Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chuyện một điệp viên: “NHỮNG QUÂN CỜ CỦA TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ VÀ LỊCH SỬ…” (Kỳ 2)

(NCTG) “… suy cho cùng, cuộc đời điệp viên nào mà chẳng là một ẩn số. Điệp viên chỉ là những quân cờ của trò chơi chính trị và lịch sử…”.
Xem Phần 1 của bài viết.


Họa sĩ - nhà tình báo Nguyễn Quốc Tài

Có lẽ ít có ở đâu lại có cặp điệp viên tương đồng nhau như Phạm Ngọc Thảo – Nguyễn Quốc Tài: cùng xuất thân trong gia đình đại tư sản Nam Bộ, cùng từ chối gia nhập quốc tịch Pháp, cùng học trường Võ bị Quân sự Trần Quốc Tuấn khóa 1 (tiền thân của trường Học viện Sĩ quan Lục quân bây giờ; Phạm Ngọc Thảo học khóa 1 ở Sơn Tây, còn Nguyễn Quốc Tài học khóa 1 ở Quảng Ngãi – TG), cùng tham gia Việt Minh, cùng kết nạp Đảng và hoạt động, chiến đấu trong hàng ngũ những người cộng sản.

Về nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, nhưng những kỷ niệm và hồi ức về người bạn-đồng chí-thủ trưởng Phạm Ngọc Thảo vẫn còn in đậm trong ông. “Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ cùng với Phạm Ngọc Thảo tiếp cận giới chính trị Sài Gòn. Anh Thảo thì tiếp cận anh em họ Ngô thông qua cha Thục. Nhưng lúc đầu vẫn không được tin dùng, nhất là ông Nhu tỏ ra nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo.

Sau này, tôi và anh Thảo có viết báo. Với kinh nghiệm thực tiễn khi còn làm chỉ huy lực lượng kháng chiến Việt Minh (Phạm Ngọc Thảo từng là Tiểu đoàn trưởng một đơn vị Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp), anh Thảo đã viết một số bài báo trong đó phân tích rất sắc sảo tình hình quân sự nói riêng cũng như tình hình chính trị toàn cục của miền Nam lúc bấy giờ. Có lẽ vì những bài viết này mà ông Nhu đã chú ý đến Phạm Ngọc Thảo như một nhân tố mới mà ông ta đang cần” – họa sĩ Vũ Anh hồi tưởng lại.

“Sau khi anh Thảo chuyển hẳn sang quân lực Việt Nam Cộng hòa, tôi vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí và hội họa, gây dựng cơ sở trong giới văn nghệ sĩ và trí thức Sài Gòn. Những phòng tranh của tôi mở tại Sài Gòn trong những năm 1963 – 1973 khi ấy luôn được đông đảo dư luận chú ý, tôi cũng đã tham gia dự triển lãm tranh tại Pháp và một số nước vào năm 1964. Cuối năm 1962, tôi nhận chỉ thị trực tiếp từ anh Thảo phải tìm mọi cách tiếp cận được với nhân vật bác sĩ Trần Kim Tuyến – nguyên là Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội trực thuộc Phủ Tổng thống (*).

Ông Trần Kim Tuyến là một nhân vật có thế lực, và Phòng 4 là một trung tâm tình báo chiến lược, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Nhu, nắm giữ nhiều tin tức tình báo quan trọng. Trong suốt mấy năm sau đó, tôi làm gia sư dạy hội họa cho con trai ông Tuyến. Sau biến cố tháng 4/1975, gia đình ông Tuyến di tản sang Anh, con trai ông Tuyến, cũng là học trò của tôi dạy vẽ trước kia bây giờ cũng đã trở thành họa sĩ có tên tuổi ở Anh quốc, đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm tranh, thu hút được sự chú ý…”.

Trong một lần gặp gỡ và trò chuyện gần đây, nhân dịp ông ra Hà Nội, tôi đã hỏi thẳng họa sĩ Vũ Anh: “Sau này dù rằng phía Quân đội Nhân dân Việt Nam đã công khai tuyên bố Phạm Ngọc Thảo là chiến sĩ tình báo chiến lược hoạt động đơn tuyến của Quân đội ta, trong đó nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng đã lên tiếng xác thực, thì vẫn có ý kiến của các học giả lẫn nhân chứng của phía Việt Nam Cộng hòa coi Phạm Ngọc Thảo là một ẩn số, thậm chí ngay cả Trần Kim Tuyến sau này ông ta cũng nói không có chuyện Phạm Ngọc Thảo đã trá hàng để hoạt động? Và nếu trá hàng thì sau khi bị phía Sài Gòn phát hiện sao không chạy ra vùng căn cứ quân giải phóng?”.

Ông ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi nhìn tôi: “Có những chuyện rất khó nói cho rạch ròi ra được. Nhưng chuyện Phạm Ngọc Thảo trá hàng để hoạt động tình báo đơn tuyến là sự thực, dù có phản biện thế nào cũng không thể phủ nhận được điều đó. Còn ẩn số và nghi ngờ thì tất cả mọi người đều có quyền ấy. Bởi suy cho cùng, cuộc đời điệp viên nào mà chẳng là một ẩn số. Điệp viên chỉ là những quân cờ của trò chơi chính trị và lịch sử…”.

(*) Hay còn thường được gọi ngắn là Sở Nghiên cứu Chính trị và có tên gọi tắt là Phòng 4.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Sơn – Còn tiếp