Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đọc sách: “NHỮNG TRẠI TÙ GULAG”

(NCTG) “Những trại tù Gulag. Nơi diễn ra sự diệt chủng của chế độ Bolshevik” (*), hồi tưởng của ông Menczer Gusztáv, thuật lại về những năm tháng khủng khiếp của một người ngoại quốc tại "địa ngục trần gian" Gulag.

Sau Đệ nhị Thế chiến, hàng triệu người từ các nước Đông Âu như Hungary, Ba Lan... đã bị đưa sang Liên Xô và đày ải trong các trại tập trung. Hơn nửa thế kỷ trước, là một trong 7-800 ngàn người Hung bị giam giữ ở đất Liên Xô, ông Menczer Gusztáv đã trải qua 105 tháng trong các trại tập trung của Đế chế Xô-viết, nhưng phải đến đầu năm 2006 ông mới quyết định viết ra giấy những năm tháng đau đớn ấy với một bút pháp nhân hậu, không hề có sự thù hằn.

Cuộc đời ông Menczer thoạt đầu diễn ra rất yên bình: ông trưởng thành trong một gia đình thị dân, đời sống đầy đủ, hồi nhỏ ông học giỏi các môn Khoa học Tự nhiên, ham đọc sách, thích thể thao, khiêu vũ, nói thành thạo tiếng Đức và theo học Đại học Y khoa. Menczer không hề quan tâm đến chính trị, tuy nhiên, khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Hungary bị cuốn theo phe Đức, Menczer bị điều ra mặt trận trên tư cách người điều khiển điện đài.

Hè năm 1945, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ một cách bất ngờ và vô lý. Buổi sáng, mẹ ông nói, lính Nga kiếm ai đó nhưng không thấy, họ sẽ trở lại. Trưa, ông Menczer chạm trán với người Nga nọ, lập tức ông bị dí súng vào hông và giải đi. Nhờ người phiên dịch, ông mới biết mình bị bắt, rồi ông bị hỏi cung. Hóa ra, Menczer và nhiều người Hungary khác bị nghi là gián điệp, bị hành hạ về thể xác và tinh thần để rồi đáng mất cả sự kháng cự cả về đạo đức. Biên bản hỏi cung ông dày tới 319 trang, khi tòa tuyên án, Menczer chỉ nghe được loáng thoáng con số 10, nhưng do "những khó khăn khi giao tiếp", ông không hiểu là 10 năm, tháng hay ngày.

Sau đó là những ngày khổ sở khi ông và các đồng hương bị nhốt vào những toa tàu không có cửa và bị chở sang Liên Xô. Chuyến đi kéo dài 3 tuần, các nạn nhân chỉ được nhận món cá ướp muối rất mặn, nhưng không có nước uống. Ở trại tập trung Kharkov, do khẩu phần ăn bị giảm thiểu, ộng Mencuer kiệt sức và chỉ còn 36 kg. Vào viện, ông có dịp thực hành những kiến thức y học đã học tại đại học và tham gia công việc của các hộ lý.

Nhưng rồi, Menczer lại bị kết tội âm mưu phản loạn và bị chuyển đi hết trại này đến trại khác. Ông đã có mặt tại tuyến đường sắt Baikál – Amur - Magistral, được báo chí đương thời tuyên truyền là do các đoàn viên cộng sản tự nguyện xây dựng. Ông cũng từng bị giam ở Kolyma, trại Gulag khét tiếng nhất, đã trải qua cái lạnh -63 độ, trong đói khát và bệnh tật. Chỉ mãi về sau, ông mới ý thức được bản án 10 năm tù, và mới có ý thức tìm cách để sống sót qua 10 năm dài dằng dặc ấy. Đức tin đã cứu rỗi Menczer, hàng ngày ông cầu nguyện đều đặn 3 lần, để cầm lòng với những gì đang có. Ngoài ra, ông còn cố đọc nhiều sách, học tiếng Nga và nhận làm mọi việc để trở thành người hữu dụng ngày trong cảnh tù đày.

Những câu chuyện của Menczer đặt con người vào tiêu điểm, chúng ta không cảm thấy sự thù hận, căm giận ở ông. Thực chất, ông chỉ không tha thứ được một thượng úy mật vụ, đã tìm mọi cách để triệt hạ ông. Tuy nhiên, khi bắt gặp người sĩ quan này có quan hệ tình ái với một tù binh nữ và nếu tố giác, tay mật vụ có thể bị ít nhất là 15 năm tù, ông đã im lặng, cho qua.

Được hồi hương sau cái chết mùa xuân năm 1953 của Stalin, khi vừa đặt chân lên đất Hung, Menczer đã mua 1 tờ "Nhân dân Tự do" (Szabad Nép) và chợt nhận ra, cứ đọc hai, ba từ thì lại có 1 từ ông không còn hiểu. Sự tái hội nhập diễn ra rất khó nhọc, nhưng Menczer cho rằng những năm tháng tù đày đã khiến ông trở nên minh triết hơn, khiến nhân cách của ông phát triển và hoàn thiện hơn. Ông cũng cảm thấy khôi hài khi một trong những yếu nhân được coi là người thừa kế của Hitler, thủy sư đô đốc Dönitz, cuĩng bị án tù 10 năm như ông.

*

Tại Hungary, sau biến cố 1989, công luận có điều kiện trực diện với quá khứ với rất nhiều đau thương và những vết trắng. Tuy nhiên, 20 năm đã trôi qua mà người dân Hung vẫn cảm thấy rằng, phải trực diện và thấu hiểu quá khứ, để nắm bắt hiện tại và tương lai. Đấy là lý do khiến cuốn hồi ký kể trên, mặc dầu đề cập tới một vấn đề đã rất cũ, vẫn được để tâm thích đáng và nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi giai tầng độc giả.

(*) Nhà xuất bản Cuối thế kỷ, Budapest, 2007.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, theo báo chí Hungary