Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÀM CÔNG NHÂN BỐC VÁC TẠI SÀI GÒN

“Có lẽ căng thẳng thần kinh vì mặt trận đang đến gần, một người lính ở doanh trại quân đội bên cạnh chán cảnh chúng tôi cứ leo trèo trên nóc nhà, đã xả một tràng súng máy về phía chúng tôi. May là đạn găm trúng phía trên cao bức tường sau lưng chúng tôi, nhưng lập tức nó đã chấm dứt cái thú xem “pháo hoa” của chúng tôi” - hồi tưởng của một “cựu chiến binh” Hungary tại Việt Nam về những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam.

Các “cựu chiến binh” Hungary vẫn ghi nhớ kỷ niệm những ngày tháng tại Nam Việt Nam - Ảnh: Đông Xuân (NCTG)


LTS: Những tư liệu sử học Hungary gần đây cho hay, quốc gia nhỏ bé ở vùng Đông - Trung Âu này đã từng có một vai trò đáng kể trong những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ trước, khi chính quyền cộng sản của Tổng bí thư Kádár János, tận dụng những mối quan hệ hữu hảo với Phương Tây và phe XHCN, đã có những đóng góp cho sự kết thúc của cuộc chiến Quốc - Cộng tại Việt Nam.

Được coi là có đường lối chính trị hòa dịu trong Khối Hiệp ước Warszawa, với vị trí địa lý nằm ở khu vực giao thoa Đông - Tây, Hungary luôn là tâm điểm của những sự kiện lớn thời Chiến tranh lạnh. Với “thế mạnh” ấy, nước này đã nỗ lực nhằm “tăng điểm” trên trường quốc tế và đặc biệt đối với Phương Tây - bằng cách thực hiện chính sách ngoại giao “đi trên dây” trong hoạt động môi giới liên quan đến chiến tranh Việt Nam.

Một trong những đóng góp ấy, tới nay vẫn được những người tham dự đánh giá rất tích cực, là sự hiện diện của hơn 600 quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao Hungary trong khuôn khổ Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (International Comission of Controll and Supervise - ICCS) với nhiệm vụ giám sát ngừng bắn tại Việt Nam, kiểm soát việc trao trả tù binh và giám sát sự giải trừ quân bị như Hiệp định Paris quy định.

Đánh giá về những nỗ lực ngoại giao của Hung nói chung, và về hoạt động của phái bộ ICCS Hungary tại Nam Việt Nam nói riêng, sẽ là đề tài của một bài viết khác mà NCTG sẽ đăng tải trong những ngày tới. Sau đây, xin giới thiệu những dòng hồi tưởng của đại tá về hưu Imre Lajos, một nhân chứng Hungary của nền hòa bình Việt Nam tháng 4-1975. Ông Imre Lajos, hiện là thành viên Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam.

Bài viết (và bản dịch) đã được đăng tải trong kỷ yếu song ngữ “60 năm quan hệ Việt Nam - Hungary 1950-2010” (Magyar - Vietnami kapcsolatok 60 éve 1950-2010), ấn hành cuối năm 2010.



Tác giả (bên phải) tại phi trường Đà Nẵng - Ảnh do nhân vật cung cấp


Hai tuần cuối tháng 3-1975, những sự kiện diễn ra ở miền Nam Việt Nam đã tăng tốc đáng kể và gây ảnh hưởng ở mức độ lớn đến hoạt động và cuộc sống của phái bộ Hungary tham gia Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế (ICCS).

Chiến dịch Hồ Chí Minh khởi đầu ngày 9-3 và tiếp diễn thành công đã đặt ra cho Ban lãnh đạo phái bộ tại Sài Gòn một nhiệm vụ cấp thiết, là phải rút càng nhanh càng tốt hơn 100 người thuộc các nhóm kiểm tra địa phương (HECS) và ban chỉ huy khu vực khỏi những vùng có thể bị nguy hiểm bởi các cuộc chiến. Kết quả của công việc căng thẳng ấy là vào trung tuần tháng 4, toàn thể phái bộ đã rút được hết về Sài Gòn và đã có thể bắt đầu đưa họ về nước.

Việc tổ chức hồi hương cho phái bộ không chỉ khiến ban chỉ huy tại Sài Gòn cần cáng đáng một cách đáng kể nhiệm vụ lên kế hoạch và tổ chức, mà còn khiến vài anh em chúng tôi phải gánh vác công việc chân tay nặng nhọc. Bởi lẽ, một “nhóm công nhân bốc vác” phải chuyển hết hành lý của các đồng sự về nước vào khoang chứa đồ của các chuyến MALÉV (*), đến Sài Gòn sau vài ngày bay. Lý do là vì phi hành đoàn – lo ngại các hành động khủng bố có thể xảy ra – đã không cho phép các nhân viên bốc vác tại phi trường được đến gần máy bay.

Do nhiệt độ và độ ẩm khá cao, việc chuyên chở 80-100 kiện hành lý vào từng chuyến bay là công việc nặng nhọc. Không chỉ mệt nhọc về thể xác, chúng tôi còn bị chấn động tinh thần nghiêm trọng khi thấy gương mặt các đồng sự khi lên máy bay ai nấy đều tươi cười, rạng rỡ do mừng vui vì sắp được về nhà, còn chúng tôi thì phải ở lại và chưa biết điều gì sẽ xảy ra, có thể được trở về với ngươi thương hay không.

Chút bù đắp cho nỗi buồn của chúng tôi là sau khi làm xong nhiệm vụ khuân vác hành lý, phi hành đoàn của chuyến bay thường mời chúng tôi lên boong thưởng thức những món ăn quê hương và rượu vang Hungary.

Tuần cuối tháng 4, chỉ còn 14 quân nhân và 19 nhân viên ngoại giao còn lại trong phái bộ tại Sài Gòn. Các quân nhân cùng một số nhân viên ngoại giao sống tại căn cứ ở phi trường, còn đa số các nhân viên ngoại giao thì ở khách sạn Continental. Nhận thấy cuộc chiến lan gần tới Sài Gòn và những tòa nhà nơi chúng tôi sống thì không đủ an toàn, chúng tôi tìm cách kiếm một căn cứ mà phái bộ có thể sống qua trong thời kỳ diễn ra những cuộc chiến để giành giật phi trường.

Sau một thời gian dài tìm kiếm, chúng tôi phát hiện ra một hệ thống lô cốt ngầm dưới các căn cứ ở sân bay, có lẽ được xây từ thời Pháp. Chúng tôi đã chuẩn bị dọn dẹp, dựng hệ thống điện, lên kế hoạch sắp xếp nơi chỗ, thì các đại diện lực lượng QC (Quân Cảnh - cảnh sát quân đội) xuất hiện và thẳng thừng tống chúng tôi khỏi hầm với lời lý giải là họ cũng cần đến lô cốt. Thế là hành động này của chúng tôi đã bất thành!

Sau đó, theo những quy tắc thường thấy trong quân đội, ban lãnh đạo phái bộ quyết định thiết lập một đài chỉ huy dự bị. Ngày 26-4, 2 nhân viên ngoại giao, 1 quân nhân (người viết những dòng này) và 1 chuyên gia thông tin ngoại giao được chuyển về tòa nhà trung tâm của ICCS tại Chợ Lớn, ở đó, chỉ còn vài đại diện của phái bộ Ba Lan, hẳn cũng với dụng ý như chúng tôi.

Phái bộ Indonesia và Irán khi ấy đã rời Sài Gòn. Đặc trưng cho sự vội vã của họ là do quá cuống cuồng rút đi, lãnh đạo quân sự phái bộ Irán còn để quên trên tường thanh kiếm mạ vàng do vị Quốc vương Iran tặng.

Đêm hôm sau, từ nóc tòa nhà ICCS, chúng tôi được chứng kiến cuộc oanh tạc bằng tên lửa căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Không còn nơi trú ẩn, các đồng sự còn ở lại tại phi trường của chúng tôi phải nấp dưới gầm cầu thang bê-tông của các tòa nhà, và đã thoát hiểm trong cuộc tấn công. Nhưng doanh trại quân đội của lực lượng Quân Cảnh nằm cạnh tòa nhà chúng tôi thì trúng hỏa tiễn và nếu không kịp xuống cái lô cốt mà họ đã giành của chúng tôi, hẳn họ đã bị tổn thất trầm trọng.

Mặc dù ở khá xa nơi trận chiến hỏa tiễn diễn ra, nhưng tôi vẫn rơi vào tình huống nguy cấp hai lần. Lần đầu, khi tôi cùng một đồng sự người Ba Lan lên nóc tòa nhà ICCS “chiêm ngưỡng” cảnh tên lửa được bắn tới tấp như pháo hoa. Có lẽ căng thẳng thần kinh vì mặt trận đang đến gần, một người lính ở doanh trại quân đội bên cạnh chán cảnh chúng tôi cứ leo trèo trên nóc nhà, đã xả một tràng súng máy về phía chúng tôi. May là đạn găm trúng phía trên cao bức tường sau lưng chúng tôi, nhưng lập tức nó đã chấm dứt cái thú xem “pháo hoa” của chúng tôi.

Còn pha nguy hiểm thứ hai thì xuất hiện khi tôi thuật lại cho các đồng sự ẩn náu dưới gầm cầu thang và vừa thoát khỏi cuộc oanh tạc, rằng chiêm ngưỡng cảnh tượng những trái tên lửa được nã xuống tới tấp là một cảm giác tuyệt vời và đáng ghi nhớ mãi. Khi ấy, chỉ thiếu chút nữa là tôi bị các đồng sự cho một trận nên thân!

Trở lại chuyện thiết lập một đài chỉ huy dự bị, việc thiết lập nó đã được chứng tỏ là không vô ích. Bởi lẽ, 1 ngày trước khi Sài Gòn bị phong tỏa, lực lượng Quân Cảnh đã bắt cóc phái bộ Ba Lan và Hungary làm con tin. Với sự hỗ trợ của đài chỉ huy dự bị, chúng tôi đã thiết lập được quan hệ với tòa đại sứ Hoa Kỳ và nhắc nhở họ rằng trong Hiệp định hòa bình Paris, có sự hứa hẹn là các phái bộ tham gia ICCS đều được đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao.

Với sự giúp đỡ của ĐSQ Hoa Kỳ và theo những nguồn tin chưa được khẳng định, kèm một cái giá nhất định về vật chất, rốt cục các đồng sự của chúng tôi cũng được giải cứu và đưa về khách sạn. Nhưng đây đã là một câu chuyện khác.

Ghi chú:

(*) Hãng Hàng không Quốc gia Hungary, hiện đã giải thể.

Tác giả bài viết: Hoàng Linh chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hungary