Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CUỘC THANH TRỪNG TRONG HỒNG QUÂN XÔ-VIẾT THỜI KỲ 1937-1939 DƯỚI CON MẮT MỘT ĐẠI TƯỚNG LIÊN XÔ

(NCTG) "Tôi được đưa ra hành lang. Hai phút trôi qua. Người ta lại dẫn tôi vào phòng và tuyên bố bản án: 15 năm tù cấm cố trong nhà tù và trại giam, cộng 5 năm bị tước quyền công dân. Đối với tôi, bản án bất ngờ đến nỗi tôi ngã quỵ ngay tại nơi tôi đang đứng".
Đại tướng Alexander Gorbatov (ngoài cùng, bên phải), năm 1945 - Ảnh tư liệu
Lời giới thiệu: Từ khi Liên Xô tan rã và những tài liệu "tuyệt mật" trong các kho lưu trữ dần dần được "bạch hóa", thế giới được biết đến cụ thể hơn, chi tiết hơn về những gì diễn ra ở Liên bang Xô-viết trong hơn 70 năm kể từ 1917.

Người đọc kinh hoàng trước những vụ án ngụy tạo khét tiếng Moscow thời 1936 - 1939, khi Stalin thủ tiêu đại đa số những lãnh tụ tối cao của đảng và nhà nước Xô-viết. Cũng như vậy, từ "vụ án các thống chế" năm 1937 cho đến cuối thập niên 30, nhà độc tài đỏ này đã gây nên nhiều vụ thanh trừng đẫm máu trong quân đội Liên Xô, khiến nền quân sự nước này trở nên đặc biệt yếu kém trước Thế chiến thứ Hai.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có những cuộc đàn áp có tổ chức trong nội bộ Hồng quân, chắc chắn Liên Xô đã không phải chịu nhiều thất bại nhục nhã và nặng nề trong thời gian đầu cuộc chiến với Đức. Quả thực, chỉ trong vòng một vài năm ngắn ngủi, quân đội Xô-viết đã phải chịu những tổn thất vô cùng lớn: trong những cuộc đàn áp, Stalin đã giết 3 trong số 5 nguyên soái lỗi lạc, được tấn phong năm 1935 (Tukhachevsky, Bljucher, Yegorov); rất nhiều đại tướng tài ba như Alksnis, Yakir, Belov, Dybenko, Kashirin, Kork, Uborevich, Eideman, Feldman, Primakov, Putna; các thủy sư đô đốc Orlov, Victorov, Sivkov, v.v... Trong năm 1938, những cuộc đàn áp đã thủ tiêu tất cả 80 thành viên Hội đồng Quân sự (thành lập năm 1934) và nhiều tướng tá khác. Người ta ước tính có tới 30.000 thượng và hạ sĩ quan bị xử bắn.

Rất nhiều tướng tá khác, sau này có vai trò lớn trong Thế chiến thứ Hai, cũng bị Stalin đày đọa. Chẳng hạn, nguyên soái Rokossovsky, một nhà quân sự lỗi lạc gốc Ba Lan, từng là bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan năm 1956. Ông bị bắt năm 1937 ở Leningrad (St. Peterburg ngày nay), bị vu là "gián điệp Ba Lan" rồi bị tra tấn và cầm tù tới năm 1941 mới được thả. Nếu không được sự bảo lãnh của hai nguyên soái Timoshenko và Zhukov (Zhukov, vị thống soái huyền thoại của Đệ  nhị Thế chiến,  trước là thuộc hạ dưới cấp của Rokossovsky) thì không biết bao giờ Rokossovsky mới được phóng thích; có thể ông đã bị thiệt mạng chẳng biết chừng! Trong giai đoạn "tẩy trừ", nhiều đại tướng khác như Gorbatov, nhiều nguyên soái khác như Maretskov cũng ở trường hợp như Rokossovsky.

Để thấy rõ mức độ phi lý và gian manh của các vụ án xét xử các sĩ quan trong quân đội Xô-viết nói riêng, và của các vụ án ngụy tạo khét tiếng ở Liên Xô thời kỳ 1936-1939 nói chung, không gì hơn là đọc lại một đoạn trong hồi ký của đại tướng Gorbatov, một nạn nhân, một nhân chứng, đồng thời là một chỉ huy quân sự tài ba của Liên Xô.

Alexander Gorbatov (1891-1973) là một quân nhân chuyên nghiệp. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo (có 10 anh chị em), từ một hạ sĩ quan trong quân đội Nga hoàng, ông gia nhập Hồng quân năm 1919 và chỉ huy một lữ đoàn kỵ binh trong cuộc nội chiến. Vào cuối thập niên 30, trong những cuộc thanh trừng, khủng bố quân đội, ông bị kết án khổ sai trong một trại lao động cưỡng bức và chỉ được thả tự do tháng 10-1941, khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô và đa số các sĩ quan cao cấp thuộc quân đội Xô-viết đã bị tàn sát. Trong Thế chiến thứ Hai, Gorbatov lần lượt giữ các chức vụ tư lệnh Sư đoàn xạ thủ, phó tư lệnh Quân đoàn 24, chỉ huy Tập đoàn quân thứ 3 và tư lệnh quân đội thành phố Berlin. Năm 1955, ông được phong hàm đại tướng.

Tên của Gorbatov đã được lãnh tụ Khrushchev nhắc đến trong bản báo cáo mật nổi tiếng đọc tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, như một nạn nhân của cuộc thanh trừng trong Hồng quân Xô-viết thời kỳ 1937 - 1939.Gorbatov thuộc lớp những trí thức - chuyên gia quân sự "tiền chiến", có trình độ hiểu biết, có tư duy độc lập và không tôn sùng "chế độ mới" một cách mù quáng. Được tôi luyện trong đạn lửa của rất nhiều cuộc chiến, với tinh thần "uy vũ bất năng khuất", không ít lần Gorbatov cương quyết bảo vệ quan điểm của mình trong các vấn đề chuyên môn trước Stalin (nhà độc tài này từng phải thốt lên "Gorbatov đúng là loại đánh chết cũng không chừa!"), và hậu quả là những năm tháng bị thất sủng, tù đày và trại tập trung.

Cuộc đời và những chiến tích oanh liệt của Gorbatov, về sau, đã được dựng thành phim với tựa đề "The General" (Vị tướng). Tuy không phải là một nhà văn "chuyên nghiệp" nhưng cuốn tự truyện "Năm tháng và chiến chinh" - trong đó Gorbatov kể lại những năm tháng của cuộc đời ông, từ thuở ấu thơ qua những cuộc chiến và kết thúc khi Hồng quân Liên Xô chiếm được Berlin - là một tác phẩm có giá trị văn học cao (nhưng không được xuất bản trong một thời gian dài). Trích đoạn sau đây được chuyển ngữ từ bản tiếng Hung của cuốn hồi ký, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1988 tại Budapest.

NĂM THÁNG VÀ CHIẾN CHINH (trích)

... Khi cánh cửa phòng giam nhà tù Lubyanka (1) sập lại sau lưng, tôi liếc thấy vài người, tôi chào họ, đáp lại, họ thân mật "zdrastvuytye!" (2) với tôi.

Họ có cả thảy bảy người. Sau chút im lặng, một người lên tiếng:

- Bây giờ, có lẽ đồng chí bộ đội suy nghĩ như sau: "Mình hoàn toàn vô tội nhưng lại bị nhốt cùng một lũ phản quốc". Nghĩ thế là sai. Chúng tôi cũng như cậu cả thôi. Đừng ngại gì cả, ngồi xuống giường đi và kể cho chúng tôi hay có tin gì mới ngoài thế giới, vì đã lâu chúng tôi không được biết gì cả.

Các bạn cùng cảnh ngộ của tôi đặc biệt quan tâm đến tình thế nước Đức của Hitler. Sau này tôi mới biết tất cả bọn họ đã từng giữ những trọng trách trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi kinh hãi khi được biết: trong các cuộc thẩm vấn, họ đã ký nhận những điều ngu xuẩn không thể tưởng tượng nổi, họ đã nhận những tội danh bịa đặt về phần mình và cả với những kẻ khác. Một số người làm điều này vì bị tra tấn, số khác vì hoảng sợ trước những câu chuyện về nhục hình.

Đối với tôi, điều đó hoàn toàn khó hiểu. Tôi bảo họ:

- Nhưng, bằng những lời thú nhận dối trá, chẳng những các anh làm hại bản thân và ảnh hưởng đến những người bị khai, mà còn hại cả đến thân nhân và bạn hữu của các anh nữa; cuối cùng, các anh đưa cuộc điều tra vào con đường sai lầm và đánh lạc hướng chính quyền Xô-viết.

Những luận cớ của tôi không thuyết phục được họ. Một số người còn là tín đồ của cái "thuyết" đặc biệt, cho rằng càng nhiều người bị bắt bớ bao nhiêu thì người ta càng nhận ra nhanh chóng bấy nhiêu, rằng tất cả những trò này là ngu xuẩn và có hại bậc nhất đối với đảng.

Tôi rất tức giận vì họ. Thế mà họ chỉ nói một cách mai mỉa:

- Rồi chúng ta sẽ thấy sau một tuần, cậu ăn nói ra sao!...

Ba ngày liền tôi không bị ai tra hỏi, ngày thứ tư tôi bị gọi đi lấy khẩu cung. Người ta cho tôi giấy bút để tôi "trình bày tất cả mọi tội lỗi" của tôi.

- Tôi không có gì để viết về "những tội lỗi" của tôi cả - tôi đáp.

- Không có gì ư?! - người tra hỏi kêu lên. - Thoạt đầu ai nấy đều bảo thế, rồi các anh có dịp suy nghĩ đôi chút, các anh nhớ lại và viết lại hết. Anh có thời gian, đi đâu mà vội. Ai không có gì để viết, người đó sẽ được tự do.

Tôi bị bỏ lại một mình, mấy tiếng trôi qua. Người hỏi cung trở lại và tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Sao vậy? Chẳng lẽ anh không hiểu người ta muốn gì ở anh ư? Hãy hiểu rằng chúng tôi không thích bông đùa đâu. Thành thử, hãy cố mà làm! Làm sai với tôi là sẽ thiệt thòi đấy. Với tôi, chưa bao giờ có chuyện một kẻ nào đó lại không chịu ký nhận. Rõ chửa?

Một giờ sau, anh ta quay lại và thấy tôi vẫn không viết, anh ta bảo:

- Anh cư xử tồi ngay từ buổi đầu. Gay đấy! Thôi, về buồng giam mà suy nghĩ.

Về đến buồng giam, tôi bị gạn hỏi dồn dập: "Người ta hỏi cậu những gì? Cậu trả lời ra sao? Có thú nhận không?".

Sau khi đã nghe tôi thuật lại, mọi người rút ra kết luận là phương pháp hỏi cung chẳng thay đổi chút nào. Tôi phải chờ những lần lấy khẩu cung mới, khi đó hoặc là tôi viết, hoặc tôi sẽ bị chở đi Lefortovo.

Lời chẩn đoán có vẻ đúng. 24 giờ sau, khi mọi việc lại lặp lại y hệt lần hỏi cung đầu, nhân viên tra hỏi tỏ ra hết sức thô bạo, anh ta chửi rủa và dọa sẽ chuyển tôi qua Lefortovo...

Hôm sau, tôi bị dẫn độ qua nhà tù Lefortovo. Tôi được phân vào một phòng giam tí hon, đã có hai người ở đó. Một bạn tù của tôi nguyên là lữ đoàn trưởng, người kia từng là một cán bộ lãnh đạo của Bộ Dân ủy Thương nghiệp. Cả hai đều đã ký nhận mọi thứ ngu xuẩn về mình và những người khác. Họ cố chứng tỏ cho tôi biết là không còn con đường nào khác. Nghe họ kể, tôi lạnh toát sống lưng. Tôi không muốn tin là những chuyện như thế lại có thể xảy ra ở xứ ta.

Anh bạn tù mới của tôi có ý kiến như sau: ký nhận ngay là hơn cả vì nếu hôm nay cậu không ký thì sau một tuần hay nửa năm, đằng nào cậu cũng làm điều đó.

- Tôi thà chết còn hơn vu cáo bản thân và cái chính là vu cáo kẻ khác.

- Hồi mới vào đây, bọn tớ cũng có tâm trạng như thế - hai người đáp.

Ba ngày trôi qua. Những cuộc hỏi cung bắt đầu. Thoạt tiên, chúng không khác gì như ở nhà tù Lubyanka. Khi nhân viên điều tra hiểu rằng tôi sẽ không viết, anh ta phun phì phì một hồi:

- Rồi mày sẽ viết. Ở chỗ bọn tao, chưa từng và cũng sẽ không có kẻ nào lại không viết!

Lần thứ tư, tôi bị dẫn đến một vị thủ trưởng. Thoạt đầu ông này bình thản hỏi tôi: tôi có biết tôi đã định cho mình một số phận như thế nào không, tôi đã suy nghĩ chín chắn chưa? Về sau, vị thủ trưởng ấy nói với nhân viên điều tra: "Được, tôi đồng ý với anh!".

Lần này tôi phải ở lại phòng hỏi cung khá lâu. Phải khó khăn lắm tôi mới mò được về phòng giam. Các bạn tù của tôi đồng thanh nói:

- Thấy chưa! Và đây mới là khởi đầu.

Đồng chí B. lắc đầu khẽ hỏi:

- Có cần đến tất cả những trò này không?

Tôi bị tra khảo năm lần, cách nhau hai, ba ngày. Có khi tôi chỉ về được buồng giam nhờ sự giúp đỡ của người khác. Sau đó tôi được nghỉ hai chục ngày. Các bạn cùng phòng tôi coi đây là một điềm lành.

Nhưng chẳng bao lâu người ta lại đưa tôi đi lấy khẩu cung. Lần này tôi cũng bị tra hỏi năm bận. Một bữa, vô tình tôi được biết tên con quái vật từng tra hỏi tôi: Stolbunsky. Tôi không biết hiện giờ anh ta ở đâu. Nếu còn sống, tôi ước giá anh ta đọc những dòng này và cảm nhận được rằng tôi khinh bỉ anh ta đến mức nào, chẳng những bây giờ mà tôi đã từng khinh bỉ ngay từ khi tôi còn nằm trong tay anh ta. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng anh ta phải biết rõ điều đó. Ngoài người thẩm cung, có hai tên đao phủ tráng kiện cũng có mặt trong các buổi tra hỏi. Đến giờ, tai tôi vẫn văng vẳng giọng nói của Stolbunsky mỗi khi tôi được đưa đi, kiệt sức và đầm đìa máu, y nói vọng theo như thể báo một điềm gở: "Rồi mày sẽ ký, sẽ phải ký!". Tôi chịu đựng mọi nhục hình trong đợt tra tấn thứ hai. Nhưng tôi đã muốn chết biết nhường nào khi "hiệp" ba bắt đầu!

Một lần, đồng chí B. hỏi:

- Chẳng lẽ lần này cũng không thuyết phục nổi cậu, rằng tình cảnh của cậu hoàn toàn bế tắc?

- Không, tôi không để nó chi phối đâu - tôi đáp. - Tôi sẽ chết và khi đó tôi cũng chỉ lặp đi lặp lại: không và không!

Rốt cục người ta để tôi yên và ba tháng liền tôi không bị đưa đi thẩm vấn. Trong thời gian đó, tôi tin tưởng vững chắn rằng tôi sẽ được trả tự do. Có bận, tôi còn đập cửa đòi gặp người phụ trách nhà tù hoặc ông công tố viên. Cố nhiên, hành vi hỗn láo của tôi không phải lúc nào cũng được bỏ qua. Nhưng bằng một cách nào đó, tôi phải rút ngắn thời gian...

... Sau ba tháng trời không bị hỏi cung, ngày 8 tháng Năm 1939, một người xuất hiện tại cửa phòng giam, tay cầm giấy và bảo tôi thu xếp đồ đạc. Tôi mừng rỡ vô hạn!

Tôi được dẫn đến một căn phòng, tòa án quân sự họp ở đó. Đến lúc này, tôi vẫn chưa hết tâm trạng vui sướng tràn trề trong lòng. Tôi muốn chính điều đó: tòa án hãy làm sáng tỏ vụ việc của tôi!

Chủ tọa phiên tòa hỏi:

- Trong quá trình điều tra, tại sao anh không thú nhận những tội lỗi của mình?

- Tôi không phạm tội, vậy đâu có gì để thú nhận - tôi đáp.

- Thế sao có mười người đã bị xử lại khai ra anh? - ông chủ tọa hỏi.

Trong giây phút đó, tôi vô cùng phấn chấn, tôi tin chắc sẽ được phóng thích đến nỗi tôi đã trả lời một cách cởi mở, điều mà sau này tôi phải chua xót hối hận:

- Tôi được đọc một cuốn sách của Victor Hugo. Sách kể rằng vào thế kỷ XVI, ở đảo Anh Quốc người ta buộc 11 người vào tội quan hệ với ma quỷ. Trong số đó, mười người thú nhận tội lỗi sau khi bị tra tấn, nhưng người thứ mười một không chịu thú nhận. Khi đó, nhà vua hạ lệnh thiêu sống người thứ mười một đó trên giàn lửa và dựa vào thứ nước bị nung chín chảy từ người anh ta, người ta phải chứng tỏ rằng kẻ bất hạnh đã đồng lõa với quỷ dữ. Rõ ràng - tôi nói tiếp - 10 người đã thú nhận tội lỗi và khai ra tôi cũng có cảm giác như 10 người Anh, nhưng họ không muốn trải qua cảm giác như người thứ mười một đã phải chịu.

Các thẩm phán mỉm cười nhìn nhau và vị chủ tọa hỏi đám người ngồi xung quanh:

- Thế nào, rõ chưa các đồng chí?

Những kẻ đó gật đầu.

Tôi được đưa ra hành lang. Hai phút trôi qua. Người ta lại dẫn tôi vào phòng và tuyên bố bản án: 15 năm tù cấm cố trong nhà tù và trại giam, cộng 5 năm bị tước quyền công dân.

Đối với tôi, bản án bất ngờ đến nỗi tôi ngã quỵ ngay tại nơi tôi đang đứng.

Ghi chú:

(1) Lubyanka là trung tâm của các cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô (từ Cheka đến KGB), đặt tại một quảng trường ở thủ đô Moscow.

(2) Câu chào gặp mặt trong tiếng Nga.

Tác giả bài viết: Trần Lê giới thiệu và chuyển ngữ