Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Mikhail Gorbachev 80 tuổi (1): PHÁC THẢO MỘT SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ

(NCTG) Chỉ cách nhau ít ngày, thế giới liên tục kỷ niệm ngày sinh của hai nhân vật được coi là những kẻ “đào mồ CNCS”: Ronald Reagan (1911-2004) và Mikhail Gorbachev (1931-). Riêng đối với Gorbachev, nhân sinh nhật lần thứ 80 của ông, có thể bình tâm nhìn lại để trả lời những câu hỏi: thế giới cần biết ơn ông vì điều gì? Tại sao người Nga lại thù ghét ông đến thế?

Dân Nga hiện nay không yêu quý Gorbachev và không biết tôn trọng Yeltsin. Do đó, Putin mới có thể cầm lái nước Nga. Dân nào thì chính phủ như thế” - đó là ý kiến của Andrei Kolesnikov, ký giả tờ “Báo mới” (Novaya Gazeta). Không chỉ ông, mà nhiều nhà báo Nga khác cũng cảm thấy quan trọng khi cầm bút viết về người cha của “cải tổ” (perestroika), nhân 80 năm ngày sinh của ông.

Về căn bản, dân Nga ít quan tâm tới Mikhail Gorbachev và sinh nhật ông, tuy nhiên, đây vẫn là dịp khiến giới trí thức Nga có thể “động não” khi đề cập với một nhân vật tầm cỡ. Cuộc đua ở đây dĩ nhiên không phải như ở Phương Tây, nơi một câu hỏi hay được đặt ra: Ronald Reagan - hay một cán bộ đảng trẻ hơn vị tổng thống Mỹ tròn hai thập niên – đã là người đã làm tan rã CNXH ở Nga và Đông Âu?

Ở Nga, người ta thường so sánh Gorbachev với Boris Yeltsin, nhất là vì ngày 1-2 mới đây cũng là kỷ niệm 80 năm ngày sinh Yeltsin. Ai là người chiến thắng trong cuộc đua này, tùy theo quan niệm chính trị của mỗi người. “Hiện tại, ngày càng phổ biến quan niệm cho rằng Gorbachev đã đưa vào thực hiện những cải cách thực sự, cũng như đã mang lại bầu không khí tự do, rồi Yeltsin xuất hiện và phá tan tất cả với sự đam mê quyền lực và hám danh của ông ta” - thủ lĩnh phong trào Sự lựa chọn Dân chủ Vladimir Milov nhận xét.

Một thực tế là mặc dù cả hai vị cựu lãnh tụ này đều không được ưa chuộng mấy ở Nga, nhưng dường như dân Nga tha thứ hơn cho Gorbachev - so với người đồng chí, về sau là địch thủ kịch liệt của ông - về những năm tháng rối loạn khi họ “trị vì” tại cường quốc này. Tuy nhiên, cả hai đều không được người Nga yêu mến. Vẫn theo lời ký giả Kolesnikov: “Gorbachev đã thay đổi hoàn toàn tấm bản đồ thế giới. Sự biến đổi về địa chính trị bây giờ mới tới điểm dừng - quá trình cải tổ giờ mới kết thúc. Cả thế giới kính trọng ông vì những thay đổi này - cả thế giới, ngoại trừ dân Nga”.

Dầu sao đi nữa, Mikhail Gorbachev cũng năng tìm cách để được cảm thông hơn: ông trả lời nếu được hỏi, hoặc đôi khi cả lúc không bị hỏi. Những quan điểm thức thời của ông không chỉ được Phương Tây thích thú, mà còn thu hút sự để tâm của giới truyền thông theo xu hướng tự do của Nga, trong khi giới này có khá nhiều ác cảm với cặp đôi Vladimir Putin - Dmitry Medvedev.

Chả lẽ người khác không thể tranh cử hay sao? Tôi nghĩ Vladimir Putin quá thiếu khiêm nhường khi ông ta nói rằng, “nào, tôi sẽ ngồi bàn bạc với Dmitry Medvedev, xem ai sẽ ra tranh cử năm 2012”. Tôi coi đây là sự tự mãn đáng kinh ngạc!” - Gorbachev bày tỏ. Và ông cũng đưa ra được một so sánh thú vị: “Đảng (cầm quyền) Nước Nga Thống Nhất hệt như một bản sao của Đảng Cộng sản Liên Xô xưa!”.

Lúc cần, Gorbachev cũng có thể đồng tình, nhất trí, thậm chí hoàn toàn ủng hộ với chính đảng của Putin, chẳng hạn khi một số đại diện của đảng này đề xuất đưa thi thể Lenin khỏi lăng. Ông còn nói được nhưng lời trang trọng về Boris Yeltsin, địch thủ một thời: “Boris có vị trí và vai trò của ông ấy trong lịch sử. Không dễ dàng cho điểm về sự nghiệp của ông ấy, nhưng vào những khoảnh khắc xuất chúng nhất của mình, không thể nghi ngờ là ông đã có những hành động xuất chúng, cả về chính trị và đạo đức. Cần đánh giá điều đó!”.

Trong dịp sinh nhật của mình, Boris Yeltsin đã được tạc tượng ở thành phố quê hương Yekaterinburg: Tổng thống Medvedev cũng hiện diện trong lễ khánh thành tượng. Gorbachev thì chưa có, nhưng có lẽ chỉ vì sức khỏe ông còn tốt. Có điều, nhân dịp này, hãy thử xem, con đường nào đã đưa Gorbachev từ ngôi làng nhỏ Privolnoye đến điện Kremlin và sau đó, đến mốc sinh nhật 80 tuổi, tổ chức tại Royal Albert Hall (Anh Quốc) trong một buổi hòa nhạc từ thiện với sự tham dự của vô số chính khách cùng các ngôi sao nhạc cổ điển và nhạc Pop.

Gorbachev sinh ngày 2-3-1931 trong một gia đình nông dân, thân phụ là người Nga, thân mẫu người Ukraine. Ông của Gorbachev bị bắt giam năm 1937 với lời cáo buộc “theo chủ nghĩa Trotskyism”, nhưng rồi sống sót và được thả sau 1 năm. Làm việc giúp gia đình trong hợp tác xã từ năm 15 tuổi, đến năm 17 tuổi, Gorbachev được Huy chương Lao động Cờ Đỏ vì thành tích lao động đạt năng suất cao. Nhờ phần thưởng này, năm 1950, ông được nhận vào học Khoa Luật Đại học Tổng hợp Lomonosov (Moscow) mà không phải thông qua thi cử.

Gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1952, năm 1955, ông tốt nghiệp đại học và khởi nghiệp chính trị trên tư cách một cán bộ đảng - đoàn tích cực tại Stavropol. Năm 1970, khi chưa đầy 40 tuổi, ông đã được cắt cử làm Bí thư thứ nhất tại đây. Năm 1973, Gorbachev nhận được lời mời quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp chính trị - giữ chức Trưởng phòng Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô -, nhưng rốt cục ông đã không nhận. Thay vào đó, ông trở thành Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư thứ nhất phụ trách nông nghiệp, rồi đại biểu Xô-viết Tối cao (Quốc hội Liên Xô).

Tương truyền, Gorbachev từng muốn trở thành Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Liên Xô, nhưng ông đã bị ngăn cản. Dường như ông cũng đã có thể giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) như người đỡ đầu của ông, Yury Andropov, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô thời hậu Brezhnev và tiền Chernenko - một thực tế là Andropov đã tạo điều kiện để Gorbachev chuyển lên Moscow và giữ những cương vị ngày càng quan trọng trong Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Tuy nhiên, để lên được ngôi vị cao nhất mà một người cộng sản có thể mơ ước - trở thành “ông chủ” điện Kremlin - Gorbachev còn cần đến cả vận may, khi cả hai bậc “tiền bối” của ông đều không trụ nổi trên cương vị Tổng bí thư quá một năm. Tháng 3-1985, Gorbachev “lên ngôi” khi còn tương đối trẻ và sau một khoảng thời gian chuẩn bị không dài, cuối tháng 2-1986, tại kỳ Đại hội đảng, ông tung ra chính sách “cải tổ” (perestroika) và “công khai” (glasnost) nhằm cải đổi tận gốc rễ Liên bang Xô-viết về kinh tế và chính trị.

Dưới “triều đại” của Gorbachev, Liên Xô tiến đến thể chế đa đảng, tiến trình dân chủ hóa được khởi động, sự trực diện khá triệt để và nhiều mặt với quá khứ được tiến hành trong xã hội. Tình trạng tự do ngôn luận, tự do báo chí - trong đó, có quyền tự do chỉ trích chính quyền - được cải thiện và nới rộng. Trong nỗ lực cải tổ thể chế chính trị, Liên Xô đưa vào thực thi định chế tổng thống và trung tuần tháng 3-1990, Gorbachev được bầu làm tổng thống đầu tiên, và cũng là cuối cùng của Liên bang Xô-viết.

Cuối thập niên 80, những biến động ở Liên Xô trở nên phức tạp, dồn dập và khó kiểm soát hơn, cho đến khi nó dần dần tuột khỏi tay vị tổng bí thư. Gorbachev không có ý muốn giải tán khối XHCN Đông Âu, đây là điều không thể nghi ngờ - nhưng không rõ là đến khi nào trên con đường cải tổ, ông mới nhận ra rằng CNCS hiện thực là không thể cải biến vì nó đã cáo chung.

Cho dù không cố gắng duy trì Đông Âu bằng mọi giá, nhưng ban đầu Gorbachev đã không hề muốn “thả nổi” các nước Cộng hòa Xô-viết. Tháng 12-1986, ông cho đàn áp những cuộc biểu tình của dân Kazaks, rồi sử dụng bạo lực tại Baku, Tbilisi và vùng Baltic, nhưng đến đầu thập niên 90, Gorbachev cũng phải nhìn nhận ra rằng không chỉ khối XHCN Đông Âu đã tan rã, mà chẳng mấy chốc Liên Xô cũng sẽ chẳng còn là Liên Xô nữa. Khi ấy, ông đã là chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình.

Phương Tây có đưa ra một lời lý giải (được đại chúng chấp nhận) cho thất bại của Gorbachev, theo đó, với nền kinh tế èo uột không thể cải biến nổi, Liên Xô đã đại bại trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, được Reagan gia tăng đến cực điểm với chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”. Tất nhiên, có một phần đáng kể sự thật trong khẳng định đó.

Năm 1985, Gorbachev cho rằng nền kinh tế Xô-viết bị sa lầy và cần tái tổ chức, nhưng trong quá trình “tăng tốc” (uskoreniye), những khoản nợ quốc gia của Liên Xô tăng từ 31,3 tỉ USD lên 70,3 tỉ (năm 1991). Lượng vàng dự trữ giảm từ 2.500 tấn (năm 1985) xuống còn 240 tấn (năm 1991). Tổng sản phẩm nội địa GDP tăng 2,3% vào năm 1985, nhưng giảm 11% năm 1991. Năm 1985, theo tỉ giá hối đoái chính thức, 1 USD “ăn” 0,64 rúp - nhưng đến năm 1991, con số này là 90 rúp!

Nhưng trong thất bại của Gorbachev, còn có một điểm chính yếu khác, ấy là nồi áp suất khi đã xì ga thì không thể ngăn lại được nữa. Gorbachev còn sống sót qua cuộc đảo chính tháng 8-1991, nhưng đánh mất cương vị tổng bí thư sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị cấm hoạt động trên toàn Liên bang. Cho dù sau ba ngày bị quản thúc tại bán đảo Crimea, Gorbachev đã luận ra rằng lẽ ra, ông phải về ngay Moscow để dập tan dụng ý đảo chính của “Bát nhân bang”, nhưng vào đúng thời điểm cần quyết định, ông đã tỏ ra bất lực.

Và điều đó đủ để địch thủ chính trị của ông, Boris Yeltsin, trở thành ngôi sao sáng với thái độ quả quyết và với bài phát biểu huyền thoại trên nóc chiến xa...

Sau khi Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) được thành lập vào tháng 12-1991, Gorbachev không còn cách nào khác là từ chức Tổng thống Liên Xô đúng vào lúc Châu Âu và thế giới đón mừng Giáng sinh. Về căn bản, sự nghiệp chính trị của ông kết thúc với động thái này, cho dù năm 1996, ông có tham gia tranh cử tổng thống và chỉ chiếm được 0,51% số phiếu. Người Nga không cảm thấy thiếu vắng Gorbachev và có lẽ đó cũng là lý do khiến những nỗ lực của ông dưới sắc áo một số chính đảng thời gian sau này đều không thành công.

Kể từ đấy, Gorbachev gần như “giải nghệ chính trị”, ông thành lập quỹ từ thiện riêng và tham gia các hoạt động dân sự quốc tế. Những phát biểu, trả lời phỏng vấn và những buổi thuyết giảng của Gorbachev vẫn được Phương Tây để tâm - ông cũng đi lại thường xuyên và tham dự nhiều sự kiện trên tư cách khách mời danh dự. Trong lễ mừng thọ Cựu thủ tướng, Cựu ngoại trưởng Horn Gyula, một tượng đài của cánh tả Hungary thế kỷ XX, quan điểm của Gorbachev về biến cố 1956 đã khiến chủ nhà phải phiền lòng, và Đảng Xã hội MSZP phải có lời thanh minh trước công luận.

Trả lời phỏng vấn Euronews năm 2009, Gorbachev khẳng định không phải là ông đã không thực hiện được những dự định của mình. Ngược lại, ông đã thành công vì nhờ những cải cách dân chủ, quá trình cải tổ rốt cục cũng đã chiến thắng. “Những thay đổi do Gorbachev khởi xướng đã dạy chúng ta suy nghĩ và hành động một cách tự do. Đây là nguồn tri thức rất đáng giá mà không một Putin nào có thể tước đoạt nổi từ chúng ta” - và đây là đánh giá trang trọng, chí tình của Vladimir Milov, người đứng đầu phong trào Sự lựa chọn Dân chủ Nga.

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Tác giả bài viết: Trần Lê