HỒI TƯỞNG CỦA SIMONOV VỀ STALIN (Phần 2)
- Thứ sáu - 25/11/2005 11:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Stalin đứng tại chỗ một hồi rồi tiếp tục đi dạo bên cạnh chiếc ghế, cũng theo hướng mà trước đó ông đã đi. Ông làm một vòng quanh chiếc bàn họp, quay lại và đi dọc căn phòng trong bầu không khí lặng như tờ, rồi ông lại quay lại, rút chiếc tẩu khỏi miệng và chậm rãi nói, không hề cao giọng: - Lẽ ra không cần nói câu đó!”.
Xem Phần 1 của loạt bài.
Quân xâm lược và xe tăng Liên Xô bị phục kích và tiêu diệt trên Con đường chết Raate trong cuộc chiến Phần Lan - Ảnh tư liệu
Trong trích đoạn sau đây, Simonov thuật lại cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hải quân Isakov, người lãnh đạo hạm đội Xô-viết, từng có nhiều dịp gần gũi Stalin. Isakov thuật lại một mẩu chuyện rất đặc thù cho bản tính tự phụ của Stalin; đụng chạm đến nó là giáp mặt với tử thần.
Điều này không chỉ đúng đối với các thường dân mà còn ứng cả với những tư lệnh quân đội cao cấp, được thăng cấp vào cuối thập niên 30 để bù đắp vào khoảng trống để lại bởi thế hệ tướng lĩnh bị Stalin sát hại. Trong số đó, có đôi người quá trẻ, hay quá trọng danh dự cá nhân và do đó, không thần phục vô điều kiện nhà độc tài.
(...) Sự việc xảy ra trong Hội đồng Quân sự, ít lâu trước cuộc chiến tranh.
Mọi người bàn về nguy cơ tai nạn rất lớn trong ngành không quân. Stalin, theo thói quen của ông trong các phiên họp như thế, rít chiếc tẩu và phì khói vào những người tham dự cuộc họp trong khi ông đi dạo dọc bàn họp. Đôi khi ông nhìn vào mắt họ, đôi khi ông quan sát họ từ phía sau lưng.
Người ta lên tiếng giải thích tại sao nguy cơ tai nạn ở binh chủng không quân lại cao, đến khi Richagov, Tư lệnh Không quân hồi đó, đến lượt phát biểu. Tôi nhớ anh mang hàm trung tướng, còn trẻ và trông anh trẻ hơn tuổi rất nhiều, hệt như một cậu bé. Khi đến lượt, đột nhiên anh nói:
- Nguy cơ tai nạn sẽ vẫn còn cao bởi chúng tôi bị buộc phải bay trong những chiếc quan tài!
Lời tuyên bố đó khiến mọi người bất ngờ, ai nấy đỏ mặt, người cứng đờ, bầu không khí lặng như tờ bao trùm căn phòng. Chỉ có Richagov vẫn đứng, chưa hoàn hồn sau cú nổ của chính mình, mặt mày đỏ lựng và nóng nảy; Stalin đứng cách anh vài bước. Đúng ra là ông ta đi lại, nhưng ông dừng lại ngay sau khi nghe lời tuyên bố của Richagov.
Xin được nêu ý kiến riêng của tôi. Theo cái cách thức như đã được nêu ra, lời tuyên bố nói trên không có chỗ đứng trong Hội đồng Quân sự. Stalin đã làm nhiều việc cho binh chủng không quân, ông quan tâm nhiều đến ngành và có hiểu biết tương đối kỹ càng trong các vấn đề liên quan đến ngành; dù sao đi nữa, ông cũng am hiểu hơn nhiều so với những người đứng đầu Bộ Dân ủy Quốc phòng hồi đó.
Stalin hiểu rõ về binh chủng không quân hơn họ nhiều. Chắc chắn ông coi lời đáp của Richagov - ở dạng được đưa ra - như một sự xúc phạm đến cá nhân ông và mọi người đều hiểu điều đó.
Stalin đứng tại chỗ một hồi rồi tiếp tục đi dạo bên cạnh chiếc ghế, cũng theo hướng mà trước đó ông đã đi. Ông làm một vòng quanh chiếc bàn họp, quay lại và đi dọc căn phòng trong bầu không khí lặng như tờ, rồi ông lại quay lại, rút chiếc tẩu khỏi miệng và chậm rãi nói, không hề cao giọng:
- Lẽ ra không cần nói câu đó!
Rồi ông lại bước tiếp. Ông đi dạo quanh chiếc bàn, quay lại, đi dọc phòng họp, lại quay lại và hầu như ông dừng ở đúng chỗ mà trước đó ông đã đứng, và nói bằng một giọng cũng nho nhỏ như thế:
- Lẽ ra không cần nói câu đó! - và sau một chút nghỉ, ông nói thêm: - Phiên họp kết thúc!
Stalin ra khỏi phòng họp đầu tiên. Mọi người lục đục sửa soạn hành lý, xách cặp giấy, túi tắm ra về và chờ xem điều gì sẽ xảy ra sau đó. Ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư, nhưng đến ngày thứ năm vẫn chưa có gì xảy ra. Một tuần sau, Richago bị bắt và anh mất tích vĩnh viễn.
*
Trong trích đoạn sau đây, Simonov thuật lại lời kể của Nguyên soái Aleksandr Vasilyevsky, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân trong Thế chiến thứ hai, một người có dịp tiếp xúc thường xuyên với Stalin và thấu hiểu tính cách nhà độc tài.
Đề tài được nhắc đến là cuộc chiến Phần Lan, vốn bị coi là “cấm kỵ” ở Liên Xô (cũ) trong nhiều thập niên dài. Năm 1939, nhằm củng cố biên giới phía Bắc, chính phủ Xô-viết đề nghị Phần Lan nhượng lại cho Liên Xô eo đất Karelia; bù lại, Liên Xô sẵn sàng trao cho Phần Lan một khoảng đất lớn hơn: bán đảo Kola.
Đọc đoạn trích, độc giả có thể thấy ý kiến của Vasilyevsky: ngay từ thời điểm trước Đệ nhị Thế chiến, Stalin đã tỏ ra là một chiến lược gia tồi, bản tính tự cao tự đại và những sai lầm của ông đã khiến hàng vạn binh lính Xô-viết phải thiệt mạng một cách oan uổng trong cuộc chiến xâm lược Phần Lan.
Những ý kiến thẳng thắn và trung thực này đã không được đưa vào cuốn hồi ký nổi tiếng “Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh” của Vasilyevsky, từng được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Lý do rất dễ hiểu: bộ máy kiểm duyệt và thời kỳ đình trệ dưới “triều đại” Brezhnev...
Lính trượt tuyết Phần Lan tại mặt trận phía Bắc chống Hồng quân xâm lược (ngày 12-1-1940) - Ảnh tư liệu
Cuộc chiến Phần Lan bắt đầu như thế nào? Chính phủ ta mở những cuộc đàm phán với Phần Lan nhằm chuyển dịch đường biên giới và đề nghị họ nhượng lại eo đất Karelia cho Liên Xô, vùng đất này cần thiết để đảm bảo an toàn vùng Leningrad; chúng ta cũng đề nghị bồi hoàn xứng đáng cho họ.
Khi những cuộc đàm phán ấy tỏ ra thất bại hoàn toàn, Stalin triệu tập Hội đồng Quân sự và đặt vấn đề: nếu mọi sự diễn tiến như thế thì chúng ta phải mở một cuộc chiến tranh với Phần Lan. Tổng tham mưu trưởng quân đi Shaposhnikov được mời đến để thảo luận kế hoạch tác chiến. Cố nhiên, kế hoạch chiến sự cho cuộc chiến Phần Lan đã được bàn định xong xuôi và Shaposhnikov đệ trình nó lên Stalin.
Kế hoạch này xuất phát từ sự đánh giá thực tế sức mạnh quân sự của Phần Lan, cạnh đó, nó còn căn cứ vào trạng thái hệ thống chiến lũy phòng thủ của Phần Lan. Do đó, Shaposhnikov đòi hỏi sự tập trung của những lực lượng quân sự và vũ khí đáng kể, ông cho rằng đó là các yếu tố không thể thiếu được để thực hiện thành công kế hoạch nói trên.
Khi Shaposhnikov kê khai tất cả những lực lượng và phương tiện quân sự mà ông cho rằng Bộ Tổng tham mưu phải tập trung trước khi khởi sự, Stalin biến kế hoạch đó thành một trò hề. Ông nói đại loại như sau: Shaposhnikov đòi hỏi những lực lượng và phương tiện quân sự quá lớn để đánh Phần Lan, không thể cần đến những nhu cầu quá lớn như thế được.
Sau đó, Stalin quay sang phía Meretskov, Tư lệnh Quân khu Leningrad, và hỏi ông ta: “Quả thực các anh cần đến những lực lượng quân sự khổng lồ đến thế để đánh Phần Lan? Quả thực cần nhiều đến thế ư?”. Meretskov đáp: “Thưa đồng chí Stalin, phải tính toán, phải cân nhắc về chuyện này. Chúng tôi cần sự hỗ trợ, nhưng có lẽ không theo chiều hướng đã được nói ở đây”.
Như vậy, từ đầu, Stalin đã loại trừ Bộ Tổng tham mưu khỏi chiến sự sắp tới. Thậm chí, ngay tức khắc, ông còn bảo Shaposhnikov cần nghỉ ngơi, ông phân cho vị chỉ huy quân sự một nhà nghỉ ở Shochi và cho Shaposhnikov nghỉ phép. Tất cả các cộng sự của Shaposhnikov đều bị phân tán, Stalin cử họ đi làm đủ mọi thứ công tác “giám sát” ở mọi nơi. Ví dụ: ông tìm được một cớ gì đó để thuyên chuyển tôi đến giới tuyến ở Lithuania.
Ai cũng biết những gì xảy ra sau đó. Thiếu chuẩn bị, mặt trận Leningrad bước vào cuộc chiến trong tình trạng thiếu lực lượng quân sự cần thiết và thiếu phương tiện vũ khí, họ dậm chân tại chỗ trọn một tháng trời ở eo đất Karelia, bị thiệt hại nặng nề và về thực chất, họ chỉ vượt qua được chặng đầu của tuyến phòng thủ.
Chỉ sau tháng đầu, họ mới đến được phòng tuyến thực sự của Mannerheim, nhưng lúc đó binh lính đã quá mệt mỏi và không còn sức lực để chiếm các thành quách của đối phương. Khi ấy, Stalin cho triệu hồi Shaposhnikov (đang nghỉ phép) và Hội đồng Quân sự lại thảo luận kế hoạch tiếp tục cuc chiến Phần Lan. Về đại thể, Shaposhnikov đệ trình một kế hoạch giống như kế hoạch của ông trước đó một tháng.
Bây giờ, kế hoạch đó được thông qua. Vấn đề được đặt ra là ai sẽ chỉ đạo chiến sự vùng eo đất Karelia? Stalin tuyên bố Meretskov bất lực trước nhiệm vụ, vì thế ông ta không được ủy nhiệm. Stalin hỏi:
- Vậy ai chịu nhận nhiệm vụ lãnh đạo các lực lượng quân sự chiến đấu ở eo đất Karelia?
Mọi người lặng thinh, một sự im lặng kéo dài và khó xử. Cuối cùng, Timoshenko đứng dậy và nói:
- Nếu nhận được mọi thứ đã nói đến ở đây, tôi xin nhận nhiệm vụ chỉ huy và tôi hy vọng sẽ không gây thất vọng.
Timoshenko đã được bổ nhiệm như thế.
Ngoài mặt trận, cuộc chiến tạm ngừng trong một tháng. Thực chất chiến sự chỉ tái diễn vào tháng Hai. Trong tháng ấy, người ta khởi thảo kỹ lưỡng các kế hoạch tác chiến, điều đng các đơn vị quân đi, đào tạo họ và chuyên chở vũ khí đến vị trí cần thiết. Timoshenko điều khiển tất cả những công việc này tại vùng eo đất Karelia.
Phải công nhận quả thực ông quan tâm đến công việc một cách rất năng đng: ông huấn luyện, giảng dạy, chuẩn bị cho các đơn vị quân đi vào chiến trận. Các lực lượng không quân, chiến xa và trọng pháo được tập trung. Cuối cùng, khi các cuộc hành quân diễn ra, khi đó đã đầy đủ lực lượng quân sự và khí cụ cần thiết, thành công là điều tất yếu: Hồng quân nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến Mannerheim.
Xem tiếp Phần 3.