Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHẢI HOÀN MÔN DUY NHẤT CỦA HUNGARY

(NCTG) Đầu năm 1764, tại một phiên họp Quốc hội Vương quốc Hungary tại TP. Pozsony (nay là Bratislava, Slovakia), Nữ hoàng Áo - Hung Maria Theresia đã được mời sang thăm Vác, một đô thị của Hung khi đó đang trên đà phát triển, với những tòa nhà, đường sá, quảng trường... được xây dựng san sát tại trung tâm thành phố theo trường phái Baroque.
Khải hoàn môn TP. Vác (Hungary)
Người mời, Bá tước Christoph Anton von Migazzi (Migazzi Kristóf Antal trong tiếng Hung) khi đó đã là Giám mục TP. Vác được 8 năm, nhưng vẫn giữ ghế Tổng giám mục Thành Vienna. Trong 20 năm đứng đầu giáo phận ở Vác (1756-1785), vị Hồng y này đã “đầu tư” 600 ngàn Forint cho “nhiệm sở” của ông, và trở thành người tái sáng tạo diện mạo của cả thành phố.

Tốt nghiệp Thần học tại Collegium Germanicum-Hungaricum (Roma, Ý) và có nhiều duyên nợ với mảnh đất Hungary, vị giám mục gốc Ý băn khoăn, làm sao để chuyến thăm của vị nữ hoàng trở nên đáng nhớ hơn. Ông bèn tìm đến Isidore Canevale, kiến trúc sư “gạo cội” người Vienna, tác giả Nhà thờ Chánh tòa TP. Vác, một kiệt tác đáng nể của trường phái Cổ điển.
 
Bên cạnh là Trường võ bị Theresianum cũng do Giám mục Christoph Anton von Migazzi cho xây dựng (1765-1767)
Bên cạnh là Trường võ bị Theresianum cũng do Giám mục Christoph Anton von Migazzi cho xây dựng (1765-1767)
 
Từ năm 1854, sau thất bại của cuộc cách mạng và cuộc chiến tự do 1848-49, nơi đây trở thành nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Hungary của Đế quốc Áo, và cho tới giờ là Nhà tù và Trại giam của Tỉnh Pest
Từ năm 1854, sau thất bại của cuộc cách mạng và cuộc chiến tự do 1848-49, nơi đây trở thành nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Hungary của Đế quốc Áo, và cho tới giờ là Nhà tù và Trại giam của Tỉnh Pest

Cần một khải hoàn môn như ở Rome, sẽ khiến nữ hoàng ấn tượng!”, Isidore Canevale phấn chấn, và khi đó, rất có thể ông nghĩ tới hình ảnh Khải hoàn môn Constantinus (Arco di Costantino) của Viện Nguyên lão La Mã ở cạnh Đấu trường La Mã (Anfitea tro Flavio, Colosseum), có lẽ là cổng chào chiến thắng nổi tiếng nhất của nền văn minh Châu Âu tính đến khi đó.

Ý hay, có lẽ vị Hồng y phải thốt lên, và lập tức, ông cho bắt tay vào việc. Thời gian không còn dài, lễ động thổ diễn ra ngày 2-5-1764, và “Thạch Môn” - Cổng đá, vì người dân Vác chỉ dùng cụm từ đó để chỉ khải hoàn môn này - được hoàn tất đúng vào dịp 20-8 cùng năm, tức là Ngày Szent István, kỷ niệm vị vua lập quốc. Tổng cộng, chừng ba tháng rưỡi đã được bỏ ra!
 
k5
 
k6

Khải hoàn môn duy nhất của Vương quốc Hungary có chiều cao 15m, rộng 12m, sâu 3,5m và gồm một cổng. Phần chính giữa của khải hoàn môn có dòng chữ tôn vinh Nhà Habsburg (Áo): AETERNE DOMVI (Triều đại vĩnh cửu). Mặt nhìn ra ngoài, trên nền đá cẩm thạch là hình ảnh Nữ hoàng Maria Theresia và chồng bà, Hoàng đế Đế chế Đức - La Mã Franz Stephan.

Được xây dựng theo trường phái Hậu Baroque, Khải hoàn môn Vác khánh thành tròn 1 tuần trước khi Nữ hoàng Maria Theresia đặt chân tới thành phố. Xuôi dòng Danube bằng thuyền, khi vừa cập bến Vác - tâm điểm của nước Hung lịch sử - vị nữ hoàng cùng gia đình hoàng gia được chở bằng xe ngựa vào trung tâm với sự tiếp đón trọng thị của rất đông cư dân trong vùng.
 
k7
 
k8

Một huyền thoại đương thời thuật lại rằng, khi tới gần Khải hoàn môn và được nghe kể rằng cổng chào được xây trong vòng vỏn vẹn 2 (hai!) tuần để đón bà, Nữ hoàng Maria Theresia đã không dám đi dưới cổng, mà phải tránh sang một bên. Dầu vậy, Vác đã chinh phục trái tim của bà, khi thay vì 2 đêm như dự định, bà cùng chồng và con gái đã ngủ lại đây trong 5 đêm!

Ngày chia tay, khi rời thành phố, thấy Khải hoàn môn vẫn sừng sững ở đó, đồn rằng Maria Theresia đã dám đi qua cổng chào này! Và từ ấy đến giờ, gần 260 năm, “Thạch Môn” vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cho dù một huyền thoại khác cũng gắn liền với nó: đêm 18-8-1865, khi Hoàng đế Franz Stephan qua đời, sét đã giáng xuống hình của ông trên Khải hoàn môn!
 
k9
 
k2

Là trung tâm của vùng Dunakanyar (Khúc ngoặt của dòng Danube, được coi là đoạn đẹp nhất của “Dòng sông mẹ” Châu Âu với chiều dài 2.850km này), Vác rất gần thủ đô Budapest và là một điểm tham quan lý tưởng trong vòng 1 ngày. Nội đô thành phố với nhiều công trình kiến trúc lịch sử đặc sắc, và Khải hoàn môn duy nhất của nước Hung, đủ để hấp dẫn du khách.

Mặc dù không nổi tiếng và được biết đến nhiều so với, ví dụ, Bắc đẩu Tinh tú Hoàn môn (L’arc de triomphe de l’Étoile) ở Paris hoàn tất sau đó 72 năm, nhưng Khải hoàn môn TP. Vác cũng nên được biết đến, ít nhất vì huyền thoại đi kèm, và phần khác, vì ý tưởng đẹp của Christoph Anton von Migazzi, vị Hồng y gốc ngoại, đúng vào thời điểm ông được nhận quốc tịch Hungary!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh