HUNGARY KỶ NIỆM 20 NĂM THÁO DỠ “BỨC MÀN SẮT”
- Chủ nhật - 28/06/2009 15:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giây phút làm nên lịch sử: Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula và người đồng nhiệm Áo Alois Mock sau khi “cắt rào” (Sopron, 27-6-1989) - Ảnh: Rédei Ferenc (“Tự do Nhân dân”)
Sự kiện lịch sử với những chi tiết hậu trường thú vị
Bức ảnh hai ông đích thân dùng kìm cộng lực để cắt hàng rào dây thép gai đã được lan truyền trên truyền hình và báo chí thế giới, như một biểu tượng của sự đổi thay ở Đông Âu và mốc khởi đầu dẫn đến sự hình thành Ngôi nhà chung Châu Âu.
Một điều lý thú là trong thực tế, “bức màn sắt” dọc tuyến biên giới Hungary – Áo đã được bắt đầu dỡ bỏ từ đầu năm 1989 và vào ngày 2-5, điều này đã được chính thức công bố trong một cuộc họp báo quốc tế tại cửa khẩu Hegyeshalom (phía bên Hungary). Do đó, khi sự kiện lịch sử ngày 27-6-1989 được tổ chức thì có một chuyện vui là hầu như… không còn hàng rào dây thép gai để cắt!
Thành thử, lãnh đạo Biên phòng Hungary đã phải huy động các nhân viên làm việc cật lực để tái dựng “bức màn sắt” trên một đoạn biên giới khá dài. Theo hồi tưởng của ông Nováky Balázs, một vị tướng biên phòng là chứng nhân của những sự kiện đương thời, Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula còn phàn nàn rằng ông phải cắt rào sắt bằng chiếc kìm quá cùn!
Hàng rào chia cắt Đông – Tây trong nửa thế kỷ
Như vậy, với những động thái diễn ra vào mùa hè 1989, đặc biệt là với việc mở cửa biên giới Hungary – Áo cách đây 20 năm, “bức màn sắt” chia cắt Châu Âu thời Chiến tranh lạnh đã được dỡ bỏ.
Dài 260km, “bức màn sắt” được dựng lên từ năm 1949 để ngăn cách Hungary với cái gọi là “thế giới tư bản”, và để ngăn chặn những vụ vượt biên không được chính quyền cộng sản cho phép. Cố nhiên, màn sắt còn nhiệm vụ hạn chế thông tin và mọi ảnh hưởng du nhập Hungary từ Phương Tây.
Đó là một hệ thống hàng rào dây thép gai kèm một số giải pháp kỹ thuật, như các bãi mìn dọc biên giới hoặc hệ thống báo động có thể cách biên giới hàng chục cây số, nhằm phát hiện kịp thời những ai lạc vào vùng cấm.
Tuy nhiên, cho đến những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, “bức màn sắt” đã tỏ ra lạc hậu về kỹ thuật, tốn kém về tiền của và không còn thích hợp với hoàn cảnh Hungary đang trong quá trình cải tổ.
Năm 1987, cư dân Hungary đã có “hộ chiếu thế giới” và có thể ra nước ngoài một cách hợp pháp. Số người vượt biên mang quốc tịch Hung là không đáng kể, mà nếu có cũng chỉ vì những lý do bất thường như say xỉn, thi trượt…
Cậnh đó, “bức màn sắt” còn ngăn cản giao thương, du lịch và gây phiền hà cho cư dân sống trong vùng biên vì họ chỉ được xuất nhập cảnh tại một vài cửa khẩu, trong thời gian hạn chế.
Thành thử, 2 năm trước khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, lãnh đạo Cơ quan Biên phòng Hungary đã đề xuất dỡ bỏ “bức màn sắt” vì nó không còn lý do tồn tại cả về mặt chính trị, đạo đức, kỹ thuật và tài chính.
Khi biên giới được mở: cửa khẩu Hegyeshalom, ngày 10-9-0989 - Ảnh: Szabó Barnabás ("Tự do Nhân dân")
Tuy nhiên, ý thức được rằng đây là một vấn đề chính trị lớn, có tầm ảnh hưởng đáng kể trong cả khối XHCN, phải chờ đến đầu năm 1989, sau nhiều dè dặt và chờ đợi phản ứng của Liên Xô, Đảng Cộng sản và chính phủ Hung mới bắt tay vào thực hiện việc dỡ bỏ.
Việc tháo dỡ bức màn sắt là bước tiến mang tính biểu tượng cho một Châu Âu không biên giới. Nó cũng là tiền đề cho việc xử lý vấn đề của chừng 160 ngàn người Đông Đức tràn sang Hungary để tìm đường sang Phương Tây mùa hè năm 1989.
Sau kỳ “Picnic toàn Âu” ngày 19-8, khi hàng ngàn công dân Đông Đức tỵ nạn ở Hung đã tràn qua cửa khẩu, chạy sang Áo và họ đã không bị lính biên phòng Hung ngăn cản, đêm 10-9, Hungary đã chính thức mở biên giới cho người Đông Đức sang Áo. Động thái này đã được đánh giá như “vết rạn đầu tiên trong bức tường Berlin”, hay theo lời Thủ tướng Helmut Kohl: "Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”
Bồi hồi lễ kỷ niệm 20 năm
Nhân 20 năm của sự kiện lịch sử kể trên, từ thứ Sáu tuần trước, đã có một lễ kỷ niệm được phía Áo tổ chức tại một cửa khẩu cũ (phần thuộc Hungary), với sự hiện diện của tổng thống hai nước Áo và Hungary.
Tiếp đó, tới thứ Bảy, Hungary đã có chuỗi kỷ niệm lớn diễn ra tại trung tâm thủ đô Budapest. Được rất nhiều người chú ý là triển lãm ảnh ngoài phố mang tên “1989 vòng quanh Thế giới”, về những biến chuyển cách đây hai thập niên và con đường dẫn đến chúng.
Tiêu điểm là một buổi lễ trọng thể với sự tham dự của 120 đại diện cấp cao 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có 6 tổng thống, 2 thủ tướng và nhiều vị chủ tịch Quốc hội.
Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Hungary tiếp đón đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Áo - Ảnh: Kocsis Zoltán ("Tự do Nhân dân")
Phát biểu trong dịp kỷ niệm, Tổng thống Hungary Sólyom László - một kiến trúc sư của quý trình thay đổi thể chế tại Hungary - nhấn mạnh rằng, 20 năm trước, phe đối lập và những người cộng sản đã thống nhất được với nhau trong một quan điểm rất quan trọng. Mục đích chung của hai bên, là làm sao để khiến Hungary chuyển đổi một cách hòa bình, không gây đổ máu.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, bản thân việc tháo dỡ “bức màn sắt” và mở biên giới Hungary – Áo chưa dẫn tới việc chấm dứt sự chia cắt Đông – Tây tại Châu Âu, bởi lẽ sự khác biệt về cội rễ giữa hai thể chế chính trị ở hai bên vẫn tồn tại. Và theo ông, ý thức được điều này, để hướng tới một Châu Âu thống nhất, các quốc gia Đông Âu đã san bằng được sự khác biệt đó trong hai năm 1989-90.
Tổng thống Hungary khẳng định: các nước XHCN khác cũng có công cuộc mở biên giới của riêng họ, nhưng việc mở biên giới Hungary – Áo đã góp phần trực tiếp cho công cuộc thống nhất nước Đức và Châu Âu. Cho nên, ông cho rằng sự kiện hai thập niên về trước mang tầm quan trọng quốc tế lớn lao mà hôm nay, chúng ta cần ghi nhận và chùng nhau kỷ niệm.
Thủ tướng Hungary Bajnai Gordon, trong một phát biểu ngắn, chia sẻ một kỷ niệm thú vị. Thời gian ấy, ông đang theo học Kinh tế năm thứ Ba và vào một ngày tháng 6-1989, khi đang trên đường đến trường để thi thì gặp một nhóm Đông Đức đang đi tìm trại tỵ nạn. Ông và đồng bạn đã chỉ đường cho họ.
Ông Bajnai Gordon còn thích thú với một chi tiết là khi bắt đầu nhập học, trường của ông còn mang tên Đại học Kinh tế Karl Marx, nhưng đến lúc tốt nghiệp thì trường đã được đổi tên thành Đại học Kinh tế Budapest.
Cũng trong dịp này, Tổng thống Đức Horst Köhler bày tỏ sự cám ơn về hành động quả cảm của Hungary năm 1989, nhấn mạnh rằng ông coi sự thống nhất của dân tộc ông như con đường dẫn tới sự thống nhất của toàn châu lục.
Còn Tổng thống Áo Heinz Fischer thì khẳng định: năm 1989 có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với toàn Châu Âu và Hungary, sau sự hy sinh năm 1956, đã có vai trò đặc biệt trong những sự kiện này bằng lòng quả cảm và sự anh hùng.
Ông nói thêm rằng bài học của 1989 là không một thể chế độc tài nào có thể cảm thấy mình mãi mãi được yên ổn, và cần hướng niềm hy vọng vào cư dân tại các vùng đất trên thế giới, hiện nay vẫn chịu sự đàn áp.
Chuỗi kỷ niệm tại Hungary diễn ra trong hoàn cảnh nước này đang gặp những khó khăn chồng chất trong đời sống kinh tế, sự bất bình của cư dân gia tăng. Chính giới Hung cũng nhấn mạnh rằng khi nhìn lại quá khứ, cũng là để gắng sức sao cho hiện tại được tốt hơn và một phần vì vậy, kinh phí cho kỳ kỷ niệm được xác định là giảm thiểu, nhưng làm sao vẫn giữ được tính trọng thể của nó.