Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LƯỢC SỬ CÔNG THỨC 8-8-8

(NCTG) "Công thức 8-8-8? Cái gì vậy?". Hẳn đa số độc giả ngày nay sẽ ngạc nhiên và đặt câu hỏi như vậy. Xin thưa, đó là: 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi và 8 giờ giải trí.
Công nhân Đài Loan xuống đường đấu tranh đòi quyền lợi cho giới thợ - Ảnh: Internet

"Nyolc óra a munka, nyolc óra a pihenés, nyolc óra a szórakozás..."

(Nagy Feró & ban nhạc "Beatrice", Hungary)

Giới trẻ hiện tại có thể sẽ sửng sốt khi họ được biết rằng không phải bao giờ con người cũng có được một "thời gian biểu" cân đối, hài hòa và hợp lý như vậy. Nói chính xác hơn, trong một thời gian rất dài, nhân loại không có quyền hành xử tự do với thì giờ của mình. Và công thức nổi tiếng 8-8-8 nói trên cũng chỉ mới xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX, nhờ sự phát triển và khuyếch trương của phong trào công nhân Mỹ.

"Những kinh nghiệm cho thấy rằng rỗi rãi sẽ làm tăng sự suy đồi của đạo đức các giai tầng dưới" - chúng ta có thể đọc một kết luận như thế trong tờ trình tổng kết năm 1818 của Ủy ban Quản lý Công nghiệp Hoàng gia Anh. Dựa trên nhận định "nhàn cư vi bất thiện" này, tại Anh, từ khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, thời gian làm việc của người thợ đã bị tăng không ngừng. Vào thời kỳ ấy, công nhân Anh phải lao động cực nhọc liên tục 16-18 tiếng mỗi ngày trong các công xưởng; không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm nổi tiếng "Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh", Karl Marx đã lên tiếng phê phán chính sách bóc lột nhân công tàn bạo này. Trong những năm 30 của thế kỷ XIX, phong trào công nhân mới thành hình - theo bài học do Marx chỉ ra trong bộ "Tư bản luận" - đã đặt mục đích: ít nhất, phải tái lập hình thức lao động 12 giờ hàng ngày (đã thịnh hành từ cuối thế kỷ XVIII) cho giới lao động vị thành niên!

Sự bóc lột sức lao động thời ấy không chỉ tàn tệ và dã man dưới con mắt những nhà xã hội. Năm 1980, trong thông điệp gửi hoàng đế Đức, Giáo hoàng Leon XIII hứa sẽ ủng hộ hết lòng cho các nghị quyết đã được thông qua trong Hội nghị Bảo vệ Công nhân Quốc tế (được tổ chức lần đầu tiên cùng năm), vì ông thấy không thể duy trì tình cảnh "người công nhân bị bóc lột như một công cụ sản xuất thông thường, bỏ qua nhân phẩm, đạo đức và hoàn cảnh gia đình của họ". Trong bức thư đó, Giáo hoàng Leon XIII đã tỏ ý muốn tái lập ngày nghỉ vào chủ nhật hàng tuần để người công nhân, "trong quá trình thực hành tôn giáo vào thời gian rỗi rãi ngày chủ nhật, sẽ trở thành kẻ đạo đức và chân chính".

Không phải đến thời điểm đó, các chức sắc thuộc Giáo hội mới nêu quan điểm về cách phân chia thời giờ của một ngày. Năm 1516, Thomas More, thủ tướng của vua Henrik VIII, nhà tư tưởng nổi tiếng của thế kỷ XVI (mới đây vừa được Giáo hội Công giáo phong Thánh) đã viết như sau trong tác phẩm "Utopia" (Không tưởng): "Nên chia 24 giờ của một ngày thành 6 giờ để làm việc - 3 giờ vào buổi sáng, rồi đến bữa trưa, sau bữa chưa nghỉ ngơi 2 giờ, làm việc tiếp 3 giờ rồi ăn tối. Thời gian để ngủ là 8 giờ. Ngoài thời gian làm việc, ăn uống và ngủ, moi người có thể sử dụng thì giờ của mình một cách tùy thích, nhưng không phải để phí phạm và làm những việc xa xỉ hay lười lĩnh, mà để học hỏi..." Theo các cuốn bách khoa tự điển, "Utopia" là tác phẩm kinh điển của sự phân chia thời gian lao động, mặc dù sau đó nhiều thế kỷ, các "hậu duệ" xã hội của Thomas More - có lẽ thực tế hơn bậc thày - vẫn coi cuộc đấu tranh để cho giới thợ được làm việc 8 giờ mỗi ngày là một sự "không tưởng".

Việc "chia ba một cách khoa học" 24 tiếng trong ngày gắn liền với tên tuổi nhà sư phạm người Tiệp Comenius. Trong công trình "Đại giáo dục học", Comenius phân tích như sau: ngoài nội dung sư phạm, việc để cho con người có thể nghỉ ngơi và giải trí cùng thời gian với công việc còn mang ý nghĩa triết học, vì nó quan trọng trên phương diện "chân lý, công bằng và toàn vẹn tinh thần & thể xác của con người". Quan niệm này đã được sự tán đồng về mặt y tế của bác sĩ Christoph Wilhelm Hufeland - bạn thân của Goethe và Schiller - trong công trình nghiên cứu ấn hành năm 1796.

Năm 1850, Robert Owen, nhà xã hội không tưởng vĩ đại người Anh cũng cho rằng người công nhân chỉ nên làm việc 8 tiếng mỗi ngày (khoảng thời gian còn lại phải để họ nghỉ ngơi và học hỏi) vì sự phát triển của các xưởng máy, của các loại máy móc phức tạp đòi hỏi người thợ càng ngày càng phải tập trung tinh thần khi lao động, và phải nâng cao tay nghề. Karl Marx, trong "Tư bản luận", cho rằng giai cấp công nhân có một "nhiệm vụ khẩn cấp", đó là buộc các nhà nước phải thông qua những đạo luật "làm sáng tỏ một điều: khi nào chấm dứt khoảng thời gian mà người công nhân phải bán sức lao động, và khi nào bắt đầu khoảng thời gian của riêng họ".

Những ý tưởng trên của Marx đã được cho vào chương trình hành động của phong trào công nhân, vốn được tổ chức trên cơ sở "Tư bản luận", nhưng không hề thống nhất. Tuy nhiên, ở nửa đầu thế kỷ XIX, tại các nước tư bản phát triển nhất, giới lao động cũng chỉ dám mơ ước và đòi hỏi "được" làm việc 10 giờ một ngày. Vào thời gian đó, ở Anh hay Hoa Kỳ, việc người thợ phải làm việc cực nhọc 12-12 giờ mỗi ngày không phải là điều hiếm. Tại Hungary, đạo luật công nghiệp đầu tiên được phê chuẩn năm 1872 đã "giảm một cách đáng kể thời gian làm việc": 16 tiếng hàng ngày!

Cho dù tại Đại hội Geneva (1866), Liên hiệp Công nhân Quốc tế (thường được biết đến với tên gọi Đệ nhất Quốc tế hay Quốc tế Lao động) đã thông qua nghị quyết đòi giới chủ xưởng phải chấp nhận cho công nhân làm việc 8 giờ mỗi ngày, quê hương của khẩu hiệu "8-8-8" lại là Hoa Kỳ. Hiệp hội Công nhân Mỹ (AFL, thành lập năm 1881) đã tính đến cả sự "sáng suốt" của các chủ xưởng khi họ lý luận rằng việc chia 24 giờ theo công thức 8-8-8 "tạo những điều kiện cơ bản cần thiết cho sự giáo dục và nâng cao tình trạng văn hóa của quần chúng", hơn nữa, còn "làm tăng khả năng tiêu thụ của quần chúng".

Để nhấn mạnh mục tiêu này, ngày 1-5-1896, AFL đã kêu gọi và tổ chức một cuộc tổng đình công khổng lồ. Tại Millwaukee và Chicago, cảnh sát đã nã súng vào đoàn biểu tình gồm hàng trăm người, khiến nhiều người bỏ mạng. Bốn năm sau, Đệ nhị Quốc tế (Quốc tế Xã hội) tuyên bố 1-5 là ngày "Quốc tế Lao động" và yêu cầu giới công nhân các nước hãy xuống đường vào ngày này hàng năm để tưởng nhớ những nạn nhân và đòi hỏi quyền được làm việc - nghỉ ngơi - giải trí đúng mức.

Tại Liên bang Nga, những dịp 1-5 (Quốc tế Lao động) luôn là lúc các tổ chức cánh tả, thậm chí cực tả, vận động người lao động xuống đường với hoài niệm của những năm tháng thời 'bao cấp'
Tại Liên bang Nga, những dịp 1-5 (Quốc tế Lao động) luôn là lúc các tổ chức cánh tả, thậm chí cực tả, vận động người lao động xuống đường với hoài niệm của những năm tháng thời "bao cấp"

Rốt cục, khẩu hiệu 8-8-8 cũng chỉ trở thành sự thực sau đó chừng nửa thế kỷ. Tại các nước châu Âu, đòi hỏi đó được thực hiện - một phần - vào cuối thập niên 30 thế kỷ trước. Tuy nhiên, ngay ở thiên kỷ thứ ba này, không phải dân lao động ở mọi xứ sở trên hoàn cầu đều đã được hưởng thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ kể trên... (*)

(*) Thế kỷ XX, tại các quốc gia XHCN, Quốc tế Lao động 1-5 trở thành ngày lễ lớn nhất mang tầm quốc gia: trong ngày đó, những cuộc diễn hành lớn và ngoạn mục đã được tổ chức với sự tham gia của nhièu giai tầng dân chúng, nhằm xiển dương “những thành tựu kinh tế và xã hội của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng”.

Từ thập niên 90 thế kỷ trước, với sự sụp đổ của các hệ thống XHCN, 1-5 được gọi bằng tên mới Ngày Đoàn kết của người lao động và bỏ qua những yếu tố hình thức, ở nhiều nơi, trong ngày này, Lễ Vào hạ được tổ chức với sự tham gia của nhiều gia đình, trẻ em, như một dịp nghỉ ngơi, giải trí của người lao động.

Tại các thành phố lớn trên thế giới, nhân 1-5, các tổ chức nghiệp đoàn vẫn tiến hành những cuộc xuống đường đòi bảo vệ và thực hiện những quyền lợi chính đáng của giới thợ, đòi mức lương và lương hưu xứng đáng cho người lao động…

Với nội dung tương tự, 1-5 còn là một ngày lễ Công giáo: đó là ngày của Thánh Josef, vị thánh bảo hộ cho người lao động. Ngày 1-5-1955, Đức Giáo hoàng Pius 12 - thường được nhớ đến với tên gọi “Giáo hoàng của hòa bình và công lý” – đã “phong” cho ngày đầu tháng Năm nội dung ấy, để tưởng nhớ người thợ mộc Josef, cha nuôi của Đức Jesus Christ.

Tác giả bài viết: Trần Lê