MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ STALIN (2)
- Thứ tư - 12/09/2007 21:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trích đoạn sau đây - kể về vụ bắt giam Bubekin, TBT tờ "Komsomolskaya Pravda" (Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản) -, được đăng trên tờ "Znamya" (Ngọn cờ) số tháng 7&8-1988. Tác giả những dòng này, Aleksei Adzhubei, vốn là con rể lãnh tụ Nikita Khrushchev và từng giữ chức TBT tờ "Izvestia" (Tin tức). Hè 1988, ông bắt đầu cho đăng tải các hồi tưởng đặc sắc của mình.
MƯỜI NĂM ẤY
Các cán bộ đoàn Thanh niên Cộng sản và các cộng tác viên báo thanh niên cũng không tránh khỏi những cuộc đàn áp cuối thập niên 30. Ngay vào năm 1938, trước khi tổng thư ký Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Aleksandr Kosarev (1) bị bắt giữ (anh bị xử tử tháng 2-1939), bạn của anh, Nicolas Bubekin, tổng biên tập tờ "Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản" cũng bị bắt và đưa đi. Khi giữ chức TBT tờ báo, tôi làm việc tại văn phòng của Bubekin. Khó nhận ra cánh cửa chìm trong tường ngay sau lưng tôi. Bất giác, tôi nghĩ lại cái ngày Bubekin biến mất khỏi BBT.
Các tòa nhà của Nhà xuất bản Pravda (Sự thật) - tòa soạn "Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản" cũng đặt trụ sở ở đây - được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư P. Golosov. Tại mỗi tầng, các thang máy nhỏ đặt ở cuối các tòa nhà đều mở thẳng vào phòng biên tập. Chưa ai sử dụng các thang máy này bao giờ, nhiều người còn không biết là chúng tồn tại. Ở phòng của Bubekin, cành hạt dẻ um tùm còn che khuất, khiến không ai nhận ra cánh cửa thang máy.
Một tối nọ, nữ thư ký của TBT, chị Dusya Mikheyeva - về sau chị vẫn giữ chức này khi người khác làm TBT - mang một trang báo vào phòng để lấy chữ ký của Bubekin (sau khi ký, tờ báo sẽ được đưa lên bản đúc chữ ở nhà in), nhưng chị không tìm thấy vị sếp trong phòng. Mọi người nhào đi kiếm Bubekin, nhưng vô hiệu. Ai nấy hoảng hốt vì phải có Bubekin thì báo mới được lên khuôn. Mikheyeva đoan chắc là chị không rời vị trí một giây và thủ trưởng của chị cũng không đi đâu khỏi phòng cả. Các nhân viên trực ban gọi điện đi khắp nơi và khi đó, tại bàn của tổng biên tập, chuông điện thoại reo. Người ta báo: "Đừng tìm nữa, Bubekin đang ở chỗ chúng tôi". [Thì ra] từ cái thang máy khó nhận ra ấy, người ta đã ập vào bắt anh.
Ngoài Bubekin, hầu như tất cả thành viên của BBT và nhiều ký giả xuất sắc đều bị gom "ở chỗ họ". Chỉ đến giữa thập niên 50, tên tuổi của họ mới được phục hồi và người ta mới bắt đầu sử dụng những kinh nghiệm của họ. Quá chậm trễ...
Ghi chú:
(1) Aleksandr Kosarev (1903-1939) là một lãnh tụ nổi tiếng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô, "con cưng" của Stalin trong những năm 1929-1938.
Năm 1938, trong quá trình thanh trừng toàn bộ ban lãnh đạo Komsomol, Kosarev bị bắt giữ vì đã không chịu hùa vào chiến dịch "tìm và diệt kẻ thù" mà Stalin đề xướng năm 1937, với dụng ý loại trừ mọi đối thủ chính trị (thực sự và "tiềm ẩn") trong bộ máy đảng & nhà nước.
Năm 1988, bà quả phụ Kosarev đã thuật lại những sự kiện bi thảm diễn ra với chồng bà trước đó 50 năm:
"[Lễ kỷ niệm cách mạng tháng Mười vào ngày 7-11-1938] quả là kỳ vĩ. Tôi và Sasha [tức Kosarev] cũng được nhận giấy mời. Chúng tôi ngồi ở hai bàn khác nhau... Vì một lý do nào đó, Molotov nói lời chúc rượu. Được Vyacheslav Mikhailovich [Molotov] khen ngợi chẳng những là một vinh dự tột bực mà còn như thể được rửa tội... Theo nghi thức được thông qua từ trước, sau lời chúc rượu, mọi người đều đến chỗ Stalin và chạm cốc với ông ta. Tôi còn nhớ Semyon Mikhailovich Budyony đã hồi hộp như thế nào khi Molotov cất lời nói về ông, bởi trong những ngày đó ở Moscow, người ta dai dẳng loan tin vị nguyên soái bị bắt. Rồi đột ngột đến lượt Kosarev! Tôi ngạc nhiên vì lúc đó, nhiều đồng chí của Sasha trong Đoàn Thanh niên Cộng sản đã bị giam trong tù... Vậy mà, có lẽ Molotov đã dành những lời lẽ nồng hậu nhất cho Kosarev: "Người đồng chí tài năng và nhiều hứa hẹn nhất của chúng ta..." Sasha cũng đến chỗ Stalin và hai người chạm cốc. Stalin ôm hôn chồng tôi. Anh trở về chỗ ngồi giữa những tràng pháo tay vang dội. Lạy Chúa, nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày ấy, nhưng giờ đây khuôn mặt anh vẫn hiện lên trước mắt tôi: nhợt nhạt, lo lắng... Anh đến chỗ tôi và bảo: "Masha, mình về nhà thôi!" Ở nhà (...) Sasha nói: "Em biết Stalin nói thầm gì vào tai anh không?" - "Nếu anh phản bội, tôi sẽ giết anh!" Phải công nhận là lúc đó, tôi không cho câu nói đó là nghiêm trọng, mà còn tìm cách pha trò: "Sasha, đúng là anh không định phản bội Stalin chứ? Vậy thì anh nghĩ ngợi làm gì?" Kosarev không còn đầu óc đâu để bỡn cợt, anh nói, giọng đầy lo âu: "Em biết đấy, Masha, NKVD không khó gì nếu họ muốn biến bí thư thứ nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành một kẻ phản bội".
Dự cảm của Kosarev sau "nụ hôn Judas" là rất chính xác: ngày 23-11-1938, tờ "Pravda" (Sự thật) đăng tải bản thông báo về việc bãi chức Ban lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản. Trước đó, đích thân Stalin tìm cách khuyên bảo các đồng sự của Kosarev hãy "vạch mặt" người đồng chí của họ, nhưng nhà độc tài đã không thành công. Kosarev bị xử tử (không xét xử) ngày 23-2-1939.
(2) Trong tác phẩm lớn "Cuộc đời và số phận", văn hào Vasily Grossman đã thuật lại một giai thoại về tính "khôi hài đen" tàn ác của Stalin, khi Bubekin mới là phó TBT tờ "Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản":
"Họ còn kể chuyện Stalin gọi điện đến BBT tờ báo thanh niên và người phó TBT cầm máy:
- Bubekin đây.
Stalin hỏi:
- Thế Bubekin là ai vậy?
Bubekin đáp:
- Đáng ra ông phải biết chứ - và anh ta dập máy.
Stalin lại quay số máy tòa soạn và nói như sau:
- Đồng chí Bubekin, tôi là Stalin và xin đồng chí cho biết đồng chí là ai?
Người ta bảo sau vụ đó, Bubekin ốm liệt giường hai tuần lễ trong viện: anh ta bị suy nhược thần kinh."