Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ STALIN (3)

(NCTG) Tính khí bất thường của Stalin là một "mô-típ" hay xuất hiện trong các hồi tưởng về nhà độc tài (trong "Di chúc chính trị" viết trước khi mất, Lenin cũng từng nhắc đến điều này khi ông đề nghị thay thế Stalin bằng một người khác trên cương vị tổng bí thư). Người ta bảo Stalin có thể tống giam một người, đồng thời hạ lệnh phóng thích một người khác từ trại cải tạo Siberia! Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng sự "thất thường" đó không hề vô cớ và ngẫu nhiên; thông thường, ẩn sau nó là những nguyên nhân chính trị đóng vai trò lớn.
Mikhail Bulgakov (1891-1940), văn hào Nga

 

Hồi tưởng sau đây - được nhà văn nổi tiếng Yulian Semyonov ghi lại - về buổi trình duyệt vở kịch "Những ngày tàn của gia đình Turbin" của văn hào Bulgakov (1), cho thấy sự thật đằng sau cái gọi là "thất thường" của Stalin. Tư liệu cũng cho thấy rằng vào năm 1926, Stalin đã có uy quyền rất lớn trong các vấn đề văn hóa.

 *

Stalin đến dự buổi trình diễn nội bộ của Nhà hát Nghệ thuật, ông ngồi ở lô sang trọng nhất, cạnh Stanislavsky, Nemirovich-Danchenko (2), Bubnov (3)... Dân ủy Văn hóa Lunacharsky, Krupskaya, Ulyanova (4) không được mời. Nhưng Mekhlis lại cho gọi Stetsky, trưởng phòng tuyên truyền Ban Trung ương, Kaganovich và Nicolas Yezhov (5). Stalin nhìn quanh trong phòng: toàn là những gương mặt quen biết; dễ thấy là thủ hạ của ông đã lựa chọn rất khéo.

Chấm dứt hồi một, màn hạ, ánh điện tắt dần, cử tọa hướng về phía lô của Stalin, cố tìm phản ứng của ông. Khi hiểu mọi người chờ gì ở mình, Stalin nghiêm mặt để giấu nụ cười tự phụ... và chậm rãi ra khỏi phòng... Nhận thấy ánh mắt tìm kiếm và hơi bối rối của Stanislavsky, ông mệt mỏi ngồi xuống bàn và xin một cốc chè. Nemirovich-Danchenko đặt một câu hỏi nực cười: "Sao, vở kịch hay chứ, đồng chí Stalin?" Stalin không buồn trả lời, ông chỉ hơi nhún vai.

Sau hồi hai, Stalin lại thấy những cái nhìn hướng về ông từ phía cử tọa: vỗ tay hay huýt sáo chê bai đây? Và ông lại nhẹ nhàng đứng lên và bước ra ngoài, không để ai hiểu dụng ý của ông...

Buổi diễn kết thúc, Stalin lại chậm rãi đứng lên, đi về phía ban-công và phóng tầm nhìn bao quát khắp căn phòng đang im lặng như tờ... Trên nét mặt các khán giả, ông nhận thấy vẻ bối rối, sự chờ đợi, niềm phấn khởi hay bực tức... Stalin dừng lại một lúc, rồi ông vỗ bàn tay nhỏ và khô rạn đôi ba lần. Lập tức, cử tọa vỗ theo ào ào. Stalin dừng tay, cầu trường lập tức im ắng; ông không thèm giấu giếm nụ cười nhạo báng và lại vỗ tay, lần này thì toàn thể công chúng cùng vỗ tay như sấm dậy, màn được kéo lên, các diễn viên ra cúi chào, mắt đẫm lệ vì hạnh phúc.

Stalin quay về phía Stanislavsky, tay trái vẫn chầm chậm vỗ vào bàn tay phải cử động khó nhọc, và nói: "Cám ơn đồng chí vì buổi diễn, Konstantin Sergeyevich..."

Trong căn phòng dành cho chính phủ ở cạnh lô sang trọng, bàn tiệc đã được trải sẵn, bao nhiêu hoa quả, rượu, kẹo bánh được Pauker (6) - chỉ huy đội cấm vệ điện Kremlin - mang đến. Bầu không khí căng thẳng không còn nữa. Nemirovich-Danchenko vừa vuốt chòm râu cằm vừa nhắc đi nhắc lại: "Tôi hiểu ngay là Josif Vissarionovich đã bị vở diễn chinh phục! Tôi cảm thấy ngay điều đó! Như mọi nhà chính khách lỗi lạc - ông nhấn mạnh - đồng chí Stalin cũng có tài năng của một diễn viên thượng thặng".

Hầu như Nemirovich Danchenko đã nói lên sự thật với vẻ thơ ngây của một đứa trẻ trong cung đình. Trong trường hợp này, dù là một lời khen nhưng Stalin vẫn không thích nếu ông bị "phát giác", nếu người ta thấu hiểu tính cách và những động lực nhất định thúc đẩy các hành động của ông.

Ghi chú:

(1) Stalin rất ưa thích vở kịch này (được coi là tác phẩm sân khấu Xô-viết thành công nhất: dù bị cấm đoán và phê phán triền miên; tính đến năm 1941, "Những ngày tàn của gia đình Turbin" được công diễn hơn 1.000 lần), ông ta đã xem nó hơn chục lần và trước khi kịch được trình diễn chính thức, Stalin muốn là người nói lời cuối cùng trong quyết định cho (hay cấm) vở kịch.

(2) Stanislavsky và Nemirovich-Danchenko là các bậy thày của nền kịch nghệ Nga - Xô-viết, những người sáng lập Nhà hát Nghệ thuật Moscow.

(3) Một đảng viên bôn-sê-vích cựu trào, thời đó giữ chức dân ủy Văn hóa.

(4) Krupskaya và Ulyanova là vợ và em gái của Lenin.

(5) Kaganovich và Yezhov là những thủ hạ trung thành bậc nhất của Stalin.

(6) Pauker Károly là một tù binh người Hung, từng được Stalin rất tin cẩn. Tuy nhiên, năm 1938, ông ta đã bị kết tội "chuẩn bị các hành động khủng bố" rồi bị xử tử.

Tác giả bài viết: Trần Lê giới thiệu, chuyển ngữ và chú giải