Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Góc nhìn lịch sử: BA LAN CŨNG CÓ LỖI VÌ ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN?

Do không chấp nhận những đòi hỏi của Hitler, nên Ba Lan cũng phải chịu một phần trách nhiệm về việc Đệ nhị Thế chiến đã nổ ra – đó là khẳng định của một sử gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Quân đội Liên Xô và Đức hữu hảo sau khi cùng tấn công và chia đôi Ba Lan (1939)

Đại tá Sergei Kovalyov, trong một bài viết đăng trên trang chủ của Bộ, đã nhận xét rằng những đòi hỏi của phía Đức thời đó là “vừa phải”.

Theo tác giả, do những nỗ lực để trở thành một đại cường, Ba Lan đã từ chối việc trao trả Danzig (ngày nay là Gdansk) cho phía Đức. (Thành phố cảng này, trong lịch sử, luôn là tiêu điểm của những tranh chấp Ba Lan – (Phổ) Đức và từ sau Đệ nhất Thế chiến, đã thuộc sự kiểm soát của Ba Lan).

Ngoài ra, sử gia này cũng cho rằng Ba Lan đã phạm sai lầm khi không cho phép xây đường cao tốc và xe lửa từ Đức qua thành phố Königsberg (phần Đông nước Phổ xưa, nay là Kaliningrad, thuộc Liên bang Nga).

Ông khẳng định. “Tất cả những ai nghiên cứu lịch sử Đệ nhị Thế chiến một cách không thiên vị đều thấy rằng, cuộc chiến đã bắt đầu do Ba Lan không chấp nhận đòi hỏi của phía Đức”.

Còn điều ít người biết đến là Hitler từng muốn gì từ Warsaw. Thực ra, những yêu cầu của Đức hoàn toàn vừa phải” – ông Kovalyov khẳng định.

Đứng đầu Phòng Nghiên cứu Quân sử vùng Tây Bắc nước Nga (hoạt động trực thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng Nga), đại tá Kovalyov viết: “Nhân danh sự thực lịch sử, cần nhấn mạnh rằng thất bại của việc tạo dựng một đối trọng chống lại sự xâm lăng phát-xít, đa phần, là trách nhiệm của các quốc gia “nhỏ” ở Châu Âu”.

Tác giả bài viết còn khẳng định, trong số những lý do khiến năm 1939, Hiệp ước ba bên giữa Liên Xô, Pháp và Anh (nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một cuộc chiến với nước Đức xảy ra) đã không được ký kết, phải kể đến việc Ba Lan đã không chấp thuận để Hồng quân Liên Xô có quyền trung chuyển qua lãnh thổ của họ như một phần của "an ninh chung".

Trong bài viết trên, sử gia Kovalyov còn lên tiếng bênh vực Hiệp ước Bất tương xâm giữa Đức và Liên bang Xô-viết, ký kết ngày 23-8-1939 giữa hai ngoại trưởng Molotov và von Ribbentrop. Như đã biết, Hiệp ước này, cùng Nghị định thư bí mật đính kèm, đã thỏa thuận 4 nước vùng vịnh Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania, Phần Lan) và Romania thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô.

Ngoài ra, Liên Xô và Đức đồng ý phân chia Ba Lan và bù lại, Moscow cam kết sẽ không đứng về phe Tây Âu để chống Đức. (Trong thực tế, Liên Xô của Stalin chỉ gia nhập phe Đồng minh sau khi đã bị nước Đức quốc xã “bội ước” tấn công vào mùa hạ 1941).

Dễ hiểu là quan điểm của nhà sử học thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã gây bất bình đến mức nào đối với Ba Lan, từng bị phát-xít Đức và Hồng quân Liên Xô tấn công và chiếm đóng trong Đệ nhị Thế chiến.

Lập tức, Warsaw có ý định đòi Điện Kremlin phải có lời giải thích cho bài viết. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Piotr Paszkowski, tuyên bố: thỉnh thoảng, Nga lại có những lời “lý giải lịch sử lạ lẫm”.

Vị phát ngôn viên nhấn mạnh: “Tuy nhiên, trong dịp này, tất cả đã xảy ra ngay tại trang chủ chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, và chúng tôi sẽ cho triệu đại sứ Nga để yêu cầu lời giải thích. Chúng tôi đặt giả thiết rằng những quan điểm kiểu ấy không sao có thể đại diện cho đường lối chính mạch trong quan điểm lịch sử của phía Nga”.

Trả lời Hãng thông tấn Interfax, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Alexander Drobyshevsky tìm cách “giảm nhẹ” tầm quan trọng bài nghiên cứu dài 18 trang nói trên, nhất là vì từ lâu nay, mối quan hệ Ba Lan – Nga đang có nhiều vấn đề căng thẳng. “Mục này của trang chủ dành cho những bài viết liên quan tới lĩnh vực quân sử và nghiên cứu, do đó, nó có thể hàm chứa những luận đề mâu thuẫn. Không thể coi những bài viết đó là quan điểm chính thức của Bộ”, ông Drobyshevsky tuyên bố.

(*) Bài viết đã đăng trên mạng talawas.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI