Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chuyện cũ nhớ lại: STALIN, CÔNG DÂN DANH DỰ CỦA BUDAPEST

(NCTG) Sáu năm trước đây, tại Hungary, có một cuộc tranh luận mang màu sắc chính trị kéo dài dai dẳng tới gần một năm. Đã có lúc, nó như chìm xuống theo dòng những sự kiện chính trị "cấp thời", nhưng rồi lại nổi lên, gay gắt và quyết liệt.

Hội đồng Thành phố Budapest bầu Stalin làm công dân danh dự: tướng Zamenrtsev đại diện cho Stalin - Ảnh tư liệu chụp ngày 7-11-1947

Càng đến gần cuộc bầu cử Quốc hội năm 2002, các đảng phái chính trị Hungary càng bấu víu lấy nó để bêu riếu và thóa mạ địch thủ. Tuy nhiên, bỏ ngoài những toan tính chính trị nhất thời, bản thân câu chuyện ấy cũng đáng để chúng ta phải suy ngẫm đôi chút: đó là việc nhà độc tài Stalin, ở những năm đầu của thiên kỷ thứ ba, vẫn mặc nhiên có tên trong danh sách các Công dân Danh dự của thủ đô Budapest.

Muốn hiểu rõ nội tình của sự kiện này, cần đi ngược lịch sử chừng nửa thế kỷ. Năm 1947, 2 năm sau khi Hồng quân Xô-viết tiến vào "giải phóng" Hungary (kỳ thực, Hung bị coi là một quốc gia chư hầu của nước Đức phát-xít nên về mặt danh nghĩa và cả trong thực tế, quân đội Liên Xô đã vào xâm chiếm nước Hung), "đồng chí Stalin" đã được chọn làm công dân danh dự của Budapest đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm cách mạng tháng Mười 1917.

Kádár János, người sau này giữ cương vị đứng đầu nước Hung và Đảng Cộng sản Hung trong hơn 3 thập niên, đã đăng đàn phát biểu đầu tiên, đề nghị trao danh hiệu cao cả này cho Stalin "vì những công lao độc nhất vô nhị, với những thành tựu cao cả, mà Người đã thực hiện trên cương vị một người bạn vĩ đại của nhân dân Hungary và trong sự nghiệp làm rạng danh Liên Xô".

Những người Hung đứng tuổi còn nhớ thời gian đó, thủ đô Budapest vẫn trong cảnh hoang tàn đổ nát vì bị quân đội Xô-viết oanh tạc liên tục 50 ngày. Hàng chục ngàn binh sĩ Hồng quân đã trở thành nạn nhân trong cuộc "thư hùng" tranh giành công trạng giữa Malynovsky và Tolbukhin, 2 vị nguyên soái Xô-viết được Stalin cắt cử đưa quân qua Hung để "giải phóng" Budapest.

Vậy mà, báo chí đương thời ở Hung đã phải dành những dòng "nồng nhiệt" nhất để ca tụng "công đức" của "lãnh tụ thiên tài Stalin": "Người dân chẳng những kính trọng, đánh giá cao và cảm phục những con người vĩ đại, mà còn yêu mến họ. Bên cạnh Lenin, đồng chí Stalin là con người vĩ đại nhất và điều này được thể hiện qua tình cảm vô bờ bến mà dân ta dành cho Người".

Dĩ nhiên, ngay thời đó, ai cũng biết rằng đây không hề là một tình cảm thực tâm và "tự phát", bắt nguồn từ tâm tưởng chân thành của dân chúng Hung vừa được "giải phóng". Những nông dân bị tước đoạt ruộng đất, những viên chức, tiểu tư sản thành thị bị tịch biên gia sản, những phụ nữ và những cô gái bị làm nhục, những người đàn ông bị lùa bắt ngoài đường phố và bị tù tội, đày ải - hàng vạn con người đó cùng hàng chục vạn thân nhân của họ chắc hẳn không thể "cảm phục và yêu mến" vị "đại nguyên soái" đỏ, không thể coi ông ta như người cha của họ, điều mà báo chí thường nhắc đi nhắc lại.

Tuy nhiên, kẻ chiến thắng có thể làm tất cả mọi điều mà họ muốn. Trong lịch sử, nước Hung đã phải trải qua nhiều nỗi nhục tương tự. Tên thượng tướng công binh Haynau, kẻ đao phủ đã đàn áp cuộc cách mạng tư sản dân quyền 1848, đã được tấn phong công dân danh dự của thủ đô Budapest vào ngày cuối cùng của năm 1848. Và gần 100 năm sau, đến lượt Stalin.

Có điều, không một thể chế độc tài nào có thể tồn tại vĩnh viễn: ở cương vị công dân danh dự Budapest chưa đầy 10 năm, mồ ma Stalin đã phải chứng kiến cuộc cách mạng dân chủ tháng 10-1956, khi bức tượng đồng cao 7 thước của ông ta bị dân chúng Budapest giật ngã và phá tan tành. Thành phố Stalin (Sztalinváros) bên dòng Duna (Danube) kiều diễm được nhận lại cái tên cũ Dunaújváros (Thành phố mới bên bờ Duna), các phố phường mang tên Stalin cũng đều trở về với tên gọi thân thuộc trong quá khứ...

Nhưng phải chờ đến mùa thu 1989, quá trình cải tổ mới diễn ra toàn diện và triệt để ở Hung và thủ đô Budapest. Các đường phố, quảng trường mang tên Lenin, Marx, Engels, Mayakovsky... đều được nhận lại tên cũ thời "tiền chiến". Các tượng đài hoành tráng tụng ca những vị lãnh tụ cộng sản được gom lại một nơi, thành một di tích được du khách quốc tế ưa thích. Tuy nhiên, cái tên Stalin vẫn nằm nguyên vẹn trong sổ vàng các Công dân Danh dự của Budapest.

*

Từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước, đã có những ý kiến đòi xóa tên Stalin khỏi lịch sử Budapest, nhưng đòi hỏi đó không đi đến đâu. Tháng 9-2000, một nhóm dân biểu thủ đô của Đảng Công lý và Cuộc sống Hung (MIÉP) - một chính đảng được coi là cực hữu ở Hung - đã khơi lại vấn đề trên, nhưng ngoài 19 lá phiếu của đại biểu các chính đảng phái hữu, không ai chấp nhận đề nghị đó.

Chiếm đa số trong chính quyền thủ đô Budapest thời ấy, các đại biểu 2 chính đảng thiên tả là Đảng Xã hội (MSZP) và Liên đoàn Dân chủ Tự do (SZDSZ) cho rằng "lịch sử là lịch sử", họ không dính líu gì đến những sự kiện xảy ra trước năm 1990 và người dân bầu họ ra không phải để họ bỏ phiếu cho một vấn đề xa xưa như thế. Ông Bohm András, người đứng đầu nhóm dân biểu của SZDSZ trong Quốc hội, đã tuyên bố: "Chúng tôi không có phận sự quyết định những vấn đề đã đi vào lịch sử".

Quyết định duy trì Stalin trong danh sách các công dân danh dự của Budapest đã bị các đảng phái thiên hữu đả phá kịch liệt. Không ít người cho rằng lập luận bao biện kể trên không chỉ vô cùng xuẩn ngốc về mặt chính trị, mà còn sai trái và khó bề lý giải về mặt đạo đức. Những người theo lập luận ấy đã nêu một vị dụ cụ thể: năm 1948, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng tư sản dân quyền Hung, chính quyền (cộng sản) Budapest đã xóa tên Haynau, Jellasics, Paszkievics và Windischgratz - những tên đao phủ từng chỉ huy vụ tàn sát các chiến sĩ cách mạng 1848 - khỏi danh sách các công dân danh dự của thủ đô.

Trong cuộc tranh luận nảy lửa liên quan đến vấn đề "Công dân Danh dự Stalin", các đảng phái đã nêu ra rất nhiều luận cứ để bảo vệ quan điểm của mình. Dường như ai cũng có cái lý riêng của mình, kể cả người cho rằng "phải bảo tồn quá khứ, dù nó có đau đớn đi nữa" lẫn kẻ chủ trương "nếu không "chỉnh lý" các sai lầm trong quá khứ, sẽ không thể tiến đến tương lai".

Vượt quá khuôn khổ một cuộc tranh luận chính trị nhằm mục đích tranh cử, sự tước bỏ trên danh nghĩa danh hiệu Công dân Danh dự Budapest của Stalin chỉ được thực hiện vào ngày 30-4-2004, khi Cộng hòa Hungary đứng trước thềm của Liên hiệp Châu Âu: trong một cuộc bỏ phiếu kín, các đại biểu Hội đồng Thành phố Budapest đã thống nhất rằng, vì những tội ác chống nhân loại, "không bao giờ và không ở đâu", Stalin có thể xứng đáng với danh hiệu cao quý đó!

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo báo Hung