BƯU THIẾP VÀ NHỮNG NÉT CHỮ VIẾT TAY KHÔNG GÌ THAY THẾ
- Thứ hai - 28/01/2019 05:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Cách đây tròn 150 năm, ngày 26-1-1869, một tờ báo ở thành phố Vienna, thủ đô Áo cho đăng một bài viết mà không ai ngờ nó đã làm thay đổi văn hóa viết và gửi thư của nhân loại.
Emanuel Herrmann, một giáo sư ngành Kinh tế Quốc dân đã lên tiếng ủng hộ cho bưu thiếp như một loại hình mới của giao tiếp thư tín. Ông đã nêu ra một số ưu điểm như ngắn gọn, cước phí thấp hơn và văn phong cũng phóng khoáng hơn viết một bức thư, ngoài ra việc giao nhận cũng nhanh chóng hơn thư.
Và gần 8 tháng sau đó, Đế chế Áo - Hung lúc bấy giờ đã chính thức phát hành bưu thiếp và dịch vụ chuyển gửi bưu thiếp, một tấm thiệp có khổ 12,2 cm x 8,5 cm và cước phí chỉ mất 2 xu (Kreuzer, tiếng Hung là krajczár, đơn vị tiền tệ của Nền quân chủ Áo - Hung), tức là rẻ hơn so với gửi một bức thư những 3 xu.
Và gần 8 tháng sau đó, Đế chế Áo - Hung lúc bấy giờ đã chính thức phát hành bưu thiếp và dịch vụ chuyển gửi bưu thiếp, một tấm thiệp có khổ 12,2 cm x 8,5 cm và cước phí chỉ mất 2 xu (Kreuzer, tiếng Hung là krajczár, đơn vị tiền tệ của Nền quân chủ Áo - Hung), tức là rẻ hơn so với gửi một bức thư những 3 xu.
Tấm bưu thiếp kể từ ngày đó đã ngày càng trở nên được yêu thích và phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Nó là một dạng thư tín giản tiện hơn, không cần phong bì và đặc biệt được ưa chuộng đối với những du khách muốn gửi cho người thân của mình ở nơi xa lời chào thân ái kèm hình ảnh của nơi mà mình đang có mặt.
Hiện nay, tại Bảo tàng Quốc gia Áo có lưu trữ hơn 75 ngàn tấm bưu thiếp lịch sử với những hình ảnh từ các địa danh nổi tiếng trên khắp thế giới.
Còn ở Đức, hình thức giao thiệp này có vẻ đến muộn hơn một chút bởi người ta còn e dè về việc những thông tin cá nhân (đúng vậy, thời đó người Đức đã nghĩ đến việc bảo mật thông tin cá nhân) bị người lạ đọc được. Phải tới đầu năm 1870, nước Đức khi đó mới chính thức phát hành loại dịch vụ bưu chính này.
Lúc đầu, người ta cũng lo lắng về sự mai một của tiếng Đức chuẩn mực bởi ngược với khi viết thư có những quy tắc riêng thì ngôn ngữ trên bưu thiệp nhiều khi hổ lốn, phóng khoáng và kém lịch sự hơn, nếu không muốn nói nó - phép lịch sự - ở đây có vẻ thừa thãi, vì thế có một bài thơ không rõ của ai đã từng viết, đại loại: “Ai ơi sao muốn thư dài - Khôn, ta chỉ nói “chào mài” rồi hôn” (Einen langen Brief verlangst Du? Sei klug! Gruß und Kuss! Das ist genug).
Ngoài ra, trong chiến tranh Đức - Pháp thời kỳ 1870-1871, còn tồn tại một dạng bưu thiếp chiến trường miễn phí. Mà trên đó, người gửi chỉ ghi mỗi thông điệp “tôi vẫn sống”, hình thức liên lạc này được duy trì trong nhiều tháng giữa người ra trận và người ở hậu phương. Bưu thiếp thời đó chưa có hình ảnh, một mặt ghi địa chỉ người nhận, còn mặt sau là nội dung của người viết.
Phải mãi 20 năm sau, khi công nghệ in phát triển hơn người ta mới bắt đầu in hay vẽ hình lên các tấm thiệp. Và từ lúc nào không biết hình ảnh của các thành phố, các địa danh đã trở thành các mô-típ chủ đạo của bưu thiếp.
Có lẽ bất cứ ai cũng đã từng có những kỷ niệm đẹp với việc nhận và gửi bưu thiếp. Những tấm thiệp như một lời chào ngắn ngủi nhưng ấm áp, một món quà tinh thần mà người gửi nhớ tới người nhận. Nhận mỗi tấm thiệp, bạn lại có thêm chút hiểu biết về địa danh nào đó, ít nhất là có được một hình dung về hình ảnh cụ thể của thành phố đó, vùng biển đó... với thiên nhiên và con người nơi đó. Và đặc biệt, những dòng chữ viết tay của “khổ chủ” chắc sẽ làm bạn vui hơn cả.
Chỉ tiếc, ngày nay, với sự xuất hiện của smartphone và mạng xã hội, việc gửi bưu thiếp đã mai một nhiều. Chúng không thể cạnh tranh được về độ nhanh và phong phú so với những tấm ảnh được chụp bằng điện thoại và gửi đi nóng hổi trong tích tắc nhờ có Internet. Chỉ biết rằng nét chữ viết tay rất riêng tư như một cầu nối vô hình, tế nhị của người gửi và người nhận thì không gì có thể thay thế được.
Còn bạn, bạn có còn nhớ lần cuối cùng gửi và nhận bưu thiệp là khi nào không?