Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CƠ QUAN KIỂM DUYỆT ĐÔNG ĐỨC KHÔNG ƯA BỐN CHÀNG “ĐẦU NẤM”

(NCTG) Đó là thông tin toát ra từ cuộc triển lãm đặc biệt của Bảo tàng Beatles tại thành phố Halle, với nội dung phản ánh tác động của ban nhạc huyền thoại “Beatles” đối với giới trẻ CHDC Đức trong thập niên 60, cũng như đường lối chống nhạc Beat của phe XHCN đương thời, thông qua bộ máy kiểm duyệt.

Mở cửa từ nay cho đến ngày 23-5, triển lãm mang tên “All You Need Is Beat”, phỏng ca khúc nổi tiếng “All You Need Is Love” của Jonh Lennon, một thời từng được coi là “Quốc ca của thế hệ hippies”. Ban tổ chức cuộc triển lãm đã sử dụng các hồ sơ công an mật, tin tức báo chí và các chương trình truyền hình mang tính tư liệu đương thời, để tái hiện đường lối chống đối “văn hóa Beat” của Cục An ninh Quốc gia Đông Đức Stasi.

Chứng cuồng Beatles (Beatlesmania), một “hội chứng” của giới trẻ sùng bái 4 chàng trai vàng tự nhận là còn “nổi danh hơn cả Chuá Jesus” (lời John Lennon) bùng nổ và lan ra hầu khắp thế giới vào năm 1964. Tuy nhiên, trong mắt lãnh tụ Walter Ulbricht, chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức, thì “Beatles” và “lối suy nghĩ đi ngược lại CNXH” của những “fan” ban nhạc này lại như một cái gai.

Sau khi bức tường Berlin được dựng lên vào năm 1961, Ban lãnh đạo Đông Đức quyết định ngăn chặn mọi biểu hiện độc hại trong văn hóa đến từ phương Tây, trong đó có chứng cuồng Beatles.

Chúng ta thực sự phải sao chép mọi thứ rác rưởi đến từ Mỹ hay sao? Các đồng chí, tôi cho rằng phải chấm dứt cái trò “yeah yeah yeah...” này”, Ulbricht phát biểu vào tháng 12-1965, ám chỉ một đoạn đặc thù trong bài hát “She loves you” của “Beatles” (“She loves you, yeah, yeah, yeah...”).

Dĩ nhiên, Đoàn Thanh niên Tự do Đức (FDJ, tổ chức thanh niên duy nhất được Nhà nước CHDC Đức thừa nhận và ủng hộ) đã “chia sẻ” quan điểm trên của nhà lãnh đạo. Ỷ vào phạm vi quyền hạn rất lớn của mình, FDJ đã dùng nhiều cách để giảm lượng “nhạc phương Tây” du nhập vào Đông Đức, chẳng hạn, trong một chiến dịch, 20 ngàn đoàn viên FDJ đã đồng loạt cưa các ăng-ten để ngăn cản giới trẻ bắt các làn sóng nhạc “ngoại”.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI