Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÀ CÁCH MẠNG HUNGARY NAGY IMRE VÀ HAI BIẾN CỐ LỚN CỦA LỊCH SỬ HUNG THẾ KỶ XX

(NCTG) Cách đây hơn 16 năm, vào một ngày giữa hè 1989, đã diễn ra một cuộc xuống đường vĩ đại với sự tham gia của gần nửa triệu dân Hung tại thủ đô Budapest. Về sau, các nhà sử học và bình luận viên chính trị học đã coi ngày này là biểu tượng và là bước ngoặt của sự thay đổi thể chế chính trị ở Hung. Mốc thời gian 16-6 ấy gắn liền với tên tuổi một nhân vật tiêu biểu của nước Hung thế kỷ trước: ông Nagy Imre, thủ tướng Hung thời cách mạng 1956.

Nagy Imre - Họa phẩm của họa sĩ Gyémánt László, được đặt tại phòng họp của chính phủ Hung từ cuối tháng 4-2005

* VỀ CỐ THỦ TƯỚNG NAGY IMRE

Ông Nagy Imre sinh năm 1896, thuộc thế hệ những nhà cách mạng cựu trào của Hung. Thời trẻ, như nhiều thanh niên cùng thế hệ, ông có cảm tình với chủ nghĩa mác-xít và gia nhập Đảng Cộng sản Hung. Mặc dù thuộc lớp lãnh tụ Hung được đào tạo "bài bản" ở Liên Xô, nhưng Nagy Imre luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Sau cái chết của Stalin, tháng 7-1953, ông được bầu làm thủ tướng Hung. Trong gần 2 năm đứng đầu chính phủ, Nagy Imre chủ trương đổi mới toàn diện về kinh tế và chính trị. Tên tuổi ông gắn liền với những cải cách dân chủ như khuyến khích kinh tế cá thể, giảm thuế má, tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng, tuyên bố đại ân xá, giải thể các trại tập trung, chấm dứt lối xét xử phi luật pháp của các tòa án cảnh binh, phục hồi nhân phẩm cho nạn nhân của tệ sùng bái cá nhân... Hơn thế nữa, Nagy Imre còn chủ trương một thể chế đa đảng "hạn chế" và có ý định thực hiện một mô hình xã hội chủ nghĩa "mang bộ mặt nhân tính". Trên phương diện này, những ý tưởng của ông đã đi trước "Mùa xuân Praha" gần 15 năm!

Tháng 4-1955, Nagy Imre bị các thế lực bảo thủ trong đảng tước hết mọi chức vụ, thậm chí ông còn bị khai trừ khỏi đảng. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô, phong trào đối lập Hung ngày càng lớn mạnh, sự phản kháng của giới trí thức và các đảng viên cấp tiến trước mô hình nhà nước độc đoán kiểu Stalin ngày một gia tăng, dẫn đến cuộc cách mạng Hung ngày 23-10-1956. Trong vòng 2 tuần ngắn ngủi, Nagy Imre trở lại cương vị thủ tướng, ông tuyên bố xóa bỏ thể chế độc đảng, thành lập chính phủ liên hiệp với sự tham gia của nhiều đảng phái. Cuối tháng 10-1956, khi Liên Xô can thiệp quân sự vào Hung, Nagy Imre đã tuyên bố nước Hung rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa, trở thành một nước trung lập và đòi hỏi quân đội Liên Xô phải đưa quân khỏi Hung.

"Đây, Nagy Imre, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Nhân dân Hungary. Rạng sáng hôm nay, các đạo quân Xô-viết đã tấn công thủ đô của chúng ta với ý đồ rõ ràng, là lật đổ chính phủ dân chủ của nước Hung. Quân đội chúng ta đã kháng cự lại. Chính phủ ở vị trí của mình. Tôi thông báo điều này với toàn dân Hung, và với công luận thế giới!" (Budapest, ngày 4-4-1956)

Cuộc cách mạng thất bại, thủ tướng Nagy Imre bị kết án tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo ngày 16-6-1958, được tổ chức theo chỉ thị của Moscow. Trong vòng 30 năm, dân Hung không được nhắc đến cái tên Nagy Imre, nhưng đa số các tổ chức đối lập dân chủ ở nước này đều lấy những ý tưởng của ông làm mục đích đấu tranh.

* BIẾN CỐ 16-6-1989

Năm 1988, nhân 30 năm ngày mất của Nagy Imre, các nhân sĩ nổi tiếng ở châu Âu, trong số đó có 27 người được giải Nobel và 6 viện sĩ hàn lâm Pháp, cùng các chính khách hàng đầu khác, đã lên tiếng đòi hỏi chính phủ cộng sản Hung phải phục hồi danh dự cho ông Nagy Imre. Tại nước Hung, một ủy ban lấy tên "Ủy ban trả lại công lý cho lịch sử" được thành lập với sự tham gia của các nhân sĩ Hung, trong số đó có cả những cựu tử tù hoặc tù chung thân của cách mạng 1956, như ông Göncz Árpád, sau này là tổng thống Hung 2 nhiệm kỳ từ 1990 đến 2000. Ủy ban này, được sự ủng hộ của toàn thể phe đối lập, đã tổ chức vào ngày 16-6-1989 một cuộc xuống đường khổng lồ để phục hồi danh dự cho Nagy Imre và các đồng sự của ông. Về mặt hình thức, 16-6 được coi là ngày "tái mai táng" trọng thể Nagy Imre.

Cuộc xuống đường này có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao trong cách mạng dân chủ Hung năm 1989. Thoạt đầu, Ban tổ chức rất lo ngại những kẻ khiêu khích, hoặc những người không giữ được bình tĩnh, sẽ gây ra bạo động và làm mờ nhạt mục tiêu cao cả là hóa giải những oan khiên trong lịch sử dân tộc Hung. Nhưng cuối cùng, đã không hề có một tiếng súng, một hành vi bạo lực nào xảy ra. Lần lượt, các đại biểu của phe đối lập lên phát biểu, nêu rõ ý nghĩa lịch sử của cách mạng 1956, kêu gọi dân Hung chuyển mình để biến đất nước thành một xứ sở tự do, độc lập, hòa bình, biến nhà nước Hung thành một nhà nước pháp quyền, phục vụ nhân dân chứ không phải đứng trên đầu người dân. Trong cuộc xuống đường, các gương mặt lớn của phe đối lập dân chủ Hung đã khẳng định sự chín muồi về chính trị của họ, và đó là điều kiện tiên quyết để đem lại sự hòa hợp dân tộc, dẫn đến sự thay đổi thế chế chính trị một cách hòa bình ở nước này.

Chắc chắn là cuộc tuần hành kỳ vĩ kể trên đã là động lực thúc đẩy Tòa án Tối cao Hungary, vào ngày 6-7-1989, chính thức ra quyết định bác bỏ bản án ngụy tạo đối với Nagy Imre và các đồng sự. Điều đáng nói là phán quyết này được đưa ra trước vài giờ trước khi Kádár János, người cựu đồng chí, về sau là địch thủ chính trị của Nagy Imre, lặng lẽ qua đời tại Budapest sau khi đã bị tước hết quyền lực về thực chất.

* CÁCH MẠNG DÂN CHỦ HUNG 1989 VÀ NHỮNG SỰ KIỆN DIỄN RA SAU MỐC 16-6-1989

Trước biến cố 16-6, ít ai nghĩ được rằng sự biến chuyển từ mô hình nhà nước độc tài sang nền dân chủ ở Hung lại diễn ra một cách êm ả và không đổ máu như thế. Những gì mà người dân Hung mơ ước trong cuộc cách mạng 1956, đã trở thành hiện thực trong vòng vỏn vẹn 1 năm.

Tháng 9-1989, chính phủ Hung ra quyết định mở biên giới cho nhiều vạn người Đông Đức tị nạn tràn sang Áo và từ đó, qua Tây Đức; quyết định này, theo đánh giá của cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl, đã dỡ những viên gạch đầu tiên trong bức tường Berlin. Tháng 10-1989, các lực lượng cải tổ của Đảng Công nhân Xã hội (tức Đảng Cộng sản Hung) trong kỳ Đại hội đã tuyên bố giải tán đảng và thành lập Đảng Xã hội Hung, hoạt động theo mô hình các chính đảng xã hội dân chủ ở phương Tây (đảng này, sau khi đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, đã trở thành đảng phái hàng đầu và hiện đang cầm quyền ở Hung). Cũng trong tháng 10-1989, Hiến pháp Hung được sửa đổi, tuyên bố Hung trở thành một nước Cộng hòa và đảm bảo những quyền con người cơ bản của mọi công dân.

Mùa xuân năm 1990, cuộc bầu cử Quốc hội tự do đầu tiên ở Hung sau 45 năm đã được tổ chức, đem lại thắng lợi cho các đảng đối lập. Trong phiên họp đầu tiên ngày 2-5-1990, Quốc hội mới đã thông qua Đạo luật số XXVIII (năm 1990) để "ghi nhớ kỷ niệm của cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập năm 1956". Đồng thời, Đạo luật này cũng "tuyên bố ngày 23-10 - khởi điểm của cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập năm 1956, đồng thời là ngày khai sinh Cộng hòa Hungary năm 1989 - là ngày lễ của dân tộc". Tiếp đó, nước Hung và Liên Xô ký hiệp định rút quân Nga khỏi Hung và vào ngày 30-6-1991, người lính Nga cuối cùng đã rời khỏi lãnh thổ Hung; sự kiện này, trên thực tế, chứng tỏ cuộc cách mạng dân chủ Hung đã hoàn thành.

Tượng Nagy Imre tại Quảng trường Liệt sĩ (Budapest)

Ngày nay, hàng năm, cứ vào ngày mất của vị cố thủ tướng, lại có nhiều đoàn người đến đặt hoa tưởng niệm ông tại pho tượng được đặt ở một vị trí rất trang trọng, đối diện Nhà Quốc hội Hungary. Đại đa số dân Hung quan niệm rằng sẽ không có 1989 nếu không có 1956, hai cuộc cách mạng ấy là sản phẩm của toàn dân, không ai có quyền nhận làm "của riêng", hay lợi dụng nó cho những mục đích không trong sạch. Và trong hai biến cố lớn bậc nhất ấy của lịch sử Hung thế  kỷ XX, không ai có thể quên tên tuổi Nagy Imre! Không phải ngẫu nhiên mà cách đây 3 năm, sau khi đến đặt vòng hoa tưởng niệm trước nấm mồ của Nagy Imre và các đồng sự của ông, thủ tướng Medgyessy Péter đã đưa ra một dự thảo điều luật, theo đó, Quốc hội Hung sẽ công nhận ngày 19-6 (19-6-1991 là ngày các toán lính Nga cuối cùng rời khỏi nước Hung) là Ngày Độc lập của Hung, vì đó là ngày mà những ý nguyện của Nagy Imre trở thành hiện thực...

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo các tư liệu Hungary