Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BIỂU TƯỢNG CỦA BUDAPEST TRÒN 60 TUỔI

(NCTG) Du khách đến thăm thủ đô Budapest, chắc sẽ để ý đến một quần thể tượng vươn cao đầy kiêu hãnh trên đồi Gellért và có thể thấy nó từ nhiều điểm trong thành phố. Đó là biểu tượng của Budapest, vừa tròn 60 tuổi vào ngày thứ Tư tuần này (4-4-2007).
Tượng Tự do - Ảnh: Internet

Đài tưởng niệm trên đồi Gellért, thường được biết đến với cái tên Tượng Tự do, là tác phẩm của điêu khắc gia nổi tiếng Kisfaludi Strobl Zsigmond, được cắt băng khánh thành ngày 4-4-1947, đúng vào dịp kỷ niệm Hồng quân Liên Xô “giải phóng” Hungary.

Hình tượng chính của quần thể tượng cao gần 40 mét này là một người phụ nữ cao 14 mét, tay cầm cành nguyệt quế, trên bệ tượng cao 29 mét. Trước pho tượng chính đó, ban đầu, còn có tượng một chiến sĩ Xô-viết cao 6 mét bằng đồng, tay cầm súng máy và cờ; bên trái và phải là tượng đồng những người đàn ông cầm đuốc và giết rồng (rồng tượng trưng cho sự bạo tàn).

Sau quần thể tượng ấy là tượng một quân nhân cao 3 mét bằng đá, bị phá hủy trong cách mạng 1956, nhưng về sau được tạc lại. Cả đài kỷ niệm được “chú thích” bởi hàng chữ “Nhân dân Hungary nhớ ơn các anh hùng giải phóng Xô-viết“, và cạnh đó là tên những quân nhân Liên Xô bỏ mình tại Hung.

Sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, tháng 1-1992, tượng lính Xô-viết được đưa về Bảo tàng Công viên tượng (tại Budatétény), nhưng quần thể tượng Giết bạo tàn và Cầm đuốc vẫn được giữ nguyên. Mùa thu năm 1993, để “đơn giản hóa” vấn đề, một hàng chữ mới được thay thế “chú thích” cũ: “Tưởng nhớ những người đã hy sinh cuộc đời cho nền độc lập, tự do và phồn vinh của nước Hung“.

Sáu mươi năm về trước, điêu khắc gia Kisfaludi Strobl Zsigmond đã được Nguyên soái Voroshilov, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Đồng minh, đích thân lựa chọn để làm Đài tưởng niệm Giải phóng này.

Để “chiều” theo nguyện vọng của Liên Xô, pho tượng chính (do một phụ nữ tên là Thuránszky Gaál Erzsébet làm mẫu) đã được thực hiện nhanh chóng kỷ lục, cho kịp lễ mừng Ngày “giải phóng” 4-4; cố nhiên, phí tổn do phía Hung chịu.

Năm 1992, khi cả nước Hung mừng quân đội Liên Xô rút quân hoàn toàn, pho tượng đã được phủ kín trong vòng vài ngày trong khuôn khổ Đề án Pho tượng Tâm hồn Tự do: theo những người chủ trương đề án, hình tượng người phụ nữ trùm vải trắng tượng trưng cho bóng ma đang ra đi của CNCS.

Tác giả bài viết: H.Linh, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI