Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÐIỆN BIÊN PHỦ

(NCTG) “Chiến trường Ðiện Biên Phủ, nơi kết liễu số phận của Ðông Dương thuộc Pháp, rồi dưới ảnh hưởng của trận chiến ấy, cả Liên Hiệp Pháp - một đế chế trải rộng ba châu lục - phải sụp đổ, hơn thế nữa, cả thế giới thuộc địa bị rung chuyển - mảnh đất ấy có thể nói gì với chúng ta?” - ký giả Salgó László mở đầu cuốn sách “Trận chiến Ðiện Biên Phủ” (A Dien Bien Phu-i csata) bằng câu hỏi như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn bạc kế hoạch tác chiến với các Ủy viên Bộ Chính trị (cuối năm 1953)


Trên tư cách một nhà báo kỳ cựu đã nhiều lần sang Việt Nam trong thời chiến và sau đó, đã có điều kiện theo dõi cuộc chiến Việt Nam cùng các đồng nghiệp Phương Tây tại Paris và Hà Nội, vào năm 1958, Salgó László là một trong những ký giả nước ngoài đầu tiên có dịp đến Ðiện Biên Phủ để tìm hiểu tại thực địa cuộc chiến ác liệt trước đó gần 4 năm.

Cuốn “Trận chiến Ðiện Biên Phủ” của ông là tác phẩm thuộc loạt sách về đề tài lịch sử thế giới ở mức phổ thông do NXB Kossuth (Hungary) ấn hành. Sách có nhiều đoạn hấp dẫn, giàu tính điện ảnh mà vẫn đảm bảo tính chính xác của sử học, một môn khoa học nhân văn rất được coi trọng trong chương trình giáo dục bậc Tiểu học và Trung học ở Châu Âu.

Ðặc biệt, những trường đoạn nói về cuộc đời và sự nghiệp của tướng Giáp, về ảnh hưởng của trận Ðiện Biên Phủ trong các cuộc hòa đàm ở Geneva và Paris về sau, về sự thể hiện mong muốn thống nhất của một số nhân vật trong giới lãnh đạo thượng đỉnh Bắc Việt, v.v... đã được tác giả khắc họa rất thành công.

Nhân kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, xin giới thiệu hai trích đoạn của cuốn sách. Ðoạn một ở phần dẫn nhập, nói về sự trở lại của người Pháp ở Sài Gòn, và đoạn hai về những giờ phút cuối của chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Các ảnh minh họa trong bài là rút từ cuốn sách.

*


Bộ Tổng tham mưu Pháp (người ở giữa là tướng Henri Navarre) đang hoạch định kế hoạch Ðiện Biên Phủ


Tại Sài Gòn, đô thị được gọi bằng cái tên “thành phố Pháp vùng nhiệt đới”, những giọt nước mắt vui mừng [của người Pháp] lại chảy vào tháng 10-1945. Sau cái chết của Tổng thống Mỹ Roosevelt, đường lối ngoại giao vùng Viễn Ðông của Hoa Kỳ đã thay đổi.

Trái với thái độ không đồng tình của Roosevelt, Tân tổng thống Truman đã gật đầu với sự phục hồi của đế chế Pháp tại các xứ thuộc địa. “Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để cản trở sự trở lại Ðông Dương của Pháp” - Truman thông báo với de Gaulle.

Ngày 5-10-1945, chưa đầy một năm sau khi tiến vào Paris, những chiến xa của tướng Leclerc lại xuất hiện ở cảng Sài Gòn, rồi lăn bánh trên con lộ rải đá Rue Catinat [đường Tự Do] để tiến vào thành phố vừa được trao lại...

Thay vì cờ đỏ, cờ tam tài của Pháp lại được treo lên những mái nhà, chân dung Hồ Chí Minh được thay bởi ảnh de Gaullle trên tường nhà và trên tủ kính các quán bar.

Dân Pháp yêu Sài Gòn được sống những tuần trăng mật của họ.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu, niềm vui hòa bình và hạnh phúc ấy đã pha vị đắng, như hồi tưởng của một nhân chứng, ông Jean Larteguy [nhà văn, ký giả, thông tín viên tờ tạp chí “Paris Match”]:

- Một cuộc chiến mới tại Ðông Dương đã khởi đầu với việc tướng Leclerc vào Sài Gòn.

Cuộc chiến ấy còn dài hơn Ðệ nhị Thế chiến, và ga cuối của nó là Ðiện Biên Phủ!

*


Voi ơi voi, voi gầm lên, voi thét lên, tan xác chúng nó ra...” (“Con voi” - nhạc Nguyễn Xuân Khoát & lời Nguyễn Ðình Thi) - Pháo binh Việt Nam, một binh chủng mà bộ tổng chỉ huy Pháp cho là không hề tồn tại!


Ngày 6-5, hỏa lực có phần giảm. Hầu như ngay trong một không gian gần, đột ngột, một âm thanh khác vang lên. Một giọng hát, một giai điệu quen thuộc.

Yves Montand cất giọng ca.

Những khẩu đại bác của tướng Giáp lặng im, nhường chỗ cho bản hành khúc quen thuộc của du kích quân Pháp được phát từ các loa phóng thanh.

Tiếng hát Yves Montand vang vọng giữa núi đồi: “Ce soir, l'ennemi connaîtra le prix du sang et des larmes... Chantez, compagnons, dans la nuit la liberté nous écoute” (Ðêm nay, kẻ thù sẽ biết cái giá của máu và nước mắt... Hãy hát lên, bạn chiến đấu của của tôi, trong bóng đêm, tự do đang lắng nghe ta...).

Bài ca của du kích quân Pháp vang lên trong lòng chảo Ðiện Biên Phủ với một sức mạnh huyền ảo và đầy ma lực. Ai biết được, trong những giây phút ấy, hệ thống loa phóng thanh của tướng Chu Văn Tấn đã có tác động không kém gì bao cỗ đại pháo 155 ly.

Ðêm nay, kẻ thù sẽ biết cái giá của máu và nước mắt...”, giọng ca Yves Montand vang lên không ngừng suốt đêm hôm ấy.

Cộng hưởng với bản nhạc, trong lòng các sĩ quan Pháp bất giác trỗi dậy cái gọi là mâl conscience, sự áy náy lương tâm của người lính. Cái giá của máu và nước mắt đã chảy, đã đổ trong cuộc chiến 9 năm, dưới cả thế kỷ thuộc địa, sẽ như thế nào?


Chiều 7-5-1954: tướng de Castries (giữa) và Bộ tổng chỉ huy Pháp tại chiến trường Ðiện Biên Phủ ra đầu hàng, chấm dứt giấc mộng bá chủ Ðông Dương của thực dân Pháp


Sáng 7-5, rồi những chiếc loa cũng im lặng. Tiếng súng nhấn chìm tiếng hát của người ca sĩ.

Buổi chiều, lần cuối cùng, tướng de Castries báo về cho tướng Cogny ở Hà Nội:

- 17 giờ, quân đội Việt Minh đã vượt sông. Chỉ còn cách chúng tôi vài thước nữa thôi. Chúng tôi đã cho tiêu hủy mọi thứ vũ khí đạn dược trong chừng mực có thể. Ðây là lần cuối tôi báo cáo về qua điện đài. Vive la France!...

- Au revoir, mon général...- những lời cuối của tướng Cogny vang lên khản đặc.

Không cần phải ống nhòm, tướng de Castries cũng nhìn thấy binh lính của mình giơ cao tay đầu hàng. Ngay trong tiếng súng, ông cũng nghe thấy tiếng những quân nhân Việt Nam ở bên ngoài:

- Các anh đã là tù bình của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các anh bị thương rồi, chúng tôi sẽ sơ cứu cho các anh. Còn đi được không?

Nhân danh tất cả các bạn chiến đấu Pháp, một nhân chứng, nhà văn Jules Roy hồi tưởng:

- Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên trước cách cư xử đúng mực của người Việt Nam: họ không hề tỏ ra căm thù, muốn “trả miếng” khi đưa các tù binh đã giơ tay hàng ra khỏi các cứ điểm...

Với việc cho cắm lá cờ trắng trên hầm chỉ huy, tướng de Castries đã hạ vũ khí và đặt dấu chấm hết cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ. 16 đại tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, 11.721 quân nhân đã theo ông vào trại tù binh.


Hàng binh Pháp & lê dương tại mặt trận Ðiện Biên Phủ


(...) Chiều cùng ngày, tại Cung điện Bourbon, mặt trắng bệch, Thủ tướng Pháp Joseph Laniel tuyên bố trong phiên họp Quốc hội: “Ðiện Biên Phủ đã thất thủ”. Như vậy, cuộc chiến trong lòng chảo Ðiện Biên đã chấm dứt. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt tại Ðông Dương.

Ở Geneva, bên bàn đàm phán, một cuộc chiến khác được khởi đầu vào đúng lúc ấy: cuộc chiến ngoại giao của ngôn từ.

Tác giả bài viết: Trần Lê giới thiệu và dịch từ nguyên bản tiếng Hungary