Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MOSCOW TƯỞNG NIỆM CÁC NẠN NHÂN CỦA ĐẠI KHỦNG BỐ STALINIST

(NCTG) Tại Moscow, vào ngày 29-10, lễ tưởng niệm những nạn nhân thời kỳ Đại khủng bố Stalinist (1936-1938) đã được tiến hành tại quảng trường Lubyanka, trước trụ sở của KGB (Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô) một thời.

Tưởng nhớ các nạn nhân của thanh trừng chính trị Stalinist - Ảnh: AP

Liền trong 12 giờ, trong khuôn khổ môt chiến dịch mang tên “Trả lại tên”, các thành viên tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền Memorial (Hồi tưởng) và đảng theo xu hướng tự do Yabloko (Quả táo) đã đọc tên những người bị tử hình thời Stalin.

Từ sáng sớm, đã có nhiều người tụ tập tại giữa quảng trường trung tâm khét tiếng Lubyanka, nơi trước đây có bức tượng Felix Dzerzhinsky (1877-1926), người sáng lập Cheka, tiền thân của các cơ quan an ninh và mật vụ chính trị Liên Xô.

Nơi đây, sau khi tượng Dzerzhinsky bị hạ bệ năm 1990, tại vị một tảng đá lớn, được mang về từ quần đảo Solovki, một địa danh khét tiếng trong hệ thống quần đảo ngục tù Gulag thời Stalinist. Rất nhiều hoa đã được mang tới để tưởng niệm các nạn nhân.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch trên, trên quảng trường, nhiều bảng ảnh được dựng lên với ảnh những khu nhà mà tại đó, có nhiều cư dân trở thành nạn nhân của khủng bố chính trị Stalinist. Trong số đó, có những tòa nhà nổi tiếng: khu nhà khổng lồ nổi tiếng bên bờ sông Moscow, gần đối diện với điện Kremlin, nơi cư ngụ của 242 cư dân bị án tử hình với những cáo trạng ngụy tạo khác nhau; Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế, bị Stalin ra lệnh phá nổ bằng chất nổ đi-na-mít năm 1931; và nhiều tòa nhà khác, nơi những bản án tử hình được tuyên.

Có mặt tại chiến dịch kể trên, ông Vladimir Lukin, đặc trách về Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Nga, đã tuyên bố: tất cả mọi người dân có ý thức đều phải ghi nhớ trong ký ức về thời Đại khủng bố của Stalin, khi khủng bố được tiến hành ồ ạt trên diện rộng, với quy mô lớn. (Chỉ riêng tại Moscow, đã có chừng 30 ngàn người bị tử hình trong thời kỳ 1937-1938, theo số liệu của các tổ chức nhân quyền Nga).

Liên quan đến cuộc tranh luận về việc một bức tượng Stalin có thể được tái dựng ở bến tàu điện ngầm Kurskaya (Moscow), ông Lulin nhận định: nhiều người dân Nga vẫn “lý tưởng hóa” các nhân vật chính của thời Stalinist và cần giải thích cho họ hiểu,  trong thực tế, những nhân vật chính ấy là ai, đã làm gì. Cá nhân ông không tin rằng tượng Stalin có thể trở về “nơi xưa chốn cũ” của nó, tại bến metro nọ.

Trong một diễn biến có liên quan, nhân Ngày tưởng niệm những nạn nhân của những vụ thanh trừng chính trị (30-10) hàng năm, được tổ chức tại Liên bang Nga từ 18 năm nay, tổng thống Dmitry Medvedev đã có những phát biểu mạnh mẽ bất ngờ, lên án những toan tính muốn “viết lại lịch sử” để biện hộ cho thể chế độc tài Stalinist.

Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev

Tổng thống Nga khẳng định: “Tôi tin tưởng vững chắc rằng tưởng nhớ về những bi kịch của dân tộc cũng thiêng liêng không khác gì tưởng nhớ về những chiến thắng. Và điều cực kỳ quan trọng là để cho những người trẻ tuổi nắm được không chỉ là những kiến thức lịch sử, mà còn có được những tình cảm công dân. Họ đã có khả năng xúc cảm chia sẽ một trong những bi kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Nga”.

Ông Medvedev tỏ ra cảm động trước những ngưòi đã chết oan uổng bởi bạo hành Stalinist, mà ông gọi là “hàng triệu những số phận bi thương”: “Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ cẩn thận: hàng triệu người chết do bị đàn áp và bị oan sai – hàng triệu người. Họ bị mất tất cả mọi quyền con người. Thậm chí những quyền được mai táng xứng đáng theo cách con người, còn suốt những năm dài tên tuổi của họ đã bị xóa khỏi lịch sử”.

Đưa ra khẳng định: “Tôi tin tuởng vững chắc rằng không thể có sự phát triển nào của đất nước, không thể có những thắng lợi nào của nó, sự tự tôn có thể đạt được bằng cái giá đau khổ và tổn thất của con người. Không có cái gì có thể đặt cao hơn giá trị mạng sống của con người. Và không có cái gì có thể biện minh cho những cuộc đàn áp”, tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chấp nhận quá khứ của mình như nó đã tồn tại, - chính đó là sự chín muồi của quan điểm công dân. Việc nghiên cứu quá khứ, vượt qua thái độ thờ ơ và mong muốn quên đi những mặt bi kịch của nó cũng không kém phần quan trọng. Và không một ai, ngoài chính chúng ta, có thể làm việc đó”.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp