MỘT TỔNG THỐNG MỸ TẠI BERLIN
- Thứ tư - 26/06/2013 09:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Ngày nay, trong thế giới tự do, câu nói hãnh diện nhất là “Ich bin ein Berliner!”... Tất cả những người tự do, dù sống tại bất cứ nơi nào, đều là công dân của Berlin và do đó, như một người dân tự do, tôi tự hào nói câu “Ich bin ein Berliner!” (John F. Kennedy)
“Tôi là một người Berlin” - Ảnh: Photoquest/ Europress/ Getty
“Tôi là một người Berlin” – tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cố Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy đưa ra câu nói nổi tiếng trên. Di sản của ông lớn lao đến mức hầu như tổng thống nào của nước Mỹ cũng phải tìm cách có ít nhất là một bài phát biểu riêng mang tính biểu tượng bên cổng Brandenburg.
Tự do, hòa bình, an ninh và công bằng là những từ ngữ có tác động lớn hay được vang lên trong các bài diễn văn của nhiều tổng thống Hoa Kỳ (Ronald Reagan, Bill Clinton và cả Barack Obama) bên ranh giới bức tường Berlin (một thời), cho dù dưới thời Chiến tranh lạnh ai cũng biết là chúng ít có cơ hội để trở thành hiện thực.
“Ich bin ein Berliner”
Ít lâu sau khi bức tường ô nhục Berlin được dựng lên, một trong những bản diễn văn lừng danh nhất của John F. Kennedy đã được ông phát biểu tại Tây Berlin - thực ra không phải bên cổng Brandenburg mà cách đó một đoạn, ở Tòa thị chính Schöneberg.
John F. Kennedy, ngày 26-6-1963, tại ban-công Tòa thị chính Schöneberg, trước vài trăm ngàn người - Ảnh: DPA/ AFP
Trong phát biểu ấy, Kennedy đứng về phía Tây Đức: ông nhấn mạnh rằng Tây Berlin của nước Đức bị chia cắt là biểu tượng của tự do dưới thời Chiến tranh lạnh. Tự coi mình là một người Berlin - bằng tiếng Đức - là một điểm nhấn lớn và kinh điển trong phát biểu của tổng thống Mỹ.
Cùng nhóm soạn thảo diễn văn, Kennedy đã luyện đi luyện lại câu nói lịch sử đó để phát âm cho thật chính xác. Thông điệp của vị nguyên thủ quốc gia Mỹ thật rõ ràng, nhưng vì một lỗi nhỏ (lẽ ra ông phải nói là “Ich bin Berliner”) nên trong thời gian dài, người ta đã nhạo báng là tồng thống Mỹ trong thực tế đã gọi mình là một loại bánh có tên gọi là Berliner.
“Tear down this wall!”
Cũng như trong trường hợp Kennedy, bài phát biểu của Ronald Reagan trước cổng Brandenburg trong những năm tháng cuối của kỷ nguyên xung đột Quốc - Cộng còn đọng lại trong tâm trí rất nhiều người bởi câu nói mang lại tác động lớn: “Ngài Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!”.
Ronald Reagan, ngày 12-6-1987, tại cổng Brandenburg, trước gần 20 ngàn người - Ảnh: Dirck Halstead (Europress/ Getty)
Tổng thống Mỹ, trong bài diễn văn do Peter Robinson soạn, đã chỉ trích thẳng thừng Tổng bí thư Gorbachev và ông đã dùng bức tường Berlin như một hình ảnh ẩn dụ của những khác biệt ý thức hệ phân cách Đông và Tây Berlin.
Được biết, từ nhiều tháng trước đó, các cố vấn của Tổng thống đã tranh luận xung quanh việc nên để tổng thống đi xa tới đâu trong sự phê phán Liên Xô vì nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã thiết lập được mối quan hệ tương đối tốt đẹp với lãnh tụ cộng sản Gorbachev.
Tuy nhiên, những ý kiến khác lại cho rằng cần nắm bắt cơ hội “ngàn vàng” này để đưa ra những lời lẽ cứng rắn hơn đối với Liên bang Xô-viết. Vì thế, cho dù đối mặt với nhiều phản đối đến từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Hội đồng An ninh Quốc gia, câu nói được coi là khởi nguồn cho những biến đổi dân chủ ở Đông Âu ấy vẫn được vang lên...
“Amerika steht an Ihrer Seite, jetzt und für immer”
Khi Bill Clinton khẳng định “Hoa Kỳ bây giờ và luôn luôn đứng bên cạnh Quý vị” thì nước Đức đã (tái) thống nhất được vài năm và cổng Brandenburg đã trở thành biểu tượng của sự thống nhất đó. Tổng thống Mỹ đã tìm cách “bù đắp” cho sự chậm trễ đó bằng cách nói một số câu tiếng Đức với cử tọa: “Berlin đã tự do”, “Không gì có thể ngăn chặn được chúng ta”, v.v...
Bill Clinton, ngày 12-7-1994, tại cổng Brandenburg, trước gần 50 ngàn người - Ảnh: Franziska Krug (Europress/ Getty)
Cùng Thủ tướng Đức Helmut Kohl, một cách hình tượng, Bill Clinton đã đi qua cổng Brandenburg trước khi ông cất lời ca ngợi một Châu Âu mà tại đó, mọi dân tộc đều độc lập và dân chủ. Bên cạnh đó, nhắc đến tương lai, ông khích lệ nước Đức hãy đảm nhận vai trò lãnh đạo tại Châu Âu.
*
Kể từ ngày đó, phải chờ gần hai chục năm để nước Đức có dịp chào đón một tổng thống Mỹ bên cổng Brandenburg. Barack Obama, vào ngày 19-6-2013, đã “đăng đàn” trước gần 4 ngàn quan khách được lựa chọn trước cửa ngõ Berlin, nơi mà cách đây 5 năm, ông đã rất muốn được hiện diện trên cương vị ứng viên tổng thống, nhưng không thành.
Barack Obama tại Berlin - Ảnh: Odd Andersen (AFP)
Trong cái nóng 33 độ C, Obama đã cởi áo khoác của bộ Âu phục, như để nhấn mạnh một cách hình tượng cho một câu nói được coi là “mô phỏng” của Kennedy, nhưng đã đưa nó lên một “tầm cao mới”: “Chúng ta không chỉ là công dân Mỹ hay Đức. Mà chúng ta là những công dân thế giới!”.