Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT PHÁN QUYẾT MANG TÍNH TIỀN LỆ: GỌI SỰ KIỆN 1945 LÀ “CHIẾM ĐÓNG” KHÔNG PHẢI LÀ TỘI!

(NCTG) Những năm gần đây, cứ vào dịp 4-4 hàng năm (thời điểm ngày xưa đưọc coi là ngày Hồng quân Xô-viết “giải phóng” Hung), một câu hỏi lại khiến công luận nước này bị chia rẽ: phải coi sự kiện quân đội Liên Xô đưa quân vào Hungary năm 1945, là “giải phóng” hay “chiếm đóng”?

Như NCTG đã đưa tin, nhiều cuốn sách giáo khoa Lịch sử của Hung, những năm gần đây, đã coi biến cố đó là sự “chiếm đóng”. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy một phần ba số người được hỏi coi đây là “chiếm đóng” (một phần ba coi là “giải phóng”, và phần còn lại cho rằng không thể đơn thuần gọi là “giải phóng” hay “chiếm đóng”, tùy hoàn cảnh của mỗi người sẽ có những câu trả lời khác biệt.

Trên quan điểm coi 4-4 là ngày Hungary bị chiếm đóng, một dân biểu đảng đối lập FIDESZ, ông Kupper András (từng giữ chức trưởng nhóm nghị sĩ Budapest), trước đây đã ra thông cáo đề nghị thị trưởng Budapest và các lãnh đạo thủ đô đừng “ăn mừng” mốc 4-4, vì đó là sự “xúc phạm hương hồn vài chục vạn nạn nhân Hungary” sau khi Hồng quân đưa quân đội vào Hung.

Dân biểu Kupper András

Để trả lời cho bản thông cáo đó, 16 nhân vật có tiếng của Hung - trong số đó có các vị Szigeti Péter (chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hungary), Agárdi Péter (nhà nghiên cứu văn học sử), Szalai Erzsébet (nhà xã hội học), Tamás Gáspár Miklós (triết gia, ký giả), Krausz Tamás (sử gia nổi tiếng, chuyên về đề tài Nga - Xô-viết) và Tatai-Tóth András (dân biểu đảng MSZP) đã ra một tuyên bố, buộc tội ông Kupper là muốn chạy tội cho bọn phát-xít và các phần tử dân tộc chủ nghĩa Hung thời Thế chiến thứ hai.

Thông qua luật sư, ông Buczkó Péter, dân biểu Kupper András đã kiện 16 nhân sĩ trên lên tòa án Hung, cho rằng họ đã xúc phạm và ảnh hưởng đến “tiếng thơm” của ông.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Budapest cho rằng những người ký tuyên bố nói trên chỉ thể hiện quyền tự do thể hiện ý kiến của họ, không vượt quá giới hạn đó; thêm nữa, Kupper András cũng là một chính khách, vì vậy ông phải “chịu đựng” hơn “thường dân”. Tuy nhiên, ở phiên phúc thẩm, một phán quyết khác đã được đưa ra, theo đó, quy chụp một chính khách có liên quan đến chủ nghĩa phát-xít hoặc các ý thức hệ cực đoan khác một cách vô cớ, không có lý do xác đáng, là sự cáo buộc nặng nề và ác độc nhất. Do đó, nhóm 16 người trên phải bồi thường tổng cộng 800 ngàn Ft cho dân biểu Kupper András!

Hiện là trưởng nhóm dân biểu FIDESZ tại Quận XI, Budapest, trong phiên tòa, ông Kupper András tuyên bố: ông không hề có ý “chạy tội cho phát-xít”, mà đơn thuần chỉ nêu một từ đã được sách giáo khoa Lịch sử của Hung sử dụng. Như vậy, đây không phải là lý do khiến 16 vị có tên kể trên phải đưa ra những nhận xét cực đoan như thế đối với ông Kupper!

Có thể thấy rằng, bằng phán quyết này, tòa án Hungary đã lại tiếp tục “đổ dầu vào lửa” trong cuộc tranh luận chưa ngã ngũ: “giải phóng” hay “chiếm đóng”!

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo [index]