Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGÀY MAI ANH LÊN ĐƯỜNG…

(NCTG) Cứ mỗi dịp xuân đến, cả nước kỷ niệm ngày 17-2, ngày Trung Quốc xua quân xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc là bài hát “Ngày mai anh lên đường” lại văng vẳng trong tai, kéo tôi trở lại với kỷ niệm một thời đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Tác giả thời gian trong quân ngũ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi còn nhớ hôm đó cả nhà tôi đang quây quần trong bữa ăn sáng đạm bạc, bỗng loa truyền thanh vang lên tiếng đanh, sắc, gọn của phát thanh viên Tuyết Mai: “Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm giờ sáng hôm nay, thứ Bảy ngày 17-2-1979 Trung Quốc đã bất ngờ xua sáu mươi vạn quân, mở cuộc tấn công xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc…”

Tôi nghẹn đắng lòng, bàng hoàng không tin điều đó là sự thật mặc dù đã biết quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng trước đó. Cả nước sục sôi bước vào một cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu của lòng tự trọng dân tộc, của lòng yêu nước, nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội của tôi được lệnh thành lập một trung đoàn sinh viên mang tên Nguyễn Huệ. Ngay sau đó trung đoàn Nguyễn Huệ chúng tôi hành quân gấp lên tỉnh Hà Bắc, cùng các trung đoàn sinh viên các trường đại học và cơ quan dân, chính, đảng khác đào giao thông hào trên những triền đồi bên dòng sông Cầu của liền anh liền chị quan họ để lập nên hệ thống phòng thủ. Sau một tháng, Phòng tuyến Sông Cầu hoàn thành.

Con sông Như Nguyệt (*) nơi gần một nghìn năm trước, Lý Thường Kiệt đã ngạo nghễ đọc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta trước quân xâm lược nhà Tống: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư…”. Sông Cầu, gần một nghìn năm sau, hệ thống phòng thủ như những con lươn, con rắn đỏ quạch bò nhằng nhịt trên những triền đồi nối tiếp nhau bên hữu ngạn sẵn sàng ngăn bước chân quân xâm lược Trung Quốc vào thủ đô Hà Nội.

Một năm sau đó, khi đã tốt nghiệp đại học, tôi nhận được lệnh tổng động viên. Nói không hề lên gân, lúc đó tuổi trẻ chúng tôi sục sôi tinh thần chống giặc ngoại xâm. Lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc được đánh thức khiến chúng tôi không còn biết đến sợ chết. Nhiều thanh niên, sinh viên trong đó có tôi đã từng chích máu viết huyết tâm thư xin gia nhập bộ đội.

Tôi được biên chế vào đại đội một, tiểu đoàn một, trung đoàn 786, sư đoàn 321, Quân khu Thủ đô để huấn luyện trước khi đưa lên biên giới. Ba tháng huấn luyện tân binh là quãng thời gian tôi không thể quên. Ngày đó trải qua các cuộc chiến tranh liên miên, hết với Mỹ, đang với Campuchia và bắt đầu với Trung Quốc, nước ta nghèo lắm, quân đội ta chịu chung số phận với dân tộc nên cũng nghèo lắm, thậm chí còn đói ăn nữa. Những bữa ăn của chúng tôi chỉ là hai lưng bát cơm, hoặc một bát cơm với một cái “nắp hầm” là cục bột mì nặn dẹt như nắp hầm tăng-xê luộc lên.

Thức ăn thì đến rau còn thiếu nói gì đến thịt cá. Nước chấm là gạo rang cháy hòa với muối… Các công thức ăn của bọn lính chúng tôi thời đó là đầy – vơi – đầy hoặc nhanh – nhanh – chậm, có thế mới không bị đói. Mỗi bữa cơm chúng tôi chỉ ăn vỏn vẹn trong vòng bốn phút. Không phải không có thời gian mà vì nếu ăn chậm sẽ đói nên chúng tôi phải đua nhau ăn thật nhanh.

Tôi còn nhớ, hồi đó lính được phát mỗi năm hai bộ quần áo may bằng thứ vải kaki Dệt Vĩnh Phú hay Dệt Nam Định bở bùng bục, mặc chỉ một năm là rách như tổ đỉa. Thế mà lính vẫn phải đem quần áo đi bán để có tiền ăn thêm cho đỡ đói. Thời bấy giờ ở các tỉnh phía Bắc, toàn dân mặc quần áo lính nên bán chác trao đổi quân trang rất dễ dàng. Tôi cũng thế, không khác các đồng đội của mình. Tôi thường xuyên chỉ có hai bộ quần áo, còn lại vừa lĩnh được quân trang, mỗi lần về phép tôi lại mang ra đường Nam Bộ (phố Lê Duẩn bây giờ) Hà Nội để bán.

Thời đó nghiện thuốc lá, không có tiền mua, nên nhiều lúc tôi phải chuyển sang hút thuốc lào. Phải công nhận là lính chúng tôi rất thương nhau. Một điếu thuốc có thể chuyền tay, năm sáu đứa hút chung. Hút đến bỏng tay, chúng tôi bảo nhau vứt mẩu thuốc hút dở vào góc nhà. Khi hết thuốc, lên cơn thèm vật vã chúng tôi tìm lại đầu mẩu, xé ra cho vào giấy báo cuốn lại để hút, khai mù.

Đói thế, khổ thế nhưng anh em chúng tôi đứa nào đứa nấy đều cường tráng, khỏe mạnh, chắc do chế độ luyện tập cộng thêm sức trẻ. Trước khi vào bộ đội, tôi không nghĩ trai thành phố như mình có thể gánh một hơi hàng trăm thùng nước đổ đầy bể, cuốc một buổi được hai sào vườn. Khi đào ao thả cá giúp dân, tôi vác được những viên đất sét to bằng thùng lương khô, chạy băng băng.

Suốt ngày suốt đêm, lúc nào chúng tôi cũng thường trực trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hết báo động ngày, lại đến báo động đêm. Hễ lúc nào nghe tiếng còi của trung đội trưởng, đại đội trưởng, bọn lính chúng tôi phải tập hợp đội ngũ được ngay. Lo bị kỷ luật vì không kịp chạy vào đội hình mỗi khi báo động, tôi phải để nguyên cả bộ quần áo trên người thậm chí không cả tháo giày trong lúc ngủ. Đang đêm nghe lệnh báo động, chúng tôi phải khẩn trương lao ra sân tập hợp rồi hành quân đi bộ cả chục cây số. Gặp gì vượt nấy, không được rẽ, không được lùi.

Có những lần giữa đêm đông rét căm căm mươi, mười hai độ, trên đường đi đại đội trưởng bắt phải lội qua ao. Nhiều lính ngần ngừ, trong đó có tôi. Nhưng khi nghe lệnh phạt kỷ luật bị phơi nắng giữa trưa hoặc cuốc vài sào vườn, chúng tôi cắn răng ào cả xuống. Thế mà chẳng đứa nào bị làm sao, ho cũng không, cảm cũng không. Phải công nhận rằng được rèn luyện, lính ta tuy đói ăn nhưng rất khỏe và kiên cường.

Chế độ tập cực kỳ vất vả nên bọn lính chúng tôi rất thích được sinh hoạt chính trị vào ban đêm trên sân kho hợp tác xã. Những lúc đó ngoài việc ngồi nghe chính trị viên đại đội phổ biến nhiệm vụ, “lên dây cót” tinh thần và “quán triệt” tư tưởng, chúng tôi được ngồi theo đội ngũ hát tập thể các bài hát truyền thống của quân đội như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Vì nhân dân quên mình”…

Tôi vẫn còn nhớ như in khi hát “Vì nhân dân quên mình”, đến câu “Được dân mến, được dân tin muôn phần” chúng tôi đồng thanh hô “phần thì phần”, hoặc hát đến câu “Toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành” chúng tôi lại đồng thanh hô “hành thì hành”. Chỉ huy không thể phạt cùng lúc từng đó con người nên chỉ biết cười theo méo mó.

Nhưng vui nhất vẫn là sau khi kết thúc buổi học chính trị, bọn lính chúng tôi quây quần bên nhau dưới ánh trăng. Một đứa vừa đập tay vào hộp gỗ theo nhịp, vừa gảy đàn ghi ta, đệm cho cả đám lính hát những bài tình ca lãng mạn thời bấy giờ như “Chiều biên giới”, “Ngày mai anh lên đường”… Cả trung đoàn huấn luyện của chúng tôi toàn lính người Hà Nội nên “Ngày mai anh lên đường” được chúng tôi hát đi hát lại nhiều nhất vào tất cả các dịp có thể. Bài hát đó đã đi vào lòng những người lính thủ đô chúng tôi thời chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược như một ký ức không thể nào quên.

“Ngày mai anh lên đường” thời bấy giờ có vị trí đặc biệt không chỉ với những người lính chiến nơi tiền tuyến mà còn với nhiều cô gái hậu phương. Một trong số đó là nữ bí thư chi đoàn thanh niên nơi đơn vị của tôi đóng quân sau này. Trong các buổi giao lưu giữa bộ đội và đoàn thanh niên địa phương, cô thôn nữ duyên dáng, có giọng hát mượt mà đó thường hát “Ngày mai anh lên đường” tặng những người lính đại đội tôi, nhất là tặng cho người yêu chính là trung đội trưởng của tôi. Sau này khi đã giải ngũ, qua một đồng đội cũ, tôi được biết anh ấy ấy đã hi sinh trong trận đánh giành lại một cao điểm tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984.

Sau thời gian huấn luyện, cả trung đoàn chúng tôi được chở lên biên giới biên chế vào các đơn vị chiến đấu. Có lẽ vì tôi đã tốt nghiệp đại học lại là dân thống kê nên được điều về làm quân lực cho trung đoàn bộ, rồi quân khu bộ. Tôi không được trực tiếp tham gia trận đánh nào. Sau này và cho mãi đến bây giờ tôi chưa có dịp được gặp lại những đồng đội năm xưa của mình, nên ai còn, ai mất tôi không được biết. Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người lính chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam, dù là đồng đội của tôi hay không.

Năm 1988, tôi lên đường đi du học tại Ba Lan khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (1979-1989) còn chưa kết thúc. Đến nay tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và tên tôi trong sổ của Quận đội Ba Đình – Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Nội ngày ấy có lẽ vẫn còn. Dù chỉ còn trong danh sách dự bị động viên, nhưng tôi vẫn luôn coi mình như một người lính của đất nước Việt Nam trước họa xâm lăng của kẻ thù.

(*) Như Nguyệt là tên cũ của sông Cầu dưới thời Lý, đoạn từ ngã ba Xà, xã Tam Giang, huyện Yên Phong đến Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương – theo “Bắc Ninh Online”.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Quân, từ Warszawa, Ba Lan