LỜI XIN LỖI VÀ HÒA GIẢI Ở ÚC
- Thứ ba - 05/08/2014 22:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Lịch sử nước Úc đã trở nên giàu có hơn, chín chắn và trưởng thành hơn trong việc chính thức thừa nhận ở tầm nhà nước những sai lầm trong quá khứ để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho tất cả các cộng đồng dân cư của mình”.
Người dân tụ tập chứng kiến Thủ tướng Kevin Rudd nói lời xin lỗi với các “Thế Hệ Bị Đánh Cắp” trên màn hình đặt tại Quảng trường Liên bang, Melbourne
“Thế Hệ Bị Đánh Cắp” là câu chuyện lịch sử nước Úc, tiếng Anh gọi là “Stolen Generation”. Đó là câu chuyện đau buồn của khoảng một trăm ngàn trẻ em thổ dân Úc và các đảo phía Bắc bị bắt đưa vào sống tại các nhà tập trung hoặc các gia đình da trắng mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc tòa án. Đây là một chính sách được thực hiện ở Úc từ năm 1909 tới năm 1969.
Khi người da trắng phát hiện ra châu Úc, rồi Anh chiếm Úc làm thuộc địa, thì ở châu lục này và các đảo nhỏ xung quanh đã có nhiều cộng đồng dân da màu nâu sẫm, tóc quăn định cư từ rất lâu đời. Họ là thổ dân, dân bản địa của châu lục này. Rồi sau đó là những cuộc di cư của người da trắng đến đây mở mang lãnh thổ, và vì thế, diện tích sinh sống của người bản địa bị thu nhỏ dần. Lâu dần, một số người da trắng kết hợp với dân bản địa sinh ra trẻ em lai mang hai dòng máu.
Chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ đưa ra chính sách nhằm “văn minh hóa” những trẻ em này, mang lại cho chúng những giá trị văn minh của người da trắng, xoá đi những nét văn hóa thổ dân mà theo họ là lạc hậu, không văn minh.
Trên thực tế, chính phủ cử người đến các cộng đồng thổ dân, cưỡng bức trẻ em có da màu nhạt hơn, đưa chúng về các trại tập trung, hoặc giao cho các gia đình da trắng, các trại trẻ mồ côi, hoặc các trung tâm khác. Tình trạng bị cưỡng bức, tách khỏi gia đình đã dẫn đến những hậu quả vô cùng đau buồn. Đa số các em sau này lớn lên có vấn đề về tâm lý, không biết về nguồn gốc gia đình, cảm giác tự ti, muốn tự tử, bạo lực, bị nghiện ngập, hút sách, v.v...
Biện pháp đồng hóa thô bạo ấy đã giết chết bao tâm hồn của những ông bố, bà mẹ và con trẻ. Nó là một vết nhơ trong lương tâm nhiều người Úc và trong lịch sử nước Úc. Nhà sử học Robert Manne đã gọi đây là “hành động đáng hổ thẹn nhất của nước Úc trong thế kỷ 20”.
Sau này, để chuộc lại những lỗi lầm ấy, chính phủ Úc luôn luôn chú ý tới các nguồn trợ cấp xã hội dành cho người thổ dân, hỗ trợ họ được học hành một cách dễ dàng, hỗ trợ họ kiếm công ăn việc làm và mua bán, xây dựng nhà cửa, v.v...
Tuy nhiên, cộng đồng thổ dân Úc vẫn thấy chưa đủ. Chính phủ Liên bang nợ họ một lời xin lỗi chính thức. Và những người dân Úc không phải thổ dân, cũng thấy vẫn còn nợ các nạn nhân một lời xin lỗi chính thức.
Hiểu được điều đó và để thực sự hòa giải với quá khứ, hòa giải với cộng đồng thổ dân, vào hồi chín giờ sáng ngày thứ Tư, 13-2-2008, Thủ tướng Kevin Rudd đã lên sóng truyền hình quốc gia đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với những người thuộc “Thế Hệ Bị Đánh Cắp”. Thời khắc này đã đi vào lịch sử nước Úc như một dấu mốc đáng ghi nhận trong hơn hai trăm hai mươi năm lập quốc.
Ngày Toàn Quốc Xin Lỗi, 26-5 và Tuần Lễ Toàn Quốc Hòa Giải, từ 27-5 đến 3-6 là hai sự kiện chính, kỷ niệm sự phong phú trong văn hóa và lịch sử của những người thổ dân Úc. Vào những ngày này, khắp nơi trên toàn nước Úc, các buổi tọa đàm chia sẻ lịch sử người thổ dân và các nét văn hóa truyền thống được tổ chức ở phần lớn các cơ quan, đoàn thể.
Không chỉ trong những ngày này, mà đã thành thông lệ, ở hầu hết các sự kiện và các cuộc họp hay tọa đàm, người chủ trì bao giờ cũng mở đầu bằng việc ghi nhận công lao của những cư dân đầu tiên của mảnh đất mà hôm nay mỗi người Úc di cư từ khắp nơi có cơ hội đến sinh sống và được đón nhận.
Hòa Giải thật sự là câu chuyện của mọi người dân Úc. Lịch sử nước Úc đã trở nên giàu có hơn, chín chắn và trưởng thành hơn trong việc chính thức thừa nhận ở tầm nhà nước những sai lầm trong quá khứ để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho tất cả các cộng đồng dân cư của mình.