Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Hungary và Đệ nhị Thế chiến: CÂU CHUYỆN “VÌ THÀNH BUDAPEST XANH…”

(NCTG) “Giặc đã đốt nhà...” (Враги сожгли родную хату) của tác giả Isakovsky (Liên Xô) là một bài thơ đã được phổ nhạc, và đã được dịch rất thành công ra tiếng Việt. Tác giả của thi phẩm này cũng chính là người sáng tác bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc “Ca-chiu-sa”, mà không mấy người Việt không biết.

Người lính trong bài thơ, rất có thể đã được nhận huân chương này cho chiến tích chiếm được Budapest

Mô tả hình ảnh “anh lính trở về sau chiến thắng, khi không còn nhà, không còn người thân, đứng khóc trước mộ vợ”, “Giặc đã đốt nhà...” như nhận xét của dịch giả Thụy Anh, rất đơn giản, dễ hiểu, nhưng “chứa đựng nỗi đau hậu chiến, khiến người nghe cảm nhận sâu sắc đến cùng cực sự vô nghĩa và tàn bạo của chiến tranh, thậm chí, đến chiến thắng vẻ vang cũng không xua tan được cảm nhận bi kịch ấy”:
 
Giặc đốt mái nhà êm ấm
Hủy diệt cả gia đình anh
Về đâu bây giờ người lính?
Buồn khổ trút ai cho đành?

Đau đớn vô cùng, người lính
Bước đi đến ngã tư đường
Tìm thấy giữa đồng rộng lớn
Nấm mồ hoa cỏ vấn vương

Đứng sững bên mồ, người lính
Như đang nuốt nghẹn trong lòng
“Praskovia ơi hãy đón
Chồng em, một người anh hùng”

Hãy chuẩn bị đồ tiếp đãi
Bày biện bàn ăn trong nhà
Ngày của anh, ngày trở lại
Anh về chung vui hai ta…”

Không ai đáp lời người lính
Không người ra đón mừng anh
Chỉ thấy gió hè hiu quạnh
Đẩy đưa cỏ mọc mồ xanh

Thở dài, dây lưng sửa lại
Mở tay nải đeo bên người
Chai rượu đắng cay anh để
Lên tảng đá xám giữa trời:

“Đừng trách anh, Praskovia,
Bên em trong bộ dạng này
Lẽ ra uống vì sức khỏe
Mà vì tử biệt phải say

Bạn bè rồi đây gặp lại
Mà ta mãi mãi xa lìa…”
Cầm chiếc ca đồng anh uống
Rượu sầu một nửa anh chia

Cạn chén, nỗi lòng đau đớn
Người lính, nô bộc của dân:
“Anh chinh phạt ba cường quốc
Đi bốn năm trời tìm em”

Người lính say mềm tuôn lệ
Lệ của khát vọng không thành
Rực sáng huân chương trên ngực
Vì thành Budapest xanh.

Thụy Anh phỏng đoán rằng vì bài thơ này - đặc biệt là khổ cuối - mà tác giả Isakovsky đã gặp rắc rối và bài hát bị cấm lưu hành. Lý do, là vì: “Khổ cuối khi đặt hai hình ảnh bên nhau, dường như là một sự tương phản, cân đo đong đếm giữa sức nặng chiến thắng và cái giá phải trả cho chiến thắng ấy. Mà điều này, một thời, người ta cho là bi lụy và không chấp nhận được”.

Cá nhân người viết bài này hiểu thô thiển rằng bài thơ nói lên nỗi thất vọng của người lính khi trở về, không còn người thân. Thực ra, có lẽ anh ta cũng ko màng tới huy chương danh vọng, hay chiến tích “đánh thắng vài thực dân đế quốc” này nọ, mà chỉ khao khát được trở về với mái ấm gia đình mà thôi.

Dầu sao đi nữa, đây cũng là vấn đề thuộc về cảm nhận mà theo dịch giả Thụy Anh, mỗi người có thể “cảm” một kiểu khác nhau.
 
*

Khổ cuối bài thơ “Giặc đã đốt nhà...” (sáng tác năm 1945) cho chúng ta hay, quân nhân Liên Xô nhắc tới trong thi phẩm này là người đã tham gia cuộc phong tỏa Budapest và được tặng thưởng huân chương vì chiến tích ấy.

Nếu thế, anh là một trong hơn 362.000 người lính và sĩ quan Hồng quân, được tặng huân chương “Vì thành tích chiếm đóng Budapest”, hoặc “Vì thành tích chiến thắng Hungary phát-xít”.

Và nếu có chiến công nổi bật, anh còn có thể là một trong gần bốn trăm người lính Xô-viết được nhận huân chương Anh hùng Liên Xô cho võ nghiệp tại đất Hungary - đây là danh hiệu cao quý nhất của quân đội Liên Xô mà bất cứ quân nhân nào cũng phải mơ ước (*).

Nhìn lại lịch sử, trong Đệ nhị Thế chiến, vì những hệ lụy khó tránh khỏi do vị trí địa chính trị và sự ràng buộc của những mối quan hệ, Hungary đứng về phe Đức phát-xít và do đó, việc Hồng quân tràn sang đất Hungary thời gian cuối của cuộc chiến là điều “bất khả kháng”.

Cũng vì thế, khác với một số quốc gia Đông Âu khác, trong các chỉ thị, nhật lệnh, Hồng quân Liên Xô đều gọi những chiến dịch quân sự của mình tại Hungary là sự chiếm đóng, Hungary là đất nước bị chiếm đóng.

Chỉ vài năm sau, khi đã cho Đảng Cộng sản xứ này đàn áp thẳng tay các chính đảng khác và lên nắm độc quyền, điện Kremlin mới “” cho phía Hungary “tình cảm hóa” và “đương nhiên hóa” sự có mặt của mình tại xứ này bằng cách “tấn phong” một ngày (4-4) hàng năm là “Ngày Giải phóng”.

Đồng thời, năm 1947, đích thân thống chế Voroshilov, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Đồng minh, còn tự tay lựa chọn một điêu khắc gia khắc họa sự “giải phóng” Hungary của Hồng quân bằng một Đài tưởng niệm Giải phóng kỳ vĩ trên đỉnh núi Gellért, “vùng đất thiêng” gần Hoàng thành Budapest.
 

Tượng thần Tự Do (tên gọi thông dụng của Đài tưởng niệm Giải phóng thời xưa) trên đỉnh núi Gellért (Budapest)

Đài kỷ niệm đã được thực hiện cấp tốc ở mức kỷ lục cho kịp lễ mừng “Ngày Giải phóng” năm ấy; cố nhiên, phí tổn do phía Hungary chịu. Toàn thể đài kỷ niệm được “chú thích” bởi hàng chữ “Nhân dân Hungary nhớ ơn các anh hùng giải phóng Xô-viết”, và cạnh đó là tên những quân nhân Liên Xô bỏ mình tại Hungary.

Như thế, trong vòng 40 năm, không ai dám hồ nghi tính “giải phóng” của việc Liên Xô đưa quân vào Hungary năm 1945 vì một lẽ đơn giản: sự kiện ấy đã được “ban chân phước”, thậm chí, được “phong thánh” một cách chính thức bởi chính quyền hai nước.
 
*

Thời điểm 4-4 nhắc tới ở trên, được coi là ngày Hungary “hoàn toàn giải phóng”, thực ra chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng. Những cuộc chiến giữa Hồng quân và Liên quân Hungary - Đức vẫn còn kéo dài ít nhất là đến giữa tháng 4-1945: có điều, chỉ huy quân đội Liên Xô tại Hungary đành phải “báo cáo láo” về Moscow vì Stalin đã quá... sốt ruột.

Bởi lẽ, mãi mà hai vị thống chế Liên Xô Malinovsky và Tolbukhin - với số quân nhân và quân trang, quân dụng hơn hẳn ở mức áp đảo - vẫn chưa chiếm được Hungary để mở đường qua Áo, tới các xứ khác. Cho dù, với những toan tính chia vùng ảnh hưởng với các đồng minh Phương Tây, và nhằm đảm bảo vị trí số một của Liên Xô tại vùng Đông - Trung Âu, từ tháng 9-1944, Stalin đã hạ lệnh phải chiếm ngay Budapest bằng mọi giá.

Vào thời điểm ấy, Hungary đã bị những đợt oanh tạc của không quân Anh tàn phá nặng nề - có những nơi, 80% bị phá hủy. Liên quân Hungary - Đức hoàn toàn không có khả năng gì để chống trả những đợt tấn công vũ bão của quân đội Đồng minh.

Đặc biệt, hai Phương diện quân Ukraine (thứ hai và ba) – do các vị thống chế nói trên chỉ huy – hoàn toàn chiếm thế “thượng phong”, tưởng chừng có thể chiếm Budapest để “ăn mừng” Cách mạng tháng Mười vào ngày 7-11-1944, như Stalin mong muốn.

Có điều, Hồng quân đã không thực hiện được ý định ấy, một phần vì quân Đức được lệnh tử thủ đến cùng, phần khác vì hai ông nguyên soái đã “nướng quân” một cách không thương xót cho vầng hào quang của chính họ.
 
*

Có tổng cộng 382 quân nhân Liên Xô (trong đó, rất nhiều người đã hy sinh) được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những chiến công trên lãnh thổ Hungary.

Trong số đó, ngoại trừ 26 tướng tá và 80 sĩ quan phi công - những người mà chiến tích của họ không gắn liền với một địa danh cụ thể nào – thì trong tổng số 276 người còn lại, có tới 115 người (41%) được huân chương này vì cuộc vượt sông Danube tại Ercsi, một thị trấn cách Budapest 33 cây số về phía Nam.

Đó là một trận kịch chiến kinh hoàng, khi theo lệnh của Malinovsky, từng đoàn quân Liên Xô thuộc Phương diện quân Ukraine thứ hai cứ thế lao vào cái chết chắc chắn dưới làn đại bác của Liên quân Hungary - Đức, mà không hề được sự yểm trợ của pháo binh. Những người sống sót, khi hồi tưởng, vẫn rùng mình với cảnh tượng dòng Danube sủi bọt ngầu máu, và những đoàn chiến thuyền bị bắn tan nát.

Quân Hungary - Đức đã chuẩn bị hệ thống pháo binh rất kỹ lưỡng cho trận chiến này. Dưới tiết trời lạnh giá (dòng Danube hầu như đóng băng), 75% tổng số thuyền bè của Liên Xô bị phá hủy khi mới ra tới giữa sông trong ngày đầu (4-11) của cuộc chiến. Khá nhiều đại đội tiên phong của Hồng quân bị tiêu diệt hoàn toàn, những người sống sót phải rút lui giữa chừng.

Tuy nhiên, Malinovsky không chịu rút quân, mà tối 5-11, ông vẫn quyết định lập cứ điểm bên bờ sông (ba trên tổng số bốn cứ điểm này bị quân Đức phá hủy tức thì). Ngày 6-11, quân Liên Xô lại bị buộc phải vượt sông và không ai trong đại đội tiên phong của Nga sống sót.

Một số người sang được bên kia sông, lập tức phải rời đội thuyền bé đã bị bắn nát, ngâm mình dưới nước và bơi trong dòng sông đã đóng băng cùng quân trang trên vai để tiếp tục cuộc chiến. Những tổn thất rợn người của Hồng quân khiến đối phương cũng phải sửng sốt.

Một sĩ quan Liên quân Hungary – Đức hồi tưởng: “Dù vậy, quân Nga vẫn không ngừng vượt sông. Không những các chiếc thuyền đổ bộ, mà một chiếc phà hơi nước cũng được sử dụng để chở quân. Một trái bom Đức được thả trúng chiếc tàu chở đầy lính Nga, làm nó chìm tức khắc. Nhưng ngay sau đó, từ sau cứ điểm, một chiếc khác được thay thế và cuộc vượt sông lại tiếp diễn.

Điều kinh khủng nhất là cứ điểm bờ bên kia vẫn nằm trong tay quân Đức và họ nhả đạn liên tục vào những kẻ xông lên bờ. Chỉ một phần nhỏ quân Nga sống sót, những người này cũng phải ẩn náu trong mực nước sâu hàng chục mét, hoặc trong bùn lầy ngập ngụa.

Một kỵ binh cạnh tôi thấy cảnh đó, nói với tôi: - Thưa trung tá, nếu người ta đối xử như thế với chính quân của họ, thì họ sẽ ra sao với kẻ thù?
”.
 
*

Không thể không khâm phục lòng dũng cảm vô song của người lính Nga khi bị chỉ huy dồn vào cái chết gần như chắc chắn, nếu như thực sự họ chiến đấu vì Tổ quốc Xô-viết, như đại đa số họ tâm niệm.

Đáng buồn là điều đó đã không xảy ra ở Ercsi, một địa danh hóa ra hoàn toàn không có ý nghĩa trong chiến sự tại Hungary nói chung, và cuộc phong tỏa Budapest nói riêng. Thực tế cho thấy, Phương diện quân Ukraine thứ ba của Thống chế Tolbukhin đã vượt Danube từ sườn trái vào ngày 28-10 và không cần phải chuyển bờ, lẽ ra, Malinovsky cũng có thể thực hiện cuộc tấn công trên miền hạ lưu Danube.

Tuy nhiên, đầu tháng 12-1944, quân của Tolbukhin thắng như chẻ tre mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào, và có thể thẳng tiến về Budapest theo hướng Bắc với nhịp độ ngày một nhanh, trong vài ngày. Số phận Budapest, thực ra đã như “cá nằm trên thớt”: Liên quân Hungary - Đức ở thủ đô và vùng ven không thể chống cự được lâu.
 

“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” - Nguyên soái Malinovsky, hai lần Anh hùng Liên Xô

Và đó là điều Malinovsky không thể chấp nhận, ông không thể chia sẻ với bất cứ ai - nhất là với Tolbukhin – trong trận đánh ở thủ đô. Với hy vọng là người đưa quân chiếm đóng thành Budapest, Malinovsky sẵn sàng đơn phương đẩy binh lính của mình xuống dòng Danube lạnh giá, mà không yêu cầu sự yểm hộ của bất cứ ai khác.

Tại Hungary, hơn 200 ngàn lính Nga đã tử trận và con số những người bị thương lên tới nửa triệu. Trong số đó, khoảng 50% chết hoặc bị thương trong các trận chiến gần Budapest. Những thiệt hại này, cố nhiên, có thể nhỏ hơn rất nhiều nếu Ban lãnh đạo quân sự Xô-viết – trong nhiều dịp – không sử dụng quân nhân của mình một cách vô nghĩa, như những con tốt bị thí cho vòng nguyệt quế của mình.

Nhất tướng công thành vạn cốt khô” là ở đấy…
 
*

Cuộc chiến Budapest kéo dài từ ngày 29-10-1944 tới 13-2-1945 (108 ngày), được phía Đức ví như một “Stalingrad thứ hai” vì sự ác liệt và đẫm máu của nó.

Riêng cuộc tấn công Budapest - kể từ thời điểm Ban lãnh đạo quân sự Liên Xô quyết định công thành, sau khi Liên quân Hungary - Đức được lệnh tử thủ, không được đầu hàng và không được phá vòng vây từ Hitler – cũng kéo dài tới 51 ngày. (Một so sánh nhỏ, dù có thể khập khiễng: Berlin thất thủ trong vòng hai tuần).

Cả hai cái tên Tolbukhin và Malinovsky, về sau, đều được đặt cho hai con phố của Budapest và tồn tại trong vòng 45 năm. Những ai còn sống sót (thực tế không nhiều) trong số 115 anh hùng được tấn phong, nếu đến Budapest và được biết câu chuyện ganh đua kể trên, hẳn có thể đặt câu hỏi: trong những giờ khắc nhất định, tại sao họ đã phải liều mạng?

Tuy nhiên, cũng không nên đổ hết “tội thành tích” lên đầu Malinovsky, thực ra là một vị tướng tài ba và có nhiều công lao đối với Liên Xô. “Thủ phạm” chính, có thể truy về “Ông chủ” Stalin với những toan tính qua mặt Phương Tây để xây dựng “tiền đồn” cho mình tại vùng Đông - Trung Âu.

Để làm được điều đó, trong những ngày cuối của Thế chiến, Stalin đã liên tiếp đưa ra những chỉ thị và những thời hạn nhiều khi “bất khả” cho các vị tướng lĩnh. Tự tin vì những chiến thắng liên tiếp của Hồng quân (mà công lao thực ra thuộc về những người lính quả cảm vô song, những chỉ huy quân sự tài ba), Stalin không bao giờ lặp lại thái độ hoảng hốt và tuyệt vọng như khi cuộc chiến mới bùng nổ.

Thậm chí, sau khi chiếm được Budapest, ông còn giục hai vị thống chế phải chiếm lập tức Vienna và dùng kế “khích tướng” khi Tolbukhin, trong cảnh nguy cấp, xin được cứu viện (Stalin không chấp nhận đề nghị này): “Nếu đồng chí Tolbukhin còn muốn đẩy hồi kết của cuộc chiến thêm 5-6 tháng nữa, đồng chí hãy rút quân về phía Tây sông Danube, ở đấy hẳn là bình yên nhé. Nhưng tôi không tin là đồng chí muốn như thế…”.

Và Stalin còn hứa rằng nếu thắng trận, Tolbukhin sẽ được nhận sư đoàn thiết giáp số 6 của Malinovsky, nghĩa là thành tích chiếm thành Vienna cũng thuộc về Tolbukhin, chứ không phải Malinovsky!
 
*

Khi đánh giá về khái niệm “giải phóng” hay “chiếm đóng”, cái tên Malinovsky một lần nữa lại được nhắc đến, như người đã “bàn giao” chừng 100 ngàn thường dân Budapest và vùng phụ cận cho cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô (NKVD, tức Bộ Dân ủy Nội vụ).

Nghiễm nhiên, những người này bị coi là “thù địch” và bị chở về các trại tập trung, cải tạo và cưỡng bức lao động ở các “vùng sâu”, “vùng xa” tại Liên Xô. Ước tính, sau khi được “giải phóng”, có chừng 200 ngàn thường dân Hungary phải chịu số phận như vậy: khoảng 20-25% số họ không đến được các trại Gulag, mà đã thiệt mạng hoặc tại các trại tù tạm thời giữa đường vì đói khát và bạo hành.

Đại đa số, tới nay, vẫn yên nghỉ trong các khu mộ tập thể, vô danh. Chẳng hạn, tại một địa điểm “tập kết” tạm thời ở thành phố Szolyva (trước thuộc Hungary, sau được “nhượng” cho Ukraine), theo các hồi tưởng, hàng ngày có 100-120 người thiệt mạng và bị chôn tại những ngôi mộ tập thể ngay cạnh trại.

Họ là những thường dân Hungary và (gốc) Đức, ở độ tuổi quân dịch (18-50) và bị quân chiếm đóng Liên Xô lừa rằng cần ra “trình diện chính quyền” để đi lao động 3 ngày. Đa số đã mất tích hoặc bỏ mạng tại Gulag.

Có lẽ vì vậy mà sự hiện diện của Hồng quân Liên Xô tại Hungary năm 1945 (và trong vài thập niên sau đó) thường được coi là đã đem lại sự “giải phóng” cho một số nhóm người, giai tầng nhất định, thì lập tức là nỗi bất hạnh cho đại đa số cư dân xứ này bằng cách hành xử thô bạo và sự du nhập một cách cưỡng bức ý thức hệ độc tài của họ. “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” là như thế!
 
*

Khi đề cập tới những vấn đề đã nói ở trên, một bạn đọc có nhận xét, “hình như sự hy sinh của những chiến sĩ Hồng quân trong Thế chiến thứ hai đều trở nên vô nghĩa, khi giờ đây người ta không công nhận là họ đã đánh đuổi phát-xít Đức ra khỏi bờ cõi một số nước”.

Lịch sử rất cần được nhìn nhận một cách sòng phẳng và đa chiều, và trong trường hợp này cũng vậy. Không thể phủ nhận lòng dũng cảm, kiên cường và sự hy sinh quên mình của những người lính (Liên Xô và các nước Đồng minh khác), trong cuộc chiến trước hết là bảo vệ Tổ quốc, và sau đó, bảo vệ hòa bình thế giới, chống phe phát-xít.

Những người lính tất nhiên cũng không phải chịu trách nhiệm về mưu toan (và tội lỗi) của các chính phủ, sau khi “giải phóng” (hoặc “chiếm đóng”), “đánh đuổi phát-xít Đức ra khỏi bờ cõi”, đến khi tình hình đã yên, thì không rút về như ý nguyện của đại bộ phận nhân dân bản xứ, mà lại viện dẫn “yêu cầu” của một thiểu số lãnh đạo do chính họ đặt ra và đưa lên ngôi vị độc quyền, để ở tịt lại đó hơn bốn thập niên!

Riêng tại Hungary, vì những lý do thượng dẫn, nhiều cuốn sách giáo khoa Lịch sử những năm gần đây đã chính thức coi biến cố Hồng quân vào Hungary năm 1945 là sự “chiếm đóng”. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sẽ khó có được sự đánh giá khách quan trong vấn đề này, đơn giản vì thời gian đã trôi qua quá lâu và một danh xưng có thể phụ thuộc nhiều vào tình cảm.

Một cuộc thăm dò dư luận cách đây vài năm cho thấy một phần ba số người Hungary được hỏi coi đây là “chiếm đóng” (một phần ba coi là “giải phóng”, và phần còn lại cho rằng không thể đơn thuần gọi là “giải phóng” hay “chiếm đóng”, tùy hoàn cảnh của mỗi người sẽ có những câu trả lời khác biệt.

Trên cái nền ấy, Hungary vẫn giữ nguyên Đài kỷ niệm các chiến sĩ Xô-viết tại Quảng trường Tự do - quảng trường đẹp nhất tại trung tâm Budapest, cho dù đã nhiều lần, những phần tử cực đoan, cũng như một bộ phận cư dân muốn phá bỏ tượng đài như một di chứng đau đớn của một thời kỳ đã qua.

Cũng như thế, về căn bản, quần thể Đài tưởng niệm trên núi Gellért vẫn được giữ nguyên, chỉ một số pho tương “không thích hợp” được dời đi nơi khác và dòng chữ tri ân Hồng quân được đổi lại một cách “trung tính”: “Tưởng nhớ những người đã hy sinh cuộc đời cho nền độc lập, tự do và phồn vinh của nước Hung”.

Khó có giải pháp nào có thể khiến tất cả mọi người bằng lòng, nhưng lịch sử là như thế và có lẽ, cần chấp nhận nó trong tổng thể đa chiều như vậy! (**)

Ghi chú:

(*) Không phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư Brezhnev “văn dốt vũ dát”, cũng phải cố tự tấn phong cho bản thân trong thời bình để có được danh hiệu bốn lần Anh hùng Liên Xô, ngang hàng với Zhukov, “vị thống chế vĩ đại nhất của Đệ nhị Thế chiến” theo đánh giá của Phương Tây.

(**) Một số chi tiết trong bài viết là rút từ tư liệu của sử gia, Tiến sĩ Sử học Ungváry Krisztián. Chân thành cám ơn ông!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, 24-1-2010 - 23-4-2014