Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGÀY CHIẾN THẮNG

(NCTG) Sự đầu hàng của nước Đức quốc xã diễn ra trong ba ngày, từ mùng 6 đến mùng 9-5-1945. Chính thức, châu Âu có hai ngày Chiến thắng. Rạng sáng ngày 7-5-1945, quân đội Đức đã hạ vũ khí trước Phương Tây, đại diện là Eisenhower; 48 giờ sau đó, dưới áp lực của Stalin, họ lặp lại điều đó trước Nguyên soái Zhukov. Riêng thực tế này đã cho thấy kết thúc của Thế chiến thứ hai ở châu Âu cũng đồng thời là khởi đầu của cuộc Chiến tranh lạnh tại Lục địa già.

Tưởng niệm các nạn nhân độc tài phát-xít tại Hungary - Ảnh: Szabó Bernadett ("Tự do Nhân dân")

Câu hỏi "ai thắng ai?" tưởng chừng đã được lịch sử trả lời rõ ràng ngay từ thời điểm ấy (và trong tương lai, cũng vậy): đó là thắng lợi của phe Đồng minh chống phát-xít trước ý tưởng khủng bố - độc tài hóa thế giới của khối Đức - Ý - Nhật. Điều này có một ý nghĩa trọng đại, chẳng những trên phương diện lịch sử, mà còn đối với từng cá nhân và các thế hệ tiếp nối, theo đúng nghĩa đen của từ này. Đó là chiến thắng của tất cả mọi người, cho dù kẻ đó là công dân của quốc gia thắng hay bại. Điều này vẫn đúng mặc dù chúng ta đã phải chờ đến thời điểm 1991, khi cuộc Thế chiến thứ hai hoàn toàn chấm dứt ở châu Âu với sự sụp đổ của đế chế Xô-viết và sự vùng lên của những quốc gia từng là "vệ tinh" của Liên Xô. (Thế chiến thứ nhất vẫn đang tiếp tục ở vùng Balkans và Cận Đông, nhưng đó là chuyện khác.)

Đó là một chiến thắng đầy máu và nước mắt, một chiến thắng phải trả bằng giá rất cao: 110 triệu binh lính đụng độ nhau và hơn 50 triệu người đã bỏ mạng. 60 quốc gia trên thế giới - một phần ba dân số địa cầu - đã sa lầy vào cuộc chiến khủng khiếp, được cơ giới hóa và toàn diện hóa, khi hậu phương cũng bị biến thành tiền tuyến. Phải nói rằng chỉ riêng việc chấm dứt họa diệt chủng, tàn phá, cũng đã là một chiến thắng lớn.

Nhưng mọi câu hỏi khác không còn đơn giản như thế. Trong Thế chiến thứ hai, tại tất cả các quốc gia ở châu Âu, luôn có những nhóm đề kháng và những kẻ cộng tác với quân thù; nhiều người - cá nhân và nhà nước - đã trải qua cuộc chiến ở cả hai phía. Sở dĩ đã có hai ngày Chiến thắng, vì Chiến thắng của Phương Tây khác với Chiến thắng của Liên Xô. Chẳng hạn, hai ngày này khác nhau đến nỗi sau khi trở thành một quốc gia độc lập, từ năm 1994 trở đi, Slovakia không kỷ niệm ngày Chiến thắng của Liên Xô, mà tung hô ngày Chiến thắng Phương Tây. Dân Serbia và Croatia còn chẳng biết họ thắng khi nào, mặc dù họ là kẻ chiến thắng; người Bulgaria và Romania thì thấy tốt hơn cả là chớ gạn hỏi, mặc dù họ cũng chiến thắng, trên tư cách những kẻ bại trận. Đó là chưa nói đến Phần Lan và các nước Baltic: chả hiểu đối với họ, người Nga có tốt hơn người Đức?

Và có thể nói, điều này là không đáng kể so với một thực tế khó phủ nhận: người Đức và người Nhật, dù bại trận, đã chiến thắng trong những năm tháng hòa bình nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào từng đánh bại họ trong cuộc Thế chiến. Cũng như người Ý, những kẻ được phe Đồng minh chuyển từ bại sang thắng ngay trong chiến tranh...

Vấn đề không chỉ là Chiến thắng đã diễn ra vào thời điểm nào. Còn phải xét đến chuyện "ai thắng ai?" và "thắng ở chừng mực nào?" Thoát khỏi sự kìm kẹp của Đức và Ý, Phi châu lại rơi vào nanh vuốt của Anh và Pháp, Đông Âu vào tay Liên Xô, cũng như Á châu đã "thoát hiểm" phát-xít Nhật để lại sa vào những cuộc chiến kinh hoàng khác. Và ngay lập tức, tại cả hai châu lục, bộ máy chiến tranh Liên Xô - Hoa Kỳ được vận hành hết tốc lực để ganh đua và tranh giành ảnh hưởng. Rồi biết bao cuộc chiến lớn, nhỏ, những "thắng lợi" đầy rẫy ở mọi nơi, mọi chỗ, cho đến tận ngày hôm nay.

Ngần ấy lời về "thắng" và "bại"...

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo báo Hung