Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Mikhail Gorbachev 80 tuổi (2): TẠI SAO NƯỚC NGA THÙ GHÉT GORBACHEV?

(NCTG) Ban lãnh đạo Moscow - mà Mikhail Gorbachev hay phê phán một cách lịch thiệp, nhưng cương quyết - trong thực tế đã không để tâm tới vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô, người cha của quá trình cải tổ (perestroika) và công khai (glasnost).
Xem Phần 1 của bài viết.
 

Tính chính thống của Gorbachev đã bị tước và trao lại cho người kế nhiệm, tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin - do đó, ngày sinh của Yeltsin cách đây ít ngày đã được nước Nga kỷ niệm rầm rộ, nhưng sinh nhật lần thứ 80 của Gorbachev thì khá lặng lẽ.

Tuy nhiên, trong dịp này, phe đối lập theo xu hướng tự do của Nga đã bày tỏ sự trân trọng và biết ơn sâu sắc đối với Gorbachev, kèm chút mặc cảm tội lỗi vì thời trước, họ đã không hiểu và không ủng hộ đúng mức ông.

Còn đa số cư dân Nga thì phải nói là thù ghét Gorbachev, vì họ coi ông là người khai tử đế chế Liên Xô, khiến 48% cư dân và 22% diện tích Liên bang Xô-viết hiện không còn thuộc Nga. Chiến dịch cấm rượu của Gorbachev - theo các ước tính ngày nay đã cứu vãn cuộc đời nhiều triệu cư dân - cũng khó được người dân tha thứ.

Tờ “Báo Mới” (Novaya Gazeta) theo xu hướng đối lập tự do cho rằng trong thế kỷ XX, có rất nhiều chính khách đáng kể có khả năng biến đổi số phận của đất nước mình trong khoảnh khắc cần thiết, nhưng Mikhail Gorbachev là người duy nhất đã thay đổi trật tự thế giới và ấn định nó trong một thời gian dài. Đồng thời, ông cũng là người, đồng thời, có khả năng “tháo dỡ” thể chế cũ và dựng xây cái mới.

Không thể phủ nhận được công lao của Gorbachev trong việc khởi đầu đối thoại Nga - Mỹ về giảm trừ vũ khí hạt nhân và kết quả là các hiệp định giảm trừ. Trong tình cảnh Liên Xô đã từ lâu bất lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Phương Tây, Gorbachev đã tự chấp nhận sự giảm trừ quân bị - các nhà phân tích cho rằng ở vào vị trí của ông, nhiều nhà lãnh đạo Xô-viết khác đã có thể dùng con bài hạt nhân để dọa dẫm và bắt bí thế giới trong nhiều năm.

Cũng rõ ràng là nhờ Gorbachev mà vùng Đông Âu thoát khỏi “vòng tay đồng chí” của điện Kremlin: vào thời điểm 1989-1990, không ít chính khách ở Tiệp Khắc, Ba Lan, CHDC Đức và có lẽ cả ở Hungary hy vọng rằng Moscow sẽ ra tay hành động vì “tình đoàn kết anh em”, nhưng Gorbachev đã quả quyết khước từ khả năng đó.

Như nhận định của “Báo Mới”, “nhờ một con ngưòi duy nhất - Mikhail Gorbachev - mà cả hệ thống cộng sản phải sụp đổ - với biến cố đó, Chiến tranh lạnh chấm dứt, hai hệ thống thế giới không còn sự đối đầu và tất cả những điều này đã diễn ra một cách hòa bình”.

Theo các nhà bình luận, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga - Xô-viết, có một vị nguyên thủ quốc gia đã vượt qua bộ máy trì trệ và tê liệt để đến trực tiếp với cư dân và xét về tổng thể, Gorbachev đã hành động mà chưa hề có trải nghiệm lịch sử, cho dù ông phải ý thức được rằng sự cải tổ thể chế Xô-viết không hề là một chính sách có thể củng cố quyền lực của ông mà thậm chí, nó còn đi kèm với những mạo hiểm khổng lồ.

Rất nhiều nhà phân tích Nga cho rằng nếu đi theo con đường của Gorbachev, nước Nga đã từ lâu được hưởng một nền dân chủ và tiến theo con đường gập ghềnh dẫn đến sự thịnh vượng.

Một thực tế là sau khi Liên Xô sụp đổ và Đảng Cộng sản bị giải thể, rất nhiều người không tìm được vị trí của mình trong thế giới mới. Rất nhiều người không tận dụng được sự tự do đến bất ngờ và các dấu hiệu cho thấy đến nay họ cũng không có nhu cầu cấp bách lắm đối với sự tự do ấy.

Còn giới trí thức - giai tầng luôn đói tự do - trong một thời gian dài luôn tin tưởng rằng họ có phần trong quá trình cải tổ và thường xuyên phê phán rằng Gorbachev trì hoãn quá trình đó. Chỉ về sau, họ mới vỡ ra rằng nếu Gorbachev không làm như thế, thì điều gì sẽ xảy ra.

Gorbachev đã mở đường để dẫn Liên Xô tới một nền chính trị dân chủ và đa nguyên thực sự, nhưng sau đó đất nước ông lại trở về với thứ quyền lực nằm trong tay một cá nhân và với tâm thức của một đế chế. Nghĩa là, hiện tại, nếu muốn có bất cứ thay đổi gì ở nước Nga, cần khởi đầu như Gorbachev đã làm, và câu hỏi lại được đặt ra là cải cách hay là phá hủy.

Điều đáng nói là Gorbachev đã tạo nên tiền lệ lịch sử trên rất nhiều khía cạnh. Ông từ chức và rời điện Kremlin theo cách mà không một lãnh tụ Liên Xô nào trước ông làm nổi: không bấu víu quyền lực và không tìm cách chỉ định người kế nghiệp. Gorbachev cho thấy, vẫn có thể tồn tại ngay tại tổ quốc của mình sau khi đã từ giã quyền lực.

Trong đời tư, Gorbachev đã hoàn toàn phá bỏ được bức tường mà trước đó quyền lực đã ngăn trở ông với cuộc sống bình thường: ông tham gia đóng các đoạn phim quảng cáo, thậm chí còn thủ một vai trong bộ phim truyện của đạo diễn Đức Wim Wenders để chuyển khoản thù lao khá lớn cho quỹ Raissa - được vô ông lập ra để hỗ trợ trẻ em bị ung thư. Vị cựu tổng thống còn thu đĩa “Những bài ca tặng Raissa” với những bản tình ca Nga.

Gorbachev không từ bỏ hoàn toàn chính trị: một lần, ông còn ra tranh cử tổng thống, nhưng chỉ nhận được chưa đầy 1% số phiếu bầu. Tuy nhiên, ông chấp nhận thực tế đó, không trách móc, không kêu ca, ngược lại, trong các bài trả lời phỏng vấn, ông còn nhắc lại tình tiết ấy một cách vui vẻ. Quả là một nhân vật bi thảm: chính làn sóng do Gorbachev khởi động đã cuốn ông khỏi vũ đài chính trị và quyền lực, và trong khi toàn thể giới nghĩ đến ông với lòng tôn kính, ở chính quê hương mình, ông bị coi là kẻ phá hoại.

Một điều chắc chắn: Gorbachev đã đi vào lịch sử như một trong những con người đã làm thay đổi thế giới...

Tác giả bài viết: Trần Lê