Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Cách đây 20 năm: “1956 LÀ CUỘC KHỞI NGHĨA NHÂN DÂN!”

(NCTG) “Hôm nay Grósz Károly sang Thụy Sĩ” – tròn 20 năm trước, Đài Kossuth đưa tin trong chương trình thời sự ngày 28-1-1989. Grósz là lãnh tụ cộng sản đầu tiên của phe XHCN được mời dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, nhưng khi ấy ông còn chưa biết rằng niềm vui của ông sẽ đi kèm với nỗi buồn.

Pozsgay Imre - Ảnh tư liệu của MTI

Bởi lẽ, Pozsgay Imre, một lãnh tụ khác của Đảng Công nhân Xã hội (Đảng Cộng sản) Hungary (MSZMP), khi đó là bộ trưởng không Bộ, đã tận dụng “thời cơ” khi ông vắng mặt để đưa ra một tuyên bố “động trời”. Theo đó, tờ trình của Tiểu ban Lịch sử trực thuộc Ủy ban Trung ương MSZMP đã khẳng định, sự kiện năm 1956 - thường bị coi là "phản cách mạng", hoặc khá nhất cũng là "biến cố đáng tiếc tháng Mười" - thực chất là một cuộc khởi nghĩa nhân dân! Từ giây phút đó, chính thể tại Hungary - được xây dựng trên sự phủ nhận tính “hợp thức” của 1956 và đến lúc ấy, đã rất yếu ớt – không còn con đường nào khác, là phải sụp đổ.

Sở dĩ Pozsgay Imre, một lãnh tụ theo hướng cải cách của MSZP, đột ngột đưa ra nhận định chính yếu nói trên của tờ trình, vì ông sợ nó sẽ đi ỉm đi trước Ủy ban Trung ương đảng MSZP.

Chưa bao giờ một lãnh đạo đảng lại được chờ đợi về nước, như người dân và ban lãnh đạo MSZP chờ tổng bí thư Grósz Imre từ Diễn đàn Davos. Ngay tại Phi trường Quốc tế Budapest, ngày 30-1-1989, vị lãnh đạo đảng đã trả lời phỏng vấn chung hai tờ nhật báo lớn nhất thời đó, là “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) và “Tin tức Hungary” (Magyar Hírlap). Trong bài phỏng vấn, Grósz cho biết ông chỉ được tin về tuyên bố của Pozsgay thông qua báo chí (ông đọc mẩu tin ngay trên máy bay*). Vì vậy, ông không biết gì hơn về hoàn cảnh ra đời, cũng như những gì xảy ra trước lời tuyên bố. “Vài ngày trước khi lên đường, tôi cùng Pozsgay Imre có gặp nhau tại phiên họp của Bộ Chính trị, tại đó, đồng chí ấy không nói gì cả”, Grósz nhấn mạnh.

Nói về hoạt động của Tiểu ban Lịch sử, Grósz cho hay: Tiểu ban này có nhiệm vụ nhìn nhận lại những bài học của bốn thập niên để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của MSZP. Phụ thuộc vào đánh giá của Tiểu ban, có thể xác định xem sự tranh luận trong nội bộ đảng có thể đi đến đâu trong việc khởi thảo những chủ trương của năm 1989, trong đó, sự kiện 1956 là một phần không thể tránh khỏi.

Grósz Károly đã tuyên bố rất thận trọng về sự đánh giá cuộc chính biến 1956 của Tiểu ban Lịch sử: “Khi chúng ta nói rằng cần xem xét lại một cách khoa học những bài học của bốn thập kỷ, thì việc đánh giá lại mọi sự cũng là một phần trong đó. Nhưng rút ra những kết luận chính trị gì từ một đánh giá khoa học thì chưa thể quyết định trước được, vì đây không phải là việc của một người, một ủy ban, mà là của Ủy ban Trung ương. Tôi nghĩ rằng Pozsgay Imre và Tiểu ban có lẽ có những tư liệu để xây dựng nhận định này - còn tôi, đến giờ tôi chưa gặp những tư liệu đó. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trên nguyên tắc, tôi không loại trừ khả năng với những nhận thức mới, chúng ta sẽ đưa ra những đánh giá khoa học mới, và căn cứ vào đó, đưa ra sự đánh giá chính trị mới”.

Nhưng gì xảy ra sau đó thì chúng ta đã biết. Trong hậu trường, Grósz muốn Pozsgay rút lại khẳng định của mình về "cuộc khởi nghĩa nhân dân", hoặc ít nhất cũng tự phê bình. Nhưng Pozsgay không chấp nhận và chưa đầy 2 tuần sau, ngày 11-2-1989, Ủy ban Trung ương MSZMP đã đánh giá cuộc chính biến 1956 là "một cuộc khởi nghĩa nhân dân, nhưng rồi những xu hướng phản cách mạng rốt cục đã thắng thế..."

Chỉ là một khẳng định "nước đôi", nhưng đây là một bước ngoặt lớn trong loạt những đánh giá "chính thống" về biến cố 1956. Để rồi, chỉ hơn 1 năm sau, trong phiên họp đầu tiên ngày 2-5-1990, Quốc hội mới của Cộng hòa Hungary đã thông qua Đạo luật số XXVIII (năm 1990) để "ghi nhớ kỷ niệm của cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập năm 1956".

(*) Đây là một mẩu tin ngắn của Hãng Thông tấn Hungary MTI, đăng ở vị trí khá "lẩn khuất" tại trang 6.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo tạp chí