NGUỒN GỐC NGÀY KỶ NIỆM 25-2 TẠI HUNGARY
- Thứ hai - 26/02/2007 15:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 26-2-2007, trong phiên họp của Quốc hội Hungary, trước khi đi vào chương trình nghị sự, Chủ tịch Quốc hội Szili Katalin đã có một bài phát biểu tưởng niệm những nạn nhân của các thể chế độc tài cộng sản. Ngày hôm trước, với mục đích tương tự (nhưng kèm theo một dụng ý là phê phán chính phủ hiện tại), đảng FIDESZ cũng tổ chức một lễ kỷ niệm lớn tại Nhà Khủng bố (Terror Háza), viện bảo tàng trưng bày những hiện vật và hình ảnh về các thể chế độc tài thế kỷ trước, nằm trên đại lộ Andrássy.
Ngày 25-2, được Quốc hội Cộng hòa Hungary - với phán quyết 58/2000. (VI. 16.) thông qua ngày 13-6-2000 - coi là Ngày tưởng niệm các nạn nhân của các thể chế độc tài cộng sản. Ðó là ngày mà cách đây tròn 60 năm, ông Kovács Béla (1908 - 1959), dân biểu Quốc hội Hung thời đó, Tổng thư ký Đảng Tiểu chủ Độc lập (FKGP) đã bị bắt bớ một cách phi pháp và đưa sang đày ải tại Liên Xô.
Sự kiện này đánh dấu việc Đảng Cộng sản Hungary (MKP) - dựa vào hậu thuẫn là Điện Kremlin - chuẩn bị thanh toán các chính đảng khác để cướp chính quyền và giành quyền độc tôn tại Hung. Nó cũng làm “mở mắt” rất nhiều chính khách Hung, khi ấy còn tin tưởng rằng hệ thống chính trị Hung sẽ theo con đường dân chủ. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Hungary - với quyết tâm “độc quyền chính trị” bằng mọi giá, kể cả (và thường dựa vào) những phương tiện phi pháp - không chấp nhận được con đường dân chủ ấy.
Việc bắt bớ ông Kovács Béla năm 1947 là một phần của chiến dịch đàn áp các nhân vật chính trị giữ một khoảng cách nhất định với Đảng Cộng sản (Hungary, sau Thế chiến thứ hai, vẫn tiếp tục duy trì thể chế đa đảng trong vòng 3 năm). Lý do của việc bắt giữ ông - “chống chế độ Xô-viết”, “gián điệp”… - cũng là lý do thường xuyên được đưa ra trong các phiên tòa ngụy tạo ở Liên Xô (thập niên 30) và các nước XHCN Đông Âu (cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 thế kỷ trước).
Ông Göncz Árpád, Tổng thống Cộng hòa Hungary tự do trong 2 nhiệm kỳ đầu (1990-2000), từng tham gia cách mạng 1956, đã đánh giá trang trọng về ông Kocvács Béla: “Thời đó, Kovács Béla là người đã nêu tấm gương sáng về nhân phẩm và đạo đức, và trong ông, tiềm ẩn khả năng để trở thành một vị nguyên thủ quốc gia”.
Ngày 25-2-2002, nhân 55 năm ngày ông Kovács Béla bị bắt giam rồi đày ải với những lời buộc tội ngụy tạo, bức tượng đồng ghi khắc hình ảnh ông đã được dựng ngay trước Nhà Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng của Hungary, nhìn ra sông Danube (Duna).