Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHÔNG CÒN LÀ TRÒ ĐÙA: MILAN KUNDERA TỪNG TỐ GIÁC BẠN CÙNG KÝ TÚC?

NCTG) Milan Kundera (1929-), nhà văn nổi tiếng gốc Tiệp, hiện sống ở Pháp, dường như đã tố giác bạn trai của một người bạn sống cùng ký túc xá thời đại học, khiến ông này phải ngồi tù 14 năm dưới thể chế cộng sản Tiệp Khắc.

Milan Kundera

Tình tiết kể trên được “Respekt” - tuần báo Czech theo khuynh hướng tự do – đưa vào ngày thứ Hai 13-10. Những tư liệu của sự kiện này đã được một sử gia thuộc Học viện Ký ức Quốc gia Czech tìm thấy trong kho thư khố của Cục An ninh Quốc gia Tiệp Khắc (cũ). Cho đến tối 13-10, Milan Kundera không trả lời phỏng vấn báo chí, dù ông đã nhận được nhiều câu hỏi bằng văn bản.

Câu chuyện xảy ra năm 1950. Miroslav Dvorácek, một cựu phi công, khi đó làm việc cho các cơ quan tình báo Phương Tây, đến thăm người bạn gái tại Học viện Điện ảnh và Nghệ thuật trình diễn Prague (FAMU). Hiện đang sống tại Thụy Điển, cho đến nay Dvorácek vẫn nghĩ rằng, có lẽ ông bị phát hiện là do người bạn gái “chỉ điểm” (ông từng tin tưởng cô bạn gái đến mức để cả va-li tại phòng cô ở ký túc). Tuy nhiên, trong một chương trình phát trên Đài Truyền hình Quốc gia Czech, ông Vojtech Ripka, một sử gia của Học viện Ký ức Quốc gia, cho hay: “Rất có thể Dvorácek bị bắt do Milan Kundera tố giác. Tính mạng ông ta đã bị đe dọa bởi bản án tử hình, nhưng rốt cục thì ông bị án tù giam 22 năm và phải ngồi tù 14 năm”.

Cùng nhà soạn kịch, cựu tổng thống Vaclav Havel, Milan Kundera là người Tiệp được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới. Giữa thập niên 70 thế kỷ trước, ông rời Tiệp Khắc và di tản sang Phương Tây. Năm 1979, ông bị tước quốc tịch Tiệp, nhưng rồi đến năm 1981 được nhập tịch Pháp. Kể từ đó, Kundera sống và sáng tác chủ yếu bằng tiếng Pháp ở Paris. Sau khi Tiệp Khắc thay đổi thể chế chính trị (năm 1989), nhà văn chỉ âm thầm về thăm lại quê hương. Kundera không hề quan hệ với báo chí Czech và không bao giờ bình luận về quá khứ cũng như hiện tại của mình. Ông cũng bác bỏ đề nghị của tạp chí “Respekt” và không muốn phát biểu gì về “phát hiện” mới này.

Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học, “chỉ điểm”, “tố giác” là những mô-típ đóng vai trò lớn trong các tác phẩm của Milan Kundera. Nhà phê bình văn học Czech Michaela Becková cho rằng, “rất có thể tình tiết chưa được biết đến này trong quá khứ của Kundera sẽ là một chìa khóa mới để hiểu và diễn giải các tác phẩm của ông”.

Milan Kundera xuất thân trong một gia đình trí thức trung lưu, thân phụ là hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Janacek ở Brno thập niên 50 thế kỷ trước. Sau khi tốt nghiệp trung học, Kundera theo học Văn học, Mỹ học, Triết học, Âm nhạc và Điện ảnh trong vòng hai năm tại Đại học Karlova (Prague), rồi chuyển sang học đạo diễn và viết kịch bản tại Học viện Điện ảnh và Nghệ thuật trình diễn Prague. Sáng tác đầu tay của ông là tập thơ theo phong cách “Stalinist”, ấn hành năm 1953; năm 1963 Kundera được Giải thưởng Klement Gottwald. Tiểu thuyết đầu tay “Trò đùa” (Žert, 1967) được coi là tác phẩm trụ cột của nền văn học Czech sau Đệ nhị Thế chiến, và đã được dịch ra vài chục thứ tiếng.

Từng là đảng viên cộng sản, nhưng đến cuối thập niên 60, ông chối bỏ những tác phẩm trước đó của mình. Vì thái độ phản kháng trong thời gian diễn ra “Mùa xuân Prague” 1968, năm 1970, Kundera bị tước đảng tịch và mất việc. Ở quê hương mới (Pháp), ông cho ra đời nhiều tác phẩm lớn và là ứng viên thường trực của giải Nobel Văn chương thường niên. Nhiều tác phẩm của Milan Kundera đã được dịch ra tiếng Việt (*).

(*) “Chậm rãi” (La Lenteur, 1993; Ngân Xuyên dịch, 1999), “Bản nguyên” (L'Identité, 1998; Ngân Xuyên dịch, 1999), “Sự bất tử” (Nesmrtelnost, 1990; Ngân Xuyên dịch, 1999), “Nghệ thuật tiểu thuyết” (L'art du roman, 1985; Nguyên Ngọc dịch, 2001), “Những di chúc bị phản bội” (Les testaments trahis, 1992; Nguyên Ngọc dịch, 2001), “Đời nhẹ khôn kham” (Nesnesitelná lehkost bytí, 1984; Trịnh Y Thư dịch, 2002), “Cuộc sống không ở đây” (Život je jinde, 1969; Cao Việt Dũng dịch, 2003), “Điệu van giã từ” (Valčík na rozloučenou, 1976; Cao Việt Dũng dịch, 2004)…

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI