DÂN HUNGARY VÀ CHUYẾN "NGUYỆT DU" CỦA MỸ
- Thứ năm - 06/03/2003 08:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 20-7-1969, nhóm các phi hành gia Amstrong (ảnh trên), Collins và Aldrin, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đã đặt chân lên Mặt trăng với con tàu Apollo 11
Tuy nhiên, như mọi sự kiện lớn khác, cuộc đổ bộ lên Mặt trăng cũng đã bị nhiều người đặt dấu hỏi. Hai năm trước, một nhà nghiên cứu vũ trụ tài tử người Mỹ đặt giả thiết con người chưa bao giờ lên Mặt trăng và chuyến du hành lừng danh của Amstrong vào tháng 7-1969 chỉ là một cú lừa đảo khổng lồ không hơn không kém!
Vào đúng ngày "Cá tháng Tư" hai năm trước (1-4-2001), một kênh truyền hình thương mại rất có uy tín và có lượng khán giả kỷ lục ở Hung, đã phát một chương trình xoay quanh vấn đề này. Trong buổi chiếu, kênh truyền hình đã tổ chức một cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại với câu hỏi "Bạn có tin vào lập luận của nhà nghiên cứu người Mỹ, theo đó con người chưa hề đặt chân lên Mặt trăng, hay không?" Kết quả thu được rất đáng để ý: hai phần ba số người gọi điện đến tòa soạn tỏ ý tin vào cách "chứng minh" mang tính "Cá tháng Tư" đó.
*
Giới khoa học, tâm lý học và xã hội học Hung đã rất quan tâm đến nguyên nhân của sự kiện "phi khoa học" kể trên, họ muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi "tại sao dân Hung lại dễ tin vào những điều có vẻ nhảm nhí như thế?"
Ông Both Előd, giám đốc Phòng Nghiên cứu Vũ trụ Hung, khẳng định:
- Ai không tin là con người đã từng đặt chân lên Mặt trăng, tôi khuyên kẻ đó nên nghiên cứu khối thiên thạch nặng 380kg, được phi hành đoàn lấy từ Mặt trăng xuống. Ở trái đất không thể có mảnh đá nào có thành phần như thế, có thể chứng tỏ một cách chắc chắn điều này bằng những dụng cụ đo lường phù hợp.
Theo ông Both Előd, trong thời gian 1969-1972, đã có 6 cuộc "nguyệt du" thành công (mỗi lần, có 2 nhà du hành vũ trụ đặt chân thám hiểm Chị Hằng). Những chuyến du hành đó đã cung cấp cho các nhà khoa học một lượng thông tin cơ bản, đủ cho họ nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, và thuyết phục được "phần tỉnh táo" trong công luận rằng lên Mặt trăng là một chiến tích có thể lặp lại bất kỳ lúc nào.
- Đổ bộ lên Mặt trăng trước tiên là một nhiệm vụ chính trị nhằm vào lớp "khán giả" chính là các siêu cường đối nghịch và công luận thế giới; vào dịp đó, các chương trình khoa học chỉ là việc thứ yếu. Tất cả đều được tổ chức, lo toan sao cho "đẹp mắt" nhất. Chẳng hạn, một công cụ đã được treo ngang quốc kỳ Mỹ cắm trên bề mặt Mặt trăng để lá cờ có thể bay ngoạn mục, cho dù trên Mặt trăng không có dưỡng khí và tình trạng không trọng lượng ngự trị ở đó. Chính thủ thuật này, về sau, đã khiến hậu thế cảm thấy nghi ngờ sự xác tín của chuyến thám hiểm Mặt trăng.
Đổ bộ trên Mặt trăng
Ông Both Előd cho rằng sự ngờ vực của dân Hung không phải là hiện tượng cá biệt: ở vô số các nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, nhiều bận, người dân cũng đã đặt dấu hỏi trước các sự kiện lịch sử lớn của quá khứ. Lý do một phần là sự giấu giếm trong toàn thể công nghệ vũ trụ, đặc biệt là về phía Liên Xô. Đặc trưng cho bầu không khí nghi ngại đó là câu nói cửa miệng một thời của dân Budapest: "Không phải Gagarin là người đầu tiên lên vũ trụ, nhưng anh là người đầu tiên trở về "nguyên vẹn hình hài" từ vũ trụ". Giới nghiên cứu vũ trụ Hung cho rằng trước thời điểm Gagarin bay vào vũ trụ (1961), Liên Xô từng có nhiều thử nghiệm thất bại, nhưng những trường hợp này đã bị giấu nhẹm và ỉm đi. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời đó, Liên Xô chỉ tuyên bố các thử nghiệm thành công của họ, khi con tàu vũ trụ đã xuất phát an toàn. Ngay chuyến du hành vũ trụ "hữu nghị" giữa Hung và Liên Xô (năm 1979) cũng chỉ được loan tin khi phi hành đoàn đã lơ lửng trên không!
- Dĩ nhiên, có thể "vui vầy" với giả thiết rằng người Mỹ chưa hề lên Mặt trăng. Nhân dịp "Cá tháng Tư", một tờ báo nghiên cứu vũ trụ - ấn hành trên Liên mạng - cũng đưa ra một câu chuyện như thế - ông Almár Iván, một nhà thiên văn học, chuyên gia nghiên cứu vũ trụ người Hung, cho biết (thời trước, chính ông là người đã tường thuật vô tuyến chuyến du hành lên Mặt trăng). - Theo tôi, chuyện Hoa Kỳ đã đặt chân lên Mặt trăng hay chưa không phải là điều thú vị, vì có thể giải đáp một cách dứt khoát câu hỏi đó trên cơ sở khoa học. Một người dám đặt vấn đề đó trong một chương trình truyền hình có số khán giả cao, kẻ đó phải biết: nếu người Mỹ không lên Mặt trăng thì Liên Xô đã chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trụ với mọi hậu quả khoa học và chính trị của nó. Mà phải nói là tất cả hậu quả đều cho thấy là cuộc thám hiểm Mặt trăng đã từng xảy ra. Nếu không phải như thế, điều gì đã khiến Liên Xô phải bắt tay hợp tác với Mỹ, kẻ bị họ coi là "tử thù", trong chương trình hợp tác Sojuz-Apollo, bắt đầu từ năm 1975?
Ông Almár Iván cho rằng các chuyên gia nghiên cứu vũ trụ Xô-viết, nhờ những kết quả khoa học do chính họ đạt được, đã thấu hiểu hơn ai hết về Mặt trăng và do đó, họ đánh giá được đầy đủ hành động của người Mỹ. Hơn nữa, nếu ai đó có lợi ích đặt dấu hỏi trước các thành tựu của phía Mỹ, thì đó chính là người Nga. Và nếu họ không làm, hẳn phải có một nguyên nhân xác đáng nào đó. Chẳng hạn như... quả thực Hoa Kỳ đã hiện diện một cách ngoạn mục trên Mặt trăng!
Nhà nghiên cứu vũ trụ người Hung hồi tưởng: dạo trước, ở Hung, không mấy ai nghi ngờ về việc người Mỹ đổ bộ lên Mặt trăng:
- Bầu không khí thời đó khiến người dân dễ tin những tin tức đến từ phương Tây. Ngược lại, họ bán tin bán nghi những gì diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu. Còn có thể lý giải sự chấp nhận của người dân đối với chuyến du hành lên Mặt trăng theo một phương diện khác: trái với thời Gagarin lên vũ trụ (năm 1961), 1969 đã là thời đại của truyền thông, của vô tuyến truyền hình, cả thế giới có thể chứng kiến trực tiếp mọi chi tiết của vụ đổ bộ. Thành công của người Mỹ là một ấn tượng lớn đối với toàn thể nhân loại. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên, khi trong một thời gian ngắn, cả thế giới hướng sự chú ý vào một sự kiện duy nhất.
Tấm ảnh gây nhiều nghi vấn về sự xác thực của chuyến "nguyệt du"
Tuy nhiên, ông Almár Iván cũng thừa nhận: khó lòng chứng tỏ được sự thật về chuyến "nguyệt du" đối với những kẻ "ngoại cuộc". Có điều, khẳng định này cũng đúng đối với đại đa số các thành tựu khoa học:
- Chúng tôi có thể nói với mọi người về các khối thiên thạch trên Mặt trăng, hoặc về những tấm gương laser đặt ở quĩ đạo đổ bộ (hiện nay, chúng vẫn được sử dụng), nhưng tất cả đều vô hiệu. Trên phương diện khoa học, đây là những thông tin ngang tầm với những bằng chứng xác thực, nhưng với quảng đại quần chúng, nó lại không nói lên điều gì cả. Dù vậy, không thể nhìn nhận thế giới theo kiểu "cái gì ta không hiểu, tức là nó không tồn tại", vì như thế thì còn gì là khoa học?
Ông Tamás Pál, giám đốc Học viện Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hung, lại có ý kiến khác. Không đồng tình với những kết luận có thể rút ra từ chương trình truyền hình kể trên, ông cho rằng dân Hung rất tin tưởng vào khoa học: họ tin vào khoa học hơn dân Tây Âu và xấp xỉ dân Mỹ:
- Không thể coi những người gọi điện về tòa soạn và tỏ ý không tin tưởng vào cuộc đổ bộ lên Mặt trăng, là đại diện cho công luận Hung. Thứ nhất, bởi lẽ chỉ những ai muốn chống lại một cái gì đó, mới cầm ống nghe để nói lên chính kiến của mình (người tin vào chuyến du hành thì không mấy khi gọi điện). Thứ nhì, bởi lẽ đa số những người gọi điện thoại hẳn đã coi bài phóng sự và chịu ảnh hưởng nhất định của nó.
Ông Tamás Pál cũng nhắc đến một vấn đề khá đặc sắc, về mối liên quan giữa sự thay đổi thể chế chính trị năm 1989, giới truyền thông và tâm trạng của người dân:
- Phải công nhận là giới truyền thông Hung đã khiến những ai hay đọc báo chí có xu hướng đặt dấu hỏi trước mọi sự kiện mà trước kia, họ từng coi là hiển nhiên. Từ năm 1989 trở đi, theo chu kỳ vài năm một, những ý kiến, quan điểm chủ đạo lại bị thay đổi. Người dân "vỡ ra" là những gì mà họ được nghe, được đọc, lại không hoàn toàn như thế. Do đó, trong mắt họ, những sự lừa đảo lớn không phải là không thể xảy ra. Không rõ những nghi ngại - liên quan đến chính trị - xuất phát từ đây có lan truyền đến những lĩnh vực khác của đời sống hay không. Nhưng, nếu có đi nữa, điều đó hẳn không mấy ăn nhập gì đến khoa học, đến sự tôn trọng những thành tựu khoa học.
Theo ông Tamás Pál, việc quảng đại quần chúng tin vào UFO, tử vị, chiêm tinh học, hay các hình thức trị bệnh mang tính "lang băm" - nghĩa là những gì có thể coi là phản khoa học - không hề mâu thuẫn với khẳng định nói trên của ông. - Dân chúng rất dễ bị "nhiễm" những trò khoa học giả hiệu, thậm chí phản khoa học, dưới ảnh hưởng của nhiều nhân tố mà truyền thông đóng vai trò hàng đầu. Khoa học giả hiệu đã trở thành một phần của văn hóa đời thường, tuy nhiên, như các nhà khoa học đã chứng tỏ một cách dứt khoát, niềm tin đặt vào khoa học không giảm sút.
Điều đó có nghĩa là trong một thời gian ngắn, người Hung có thể bị "đầu độc" bởi "phát kiến" cho rằng Hoa Kỳ chưa hề đặt chân lên Mặt trăng. Nhưng có thể nhớ lại: nhiều triệu người đã nín thở theo dõi cảnh chiếc xe vận hành lăn bánh trên nền đất đỏ của sao Hỏa, một hành tinh xa trái đất hơn nhiều so với Mặt trăng. Phải chăng, tính về lâu về dài, khoa học vẫn sẽ chiến thắng "ngụy khoa học"?