Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT HÀ NỘI - MỘT ĐƯỜNG PHỐ - MỘT CON NGƯỜI

(NCTG) Ấn tượng về Hà Nội trong tôi qua những con đường có lẽ sẽ không bao giờ là đường Lê Duẩn, nếu không muốn nói một cách thực lòng rằng tôi không hề thích con đường đó.

Ga Hàng Cỏ xưa, nằm trên đường Nam Bộ - Lê Duẩn hiện tại - Ảnh tư liệu


Lạnh lẽo - dù đi giữa phố đông người mịt mù khói bụi. Tẻ nhạt - những cảnh huyên náo, ồn ào quán hàng, kẻ qua người lại trước cửa nhà ga. Không một công trình kiến trúc nào đáng nhớ, không một dáng dấp đặc trưng Hà Nội nào đáng ghi. “Đến cái tên cũng chẳng có gì đặc biệt – chắc là phố mới mở”, tôi đinh ninh tâm niệm vậy suốt bao nhiêu năm.

Cho đến một ngày tôi bắt gặp cuốn sách về đường Lê Duẩn.

Chuyện một đường phố

Giữa hàng ngàn những ‘món’ cao lương mỹ vị cho mâm cỗ sinh nhật linh đình một ngàn năm tuổi, cuốn sách nhỏ bé trên tay tôi có lẽ chẳng sá gì. Nhưng giữa ê hề những thịt thà tôm cá, thì bát canh rau muống chua chua dung dị ngon đến lạ thường.

Với cái tên khiêm nhường - “Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố” (*) - ba chương của cuốn sách gói gọn hơn ba mươi tiểu mục sẽ dẫn dắt người đọc từ thời kỳ lập đô dưới triều Lý, cho đến khi con đường được mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn như ngày nay.

Bìa sách nhã nhặn với gam màu rêu, như những mái ngói thâm trầm rêu phong dưới nắng mơ phai của mùa thu Hà Nội. Người đọc sẽ thích thú khi bắt gặp những địa danh thân quen, đặc biệt là các bạn trẻ chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên với nhiều tình tiết thú vị: Ga Hàng Cỏ vì vốn nơi đây từng là nơi bán cỏ; Thăng Long từng có “đội cứu hỏa” là đàn voi được nuôi trong thành; tượng Nữ thần Tự do đã từng có mặt ở Hà Nội và từng đứng trên… nóc tháp Rùa; sự xuất hiện của chiếc đèn dầu (đèn Hoa Kỳ) từ chiêu thức bán hàng khuyến mãi, hay do đâu mà có xuất hiện những loài hoa, rau củ ‘Tây’ như hoa mõm chó, hoa cúc tây, hay khoai tây, hành tây, cà rốt, xà lách…


Bìa sách “Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố”


Nào những tháng ngày chiến tranh ác liệt - bom đạn, di cư, cảnh màn trời chiếu đất; những thời kỳ cải tạo tư thương - mậu dịch, “bất minh”, buôn thúng bán bưng… Lật từng trang những dấu tích lịch sử được ghi lại trong cuốn sách, người đọc không khỏi bùi ngùi, cay cay sống mũi khi nhớ lại một thời khỏi lửa, một thời gian nan.

Có những đoạn viết, những tiểu mục được kết cấu chặt chẽ, ngắn gọn, rất xứng đáng được lựa chọn làm giáo khoa lịch sử trong các trường phổ thông. Cuốn sách thực sự là một cầu nối các bạn trẻ với quá khứ: các bạn sẽ cảm mến, sẽ bao dung và sẽ thấy yêu lịch sử Việt Nam hơn.

Chuyện một người viết

Vốn được biết đến như một nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, có thể nói cuốn sách này là một bất ngờ thú vị của Đặng Phong (*) dành cho người đọc, khi ông, với bản lãnh của “một tay chơi ngang tàng”, đã lấn sân sang cổ sử, mang tiếng “lạ với giới Hà Nội học”. Chỉ tự nhận mình là một người yêu Hà Nội, nhưng cuốn sách thể hiện sự dụng công của tác giả trong việc biên khảo, sưu tầm các tài liệu nhằm dựng lên một không gian lịch sử của một con đường với cái tuổi một ngàn năm có lẻ.

Không chỉ vậy, Đặng Phong còn muốn thử nghiệm một phương pháp nghiên cứu lịch sử mà được ông và bạn bè của mình gọi là “cắt lớp” – bổ dọc chuỗi thời gian và xâu chuỗi các sự kiện của một đối tượng cụ thể để thấy được những “phản ứng” của nó trong tổng thể lịch sử.

 
GS. Đặng Phong 8 tháng trước khi mất, tại Tọa đàm Một phần tư thế kỷ kinh tế Việt Nam

Mỗi đường phố thường có nhiều ngóc ngách, nhiều chỗ rẽ, nhiều ngõ cụt, nhiều đường ngang, lối tắt… Những con đường lịch sử lại càng như thế.

Vốn là một người ham mê tìm tòi, thử nghiệm, nội dung cuốn sách tuy nằm ngoài những nghiên cứu vốn có của Đặng Phong nhưng không hề khác biệt với tính cách con người ông.

Thời gian chứa đựng không ít những mê cung, mà sử học là sự phiêu lưu tìm kiếm. Lạc lối hay không lạc lối – đó là sự thách đố lớn, thậm chí là lớn nhất của sử học.”

Lang thang như một lữ khách, yêu lịch sử và muốn ghi lại lịch sử, đó là điều Đặng Phong đã thể hiện xuyên suốt cuốn sách nhỏ này và trong rất nhiều tác phẩm khác của ông. Nhưng trên hết, với một chữ “dám” và sự lao động nghiêm túc, ông đã để lại những công trình thực sự có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, những tình cảm trân trọng và yêu mến trong lòng bạn bè và người đọc.

Khi tôi viết những dòng này, đã tròn 100 ngày ông thành người thiên cổ. Mỗi lần đi qua đường Lê Duẩn, tôi ngước nhìn và điểm lại những dấu vết lịch sử nằm ở đâu đó trong cuốn sách đấy. Con đường vẫn thế, cảnh tượng vẫn thế, nhưng với tôi giờ đây mọi ngóc ngách đều gần gũi và thân thương. Trong giây phút tôi nán lòng với quá khứ, cảm ơn ông và bước tiếp trên con đường.

Ghi chú (của NCTG):

(*) NXB Tri thức, Viện Viễn Đông Bác Cổ cùng Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội giới thiệu và phát hành.

(**) GS Đặng Phong (1939-2010) là một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại và lịch sử kinh tế Việt Nam, được coi là “tự điển sống” về kinh tế và xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ “bao cấp”. Từng là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học trên thế giới, Đặng Phong đã xuất bản các tác phẩm “Tư duy kinh tế Việt Nam”, “Lịch sử kinh tế Việt Nam” (tập 1, 2), “Năm đường mòn Hồ Chí Minh”, “Phá rào”…

Ngày 1-12 tới, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (24 Tràng Tiền) sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nghìn năm - một đường phố”, tưởng nhớ và tri ân cố GS. Đặng Phong, tác giả “Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố”. Được biết, buổi tọa đàm sẽ có sự tham gia của PGS, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Andrew Hardy, GS.TS Chu Hảo, nhà báo, nhà sử học Đào Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc...

Tác giả bài viết: Diệu Huyền