Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÒI NHÀ NƯỚC ROMANIA PHẢI BỒI THƯỜNG VÌ VỤ THẢM SÁT KATYN

(NCTG) Bà Rodica Marta (người Romania) bị tù 3 năm vì thân phụ của bà, vào năm 1952, đã đưa ra những bằng cứ công khai cho thấy chính Hồng quân là thủ phạm của vụ đại thảm sát Katyn. Năm nay 83 tuổi, người phụ nữ ấy đang đòi nhà nước Romania bồi thường 3 triệu Euro vì những cực khổ mà bà từng phải chịu.

Các nạn nhân của thảm sát Katyn

Trao đổi với nhật báo “Adevarul” (Romania), bà Marta cho hay: năm 1941, khi quân Đức chiếm vùng Katyn, họ đã phát hiện ra rằng vào năm 1940, chừng 14 ngàn sĩ quan Ba Lan đã bị thiệt mạng và bị chôn cất ở đó. Nước Đức phát-xít triệu tập một ủy ban quốc tế với sự tham dự của các bác sĩ, giáo sư y khoa nổi tiếng - hợp tác với Hồng thập tự Quốc tế, ủy ban này đã khai quật các tử thi và sau khi khám nghiệm, đã rút ra kết luận về tội trạng của Liên Xô trong vụ thảm sát.

Đa số các thành viên của ủy ban này đã qua đời trong một tai nạn máy bay tại Na Uy trong thời gian xảy ra Đệ nhị Thế chiến, chỉ có hai người sống sót, là giáo sư Alexandru Birkle (thân phụ bà Marta), và phái viên Hồng thập tự Quốc tế François Neville.

Cuối năm 1944, Hồng quân chiếm đóng Romania và lập tức, cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô mở cuộc kiếm tìm ông Alexandru Birkle, tuy nhiên vị giáo sư này kịp trốn khỏi tổ quốc của ông. Vợ và con gái ông thì không được may mắn như thế: cả hai đều bị bắt giam, nhưng rồi họ được phóng thích vì thật sự, họ không biết nơi cư trú của vị giáo sư.

Năm 1952, sau một thời gian qua Argentina, giáo sư Birkle định cư tại Hoa Kỳ và ở đây, ông có dịp đóng vai trò một nhân chứng trong cuộc điều tra về vụ Katyn do Quốc hội Mỹ chủ trì. Sau đó, gia đình ông lập tức bị bắt giam ở Bucharest và bị án tù giam 3 năm.

Về sau, dù được ra tù nhưng bà Rodica Marta và thân mẫu bị cấm xuất ngoại và giáo sư Alexandru Birkle đã qua đời tại Hoa Kỳ mà không bao giờ được gặp lại gia đình.

Như đã biết, vào mùa xuân năm 1940, Ban lãnh đạo thượng đỉnh Liên Xô đã ra quyết định thủ tiêu một cách dã man và hèn hạ hơn 20 ngàn sĩ quan và trí thức - những thành phần tinh hoa nhất của dân tộc Ba Lan đương thời – khi đó là tù binh của Hồng quân, rồi đổ vấy cho phát-xít Đức.

Bộ máy tuyên truyền Liên Xô đã giấu nhẹm tội ác tầy trời đó trong vòng nửa thế kỷ: phải chờ đến tháng 4-0990, khi tổng bí thư Gorbachev trao cho tổng thống Ba Lan Wojciech Jaruzelski những hồ sơ chứng tỏ tội trạng của cơ quan mật vụ chính trị NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ), thì vụ thảm sát mới được hoàn toàn đưa ra trước ánh sáng công luận thế giới.

Tuy nhiên, để trả lời những yêu cầu của phía Ba Lan về việc phải coi thảm sát Katyn là một tội ác diệt chủng, chống nhân loại, Viện Kiểm sát Quân sự Liên bang Nga đã hồi đáp rằng Katyn “chỉ” là một tội ác “thông thường” trong chiến tranh, đến nay đã hết thời hiệu!

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu