Việt và nói, đọc thạo tiếng Việt, cũng như đã có nhiều năm làm việc cùng nhà báo Dunai Péter tại Hà Nội.

Ông cũng là tác giả cuốn sách về Việt Nam “Một trăm ngàn cây số tại Việt Nam” (Százezer kilométer Vietnamban), do NXB Kossuth ấn hành năm 1986. Hiện đã nghỉ hưu, nhưng Dunai Péter vẫn làm việc trên cương vị chuyên gia tư vấn và nghiên cứu về các vấn đề quân sự và an ninh.

Là một thân hữu của NCTG, ông đã viết riêng cho báo những hồi tưởng về cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979, thông qua một số sự việc mà ông có dịp tận mắt chứng kiến, trên tư cách một trong số không nhiều ký giả nước ngoài tại Việt Nam thời đó (Xem Phần 1Phần 2 của bài viết).

Chùm ảnh tư liệu sau mà Dunai Péter cung cấp cho NCTG được thực hiện trong những chuyến tác nghiệp của ông tới vùng biên giới phía Bắc do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cho nhóm phóng viên ngoại quốc chỉ có vỏn vẹn vài người lúc đó đang ở Hà Nội, mà ông là nhà báo Hung duy nhất.

 
Các phóng viên báo chí chứng kiến sự trao trả tù binh tại biên giới Việt - Trung
Các phóng viên báo chí chứng kiến sự trao trả tù binh tại biên giới Việt - Trung

Trong những chuyến đi đó, Dunai Péter có dịp chứng kiến những khổ đau mà người dân Việt Nam phải gánh chịu bởi cuộc chiến xâm lược của Trung Cộng. Ông đã ghi lại được hình ảnh về những xóm làng bị đạn bom tàn phá hoang tàn, những vùng cư dân không còn bóng người và chìm trong đổ nát.

Theo lời ông kể lại, Đồng Đăng là thị trấn lớn cuối cùng mà nhóm phóng viên nước ngoài đi qua. Những đạo quân Trung Quốc khi rút lui đã cho nổ hết nhà cửa, tiêu hủy tất cả những gì có thể ích lợi với cư dân: các toa tàu hỏa, đường ray, thiết bị trong nhà máy, đường xá, kênh đào...

Khi không còn đường cho xe đi đi, các nhà báo xuống xe và tiếp tục đi bộ cho đến biên giới, nhiều khi phải theo những đường mòn hẹp tới mức phải đi theo hàng một, và xung quanh là khu vực đã được rà mìn. Đâu đâu cũng có dòng chữ “Có mìn” viết trên đá cảnh báo những nơi chưa được rà mìn.

Đặc biệt, Dunai Péter là một trong số ít những ký giả ngoại quốc tại Việt Nam thời đó có dịp mục sở thị​ những vụ trao đổi tù binh, mà ông có viết lại kỹ lưỡng trong bài viết cho NCTG, và còn giữ lại những tấm ảnh quý trong loạt ảnh sau đây. Trân trọng giới thiệu tới độc giả NCTG! (NCTG)
 
02
 
03
 
06
 
07
 
09
 
04
 
03
 
11
 
12
 
10
 
13
 
14
 
16

Tác giả bài viết: NCTG