Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUYỀN THOẠI VỀ “NGƯỜI HUNG TANG TÓC”

(NCTG) Trận kịch chiến ở ngoại ô TP. Augsburg (Đức) năm 955 giữa 10-25 ngàn chiến binh tinh nhuệ thuộc các bộ lạc Hungary và liên quân Đức với chừng 4-8 ngàn kỵ binh mặc thiết giáp, đã mang lại thất bại thảm hại cho phía Hung, theo các bài học lịch sử “nhập môn” cho học sinh phổ thông.
Trận chiến ngày 10-8-955 tại TP. Augsburg (tranh thế kỷ 19)
Sự kiện trọng đại này được coi là một đòn chí mạng giáng xuống quân Hung trong thời kỳ dân tộc này đã chiếm được vùng lòng chảo Kárpát và theo đuổi những cuộc tấn công tại Châu Âu, đi vào lịch sử với cái tên “thời kỳ của những cuộc chiến phiêu lưu mạo hiểm” (kalandozások ideje).

Sử cũ ghi lại rằng, trong thời gian 862-970, các đạo quân Hung đã mở ít nhất 47 cuộc chiến - trong đó 38 trận ở Phương Tây, và 9 trận ở phía Nam -, và đó là còn chưa kể những trận mà hiện tại các nguồn sử liệu không còn ghi lại được, với mục tiêu chủ yếu là... cướp bóc.

Theo cách nhìn nhận mới của giới sử học, bên cạnh việc “kiếm chiến lợi phẩm” (thường bị coi thường, và xuất phát từ quan điểm của sử sách Phương Tây), thực sự khi đó, người Hungary đã có tầm nhìn quân sự và chiến lược xa, và họ khởi chiến nhằm mục đích bành trướng.

Bởi lẽ, một bộ phận đáng kể binh sĩ Hung khi đó làm nghề “đánh thuê” cho giới lãnh chúa, quý tộc Châu Âu, và do đó, nhiều chiến dịch quân sự mà Hungary tiến hành khi đó chính là để thực hiện những bổn phận mà họ cam kết với lãnh đạo Tây Âu trên tư cách liên minh.

Trở lại trận thua năm 955 mà sách vở sau này nhận định rằng, đó không chỉ là một thiệt hại lớn về người, mà còn chứng tỏ là một thời đại đã chấm dứt trong lịch sử Hungary trong những năm tháng “tiền lập quốc”, thật ra tổn thất của phía Hung không quá lớn.

Tuy nhiên, truyền thuyết lịch sử được ghi trong tác phẩm lớn “Biên niên sử bằng tranh” (Chronicon Pictum, thế kỷ 14) thì lại cho rằng, đạo quân Đức mà chủ lực là người Saxon (liên minh các bộ tộc người German cổ) đã tàn sát hết các binh sĩ Hungary, và chỉ để lại vỏn vẹn 7 người.
 
Những chiến binh khốn khổ: “Người Hung tang tóc”
Những chiến binh khốn khổ: “Người Hung tang tóc”

Bảy người đó bị cắt cụt tai, bị lăng nhục bằng cách tống lên đường về Hung để đưa tin bại trận cho người ở hậu phương. Mang tên “Người Hung tang tóc” (gyászmagyarok), những binh sĩ này bị khinh bỉ vì bị cho rằng họ đã hèn nhát và không chết trên chiến trường cùng đồng đội.

Họ bị thu hết gia sản và cứ thế, đi lang thang hết chỗ này đến chỗ khác để hành khất, thậm chí đến đời cháu của họ cũng phải hành nghề đó. Sự nhục nhã của họ chỉ được chấm dứt vào thời István Đệ nhất: vị vua lập quốc tỏ lòng thương xót những chiến binh tội nghiệp ấy.

Rốt cục, họ được ở tại tu viện mang tên Szent Lázár (Order of Saint Lazarus) tại vùng ngoại ô Esztergom, và được đổi tên gọi. Kể từ đó, những cựu “Người Hung tang tóc” trở thành thành viên một dòng tu có mặt ở khắp Châu Âu và chuyên chăm sóc người bị bệnh cùi (hủi).

Augsburg đương nhiên là sự kiện bi thảm trong đời của những “Người Hung tang tóc”, nhưng lại là một bước ngoặt tích cực trong lịch sử Hungary: người Hung từ bỏ ý định tấn công Tây Âu, và dần dà, nghĩ tới việc phải hội nhập Châu Âu nếu muốn tiếp tục tồn tại ở nơi này.

Tròn 45 năm sau, một “kỳ nhân” của Hung - Szent István, người sau này được cả hai giáo hội (Giáo hội Công giáo La Mã và Giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp) phong thánh - đăng quang, sáng lập Vương quốc Hungary và vĩnh viễn chấm dứt thời kỳ “mông muội” của dân tộc này...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh