Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ STALIN (1)

(NCTG) Từ khi đế chế Liên Xô sụp đổ, thông qua những hồi tưởng, những công trình sử học, thế giới được biết rõ hơn về tính cách và con người nhà độc tài Stalin. Rất nhiều mẩu chuyện nhỏ, tưởng chừng vụn vặt, đều góp phần vào một chân dung Stalin hoàn thiện hơn, đa dạng hơn, ngõ hầu giúp độc giả tìm được phần nào lời giải đáp cho câu hỏi về bản chất của nhà độc tài và cơ chế của thứ chủ nghĩa mang tên ông ta. Một vài hồi tưởng sau đây cũng nhằm trong loạt tư liệu hữu ích đó.
Nhà độc tài Joseph Stalin

Được tiếp cận với nhiều tài liệu về những tội ác khó tưởng tượng của vị tổng bí thư trong gần ba chục năm, từ khi Lenin qua đời (1924) đến ngày Stalin chết (1953), không ít người đặt câu hỏi: tại sao, trong ngần ấy năm ròng, không có ai chống lại Stalin? Không ai có ý phải loại trừ nhà độc tài bằng vũ lực?

Trên tờ tuần báo "Nedelya" (Tuần lễ), nhà nghiên cứu văn học Dmitri Zatonsky đã có ý kiến đáng chú ý về câu hỏi này. Không chỉ nổi tiếng trên cương vị một chuyên gia văn học mà ít nhiều, Zatonsky còn là người trong cuộc: ông là con trai của Vladimir Zatonsky, thủ tướng Ukraina, từng là nạn nhân của thể chế độc tài Stalin.

TÙ NHÂN CỦA THỜI CUỘC

Ngày 13-5-1956, Aleksandr Aleksandrovich Fadeyev (1) tự vẫn bằng súng lục. [Lúc đó] chúng ta đã qua Đại hội XX [khi lãnh tụ Khrushchev đọc bản báo cáo mật vạch trần một phần những tội ác của Stalin], các nhà văn còn sống sót (số này không nhiều) bắt đầu được phóng thích khỏi các trại tập trung. Đó là những người mà khi trước, Fadeyev phải "chứng thực" sự bắt bớ nhằm vào họ (2). Có thể giả thiết rằng nhà văn không dám nhìn vào con mắt họ. Fadeyev còn có cảm giác về đạo đức, bằng không ông đã chẳng đụng đến vũ khí.

Mặc dù, về căn bản, chẳng có gì đe dọa nhà văn: ông không sợ bị trả thù, bị "qui trách nhiệm", thậm chí, cũng không lo bị bãi chức.

Tuy nhiên, trong những năm 30, cũng đã xảy ra những vụ tự sát theo một chiều hướng khác. Những kẻ tự tử đều là tù nhân của thời cuộc. Để tránh chạm trán với các nhân viên NKVD, thà họ chọn cái chết tự nguyện; ít nhất, như thế, trước khi từ giã cõi đời, họ đỡ bị hành hạ và lăng nhục. Thời ấy, Mikhail Tomsky, Sergo Ordzhonikidze, Nicolas Skripnik, Yan Gamarnik, Afanasy Lyubchenko (3) đã làm như thế. (Lyubchenko tự sát ngay trong giờ giải lao của phiên họp Bộ Chính trị đảng [Cộng sản] Ukraina. Tại cuộc họp này, người ta đã nêu các "tội trạng" giả định của ông. Lyubchenko đã bắn chết vợ và sau đó, tự sát trong chiếc xe hơi của ông. [Trước đó] ông còn tìm người con trai, lúc đó mới 16 tuổi, may mà - hay bất hạnh thay, ai biết? - anh này không xuất hiện).

Cố nhiên, danh sách những kẻ tự tử không hoàn chỉnh, nhưng nó cũng đủ "uy tín" để chúng ta phải tìm lời giải đáp cho một câu hỏi: những con người ấy, tại sao lại chĩa vũ khí vào bản thân, và tại sao họ không tìm cách hướng nòng súng vào kẻ đã gây nên biết bao tai họa thảm khốc cho họ?

Năm 1938, chú tôi đã nói trong gia đình (có lẽ ngay giữa những người thân, đáng ra chú cũng không được nói như thế): "Budyonny (4) hẳn có thể rút kiếm và chém một nhát thẳng tay...!" Ông chú tôi, vốn là một người đàn ông mơ mộng và không am hiểu chính trị, chắc chắn đã lầm: Budyonny rất phù hợp với Stalin và như thế, Stalin cũng rất hợp với vị nguyên soái này.

Nếu chỉ xét trên phương diện lý thuyết, một vụ mưu sát không đến nỗi hoàn toàn bất khả thi: tựu trung, Tomsky hay Ordzhonikidze là ủy viên Bộ Chính trị và họ có thể tiếp xúc với vị tổng bí thư mà hầu như không bị ai ngăn cản... Và dường như Stalin cũng nhận thấy khả năng này. Giáo sư P.B.Gannushkin, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về cái gọi là "trạng thái cận tử", khẳng định rằng người nào tự dùng vũ khí để tự sát, kẻ ấy đều có thể bị coi là mắc bệnh tâm thần, bất kể những nguyên nhân dẫn họ đến điều đó. Do vậy, vào thời Stalin, những kẻ tự sát không thành đều bị giam giữ vĩnh viễn trong viện tâm thần. Không chắc uy tín của Gannushkin, mà có lẽ là suy nghĩ tỉnh táo của ông thì đúng hơn, đã có vai trò trong việc này. Có thể giả thiết một cách hợp lý rằng một cá nhân đã dám giương súng với mình, thì anh ta cũng không sợ gì mà không trả thù kẻ đã đẩy anh ta vào tình cảnh đó. Và nếu anh ta lại coi vị lãnh tụ chính là kẻ có lỗi, thì sao?

Nhưng những lãnh tụ như Tomsky, Gamarnik, Skripnik... không hề nghĩ đến việc mưu sát Stalin. Lời giải thích đầu tiên và hiển nhiên nhất là: họ là những người theo chủ nghĩa Marx - Lenin và do đó, họ bác bỏ thẳng thừng sự khủng bố cá nhân. Ngoài ra, người ta đã chơi trò "mèo vờn chuột" với họ trước khi tiêu diệt họ, và đến lúc ai đó vỡ ra rằng điều gì xảy ra quanh anh ta thì đã quá muộn để có thể hành động.

Ghi chú:

(1) Aleksandr Fadeyev (1901-1956), chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô, ủy viên Ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, tác giả tiểu thuyết "Đội cận về thanh niên" (1945) rất được ưa chuộng tại miền Bắc Việt Nam trước 1975. (Sau năm 1946, Fadeyev đã sửa lại nhiều đoạn trong tác phẩm này để chiều ý Stalin).

(2) Theo các tư liệu mới được "bạch hóa" gần đây, tháng 2-1949, Fadeyev còn thảo một văn kiện (sau này, văn kiện đó được Stalin ký nhận và "phong" thành nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô) đề nghị giải thể Hội các nhà văn Do Thái ở Moscow. Hành động này được coi như khởi đầu của một chiến dịch qui mô bài xích người Do Thái ở Liên Xô, trước hết nhằm vào các văn nghệ sĩ và nhân sĩ Do Thái, chỉ được chấm dứt năm 1953 bởi cái chết đột ngột của nhà độc tài.

Điều đáng nói ở đây là trước đó, chính Fadeyev đã đề xuất việc thành lập Hội các nhà văn Do Thái ở Moscow!

(3) Các lãnh tụ cao cấp của đảng và chính phủ Xô-viết. Trong số này, Ordzhonikidze là bạn thân của Stalin trong một thời gian dài.

(4) Semyon Budyonny (1883-1973), một trong 5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô, được tấn phong năm 1935. Trong số đó, Budyonny (cùng Voroshilov) là sủng thần của Stalin (3 người kia - Tukhachevsky, Yegorov và Blyucher - bị hành hạ đến chết, hoặc bị tử hình trong các phiên tòa ngụy tạo cuối thập niên 30 ở Moscow).

Tác giả bài viết: Trần Lê giới thiệu, chuyển ngữ và chú giải - Còn tiếp