Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GAGARIN NHƯ MỘT BIỂU TƯỢNG TÌNH DỤC

(NCTG) Yury Gagarin - phi hành gia đầu tiên của nhân loại - vẫn sống mãi trong tâm tưởng dân Nga, dù 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ông bay vào vũ trụ, hơn 43 năm đã trôi qua từ khi ông ra đi trong một tai nạn máy bay, và dù những thể chế khác nhau đã thay nhau tồn tại ở nước Nga.

Tổng bí thư Nikita Khrushchev (trái) chúc mừng Gagarin tại Hồng trường (Moscow, ngày 14-4-1961) - Ảnh tư liệu

Ðối với tôi, Gagarin chính là nước Nga. Ông là một biểu tượng tình dục hoàn hảo. Ông là Martin Luther King, là Che Guevara của chúng tôi, Ông là một nhân vật tích cực, vượt lên hẳn mọi tranh cãi ở đất nước chúng tôi kể từ đầu thế kỷ XX cho đến ngày nay” - Aleksei Navalny, một blogger nổi tiếng người Nga viết như vậy.

Tác giả này nhìn chung đã không pha trò, nói đúng hơn là ông chỉ pha trò một cách hết sức thận trọng. Cố nhiên, có thể mỉa mai hay châm biếm sự sùng bái Yury Gagarin, nhưng chỉ trích ông cũng là một hành vi “phạm thượng” hệt như là bài xích “Ngày Chiến thắng” vậy. Nhìn chung, người Nga chỉ còn lại hai thời điểm trong quá khứ mà hầu như tất cả đều cùng nhau kỷ niệm: ngày 9-5 và ngày 12-4.

12-4 vừa qua, nước Nga kỷ niệm rất trọng thể sự kiện lịch sử diễn ra cách đây tròn nửa thế kỷ. Vào ngày này năm 1961, một thượng úy 27 tuổi được đưa lên vũ trụ trên con tàu Vostok-1 để 108 phút sau đó, anh trở lại Trái đất với quân hàm thiếu tá. Trong thời gian rất ngắn, không chỉ người dân trong khối XHCN, mà trên toàn thế giới đã biết đến chàng trai có vẻ ngoài khiêm tốn và luôn mỉm cười ấy.

Và điều đó còn đúng cho đến ngày nay, cho dù, ngoài Liên bang Nga, ở những nơi khác, sự sùng bái Gagarin không còn ở mức như vài thập niên trước đây...

Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm này, nhà báo Georgy Bovt có trích dẫn hồi tưởng của Georgy Grechko, cũng từng là một phi hành gia, về việc Tổng công trình sư Sergei Korolyov - người đứng đầu chương trình chinh phục vũ trụ của Liên Xô - đã chọn Gagarin cho chuyến bay đầu tiên như thế nào:

Tôi làm việc trong chương trình này trên cương vị kỹ sư. Chúng tôi biết rõ các ứng viên, và tìm cách xếp hạng họ theo các góc độ khách quan như quá trình chuẩn bị, vốn hiểu biết về kỹ thuật, các khả năng khác, v.v... Gagarin không phải là người giỏi nhất xét trên bất cứ góc độ nào. Khi được biết anh ấy được lựa chọn, chúng tôi đã ngạc nhiên.

Nhưng sau đó, khi thấy cả thế giới đều quý mến anh, chúng tôi mới biết rằng Korolyov đã có lý. Không ai tốt hơn Gagarin trong vai trò đó: anh là người con của nhân dân, một con người giản dị, dễ gần, luôn tươi cười và chân thành”.

Tiểu sử con người đó, có lẽ hầu như đã được biết đến trên mọi mặt báo trên thế giới. Nhưng điều ít được biết đến là cho dù chính phủ Liên Xô đã rất gìn giữ ông sau chuyến bay đầu tiên, ông cũng đã có cơ hội lên vũ trụ lần thứ hai, trong vai trò phi công dự phòng - nghĩa là, ông đã có thể thay thế phi công chính Vladimir Komarov trên con tàu Soyuz-1 nếu vào tháng 4-1967, phi hành gia này không bay được vì một lý do nào đó.

Ðây là chuyến bay thứ hai của Komarov và cũng là lần cuối cùng, và nếu trở về an toàn, ông sẽ là người đầu tiên hai lần lên vũ trụ. Tuy nhiên, con tàu đã gặp nạn trên đường trở về: mặc dù trước đó các kỹ sư đã báo cáo tới 200 lỗi kỹ thuật lên cấp trên, Komarov vẫn bị buộc phải bay bằng mọi giá để… kỷ niệm sinh nhật Lenin (22-4) và khi quay về, chiếc dù chính đã không mở ra khiến Komarov bị cháy thành than trong chiếc phi thuyền vào lúc nó đâm xuống đất.

Gagarin sống hơn đồng đội của ông được 1 năm. Tháng 2-1968, mang quân hàm đại tá, ông còn kịp bảo vệ bằng kỹ sư, trước khi qua đời trong một chuyến bay tập vào ngày 27-3. Bàn tay của định mệnh đã với tới Gagarin: cho dù sau cái chết của Komarov, giới chức Liên Xô từng cấm Gagarin bay vì sợ lại mất đi một thần tượng sống, nhưng ông đã cố gắng xin hủy lệnh đó, để được phép bay, dù chỉ là bay huấn luyện.

Nguyên nhân tai nạn của chiếc MIG-15 khiến Gagarin và một đồng sự tử nạn, đến nay vẫn gây tranh cãi và vẫn là đề tài cho những tín đồ của “thuyết âm mưu”. Những hồ sơ được bạch hóa trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ chuyến du hành vũ trụ đầu tiên cho thấy, có lẽ hai phi công đã sai sót kỹ thuật trong thao tác. Nếu đúng như vậy, điều này cũng không thể được tuyên bố dưới kỷ nguyên Xô-viết: một người anh hùng không thể phạm lỗi sơ đẳng như vậy.

Gagarin đã đi vào bất tử với thời điểm 12-4-1961, và với cái chết khi còn khá trẻ của ông. Thoạt tiên, chính phủ Liên Xô cũng không dự định làm “thật to chuyện” với chuyến bay đầu, nhưng sự sùng bái đã được dần dần xây dựng, một phần mang tính tự phát. Nếu như những thông tin của phi hành gia Grechko là đúng thì chính Korolyov là người biết trước rằng nhà du hành vũ trụ đầu tiên sẽ có được lượng “fan” kỷ lục.

Tuy nhiên, cần một người đóng vai trò chính trong việc lan truyền và phát triển sự sùng bái này: không phải ai khác, ngoài Tổng bí thư Nikita Khrushchev. Ông là người đích thân đề xuất việc tổ chức cuộc tiếp đãi và chúc mừng trọng thể Gagarin tại Hồng trường Moscow. Sau đó, mọi thứ đều diễn ra theo kịch bản đã định. Một thời gian dài, Gagarin không làm gì khác, ngoài những cuộc thăm viếng, “hiếu hỉ” trong và ngoài nước.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông là sang Tiệp Khắc, rồi tới Bulgaria và Phần Lan. Tại Anh, ông được diện kiến Nữ hoàng, rồi “người hùng của kỷ nguyên Xô-viết” còn có dịp tới hơn 30 quốc gia khác, trong đó có Hungary. Có thời gian, hàng ngày, ông phải có mặt để giao lưu, gặp gỡ công chúng liên tục tại 18-20 địa điểm!

Không thể liệt kê được hết những cuốn phim, sách vở, những ca khúc, vần thơ được sáng tác về cuộc đời và sự nghiệp Gagarin. Cũng như, đã có vô số đường phố, quảng trường, trường sở... mang tên ông: tại Saratov, còn có Ðại học Gagarin. Trong mục từ về ông ở phiên bản tiếng Nga Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, cái tên Gagarin được “sánh vai” cùng Kurt Cobain, Elvis Presley, Ernesto Che Guevara, những thần tượng giới trẻ.

Tên tuổi ông, cho đến ngày nay, đồng nhất với niềm tin vào sự phát triển và nghị lực con người” - nhận định này về Gagarin của người Nga, có lẽ cũng đúng cho những vị thánh. Chủ yếu những thần tượng chết trẻ có cơ hội được “phong thánh”, và Gagarin cũng thực hiện được tiêu chí này.

Nhưng bên cạnh sự sùng bái Gagarin, phải nhắc đến sự sùng bái tri thức mà chuyến bay đầu tiên và chương trình chinh phục không gian của Liên Xô đã tạo dựng, và điều này đóng vai trò không thể tranh cãi tại Liên bang Xô-viết cách đây nửa thế kỷ - đó là ý kiến của viện sĩ Vladimir Betelin trong cuộc phỏng vấn của hãng ITAR-TASS. Ðế chế Xô-viết đạt được đỉnh cao và thành công chói lọi dưới thời “tan băng” của Khrushchev, chỉ ít năm sau cái chết của Stalin.

Như ký giả Georgy Bovt nhận định: đầu thập niên 60 thế kỷ trước, dưới ảnh hưởng những thành tựu trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế và nghệ thuật, quả thực nhiều người tin tưởng chân thành rằng Liên Xô có thể “đuổi kịp và vượt” Hoa Kỳ, và rằng cho đến năm 1980, có thể xây dựng thành công CNCS. Một lý do khác: vào thời điểm ấy, khoảng cách trong mức sống giữa Liên bang Xô-viết và Mỹ là nhỏ nhất, kể từ năm 1914.

Gagarin, chàng trai có gương mặt trong sáng đã trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng vào sự thăng tiến này. Có điều, tiếp nối sau đó là những năm 70 của Brezhnev, 80 của Gorbachev, 90 của Yeltsin và 2000 của Putin. Dầu sao đi nữa, vẫn luôn có thể bấu víu vào vị thế hàng đầu một thời trong cuộc đua công nghiệp vũ trụ, cũng như, vào Ngày Chiến thắng.

Ðó là lý do khiến 43 năm sau ngày mất, Gagarin vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ trong lòng cư dân Nga...

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu