NAM CHỦ NHÂN CỦA NỤ HÔN HUYỀN THOẠI QUA ĐỜI
- Thứ bảy - 15/03/2014 22:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Glenn McDuffie, chàng thủy thủ trong tấm ảnh nổi tiếng “Nụ hôn trên Quảng trường Thời đại” (The Kiss at Times Square) của phóng viên ảnh Alfred Eisenstaedt vừa từ trần tại tư gia ở Dallas, theo tin của tờ “Telegraph”.
Nụ hôn trên Quảng trường Thời đại - Ảnh: Alfred Eisenstaedt
Được coi là một trong những nụ hôn lãng mạn nhất của lịch sử nhân loại, “Nụ hôn trên Quảng trường Thời đại” diễn ra vào ngày 14-8-1945 giữa cô y tá Edith Shain (qua đời năm 2010, thọ 91 tuổi) và chàng thủy thủ Glenn McDuffie, đúng vào lúc đám đông đang tưng bừng mừng vui trước chiến thắng của Đồng minh trước phát-xít Nhật tại Times Square (New York).
Khoảnh khắc tuyệt vời này đã được ghi lại một cách tài tình, và xuất hiện lần đầu trên tạp chí “LIFE” sau đó một tuần, trở thành một trong những tấm ảnh nổi tiếng và đáng nhớ nhất của Đệ nhị Thế chiến, biểu tượng của hòa bình và niềm vui sum họp. Điều thú vị là trong khi “nhân vật nữ” của tấm ảnh huyền thoại này đã được xác định từ năm 1979, thì danh tính của McDuffie mới chỉ được khẳng định vài năm gần đây.
Trong chiến tranh, McDuffie là lính bộ binh trong binh chủng Hải quân Mỹ. Trong khi chuyển tàu tại New York, ông được biết tin Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh, và người anh em của ông cũng trở về từ trại tù của phát-xít Nhật. “Hạnh phúc quá chừng, tôi nhào ra phố. Khi nhìn thấy cô y tá mỉm cười, tôi lập tức lao đến và hôn cô ấy. Chúng tôi không hề nói với nhau một câu nào”, McDuffie thuật lại.
Sau nụ hôn đi vào lịch sử, McDuffie sang đường, xuống tàu điện ngầm và đi tiếp về hướng Brooklyn. Giải ngũ xong, ông chơi bóng chầy một thời gian, rồi làm nghề bưu tá. Ông có ba người vợ và sống tại Houston trước khi chuyển về Dallas.
Còn được biết đến với cái tên “Ngày chiến thắng Nhật tại Quảng trường Thời đại” (Victory over Japan day in Times Square), tấm ảnh “Nụ hôn ở quảng trường Thời đại” từng được tạp chí “Mental Floss” bình chọn là một trong mười hai bức ảnh làm thay đổi thế giới, và là bức ảnh đơn được sử dụng nhiều nhất trên báo chí, sách vở.