Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁI CHẾT THỂ XÁC CỦA LENIN

(NCTG) “… đừng xây dựng những đài tưởng niệm cho ông, đừng lấy tên ông đặt cho những cung điện, đừng tổ chức những lễ hội tưởng nhớ ông... (…) Nếu muốn kính trọng tên tuổi Vladimir Ilyich, các đồng chí hãy xây nhà cửa, bệnh viện, nhà dưỡng lão cho những người tàn tật... và điều quan trọng nhất: hãy thực hiện di chúc của ông trong mọi việc” (Nadezhda Krupskaya, vợ góa của Lenin).

Lời tòa soạn: Như một thông lệ tại các xứ XHCN độc đảng thời trước, những xung đột, đấu đá, tranh giành quyền lực vốn diễn ra liên miên lại càng được gia tăng khi các vị lãnh tụ thượng đỉnh lâm trọng bệnh.

Trong trường hợp của Lenin, thực tế, điều này đã xảy ra từ vài năm trước khi ông mất – chính xác hơn là khi ông ngã bệnh và các đồng sự th
ân cận nhất của ông biết rằng ông không thể hồi phục. Lenin đã chết về tinh thần khá lâu – khi chứng kiến rất rõ rệt trong trạng thái bất lực việc di sản cách mạng do ông gây dựng bị các đồng chí giằng xé - trước khi ông từ giã cõi trần vào tháng Giêng 1924.

Tư liệu sau đây là thuật lại cuộc chiến và những thủ đoạn để tranh giành quyền lực giữa Stalin và các đồng chí của ông ta, trong đó, những gương mặt đáng kể nhất – Trotsky, Bukharin, Kamenev, Zinoviev, v.v… - đều được Lenin nhắc đến trong một văn kiện vô cùng quan trọng, đi vào sử đảng với cái tên “Di chúc chính trị” (Thư gửi Đại hội).

Đều là những nhà cách mạng cựu trào, có học thức, nhiều người trong số họ còn là những trí thức lừng lẫy đương thời, nhưng tất cả rồi phải chịu hạ vũ khí hoặc thất bại trước Stalin, một con người thua kém họ về nhiều mặt, nhưng đặc biệt giỏi trên phương diện tổ chức thực tiễn và xuất sắc với những âm mưu, những màn sắp xếp hậu trường ngoạn mục.

Đặc biệt, Stalin đã rất biết dựa vào uy danh của người đã khuất để tô vẽ cho thể chế và cho mưu toan chính trị của chính mình, thông qua việc lưu giữ thi thể Lenin trong lăng. Âu cũng là những bài học lịch sự mà hậu thế có thể rút ra được qua câu chuyện này (NCTG).

 
*

Dường như trạng thái sức khỏe của Lenin có phần khá lên vào đầu tháng 1-1924. Ngày 19-1-1923, trong lễ khai mạc Đại hội Xô-viết liên Nga lần thứ XI, Kalinin thông báo: theo ý kiến của các bác sĩ có uy tín, Lenin có thể bình phục và trở lại làm việc vào mùa hè. Các đại biểu vỗ tay hồi lâu trước lời tuyên bố ấy.

Tuy nhiên, chiều 21-1-1924, sức khỏe Lenin giảm sút trông thấy và ông qua đời vào hồi 6 giờ 50 phút chiều hôm đó. Sau này, bộ máy tuyên truyền Stalinist khẳng định: Lenin đang trong quá trình lành bệnh, nhưng sau khi được biết những cuộc tranh luận của Trotsky và các đồng sự trên tờ “Sự thật”, ông đã giận dữ và bị chảy máu não lần cuối cùng, dẫn đến tử vong!

Hẳn họ đã dựa vào đoạn hồi tưởng của Krupskaya: trong hai ngày 19-1 và 20-1-1924, bà cắt thành từng mẩu nhỏ và đọc cho Lenin nghe những văn kiện của Hội nghị Đảng lần thứ XIII: “Thứ Bảy, sau khi nghe tôi đọc, Vladimir Ilyich bắt đầu bồn chồn; khi ấy tôi bảo ông rằng những nghị quyết đã được hội nghị nhất trí thông qua”.

Kỳ thực, trong hồi ký viết dưới sự kiểm duyệt thô bạo của Stalin, Krupskaya từng ám chỉ đến một sự kiện: không phải phe đối lập do Trotsky đứng đầu mà chính những nghị quyết phê phán phe đối lập của Hội nghị Đảng lần thứ XIII đã chấn động mạnh mẽ đến Lenin; một lần nữa, ông nhận ra Đảng Bôn-se-vích càng ngày càng xa rời con đường dân chủ.

Lá thư Krupskaya gửi vài ngày sau khi Lenin mất cũng chứng tỏ tình cảm của gia đình ông đối với Trotsky, một người từng là đối thủ chính trị của Lenin trong nhiều năm dài:

Leon Davidovich thân mến,Tôi viết thư này để nói cho đồng chí biết: ngay trước khi qua đời chừng một tháng, Vladimir Ilyich lật từng trang cuốn sách của đồng chí và ngừng lại ở đoạn đồng chí phân tích Marx và Lenin. Lenin yêu cầu tôi đọc cho đồng chí nghe đoạn đó một lần nữa. Lênin rất chăm chú lắng nghe và sau đó, đồng chí cũng đọc lại.

Tôi còn muốn nói với đồng chí điều này nữa: cho đến tận khi mất, Vladimir Ilyich vẫn nghĩ về đồng chí như khi đồng chí vừa từ Siberia đến chỗ chúng tôi ở London.Leon Davidovich, chúc đồng chí nhiều nghị lực và khỏe mạnh. Ôm hôn thắm thiết đồng chí
”.

Không ai nghĩ Lenin ra đi nhanh chóng như thế. Trưa ngày 21-1, một bác sĩ điều trị của Lenin còn nói với Vladimir Sorin, một trong những người đứng đầu thành ủy Moscow: “Ông cụ giờ đang ngủ, nhưng đã khá rồi; cụ sẽ hồi phục hoàn toàn vào mùa xuân”. Biết tin ấy, Bukharin - đang bị cúm nhẹ và dưỡng bệnh tại nhà nghỉ vùng Gorki - còn cho rằng có lẽ “Ông cụ” sẽ phát biểu được đôi lời trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, được tổ chức vào tháng 5-1924 theo dự định.

Yevdokya Smirnova, một nữ công nhân nhà máy may quần áo, đã giúp đỡ Krupskaya chăm sóc Lenin từ tháng 3-1923, hồi tưởng lại:

Như thường lệ, buổi sáng tôi mời ông uống cà phê, nhưng Lenin chỉ lịch sự cúi đầu và đi khỏi bàn ăn; ông không uống mà về lại buồng và đi nằm. Tôi chờ đến 4 giờ [chiều] với tách cà phê nóng và nghĩ rằng ông sẽ uống khi tỉnh giấc. Nhưng khi dó ông đã bất tỉnh. Mọi người yêu cầu tôi mang những chai nước nóng đến... Khi tôi đổ đầy nước vào chai và mang đến, đã không còn cần đến chúng nữa...”.

Trước đó khá lâu, Stalin đã tính toán và đề phòng trường hợp Lenin qua đời: ông ta cố gắng để không một lãnh tụ Bôn-sê-vích nào ngẫu nhiên có mặt ở Gorki trong giờ phút Lenin mất. Nhưng hẳn ông ta không lường đến Bukharin, thành viên duy nhất trong Ban lãnh đạo tối cao Bôn-sê-vích lúc ấy ở Gorki vì lý do đã nhắc đến ở trên.

Trong cuốn sách “Bukharin”, sử gia Hungary Kun Miklós thuật lại về những giờ phút cuối cùng của Lenin như sau: vào hồi 6 giờ chiều, em gái Lenin là Maria Ulyanova cử ai đó vào nhà nghỉ của thành ủy Moscow để xin long não. Sorin nhào vào buồng Bukharin và hai người cùng nhau cố vào nhà Lenin. Nhưng chỉ Bukharin được phép vào đó. Những người đứng ngoài chỉ thấy cánh cửa đột ngột bật mở và một tiếng kêu lảnh lót vang lên: tiếng thét của Bukharin cho họ biết điều đã xảy ra.

Một năm sau, bản thân Bukharin thuật lại về giây phút ấy: “Khi tôi lao vào căn phòng chứa đầy những ngăn đựng thuốc của Lenin, giữa vô số các bác sĩ, Ilyich trút hơi thở cuối cùng. Mặt ông ngửa ra phía sau và trắng bệch một cách kinh khủng. Một tiếng thở khò khè vang lên, cánh tay ông buông thõng và Lenin không còn nữa”.

Sau khi các bác sĩ chính thức chứng thực về cái chết của Lenin, chính Bukharin gọi điện báo tin buồn cho các lãnh tụ khác ở Moscow. Một giờ sau, Zinoviev, Kamenev, Kalinin, Stalin, Tomsky và Bonch-Bruyevich khởi hành về Gorki trên một chiếc xe gíp có thể vượt đường xa khi tuyết phủ. Trong số các lãnh tụ tối cao, Trotsky đang nghỉ dưỡng bệnh ở vùng Caucasus, Rykov nằm ở nhà vì bị sốt cao.

Cố nhiên, sau khi Bukharin thất sủng, Stalin “hiệu đính” lại lịch sử bằng cách “đưa” Bukharin về Moscow. Zinoviev viết như sau trong một bài báo của ông: “Ilyich qua đời. Sau đó một giờ, chúng tôi khởi hành về Gorki, nơi Ilyich nằm: Bukharin, Tomsky, Stalin, Kamenev và tôi”. Có lúc Stalin còn tự nhận là chính ông ta đã vuốt mắt cho Lenin!

Nhiều “hồi ký” đã sản sinh theo hơi hướng huyền thoại như thế. Trong cuốn “Bukharin”, sử gia Kun Miklós dẫn lời của Mikoyan năm 1975 (theo lời con trai Mikoyan, hồi ký của thân phụ ông đã bị “biên tập” lại kỹ càng): “Tôi còn nhớ ngày 21-1-1924, tôi lên nhà Stalin... Chúng tôi trò chuyện chừng 30-40 phút, rồi Bukharin nhào vào phòng, anh không nói mà gào lên rằng Maria Ulyanova gọi điện từ Gorki về, báo tin Lenin vừa mất hồi 6 giờ 50 phút! Chúng tôi rụng rời chân tay. Sau một phút im lặng, chúng tôi mặc quần áo thật nhanh và về Gorki bằng chiếc xe Jeep”.

Trotsky kể trong hồi ký: “Ngày 21 tháng Giêng năm 1924, chúng tôi ở ga Tiflis, trên đường tới Sukhum. Tôi ngồi cùng vợ tôi trong khoang làm việc của toa tàu và như bất cứ lúc nào vào thời gian ấy, tôi vẫn bị sốt.

Có tiếng gõ cửa. Sermuks bước vào, anh là đồng sự trung thành của tôi, theo chúng tôi đến Sukhum. Nhìn cách anh bước vào, mặt tái xanh, cái nhìn rùng mình - anh không nhìn vào mắt tôi và trao cho tôi một mẩu giấy -, tôi đã cảm thấy tai họa. Đó là một bức điện mật trong đó Stalin báo cho tôi biết Lenin đã từ trần. Tôi chuyển tờ giấy cho vợ tôi, đến lúc ấy cô đã có thì giờ để hiểu ra tất cả...

Ít lâu sau, các cơ quan chính quyền ở Tiflis cũng nhận được một bức điện tương tự. Tin Lenin mất lan đi nhanh chóng. Tôi liên lạc với điện Kremlin qua đường điện thoại trực tiếp. Tôi nhận được lời đáp sau đây cho câu hỏi của mình: “Tang lễ sẽ được tiến hành vào thứ Bảy. Đằng nào đồng chí cũng không về kịp. Chúng tôi khuyên đồng chí nên tiếp tục điều trị”.

Như vậy tôi không có khả năng lựa chọn. Trong thực tế tang lễ được cử hành vào Chủ nhật và lẽ ra tôi có thừa thời gian để quay về Moscow. Mặc dù vô lý đến mức nào đi nữa, đơn giản là tôi bị đánh lừa về thời điểm tang lễ. Những kẻ mưu đồ đã tính toán đúng theo cách của họ: tôi không hề có ý định kiểm tra lại thông tin của họ và sau này, người ta luôn luôn có thể bịa ra một cái gì đó.

Để nhắc lại, tôi phải nói rằng tôi chỉ được biết tin Lenin bị chảy máu não lần thứ nhất sau ba ngày. Đây là phương pháp của họ. Mục đích là “tranh thủ” thời gian
”.

Cần nói thêm là Stalin đã nhân danh Bộ Chính trị gửi bức điện nói trên cho Trotsky. Theo thông lệ thời đó, Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị là những cơ quan quyết định việc các lãnh tụ Bôn-sê-vích đi nghỉ dưỡng bệnh (ngay Lenin cũng không là ngoại lệ: nhiều lần ông phải “quy thuận” trước Đảng và phải đi dưỡng bệnh, mặc dù rất muốn làm việc). Vì thế, khi nhận được bức điện nói trên, Trotsky không thể làm khác, chưa nói đến chuyện có lẽ ông không ngờ âm mưu của Stalin.

Stalin cũng đã lặp lại mưu gian ấy với Hồng quân, là nơi Trotsky có rất nhiều người ủng hộ, trên cương vị người sáng lập Hồng quân và chỉ đạo trực tiếp cuộc chính biến tháng 10-1917, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng trong những năm đầu. Nếu biết tin tang lễ được tổ chức vào ngày 27-1-1924, hẳn Trotsky đã về kịp và tình thế có thể sẽ khác.

Vắng Trotsky, Stalin đã tổ chức thật “khéo léo” tang lễ của Lenin. Trong mấy ngày liền, Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và vô số cơ quan hành chính khác thay phiên nhau hội họp và đưa ra những lời kêu gọi, những tuyên ngôn “đanh thép”. Các Ủy viên Trung ương, các thành viên chính phủ, các đoàn đại biểu đến dự Đại hội Xô-viết cùng một số công nhân, nông dân “gương mẫu” tràn về Gorki viếng Lenin.

Ngày 23-1-1924, thi thể Lenin được đưa về Moscow và được đặt trong Phòng Khánh tiết Nhà Công đoàn. Bắt đầu cuộc thăm viếng của nhân dân cả nước. Bảy giờ tối hôm ấy, Phòng Khánh tiết mở cửa; mặc bộ áo choàng quân đội, Lenin nằm trong linh cữu, Stalin cũng ăn mặc hệt như thế và đứng trong đi danh dự.

Đoàn người vô tận lặng lẽ xếp hàng trong đêm tối, trong giá buốt (-30 độ). Người ta đốt những đám lửa to ngoài đường phố để sưởi, trước khi được vào “chia tay” người quá cố trong vòng 2-3 phút. Chưa có những cảnh gào khóc, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau “ngoạn mục” như trong đám tang của Stalin gần ba thập niên sau, nhưng đã bắt đầu xuất hiện mầm mống của tệ sùng bái cá nhân mê muội.

Các số liệu chính thức cho biết chỉ trong vòng bốn ngày (22-1 đến 26-1-1924), đã có hơn 900.000 người đến thăm viếng Lenin. Trong phiên họp ngày 26-1-1924 của Đại hội Xô-viết lần thứ XI, những nghị quyết về việc lưu danh thiên cổ Lenin được thông qua (dựng hàng loạt các đài kỷ niệm Lenin, đặt tên Lenin cho “thủ đô đỏ” Petrograd...).

Vin vào “ý nguyện của nhiều công nhân”, Đại hội chuẩn y quyết định gìn giữ vĩnh viễn thi hài Lenin trong một lăng tẩm trên Hồng trường. Thực ra đây là ý muốn của Stalin: theo nhiều nguồn tin, ngay sau khi Lenin mất, chính Stalin đã tổ chức cho các công nhân gửi điện xin hoãn việc chôn cất Lenin để chờ quyết định trên, cũng do ông ta bố trí. Quyết định đó cũng đi ngược lại ý nguyện của người đã khuất: Lenin muốn được yên nghỉ cùng người mẹ thân yêu của ông ở quê.

Stalin đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho bản điếu văn đọc trước Đại hội Xô-viết. Đó là một văn kiện sặc mùi tôn giáo với những lời thề thốt đặc biệt - không ngẫu nhiên mà nó được biết đến như “lời thề của Đảng”:

Những người cộng sản chúng ta là những kẻ đặc biệt. Chúng ta được nặn ra từ thứ chất liệu lạ thường. Chúng ta là những người tạo ra đạo quân của đồng chí Lenin, nhà quân sự vô sản vĩ đại. Không gì vinh dự hơn là được tham gia đạo quân ấy.

Khi từ giã chúng ta, đồng chí Lenin để lại
...”.

Điệp khúc “khi từ giã chúng ta, đồng chí Lenin để lại” vang lên cả thảy sáu lần. Nhân danh Đảng Bôn-sê-vích, Stalin thề thốt gìn giữ danh hiệu cao quý - đảng tịch và sự thống nhất của đảng, củng cố nền chuyên chính vô sản, tôn trọng liên minh công-nông, liên minh các nước cộng hòa anh em và những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế.

Không hề thấy ông ta nhắc đến các khái niệm tự do, dân chủ, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc... Cả bài điếu văn đượm mùi thuyết pháp tôn giáo: Stalin đã biến những tư tưởng của chủ nghĩa Leninist thành một thứ giáo lý.

Trong những ngày sau đó, Stalin tiếp tục khởi thảo những chi tiết cho một nền sùng bái mới. Một lăng tẩm tạm thời bằng gỗ - “không xứng đáng và xúc phạm đến tinh thần cách mạng”, theo lời Trotsky - được xây dựng theo đề án của Shchsev. Hai nhà khoa học Vladimir Vorobyov và Boris Zbarsky bắt tay vào việc ướp thi thể Lenin.

Cả nước nổi lên phong trào làm “góc danh dự Lenin” trong các căn hộ: ngày xưa tại những “góc danh dự” như thế, nông dân treo ảnh thánh; giờ đây, thế vào đó là ảnh Lenin. Sách vở của Lenin bị biến thành một thứ “Thánh Kinh”, bị cắt xén, xuyên tạc để phù hợp với lợi ích của phe Stalin. Đúng như Trotsky nhận định, “hình ảnh Lenin trên cương vị người đứng đầu một thứ đẳng cấp tôn giáo nào đó đã thay thế hình ảnh Lenin, người đứng đầu cách mạng”.

Chỉ có Krupskaya dám công khai lên án những hình thức lễ nghi với dụng ý xấu xa đó. Trong tờ “Sự thật”, để cám ơn những lời chia buồn, bà kêu gọi: “Tôi có một đề nghị lớn đến các đồng chí... đừng xây dựng những đài tưởng niệm cho ông, đừng lấy tên ông đặt cho những cung điện, đừng tổ chức những lễ hội tưởng nhớ ông... Các đồng chí đừng quên chúng ta còn thiếu thốn đến mức nào, còn phải chấn chỉnh biết bao nhiêu điều...

Nếu muốn kính trọng tên tuổi Vladimir Ilyich, các đồng chí hãy xây nhà cửa, bệnh viện, nhà dưỡng lão cho những người tàn tật... và điều quan trọng nhất: hãy thực hiện di chúc của ông trong mọi việc
”.

Nhưng lời nói của Krupskaya - chẳng khác gì tiếng kêu giữa hoang mạc - đã không được để ý đến. Để “tưởng nhớ” Lenin, trong vòng một tuần kể từ ngày ông mất, theo đề xuất của Zinoviev, hơn 240.000 đảng viên mới được chiêu mộ hàng loạt, phần lớn là dân lao động đứng ngoài lề cuộc cách mạng, thường dốt nát, thất học, ít hiểu biết, không có kinh nghiệm chính trị, dễ bị lôi kéo, sẵn sàng tuân lệnh một cách mù quáng, không suy nghĩ.

Bằng những phương pháp và thủ đoạn tương tự, cho đến cuối thập niên 30, 70% đảng viên Bôn-sê-vích được cất nhắc vào Đảng trong thời kỳ Stalin bắt đầu trị vì trên cương vị Tổng bí thư. Những người này không hề theo các khóa học tập, họ được quyền bầu và ứng cử ở mọi cấp, và trở thành chỗ dựa vững chắc của thể chế Stalinist sau này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh