Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“CHÚNG TÔI MAY MẮN VÌ CÓ NHÂN DÂN RẤT TỐT”

(NCTG) “Chúng tôi may mắn vì có nhân dân rất tốt”, đó là chia sẻ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thời kỳ 1958-1968) với ký giả Róbert László trong một dịp hội ngộ cuối thập niên 60 thế kỷ trước.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch dự lễ khánh thành Bệnh viện Tiệp Khắc, năm 1959 - Ảnh tư liệu

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thuộc hàng những trí thức Việt Nam sáng giá nhất những năm đầu thế kỷ 20, đã từ bỏ mọi danh vọng, sự nghiệp và cuộc sống giàu sang, phú quý - và có lẽ điều quan trọng hơn cả, là họ sẵn sàng từ bỏ môi trường học thuật và sinh hoạt dân chủ, văn hóa theo hình mẫu Phương Tây - để gia nhập cuộc kháng chiến gian khổ, cũng như, đời sống chính trị với vô vàn bó buộc của các thập niên sau đó.

Cuộc gặp mặt được thuật lại sau đây của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với nhà báo Róbert László (1926-) có thể là một trong những dịp tiếp xúc cuối cùng của ông với giới ký giả ngoại quốc trước khi ông qua đời vào cuối năm 1968 vì bạo bệnh. Ðây là quãng thời gian vị Bộ trưởng Y tế đích thân vào chiến trường miền Nam với nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và tham gia cứu chữa thương binh, trị bệnh cho quân dân.

ký giả cựu trào và tài năng bậc nhất của Hungary, có duyên nợ hàng chục năm với Việt Nam trên cương vị phóng viên chiến trường tại Ðông Dương thập niên 60 và thành viên Phái đoàn Hungary trong Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Quốc tế (Hiệp định Paris về Việt Nam) thời kỳ 1973-1976, nên trong các tác phẩm của mình, Róbert László đã có những góc nhìn đa diện và văn hóa về các nhân vật mà ông có dịp tiếp xúc.

Và có lẽ, chương sách viết về Phạm Ngọc Thạch trong cuốn “Rượu whisky với bom - Nhật ký từ Đông Dương” (Whisky bombával – Napló Indokínából, Budapest 1971) là một trong những khắc họa thành công và để lại nhiều suy ngẫm của tác giả về “những con người mà cuộc đời được lịch sử tạo nên và những người đã tạo nên lịch sử bằng cuộc đời của họ”, như mong muốn của vị ký giả.

Ðọc lại trích đoạn này, suy nghĩ về sự dấn thân của giới trí thức Việt Nam trong cuộc Cách mạng mùa thu 1945 - một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu và giới sử học quan tâm - không thể không đặt ra một câu hỏi: hiện tại, trí thức ở đâu, có vai trò gì trong bộ máy chính quyền Việt Nam, nơi sản sinh những quyết sách nhiều khi có tầm ảnh hưởng sống còn đến một dân tộc, một đất nước?
 
*

... Một gương mặt hiện ra trước mắt tôi: những đường nét vô cùng tinh tế của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Hai tuần trước, chúng tôi đã gặp nhau tại khách sạn Thống Nhất ở Hà Nội.

Tôi đã muốn bàn chuyện chính trị với ông như những người đồng chí, nhưng ở đó còn có giáo sư – bác sĩ Lambotte người Paris, đồng nghiệp một thời tại Đại học Sorbonne của Phạm Ngọc Thạch. Có lẽ giờ đây ông cũng dạy ở đó nếu vào đầu thập niên 50, ông không rời Paris để (về nước) tổ chức công tác y tế cho du kích quân Hồ Chí Minh. Trên cương vị một nhà phẫu thuật phổi, Thạch đã lẩn trốn danh tiếng trên thế giới để “ẩn cư” trong rừng rậm. Và để trở thành Bộ trưởng Y tế.

Tôi lắng nghe cuộc tranh luận chuyên môn giữa hai nhà khoa học. Hiểu đến đâu, tôi ghi chép tới đó. Xin trích lại ở đây vài câu hỏi và trả lời.

Lambotte hỏi – và ông bộ trưởng đáp.

- Chiến tranh đang hoành hành trên xử sở các vị. Và chúng ta có thể nghĩ rằng những tổn thất về người và cư dân sẽ thật khủng khiếp. Ấy vậy mà theo như chúng tôi được biết, điều này đã không xảy ra. Phải chăng các vị có một cơ quan đặc biệt gì đó để cứu những mạng người?

Lời đáp: Đúng là những tổn thất của chúng tôi là không đáng kể. Và điều này sở dĩ có được là nhờ công tác tổ chức cẩn thận và sự kỷ luật chặt chẽ của chúng tôi, có cội nguồn từ lý tưởng đạo đức của dân tộc. Dân tộc chúng tôi biết rằng họ bảo vệ ruộng vườn, công ăn việc làm, cuộc sống và tự do của họ. Vì thế, dễ hiểu là họ tuân thủ ngặt nghèo sự kỷ luật có thể cứu mạng họ. Toàn thể nhân dân tuân thủ những chỉ thị mà họ nhận được một cách thống nhất trên toàn quốc, nhưng trên cơ sở sự tổ chức rất tập trung.

Cố nhiên, những chỉ thị do chính phủ đưa ra, nhưng các chính quyền, hội đồng địa phương, làng xã áp dụng chúng một cách tự lập trong tình trạng riêng của mình. Sự tự lập này là một trong những cơ sở quan trọng nhất của lòng kiên cường và niềm tin vào chiến thắng của chúng tôi. Những chỉ thị trung ương được đặt cơ sở trên sự nghiên cứu không ngừng, trên những thử nghiệm địa phương luôn được đổi mới và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh, và trên các trải nghiệm tại địa phương. Xét về mặt hiệu quả, thực tế việc xây dựng những hào công sự trú ẩn và hầm trú ẩn cá nhân trên ruộng đồng, đường phố còn vượt xa những hình dung của chúng tôi.

Cũng như thế đối với việc sơ tán các đô thị. Tháng 10-1967, khi bị oanh tạc lần đầu, Hà Nội còn có 200 ngươi bị thiệt mạng và bị thương. Nhưng các đợt tấn công không quân gần đây nhất, trong thực tế, đã không khiến ai tử vong. Chúng tôi đã cho sơ tán cáckhu vực đông đúc trong thành phố. Tại các làng xã, cư dân đô thị được những người có trách nhiệm đón tiếp. Họ được tổ chức nơi an chốn ở và điều không kém phần quan trọng, công ăn việc làm cho họ cũng được bố trí.

(...)

Cuộc trao đổi chuyên môn còn kéo dài một giờ, nhưng trong tôi những thuật ngữ chuyên môn đã rối bù. Có một từ đọng lại sâu sắc nhất trong tôi, đó là khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói về loại vaccine Sabin (phòng bệnh bại liệt) do Việt Nam tự chế, và ông nói thêm: “Cố nhiên...”.

Tôi lên phòng cùng giáo sư Lambotte. Vị bộ trưởng thì tới phòng mổ. Hàng tuần, tối đa ông làm việc tại cơ quan một ngày và ít nhất cũng phẫu thưật hai lần. Lên tầng, khi từ giã, giáo sư Lambotte còn quay lại hỏi tôi:

- Anh có biết chúng ta vừa ngồi đàm đạo với ai không?

Tôi không hiểu câu hỏi đó. Tất nhiên là tôi biết: với vị Bộ trưởng Y tế.

- Không chỉ vậy. Với một trong những nhà tổ chức y tế vĩ đại nhất của thời nay, đồng thời, là một nhà phẫu thuật phổi đáng nể.

Cho dù không giảng dạy tại Sorbonne, bác sĩ Thạch cũng nổi tiếng thế giới. Ngay cả trong rừng rậm.

Hôm sau, ngẫu nhiên, tôi gặp lại vị bộ trưởng tại căn sảnh của khách sạn. Ông nhận ra tôi.

- Anh có hiểu những gì chúng tôi trao đổi hôm qua không?

Tôi lắp bắp. Ông trấn an tôi.

- Tôi nghĩ rằng với anh thì điều quan trọng hàng đầu không phải là việc chúng tôi chế vaccine BCG hay Sabin bằng cách thức nào. Nhưng có một điều anh hãy ghi nhớ: không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến chỉ với sự can đảm.

Chỉ khi ấy tôi mới nhận ra: con người nhỏ bé này thật phi thường. Việt Nam may mắn vì đất nước này chủ yếu có những con người như thế. Không chỉ là những nhà thơ và những nhà tổ chức nhiệt thành và cháy bỏng vì lý tưởng, mà còn là những nhà khoa học. Các thi sĩ, nhà tổ chức và nhà khoa học, cùng nhau. Giới lãnh đạo bất cứ quốc gia Châu Âu nào cũng có thể tự hào với tầm văn hóa như tầm văn hóa trung bình của thành viên Chính phủ Bắc Việt Nam và Ban lãnh đạo đảng. Trước đây, tôi cho rằng thành phần lãnh đạo như thế là một sự may mắn ngẫu nhiên thì đúng hơn, chứ không phải là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên do tình thế lịch sử tạo dựng.

Bác sĩ Thạch không để tôi ngẫm nghĩ nhiều.

- Anh có biết Hồ Chủ tịch nói gì không? “Nhân dân ta rất tốt”.

Tôi biết câu trích ấy. Một năm sau khi quân đội Mỹ ném bom oanh tạc, Hồ Chí Minh đã phát biểu như thế.

(...) Khi đó, tôi cũng chưa đưa được nhận xét của Hồ Chủ tịch vào vị trí của nó. (...) Bản thân tôi cũng cảm thấy, phong cách, lối suy nghĩ của Bác Hồ có cái gì đó ngây thơ. Khi ấy, tôi lý giải điều này như sau: nhà tổ chức - nhà chỉ huy quân sự - thi sĩ - con người sắt đá ấy – một con người có tính nhất quán và ý thức hiếm có trong lịch sử - đã đơn giản hóa mọi thứ một cách có ý thức. Những nhận định, kêu gọi của ông được áp dụng cho một dân tộc - trong hoàn cảnh chinh chiến hầu như không ngừng nghỉ - vốn nhìn nhận tất cả dưới nhãn quan đen - trắng. Một dân tộc không biết đến những sắc màu. Một dân tộc sống và suy tư trong những phạm trù tốt và xấu tuyệt đối.

... (Dạo ấy) bản thân tôi cũng còn dùng thêm định ngữ “non nớt” vào khái niệm “nhân dân rất tốt”. Dẫn dắt một dân tộc non nớt thì dễ dàng. Và với lịch sử biến động bốn ngàn năm của mình, người Việt Nam cũng vẫn chưa đến tuổi trưởng thành. Khi đó, ít nhiều, tôi cảm thấy dường như lòng tin vào sự tất thắng cũng thuộc phạm trù “non nớt” ấy.

Và khi bác sĩ Thạch, một lần nữa, khi cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi, dường như ông vẫn chứng tỏ những giả định hời hợt của tôi. Như thể ông nói to những gì đang nghĩ:

- Đúng vậy. Chúng tôi may mắn vì có nhân dân rất tốt.

Dường như ông muốn bảo: may mắn vì nhân dân biết nghe lời như thế.

Có điều, trước đó nửa giờ, ông còn giải thích với vị giáo sư Pháp rằng sở dĩ thiệt hại về người là tối thiểu một cách tương đối như vậy là bởi người dân đã tuân thủ một cách có ý thức tính kỷ luật được sản sinh trong những lý tưởng, là do sự phòng ngừa có tổ chức, do sự tiên đoán và tự lập ở địa phương. Vậy may mắn là ở đâu? Đâu phải do ngẫu nhiên? (...)

Vị bộ trưởng nói tiếp:

- Đôi lúc chính tôi cũng không biết chính xác, do đâu. Chúng tôi ra một chỉ thị, một nghị quyết từ Trung ương. Rồi, chúng tôi xuống địa phương để tìm hiểu xem thế nào. Đã có bận gần như tôi không thể nắm bắt được nó đã được thực hiện ra sao. Sau khi làng xã nhận được chỉ thị, tại nhiều nơi - ngoài các cơ quan đảng bộ, hội đồng, hội thanh niên, phụ nữ - hội phụ lão cũng họp bàn. Và trước khi bắt tay vào thực hiện chỉ thị, họ đi một vòng. Họ nhìn nhận mọi mặt, xem làm sao có thể để chỉ thị được hiệu quả, linh hoạt và phong phú hơn. Đôi khi, bản thân tôi cũng không thể tin được, nông dân của chúng tôi lại có năng khiếu như thế trong việc tìm ra những giải pháp khác nhau.

(...) Bằng thống kê, tôi có thể chứng tỏ với anh rằng, đa số những chỉ thị y tế của chúng tôi không được sinh ra trong các công sở. Nếu xuống làng xã, không phải tôi nhằm mục tiêu kiểm tra người dân, mà đúng ra là kiểm tra chính bản thân tôi: tôi đã học tập được nhiều từ họ hay chưa?

Bác sĩ Thạch đi ra. Tôi không biết, ông đi mổ, kiểm tra hay học tập. (...) Hầu như ông luôn bị cuộc sống đặt trước những tình thế mà ông phải tìm ra - một cách nhanh chóng – các giải pháp. Không còn cách nào khác. (...) Tình thế bắt buộc khủng khiếp này không chỉ sinh ra sự anh hùng, mà còn nảy sinh những sáng kiến mà người Châu Âu đôi khi không thể hình dung nổi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và chuyển ngữ theo nguyên bản tiếng Hungary