BỨC TƯỜNG BERLIN: “SỤP ĐỔ LÀ TẤT YẾU LỊCH SỬ!”
- Thứ hai - 30/03/2009 15:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Günter Schabowski
Trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị Đảng Công nhân Xã hội Thống nhất Đức (Đảng Cộng sản Đông Đức), vào ngày 9-11-1989 định mệnh, ông Schabowski đã thay mặt Đảng thông báo những biện pháp của nhà nước cộng sản Đông Đức để “tạo điều kiện” cho công dân nước này “xuất ngoại” một cách dễ dàng hơn.
Trả lời một câu hỏi bất ngờ của giới ký giả về hiệu lực pháp lý của quyết định kể trên, do bối rối nên ông đáp “có hiệu lực tức thì”. (*) Câu trả lời ấy được cư dân Đông Đức hiểu theo nghĩa biên giới ngăn cách Đông – Tây đã được mở. Hàng trăm ngàn người dân đã “phong tỏa” các cửa khẩu, bắt đầu công cuộc dỡ bức tường Berlin.
Năm nay đã 80 tuổi, ông Schabowski vừa cho ra mắt cuốn sách “Hầu như chúng ta đã làm hỏng mọi thứ” (Wir haben fast alles falsch gemacht) về những ngày tàn của CHDC Đức. Liên quan đến những sự kiện đã xảy ra, nhắc đến vai trò của mình, cựu chính khách cộng sản này cho rằng, trong thực tế, ông đã xử sự như một “công cụ của lịch sử”. Trong một dịp trả lời phỏng vấn, Schabowski khẳng định: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin là một tất yếu lịch sử”, nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Thời đó, cả tôi, cả các chính khách Phương Tây đều chưa ý thức được tác động của việc bức tường sụp đổ”.
Schabowski nhắc tới một thực tế: thể chế cộng sản đương thời không chỉ cáo chung tại CHDC Đức, mà sự sụp đổ của nó cũng đang ở giai đoạn cuối tại Liên Xô. Chính quá trình diễn ra ở trung tâm của CNCS ở Moscow – cho dù có phần chậm trễ hơn, nhưng đã góp phần để các “quốc gia sen đầm” buộc phải rời vũ trường chính trị trước thời hạn.
Trong những năm cuối cùng của CHDC Đức cộng sản, ông Schabowski là thành viên nhóm cải tổ trong Đảng Cộng sản Đông Đức. Ông là lãnh tụ cộng sản duy nhất ở Đức đã đứng về phía phong trào phản kháng của cư dân nước này, dẫn tới sự sụp đổ của Đông Đức. Đầu tháng 12-1989, Schabowski ra khỏi Ban lãnh đạo đảng, rồi ông bị khai trừ khỏi đảng vào cuối tháng 1-1990.
Do những tuyên bố mang tính “phản tỉnh”, phê phán bản thân và chế độ độc đoán thời cộng sản ở CHDC Đức, sau khi nước Đức thống nhất, quan hệ giữa Schabowski và các đồng chí cũ tồi đi trông thấy. Thời gian 1992-1999, ông ra một tờ báo địa phương tại vùng Hessen. Năm 1993, Schabowski bị buộc tội giả mạo kết quả bầu cử thời Đông Đức, nhưng đến năm 1997 lời cáo buộc này được đình chỉ. Cũng trong thời gian đó, cùng nhiều thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Đông Đức, Schabowski còn bị ra tòa và chịu bản án 3 năm tù giam (tháng 8-1997) bởi lệnh nổ súng không thương tiếc vào những người di tản bên bức tường Berlin. Trái với các đồng sự, Schabowski chấp nhận phán quyết này và thừa nhận trách nhiệm đạo đức trước cái chết của những người vượt biên. Ông phải thụ án tại nhà tù Berlin-Spandau và được phóng thích ngày 2-12-2000.
Là một chứng nhân quan trọng của những sự kiện 20 năm trước, nhưng đồng thời, Schabowski cũng là lãnh tụ Đông Đức duy nhất thừa nhận những tội lỗi đã phạm phải dưới chế độ cộng sản. Trong cuốn sách mới ấn hành mới đây, ông vẫn bảo lưu cái nhìn này, một quan điểm trái ngược với Egon Krenz và nhiều nhân vật cộng sản “chính thống” khác của CHDC Đức.
(*) Theo hồi ký được ra mắt vào trung tuần tháng 2-2009 của Egon Krenz, cựu tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Đông Đức, nước này “định mở cửa biên giới chậm hơn 1 ngày, nhưng Günter Schabowski đã vội vàng tuyên bố điều đó”.