Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Bắc Hàn: ĐẤT NƯỚC CÔ LẬP VỚI LỊCH SỬ KHỦNG BỐ - ÁM SÁT LÂU DÀI

(NCTG) Kim Jong-nam gần như chắc chắn bị giết bởi các đặc vụ Bắc Hàn. Theo lời các quan chức tình báo Hàn Quốc, vụ ám sát Jong-nam nhiều khả năng diễn ra theo lệnh người em khác mẹ ghẻ lạnh Kim Jong-un, lãnh tụ Bắc Hàn.
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (trái) và anh trai Kim Jong-nam - Ảnh: Wong Maye-E, Shizuo Kambayashi (AP)
Kim Jong-nam (Kim Chính Nam), con trai trưởng của Kim Jong-il (Kim Chính Nhật), từng được xem là người thừa kế hiển nhiên, bị thất sủng từ 2001 sau cố gắng bất thành đến Disneyland ở Nhật với hộ chiếu giả. Ông sống ở Macau khi em trai Kim Jong-un (Kim Chính Ân) lên nắm quyền ở quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Nếu cái chết của ông là một vụ mưu sát, đây chắc chắn không phải lần đầu tiên Bắc Hàn tấn công các mục tiêu ở nước ngoài. Đất nước cô lập này có một lịch sử lâu dài các vụ ám sát, cả với người thân của dòng họ Kim, những người đào tẩu và các chính trị gia Hàn Quốc. Dưới đây là một số vụ tấn công nổi bật.

Tấn công Nhà Xanh, 1968

Ở cao trào của chiến tranh lạnh, một nhóm 31 biệt kích được phái đi từ Bình Nhưỡng để ám sát tổng thống Hàn Quốc lúc đó, Park Chung-hee (Phác Chính Hy).

Họ bị chặn lại khi chỉ cách phủ Tổng thống - Nhà Xanh 100 mét. Các cuộc đấu súng nổ ra, hơn 90 người Hàn Quốc thiệt mạng, gồm nhiều dân thường trên một chiếc xe buýt. Chỉ có hai trong số 31 lính Bắc Hàn sống sót, một chạy thoát về phía Bắc và một bị bắt.

Ám sát Tổng thống bất thành, 1974

Park, người cha quá cố của Tổng thống Hàn Quốc hiện tại, Park Geun-hye (Phác Cận Huệ), đã sống sót sau vụ ám sát thứ hai năm 1974. Mun Se-gwang, một người Triều Tiên thân Bình Nhưỡng sống tại Nhật Bản, đã nổ súng bằng một khẩu súng lục khi Park đang trên bục phát biểu. Park thoát nạn nhưng vợ ông, bà Yuk Young-soo bị giết. Mun bị xử tử vào năm đó.

Myanmar, 1983

Các đặc vụ Bắc Hàn gây ra cái chết của 21 người, gồm bốn bộ trưởng nội các Hàn Quốc, trong một vụ đánh bom ở Yangon.

Một quả bom hẹn giờ được gắn dưới mái nhà của Lăng Liệt sĩ với dự định giết tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan (Chung Đô Hoan). Nó phát nổ trước khi Tổng thống đến, nhưng đoàn tùy tùng của ông bị thiệt hại nặng nề.

Ba đặc vụ Bắc Triều Tiên bỏ trốn khỏi hiện trường, một người chết và hai người khác bị bắt giữ.

Korean Air, 1987

Một máy bay Hàn Quốc bay từ Baghdad đến Seoul (Hán Thành) nổ tung trên biển Andaman (Nam Myanmar). Toàn bộ 115 người trên khoang thiệt mạng. Hai kẻ gài bom được truy nguồn về đến Bahrain, một đặc vụ nam tự sát với một viên xyanua giấu trong điếu thuốc như họ sắp bị bắt giữ.
 
Kim Hyon-hee bị bắt sau khi thực hiện vụ khủng bố - Ảnh tư liệu
Kim Hyon-hee bị bắt sau khi thực hiện vụ khủng bố - Ảnh tư liệu

Một đặc vụ khác, Kim Hyon-hee, bị bắt và đưa về Seoul. Sau đó, cô thú nhận cuộc tấn công được dàn dựng để ngăn cản Olympic Seoul 1988. Cô bị kết án tử hình nhưng sau đó được ân xá.

Giết hại nhà ngoại giao, 1996

Choi Duk-keun, một nhà ngoại giao Hàn Quốc, được tìm thấy bị đánh bằng dùi cui đến chết tại Vladivostok (Viễn Đông, Nga) vào năm 1996, trong vụ việc được truyền thông Hàn Quốc cho là để trả thù cho cái chết của 25 thủy thủ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên thiệt mạng khi tàu của họ bị mắc cạn ở miền Nam trong một nỗ lực xâm nhập.

Một chuyện gia đình, 1997

Yi Han-yong, một người cháu của Sung Hye-rim, mẹ Jong-nam, đã bị bắn chết năm 1997 bên ngoài nhà riêng ở Seoul. Hai kẻ tấn công trốn thoát.

Yi đã sống ở miền Nam từ khi đào tẩu năm 1982 và đã xuất bản hồi ký tiết lộ cuộc sống riêng tư nhà Kim. Cuốn sách được tin là đã kích hoạt vụ ám sát. Trước khi chết, Yi được ghi nhận đã thầm thì “gián điệp”.

Nhân vật cấp cao đào ngũ, 2010

Hai đặc vụ giả dạng người đào thoát đã bị bắt trong một âm mưu ám sát Hwang Jang-yop (Hoàng Trường Diệp), cựu Bí thư Đảng Công nhân Triều Tiên, đến giờ vẫn là nhân vật cao cấp nhất của Bắc Hàn từng xin tị nạn ở miền Nam.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết cả hai đặc vụ là thiếu tá ở cơ quan tình báo quân đội của Bắc Triều Tiên và được lệnh cắt cổ Hwang.

Hwang, người đã từng kèm cặp Kim Jong-il, đã chỉ trích chua chát chính phủ Bắc Hàn sau khi đào tẩu năm 1997. Bắc Hàn gọi ông là một kẻ phản bội và “cặn bã của loài người”. Ông mất sáu tháng sau vụ mưu sát ở tuổi 87.

Tác giả bài viết: Phan Lặng Yên dịch từ “The Guardian”