Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁI CHẾT CỦA LENIN TRONG MẮT TROTSKY

(NCTG) “Đột nhiên, tiếng vang của những loạt súng xé rách sự bình yên thành từng mảnh. Những loạt súng ngắn vọng đến chỗ tôi từ đâu đó dưới kia, phía biển. Bằng loạt súng chào đó, Sukhumi từ giã vị lãnh tụ mà giờ này người ta đang cử hành tang lễ ở Moscow” – Trotsky hồi tưởng về sự ra đi của lãnh tụ vô sản Lenin.

Trotsky cùng Kamenev, một nhà cách mạng cựu trào, đồng sự thân thiết của Lenin, trong một cuộc diễn thuyết của Lenin (20-5-1920) tại quảng trường Sverdlov - đối diện Nhà hát Lớn (Moscow) - với các binh sĩ Hồng quân trước khi họ lên đường ra trận để đương đầu với đạo quân của Thống chế Ba Lan Pilsudski trong khuôn khổ chủ trương “xuất khẩu cách mạng” ra thế giới. (Ảnh do G. P. Goldshtein chụp)

Sinh tử là lẽ thường tình ngay cả với những lãnh tụ thượng đỉnh, nhưng việc một “người cầm lái” ra đi tại các xứ độc tài toàn trị hoặc quân phiệt, luôn khiến thế giới rất để tâm. Lý do là vì nó thường kéo theo những động thái khó ngờ, hoặc chí ít, những biến động không thể lường trước, trong đời sống xã hội, chính trị quốc gia đó, hoặc trong đội ngũ những kẻ kế nghiệp.

Chính vì thế mà “tàng thư” về cái chết của những lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông, Polpot, Kim Nhật Thành - hay ngay Kim Chính Nhật (vừa mới đây) - luôn là nguồn tư liệu quý để các nhà bình luận, nghiên cứu chính trị học, các sử gia, hoặc để những ai có quan tâm đến thời sự có thể tìm hiểu và đưa ra những tổng kết, dự đoán về quá khứ, và cả tương lai.

Trên cái nền ấy, tư liệu về những ngày cuối đời, cũng như sự ra đi của Lenin, người cha của cách mạng vô sản Nga, cũng không phải ngoại lệ. Nhất là những dòng sau đây trong hồi ký của Leon Trotsky, từng là địch thủ và người bạn chiến đấu của ông, người mà trong những năm tháng cuối đời của Lenin đương nhiên được coi là sẽ kế nghiệp ông trên cương vị đứng đầu đảng và nhà nước Bolshevik.

Là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng 1905 và cách mạng tháng 10-1917 trong thực tế với những trọng trách như hai lần là Chủ tịch Xô-viết TP Petrograd (nay là Saint Petersburg), Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng (năm 1917), và sau đó, từng giữ chức Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, sáng lập và chỉ đạo Hồng quân trong chế độ mới, Trotsky là người có cái nhìn chuẩn xác hơn ai hết về Lenin và các lãnh tụ cách mạng khác.

Hơn nữa, được coi là một tác giả, một trí thức lớn của Châu Âu đương thời, ngòi bút của Trotsky khi đả động đến các sự kiện lịch sử thường rất khách quan, mang dáng dấp nghiêm cẩn như của một sử gia, cộng thêm văn tài khiến nhiều hồi tưởng của ông - không phải vô cớ - được ví với những trang đẹp nhất, tài ba nhất của văn học cổ điển Nga cuối thế kỷ 19.

Trích đoạn sau đây là một phần của Chương 41: Cái chết của Lenin và vấn đề quyền lực, Hồi ký “Ðời tôi” (МОЯ ЖИЗНЬ, tập 2), cũng cho thấy khi Lenin qua đời, sự sùng bái cá nhân vị lãnh tụ ở tầm mê muội còn chưa nở rộ trong các đồng sự gần gũi nhất của ông (mà đa phần cũng là những trí thức tên tuổi đương thời), cũng như trong cư dân Nga thời đó. (*)

Các chú thích trong bài đều của người dịch.

(*) Cho dù nhiều người Nga đã từ các miền quê xa xôi về Moscow viếng Lenin trong tiết thời đông lạnh lẽo, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy những màn xô đẩy, dẫm đạp lên nhau đến tử vong ngoài đường phố để mục kích người quá cố (trường hợp Stalin), hoặc những màn trình diễn khóc lóc tập thể thường thấy ở các xứ cộng sản khác (đặc biệt là Bắc Hàn, như trong trường hợp Kim Nhật ThànhKim Chính Nhật).
 
*

Lenin trút hơi thở cuối cùng ngày 21-1-1924. Đối với ông, cái chết chỉ là sự giải thoát khỏi những đau đớn thể xác và tinh thần.

Lenin chỉ cảm thấy sự bất lực của ông - và trước hết, việc ông mất khả năng lên tiếng khi ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo về tinh thần - là điều tủi nhục vô bờ bến. Ông đã không chịu được sự có mặt của các bác sĩ bên cạnh ông, không chịu được giọng điệu bao dung, những câu bông đùa tầm thường, những lời động viên dối trá của họ. Chừng nào còn nói được, Lenin thản nhiên đặt những câu hỏi chéo cho các bác sĩ, bắt gặp họ tự mâu thuẫn mà họ không hề hay biết, ông yêu cầu những lời giải thích mới từ họ, bản thân ông cũng đọc các sách vở y học.

Như trong mọi việc khác, ở đây trước hết ông cũng muốn tìm đến sự thực rõ ràng. Người thầy thuốc duy nhất mà Lenin chấp nhận cho ở gần ông là Fedor Aleksandrovich Guetier. Đây là một bác sĩ và là một con người xuất sắc, trong ông không hề có chút dấu vết của thứ “bác sĩ cung đình”, ông gắn bó với Lenin và Krupskaya bằng tình cảm quyến luyến thực sự giữa người với người.

Vào thời gian Lenin đã không cho các bác sĩ khác đến gần ông, Guetier vẫn có thể thăm hỏi Lenin mà không gặp trở ngại. Guetier cũng là người bạn gần gũi và là thầy thuốc của gia đình tôi trong những năm cách mạng. Nhờ thế, chúng tôi luôn có những thông tin chính xác và cặn kẽ đến mức tối đa về trạng thái sức khỏe của Vladimir Ilyich, những tin này bổ khuyết và hiệu chỉnh các thông cáo chính thức tẻ nhạt.

Nhiều lần tôi gạn hỏi Guetier: nếu Lenin bình phục, khả năng nhận thức của ông có còn nguyên vẹn sức sáng tạo hay không? Câu trả lời của Guetier đại loại như sau: khả năng chóng mỏi mệt sẽ tăng, cái nhìn bao quát trong công việc của ông sẽ không còn như xưa, nhưng bậc kỳ tài vẫn là bậc kỳ tài.

Trong thời kỳ giữa lần chảy máu não đầu tiên và thứ hai, chẩn đoán đó hoàn toàn được xác nhận. Cuối những phiên họp của Bộ Chính trị, Lenin cho thấy cảm giác một người hoàn toàn mệt mỏi. Các thớ thịt ở mặt ông giãn ra, ánh mắt hầu như tắt ngấm, ngay cả vầng trán đầy nghị lực cũng dường như nhỏ lại, đôi vai nặng nề buông xuôi: có thể tổng kết vẻ mặt và dáng dấp ông bằng một từ duy nhất: mỏi mệt.

Trong những khoảnh khắc kinh hoàng ấy, tôi có cảm giác ông không thoát khỏi cái chết. Nhưng chỉ cần một đêm ngủ ngon là đủ để ông lấy lại được sức mạnh tư duy của ông. Những bài ông viết giữa hai lần chảy máu não có thể liệt vào số những công trình xuất sắc nhất của ông. Nhựa sống nuôi dưỡng cội nguồn tư duy của ông vẫn thế, chỉ có điều nó ngày càng cạn đi.

Ngay sau cơn cấp phát thứ hai, Guetier vẫn không làm tiêu tan hết hy vọng của chúng tôi. Nhưng những kết luận của ông mỗi ngày một bi quan. Bệnh tật kéo dài. Không hận thù nhưng cũng không chút thương xót, những sức mạnh mù quáng của tạo hóa đẩy người bệnh vĩ đại vào tình trạng bất lực không có lối ra. Lenin không thể sống tàn phế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không mất hi vọng ông sẽ hồi phục.

Tình trạng đau ốm của tôi ngày một kéo dài. N.I. Sedova (1) viết:

Các bác sĩ nhất quyết đòi chúng tôi phải đưa L.D. (2) về nông thôn. Ở đó, Guetier cũng hay đến thăm người bệnh, ông chăm sóc chân tình và tế nhị. Giáo sư không quan tâm đến chính trị nhưng ông đau xót về hoàn cảnh chúng tôi. Guetier không biết làm thế nào để bày tỏ lòng đồng cảm của ông. Cuộc truy hại chống chúng tôi là một đòn bất ngờ đối với ông. Giáo sư Guetier không am hiểu tình hình, ông đợi chờ, day dứt.

Ở Arkhangelsk, ông bồn chồn bảo tôi: rất cần thiết phải đưa L.D. đi Sukhumi. Cuối cùng chúng tôi quyết định đi. Đó vốn dĩ là một chuyến đi dài - qua Baku, Tiflis, Batumi -, lại còn dài hơn nữa vì đường sắt ngổn ngang đầy tuyết. Tuy nhiên chính bởi thế, chuyến đi càng có tác dụng an thần. Càng xa Moscow bao nhiêu, chúng tôi càng tách khỏi đôi chút hoàn cảnh khó khăn trong thời gian cuối. Vậy mà tôi vẫn có cảm giác tôi đưa tiễn một bệnh nhân trầm trọng. Nỗi phân vân dày vò tôi, thử hỏi cuộc sống của chúng tôi sẽ như thế nào ở Sukhumi, xung quanh chúng tôi là những người bạn hay những kẻ thù?”.

Ngày 21-1-1924, chúng tôi đến ga Tiflis, trên đường tới Sukhumi. Tôi ngồi cùng vợ tôi trong khoang làm việc của toa tàu và như bất cứ lúc nào vào thời gian ấy, tôi vẫn bị sốt. Có tiếng gõ cửa. Sermuks bước vào, anh là đồng sự trung thành của tôi, theo chúng tôi đến Sukhumi. Nhìn cách anh bước vào, bộ mặt tái xanh, cặp mắt lờ đờ không nhìn thẳng vào mắt tôi, anh trao cho tôi một mẩu giấy, tôi đã cảm thấy tai họa. Đó là một bức điện mật trong đó Stalin báo cho tôi biết Lenin đã từ trần. Tôi chuyển tờ giấy cho vợ tôi, lúc ấy cô đã có thì giờ hiểu ra tất cả...

Ít lâu sau, các cơ quan chính quyền ở Tiflis cũng nhận được một bức điện tương tự. Tin Lenin mất lan đi nhanh chóng. Tôi liên lạc với điện Kremli qua đường điện thoại trực tiếp. Tôi nhận được lời đáp sau đây cho câu hỏi của mình: “Tang lễ sẽ được tiến hành vào thứ Bảy. Đằng nào đồng chí cũng không về kịp. Chúng tôi khuyên đồng chí nên tiếp tục điều trị”.

Như vậy tôi không có khả năng lựa chọn. Trong thực tế tang lễ được cử hành vào Chủ nhật và lẽ ra tôi có thừa thời gian để quay về Moscow. Mặc dù vô lý đến mức nào đi nữa, đơn giản là tôi bị đánh lừa về thời điểm tang lễ. Những kẻ mưu đồ đã tính toán đúng theo cách của họ: tôi không hề có ý định kiểm tra lại thông tin của họ và sau này, người ta luôn luôn có thể bịa ra một cái gì đó. Để nhắc lại, tôi phải nói rằng tôi chỉ được biết tin Lenin bị chảy máu não lần thứ nhất sau ba ngày. Đây là phương pháp của họ. Mục đích là “tranh thủ” thời gian.

Các đồng chí ở Tiflis yêu cầu tôi phản ứng ngay về cái chết của Lenin, nhưng tôi chỉ có một nhu cầu duy nhất: được ngồi một mình. Tôi không thể cầm bút. Nội dung bức điện ngắn ngủi từ Moscow quay cuồng trong óc tôi. Tuy nhiên, mọi người đã tụ họp và chờ tôi phát biểu. Họ có lý. Chuyến tàu được hoãn lại nửa giờ. Tôi đặt bút viết những dòng vĩnh biệt: “Lenin không còn nữa...”. (*) Rồi tôi đọc vài lời viết tay ấy vào đường dây trực tiếp.

Vợ tôi viết:

Chúng tôi đến nơi, người mệt nhoài. Lần đầu chúng tôi thấy Sukhumi. Hoa trinh nữ nở rộ, ở đây có rất nhiều loài hoa ấy. Những cây cọ tuyệt đẹp. Những cây trà mi. Lúc đó là tháng Giêng. Ở Moscow trời lạnh khủng khiếp. Người dân Abkhazia đón tiếp chúng tôi vô cùng thân ái. Trong phòng ăn của nhà nghỉ có hai bức chân dung được treo cạnh nhau: chân dung Lenin bọc nhiễu đen, bức kia là chân dung L.D. Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện hạ tấm chân dung của anh, nhưng không dám quyết vì sợ việc ấy có thể mang tính chất phản kháng gì đó.”
 

Tấm ảnh gốc trên về sau đã bị tẩy xóa, ngụy tạo nhiều lần, Stalin lên nắm quyền và hầu như tất cả lãnh tụ Bolshevik cựu trào đều trở thành kẻ thù của ông ta: Trotsky và Kamanev biến mất

Ở Sukhumi, tôi nằm suốt ngày trên một ban công, mặt nhìn ra biển. Mặc dù đang là tháng Giêng, mặt trời chiếu sáng và nóng nực. Những cây cọ mọc cao giữa ban công và mặt biển lấp lánh. Tình trạng sức khỏe tồi tệ do bị sốt thường xuyên cộng thêm với suy nghĩ nhức nhối về cái chết của Lenin. Lần lượt, tôi điểm lại những giai đoạn của cuộc đời tôi, những lần chúng tôi gặp gỡ nhau, những bất đồng, những cuộc luận chiến, những lần xích lại gần nhau và cùng cộng tác với nhau.

Một số tình tiết xuất hiện trước mắt tôi một cách vô cùng sắc nét. Dần dần, toàn bộ cảnh vật được mở ra ngày càng rõ rệt. Càng ngày tôi càng nhận thấy những “môn đệ”, thường thường chỉ trung thành theo thầy trong những việc nhỏ nhặt chứ không trong những việc lớn. Nghe hơi thở của biển khơi, bằng cả con người mình, tôi cảm thấy chắc chắn rằng trái với tập đoàn kế nghiệp, chân lý lịch sử thuộc về tôi...

27-1-1924. Trên những cành cây cọ, trên mặt biển cả, dưới nền trời xanh, một bầu không khí yên lành ngự trị. Đột nhiên, tiếng vang của những loạt súng xé rách sự bình yên thành từng mảnh. Những loạt súng ngắn vọng đến chỗ tôi từ đâu đó dưới kia, phía biển. Bằng loạt súng chào đó, Sukhumi từ giã vị lãnh tụ mà giờ này người ta đang cử hành tang lễ ở Moscow.

Tôi nghĩ đến ông và đến người phụ nữ, từng là vợ của ông trong những năm dài, đã thấu hiểu toàn thế giới thông qua ông; nay, người ấy chôn cất ông và không khỏi cảm thấy cô đơn, mặc dù bà ở giữa hàng triệu con người cùng đưa tang với bà, nhưng họ làm theo một cách khác, không giống bà. Tôi nghĩ đến Nadezhda Konstantinovna Krupskaya.

Tôi muốn gửi từ đây một lời chào đồng cảm, thân thiết tới bà. Nhưng tôi không quyết định được. Mọi lời lẽ dường như quá nhẹ trước sức nặng của những gì đã xảy ra. Tôi sợ chúng sẽ vang lên một cách trống rỗng. Và tôi biết ơn tận đáy lòng khi vài ngày sau, bất ngờ tôi nhận được lá thư sau của Nadezhda Konstantinovna:

Lev Davidovich thân mến,

Tôi viết thư này để nói cho đồng chí biết: ngay trước khi qua đời chừng một tháng, Vladimir Ilyich lật từng trang cuốn sách của đồng chí và ngừng lại ở đoạn đồng chí phân tích Marx và Lenin. Lenin yêu cầu tôi đọc cho ông nghe đoạn đó một lần nữa. Lenin rất chăm chú lắng nghe và sau đó, ông còn đọc lại.

Tôi còn muốn nói với đồng chí điều này nữa: cho đến tận khi mất, Vladimir Ilyich vẫn nghĩ về đồng chí như khi đồng chí vừa từ Siberia đến chỗ chúng tôi ở London.

Lev Davidovich, chúc đồng chí nhiều nghị lực và khỏe mạnh. Ôm hôn thắm thiết đồng chí.

Nadezhda Konstantinovna

Trong cuốn sách nhỏ mà Vladimir Ilyich xem qua một tháng trước ngày mất, tôi so sánh Lenin với Marx. Tôi biết chính xác Lenin đánh giá Marx ra sao: ông nhìn Marx với tình yêu mến biết ơn của người môn đệ, đồng thời, với lòng kính cẩn trong khoảng cách. Tiến trình lịch sử đã khiến quan hệ giữa người thầy và học trò trở nên mối quan hệ giữa nhà lý luận tiền bối và nhà thực hành đầu tiên.

Trong bài viết của tôi, tôi đã phá vỡ cái cảm tính truyền thống về khoảng cách. Đối với tôi, Marx và Lenin - hai con người gắn bó vô cùng chặt chẽ với nhau về mặt lịch sử, nhưng đồng thời cũng rất khác nhau - là hai đỉnh cao không gì vượt nổi của trí tuệ con người. Và tôi sung sướng được biết trước khi mất ít lâu, Lenin đã đọc chăm chú, có lẽ còn hồi hộp, những dòng tôi viết về ông, bởi vì trong mắt ông kích thước của Marx là kích thước một người khổng lồ, khi người ta muốn đo nhân cách con người.

Giờ đây, tôi đọc lại lá thư của Krupskaya với nỗi xúc động không kém. Trong vài dòng này, bà nhắc đến hai thời điểm đầu và cuối trong mối quan hệ của tôi với Lenin: một ngày tháng 10-1902 khi tôi vượt ngục từ Siberia và lôi Lenin khỏi cái giường nhỏ cứng quèo ở London vào một buổi sớm mai, và một ngày cuối tháng 12-1923, khi Lenin đọc hai lần lời đánh giá của tôi về sự nghiệp của ông.

Hai thập niên trôi qua giữa hai thời điểm giáp ranh ấy: ban đầu cùng làm việc chung, sau đó giữa những cuộc đấu tranh phe phái không khoan nhượng để rồi lại cùng nhau cộng tác, lần này trên một cơ sở lịch sử cao hơn. Nói theo Hegel: luận đề, phản đề, hợp đề. Và Krupskaya xác nhận rằng dù đã có một thời kỳ phản đề kéo dài, Lenin vẫn nghĩ về tôi như xưa ở London: tức là một sự ủng hộ nhiệt tình và một cảm tình thân ái, nhưng trên một cơ sở lịch sử cao hơn.

Cho dù không còn lại một tư liệu nào khác về điều đó, trước sự phán xét của lịch sử, hết thảy những pho sách của lũ giả mạo cũng không có sức nặng như lá thư nhỏ này, do Krupskaya viết sau khi Lenin mất vài ngày.

Ghi chú:

(1) Vợ thứ hai của Trotsky.

(2) Viết tắt của Lev Davidovich, tức Trotsky.

(3) Bức điện này được đăng trên tờ “Sự thật” (Pravda) như một bài viết ngắn, nội dung như sau:

“Và bây giờ Ilyich không còn nữa. Đảng ta mồ côi. Giai cấp công nhân mồ côi. Tin người thầy, người lãnh tụ qua đời tạo cho chúng ta cảm giác đó. Làm sao chúng ta tiến bước, chúng ta có tìm thấy đường không, có chuệch choạng không?

Hôm nay, trái tim chúng ta tràn đầy một nỗi buồn vô bờ bến, bởi do ân huệ lớn lao của lịch sử, chúng ta đã được sống cùng thời với Lenin, được làm việc bên cạnh ông, được học hỏi từ ông.

Làm sao chúng ta tiến lên phía trước? Với ngọn đèn của chủ nghĩa Leninist trong tay...”.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn dịch và chú giải theo bản tiếng Hungary