Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÀI TƯỞNG NIỆM QUÂN ĐỨC CHIẾM HUNGARY GÂY TRANH CÃI

Từ đầu năm nay và đặc biệt, trong những ngày gần đây, việc một đài tưởng niệm sự kiện quân đội phát-xít Đức đưa quân tràn vào Hungary vào trung tuần tháng 3-1944, cách đây tròn 70 năm, đã một lần nữa khiến công luận Hung dậy sóng.

Mô hình tượng đài bị nhiều điều tiếng

Mặc những phản đối đến từ trong và ngoài nước từ cuối năm ngoái, Chính phủ Hungary vẫn giữ ý định cho dựng tượng đài để, theo họ, ghi nhận một mốc thời gian bi thảm trong lịch sử Hungary, khi nước này mất quyền tự quyết vào tay Đức quốc xã, và sau đó, vào tay Liên Xô hơn bốn chục năm.

Tuy nhiên, trong tuần trước, đài tưởng niệm vừa được chuẩn bị khởi công tại quảng trường Tự do - được coi là quảng trường đẹp nhất tại trung tâm thủ đô Budapest - thì đã lập tức bị các đảng đối lập tụ tập phản đối và dỡ bỏ. Diễn biến này đã kéo dài liên tục trong mấy ngày liền.

Thời điểm 19-3, như vậy, sau bảy thập niên, vẫn gây chia rẽ trong chính trường và xã hội Hungary.

Đồng minh của Đức quốc xã

Hiến pháp mới của Hungary, trong phần mở đầu, đã nhấn mạnh rằng sau khi quân đội Đức tràn vào chiếm nước Hung, Hungary đã mất đi quyền tự quyết và do đó, nước Hung cần một tượng đài để tướng nhớ về điều đó. Tượng đài này, theo dụng ý của Chính phủ Hung, sẽ “hỗ trợ cho đối thoại xã hội, giúp hiểu biết quá khứ và chấn chỉnh lại vấn đề trách nhiệm”.

Tuy nhiên, như giới sử học cũng như phe đối lập đã chỉ ra, đây là một cách đặt vấn đề sai lầm, nếu nhìn nhận lại một cách khách quan thời kỳ lịch sử hết sức phức tạp này của Vương quốc Hungary!

Như đã biết, trong Đệ nhất Thế chiến, Vương quốc Hungary - trên cương vị thành viên của nền quân chủ Áo - Hung - đã đứng cùng phe với nước Đức. Sau khi bại trận, theo quyết định của Hiệp định hòa bình Trianon (ký tại Pháp vào mùa hè năm 1920), Hungary đã mất hai phần ba dân số, và hai phần ba diện tích lãnh thổ cho các quốc gia láng giềng.

Sự kiện này được coi là một tấn thảm kịch lớn nhất trong lịch sử một ngàn năm nước Hung và do đó, giới ngoại giao Hung, trong thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, đã tìm cách để lấy lại “công lý cho Hungary”, theo cách gọi của họ. Việc “xét lại” Hiệp định hòa bình Trianon được đưa ra trên trường quốc tế.

Thời kỳ 1938-1940, với các quyết định đưa ra tại các hội nghị tổ chức ở Vienna, cũng như sau khi Nam Tư bị Đức phát-xít xâm chiếm, Hungary được trao lại phân nửa diện tích đất đai từng bị cắt cho ngoại quốc. Tuy nhiên, cái giá phải trả là nước này buộc phải tham chiến bên quân đội Quốc xã.
 

Quốc trưởng Horthy Miklós cùng trùm phát-xít Hitler - Ảnh tư liệu

Không những thế, các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Hungary và Đức cũng được thắt chặt. Dưới ảnh hưởng của Đức, ngay từ giữa thập niên 30, chính quyền Hung đã đưa ra những đạo luật phân biệt đối xử và kỳ thị sắc dân Do Thái, chuẩn bị cho cuộc “khổ nạn” sau này của họ tại các trại tập trung, lò thiêu...

Mặc dù chính giới Hungary đã có những nỗ lực để Hung khỏi phải tham chiến từ năm 1939 khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, nhưng điều đó đã không thành khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô vào mùa hè 1941 và Hung buộc phải vào cuộc với việc tuyên chiến với Liên bang Xô-viết, một địch thủ mạnh hơn gấp bội.

Năm 1942, Tập đoàn quân số 2 của Quân đội Hoàng gia Hungary gồm 200 ngàn quân nhận bị điều tới mặt trận phía Đông và đóng quân trên chiến tuyến kéo dài 200km bên bờ sông Đông. Cuối tháng 1-1943, trong trận chiến quyết định với Hồng quân Liên Xô, phía Hung đại bại do trang thiết bị thiếu thốn và thời tiết quá khắc nghiệt (mùa đông lạnh lẽo, nhiệt độ xuống tới -40 độ C).

Sau thất bại được coi là thảm thương nhất trong lịch sử quân sự cận - hiện đại Hungary, đặc biệt là cảm nhận được thất bại khó tránh khỏi của nước Đức trong cuộc chiến, chính quyền Hung tìm cách liên lạc với phe Đồng Minh, cụ thể là các quốc gia Phương Tây, với mong muốn ký được thỏa thuận hòa bình riêng rẽ và rời cuộc chiến.

Tuy nhiên, dụng ý của lãnh đạo phía Hung không thoát khỏi sự chú ý của Đức, và đó là lý do khiến quân đội Đức quốc xã đổ quân vào Hungary tháng 3-1944.

Chiếm đóng hay sự đồng lõa đồng minh?

Vào ngày Chủ nhật 19-3-1944, trong khuôn khổ Chiến dịch Margarethe, quân đội Đức đã tiến chiếm các khu vực quan trọng thuộc Hungary. Tuy nhiên, như giới sử gia khẳng định, trên cương vị một quốc gia đồng minh, Hungary đã biết trước về kế hoạch này và chính quyền nước này không đưa ra một phản ứng chính thức nào.

Các tư liệu lịch sử còn ghi lại lời của một vị tướng Đức, ông Walther von Brauchitsch, Tổng chỉ huy các lực lượng Đức trong cuộc tấn công Hungary. Khi được một nhà ngoại giao Đức hỏi là cần bao nhiêu thời gian để chiếm đóng nước Hung, vị tướng cho hay, chỉ cần 24 tiếng, nhưng nếu Hungary kháng cự thì chỉ cần 12 tiếng, vì khi đó không cần đến những thủ tục chào hỏi ngoại giao nữa!

Thực tế cho thấy, Quốc trưởng Hungary Horthy Miklós vẫn giữ nguyên chức vụ và ra chỉ thị cần đón tiếp quân đội Đức như những người bạn, người đồng minh. Trong một phân tích, sử gia Ungváry Krisztián nhấn mạnh: lãnh đạo tối cao của nước Hung đã chấp nhận và hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Đức tại Hungary bằng cách từ bỏ mọi hình thức kháng cự.
 

Người Hung gốc Do Thái bị đưa đi trại tử thần Auschwitz - Ảnh tư liệu

Như thế, Hungary không hề đánh mất quyền tự quyết, Quốc hội nước này vẫn họp hành trong thời gian đó, và các nội các Hung dù thay đổi người đứng đầu nhưng vẫn gồm các thành viên cũ. Tại rất nhiều nơi trên đất nước, cư dân gốc Đức - vốn được hưởng nhiều đặc quyền so với các sắc dân ngoại quốc khác - đã vui mừng tung hoa đón chào sự xuất hiện của những người lính Đức.

Tựu trung, quân đội Đức sở hữu có mặt ở nước Hung để thúc đẩy một nước đồng minh thực hiện những bổn phận đã cam kết, đặc biệt là để đảm bảo rằng trong những thời khắc bất lợi cho nước Đức, một quốc gia đồng minh là Hungary không được phản họ sau lưng. Và Hungary đã sẵn sàng chấp nhận điều này mà Đức không cần phải dùng tới vũ lực.

Có thể thấy rõ điều đó khi Đức đã lập tức rút một phần đáng kể quân đội sau khi tràn vào Hungary, vì thấy không còn cần thiết nữa - số quân nhân ở lại Hung đa phần không được trang bị vũ khí một cách nghiêm túc, và cũng không thuộc những đơn vị thiện chiến. Bên cạnh đó, mọi chỉ thị của chính quyền Hung đều được đưa ra theo hướng chiều theo ý của Đức.

Bi thảm nhất trong chuỗi những sự kiện này là sự đày ải và diệt chủng sắc dân Do Thái tại Hungary đã diễn ra với sự “hợp tác”, ủng hộ hết sức nhiệt tình của chính quyền và lực lượng hiến binh (csendőrség) của Hung. Ngay sau thời điểm 19-3-1944, hàng trăm sắc lệnh có nội dung bài Do Thái để triệt hạ đường sống của họ đã được phía Hung ban hành.

Ngôi sao vàng sáu cánh mà người Do Thái buộc phải đeo trên vạt áo – như một dấu hiệu nhục nhã - đã vĩnh viễn biến họ trở thành những tử tù tiềm ẩn. Từ ngày 15-5-1944, holocaust khởi đầu tại Hungary với cường độ chóng mặt ở mức độc nhất vô nhị: hàng ngày, có bốn đoàn tàu chật kín dân Do Thái chuyển bánh từ Hung tới thẳng trại tử thần Auschwitz!

Chỉ với vỏn vẹn vài chục nhân viên Đức thuộc Đơn vị Trực chiến Đặc biệt, nhưng trùm quốc xã Adolf Eichmann - một trong những đao phủ chính yếu của holocaust - đã nhận được sự tiếp tay rất “hiệu quả” từ bộ máy hành chính và hiến binh Hungary, mà ông ta phải khâm phục thừa nhận là “chính xác và tỉ mỉ khủng khiếp, không kém gì của người Đức”.

Trong vòng một tháng rưỡi, hầu như tất cả dân Do Thái ở các tỉnh và các miền quê ở Hungary đã bị đưa đến những trại tập trung và hủy diệt. Đại nạn holocaust tại Hungary đã khiến chừng 500 ngàn dân Do Thái thiệt mạng: tính ra, cứ 10 người Do Thái bị sát hại tại các trại tập trung và lò thiêu, thì có một là người Do Thái Hungary!

Hệ lụy đau lòng và vấn đề trách nhiệm

Rốt cục, Hiệp định Hòa bình ký tại Paris ngày 10-2-1947 đã tái lập các biên giới cũ của Hungary sau Đệ nhất Thế chiến. Trên tư cách một quốc gia thua cuộc trong Đệ nhị Thế chiến, Hungary đã không thoát khỏi thảm kịch Trianon như lãnh đạo nước này từng mong muốn, mà còn tiếp tục bị mất thêm một phần đất cho Liên bang Tiệp Khắc.
 

Người biểu tình tìm cách dỡ rào chắn trong khu vực xây dựng đài tưởng niệm - Ảnh: Huszti István (index.hu)

Những bình luận của giới nghiên cứu cho thấy, không hẳn là Quốc trưởng Horthy Miklós và các cộng sự của ông không thể có lựa chọn nào khác trong gọng kìm của Đức quốc xã vào năm 1944. Nếu Hungary tỏ thái độ kháng cự trước đồng minh là Đức, rất có thể Đức đã đưa quân vào nước Hung từ năm 1941, và dân Do Thái ở Hung có thể vẫn chịu đại nạn holocaust.

Tuy nhiên, trong trường hợp đó, Hungary có thể sẽ có một tư thế khác hẳn trong các cuộc hòa đàm sau năm 1945, và tránh được cương vị của một nước đồng minh của Đức quốc xã. Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền của Hungary cũng hoàn toàn có thể chừng mực hơn trong cách hành xử với sắc dân gốc Do Thái, cho dù họ có bị Đức thúc ép đi nữa.

Hệ lụy rất đau lòng của Hungary sau hai cuộc Thế chiến, đặc biệt là sự hợp tác với Đức trong Thế chiến thứ hai cho thấy, cần khẳng định rằng lãnh đạo nước Hung - với những toan tính mà họ nghĩ rằng tốt cho đất nước, cho dân tộc - đã phạm phải những sai lầm thảm khốc và do đó, không chỉ là nạn nhân, họ còn là những kẻ phải chịu trách nhiệm!

Truyền thông và giới sử học Hungary cho rằng, với việc cho xây đài tưởng niệm sự kiện phát-xít Đức đưa quân vào Hungary, chính phủ cánh hữu hiện tại muốn hậu thế “quên” đi trách nhiệm mà những người tiền nhiệm của họ phải chịu, với số phận đau đớn của dân tộc.

Dễ hiểu là chịu trách nhiệm không phải là điều đơn giản, nhưng nước Đức sau chiến tranh đã làm được, bằng cách trực diện với sự thật, để rồi vượt qua quá khứ. Mọi nỗ lực để “chạy tội”, hoặc làm méo mó sự thật lịch sử, dù theo bất cứ hướng nào, cũng là điều không tốt đối với một quốc gia, một dân tộc, và đây là điều chính quyền Hungary cần suy ngẫm...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest