Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BIỂU TÌNH TẠI HUNGARY CHỐNG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC 1979

(NCTG) “Các chàng trai Việt lúc này như có chất xúc tác, bất chấp đói khát đã cố gắng thể hiện mình bằng cách đập phá những gì có thể: khung treo hình ảnh quảng cáo, leo trèo lên cửa để gỡ phù điêu, quốc huy, đập cửa kính, v.v.... không khí rất tưng bừng, náo nhiệt, tại ngã tư rất đông người kéo đến xem” - hồi tưởng của anh Đỗ Như Phương về cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh Việt Nam tại Hungary chống chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979.

Chị Đỗ Thị Đông Xuân (nay là PGS. TS. giảng dạy tại Đại học Gödöllő) với biểu ngữ “Việt Nam tất thắng” trong cuộc biểu tình - Ảnh tư liệu

Thời sinh viên mình ghét nhất là sáng thứ Hai, vì tối Chủ nhật thường giải trí rất khuya, sáng không thể dạy sớm để đi học được, nên thường bỏ học giờ đầu. Thế mà sáng sớm thứ Hai hôm đó, ngày 19-2-1979, mới khoảng 7 giờ, đang còn ngon giấc mà đã nghe tiếng gõ cửa rất mạnh. Thường thì thằng bạn cùng phòng ra mở cửa, nhưng hôm đó nó về quê chưa lên, mình ra mở định chửi thằng nào dám quấy phá giấc ngủ của “ông”, không ngờ là ông phụ trách ký túc xá (KTX), lại còn nói như ra lệnh: “Vào trường ngay có việc gấp”.

Mình hỏi “tại sao? những ai phải đi?” thì nhận được câu trả lời: Việt Nam có chiến tranh, trường yêu cầu các KTX báo cho một sinh viên Việt Nam đại diện đến ngay địa điểm qui định. Mình lại hỏi tại sao không báo cho Đơn vị trưởng – lúc đó mình chỉ là Đơn vị phó phụ trách thể thao, văn nghệ. Tuy nhiên, không đợi câu trả lời (mình lúc đó cũng đã tỉnh ngủ), một câu hỏi to đùng hiện ra: chiến tranh lại xảy ra chắc không bình thường? Nên nhoắng một cái là mình ra đường rồi lao đến trường.

Đến nơi qui định gặp mấy anh chị em người Việt, hỏi cũng chẳng ai hay biết gì hơn. 7 giờ 30, một thày giáo – hình như phụ trách Công đoàn - gọi mọi người vào phòng và nói: Trung Quốc đã cho quân đội xâm lược lãnh thổ phía Bắc Việt Nam. 8 giờ sáng, tại sảnh đường nhà K (tòa nhà Trung tâm - Központi épület) của Đại học Kỹ thuật Budapest (BME), thày hiệu trưởng sẽ thay mặt Ban Giám hiệu đọc diễn văn phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Sau khi nghe bài diễn văn, tất cả học sinh Việt Nam được nghỉ học để tổ chức đi biểu tình chống Trung Quốc nếu muốn. Thày cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn trứng thối, sữa chua, cà chua thối. Sau khi hướng dẫn cách thức tổ chức biểu tình cho nhóm, cuối cùng thày thổ lộ: đáng tiếc là các thày giáo và sinh viên Hung sẽ không trực tiếp tham gia vì không muốn lập lại cảnh biết bao thày trò đã đổ máu, hy sinh tại ngay trong khuôn viên của trường trong cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1956 (hồi đó còn bị gọi là “phản cách mạng”).

Sao họ chu đáo thế! Mấy người đại diện sau khi nghe xong ai cũng từ ngỡ ngàng đến vô cùng bức xúc, trao đổi phân chia công việc rồi kéo nhau xuống sảnh đường, lúc đó đã thấy đông nghẹt người. Không biết mình có chủ quan không, chứ lúc đó tất cả các ánh mắt của bạn bè Hung ai cũng hướng về mình một cách chia xẻ, động viên và thân thiện. Trong diễn văn thày hiệu trưởng có nói Trung Quốc đã chọn ngày thứ Bảy để tấn công, sau hai ngày nghỉ cuối tuần đến thứ Hai coi như chuyện đã rồi trước dư luận của thế giới. Thời đó công nghệ truyền thông chưa được như bây giờ - đúng là thâm như “Tàu khựa”!

Sau khi diễn văn kết thúc, những câu hô “Trung Quốc cút khỏi Việt Nam!” (El a kezekkel Vietnamtól), “Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn!” (Veled vagyunk Vietnam) vang lên và kéo dài cả chục phút. Sinh viên Hung phải quay vào lớp học, còn hầu hết sinh viên ngoại quốc (đến từ châu Á, Âu, Phi, Mỹ La-tinh, đã cùng có một năm học chung tiếng Hung ở trường dự bị NEI) bỏ học ở lại cùng các bạn Việt Nam tập trung kéo đến ĐSQ Trung Quốc để biểu tình. Đặc biệt là mấy chàng Ả Rập, Angola hò hét rất nhiệt tình – chắc là do hồi học ở NEI hơi dốt, được các thày Hung giao cho học sinh Việt Nam kèm nên giờ có dịp để trả nợ?!

Mình nhận nhiệm vụ mang toàn bộ tám thùng gồm ba trứng thối, ba cà chua thối và hai sữa chua hết hạn, cùng một bó khẩu hiệu, áp-phích được vẽ, viết bằng tiếng Hung. Ở “công đoạn” này thì gặp vấn đề hơi tế nhị: khi nghe nói mang mấy thùng thối đi để ném là các chàng Việt ta tìm cách tránh né, lặn mất tiêu, còn lại đúng ba thằng, do vậy mình phải gọi nhờ đến mấy bạn sinh viên ngoại quốc, được hơn chục đứa. Bàn chuyện đi bằng phương tiện nào cho hợp lý cũng cãi nhau mất vài phút vì phải khiêng vác nặng, cuối cùng mình quyết định chia làm hai nhóm.

Cụ thể, nhóm một đi bằng ôtô số 1 do mình phụ trách, nhóm hai đi bằng tàu điện số 6 rồi chuyển qua xe điện ngầm (földalatti) với mục đích thêm cơ hội thông báo cho người dân Hung biết, chúng tôi đang đi biểu tình chống chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Khi xe buýt đến, mình chưa kịp giải thích vì sao lại mang đồ cồng kềnh lên xe thì bác tài đã mỉm cười ngoắc tay ra hiệu cứ tự nhiên, và những hành khách đi lúc này chắc đã xem chương trình thời sự buổi sáng nên cảm thông, đứng dồn vào để tụi mình chất các thùng hàng.

Trên đường đi, đứng cạnh có một ông trạc tuổi mình bây giờ. Sau vài câu xã giao, ông ấy nói, đại loại tao đã có gần hai chục năm để ngày nào cũng mong cho Việt Nam hết chiến tranh. Tao rất buồn là sau khi chiến tranh kết thúc chỉ được được hai năm thì Việt Nam lại tiếp tục một cuộc chiến mới với Campuchia, và cuộc chiến tranh này (với Trung Quốc) là kết quả của cuộc chiến tranh kia. Thực sự, lúc đó mình chưa hiểu được ý của ông ấy muốn nói gì, sắp đến bến phải xuống nên mình chỉ gật gù “vâng, vâng” (igen, igen).

Khi nhóm mình vác hàng đến góc đường nơi giao nhau giữa đường Népköztásaság (đường Cộng hòa Nhân dân dưới thời XHCN, nay là đại lộ chính Andrássy của thủ đô Budapest) với phố Bajza (nơi tọa lạc ĐSQ Việt Nam và Trung Quốc thời đó) thì cũng gặp nhóm hai chui từ tàu điện ngầm lên, lúc đó khoảng 10 giờ sáng. Cả bọn đang nghỉ lấy hơi thì hai anh công an Hung đi đến giơ tay chào. Sau khi hỏi và xem mang chúng tôi vác những thứ gì rồi, họ nói: “Nhiệm vụ chúng tôi là giữ gìn anh ninh khu vực được giao, chúng tôi hiểu và thông cảm cho các bạn, coi như chúng tôi đã ngăn chặn nhưng các bạn cứ vào”.

Làm gì thì làm nhưng đừng quá giới hạn” – từ “határ” họ dùng lúc này mang đủ ba ý nghĩa: mức độ, biên giới và hàng rào. Cám ơn các anh công an xong, chúng tôi bê hàng vào đặt ngay góc ĐSQ Trung Quốc. Khi những người đến trước biết có vũ khí”, trong tích tắc họ đã ném toàn bộ trứng thối, cà chua thối, sữa chua thối vào tòa đại sứ Trung Quốc, còn mấy thằng è cổ vận chuyển đến nơi đang nghỉ mệt thì chẳng còn cục nào để ném! Số người tham gia lúc này khoảng 50-60 người, phần đông là sinh viên ngoại quốc nên toàn hô khẩu hiệu bằng tiếng Hung “Trung Quốc cút khỏi Việt Nam”, “Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn!”.

Mấy anh bạn Ả Rập thời đó chưa có “chất khủng” như thời nay nên sau khi la hét một chặp, mệt rồi rút chứ không phá phách gì. Cửa sổ một phòng trên gác hai của ĐSQ Trung Quốc vẫn để mở, thỉnh thoảng có người đừng nhìn ra, xua tay. Thời đó, tòa đại sứ Việt Nam nằm đối diện với ĐSQ Trung Quốc, góc bên cạnh là ĐSQ Áo. Phải nói ĐSQ Việt Nam lúc đó đẹp hơn hẳn so với hai tòa kia: là biệt thự độc lập, có ba mặt tiền, từ ngoài đường đi vào còn có một khoảng sân. Bây giờ nó thuộc sở hữu của Trung Quốc rồi!
 

35 năm sau: nhiều người Việt tại Budapest đã đeo trên ngực huy hiệu “Nhân dân sẽ không quên!” để nhớ về anh linh những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống xâm lược Phương Bắc 1979 - Ảnh: Phạm Thái Giang

Khi mọi thứ diễn ra, mình thấy hai cán bộ ĐSQ Việt Nam đứng trước cửa nhớn nhác nhìn quanh một lúc nói gì đó với nhau rồi cùng quay vào đóng cửa lại. Khoảng trưa, số sinh viên ngoại quốc lần lượt rút về hết thì xuất hiện nhóm sinh viên Việt Nam từ Gödöllő đến, phần đông là chị em, trong nhóm có chị Đông Xuân đã từng được chụp hình với Bác Hồ (chắc chị có quan hệ bà con với mình vì hai ông già cùng họ Đỗ Như, cùng sinh ở thị trấn Sông Cầu, Phú Yên). Bà chị rất “máu” nên không khí bắt đầu sôi động, cùng lúc đó phải đến hơn 50 chục em học sinh trung học Hung xuất hiện, chắc mới tan học ra.

Em nào em nấy khoảng 15-16-17 tuổi, xinh đẹp như thiên thần, lại rất nhiệt huyết tham gia la hét rất là phấn khích, nên các chàng trai Việt lúc này như có chất xúc tác, bất chấp đói khát đã cố gắng thể hiện mình bằng cách đập phá những gì có thể: khung treo hình ảnh quảng cáo, leo trèo lên cửa để gỡ phù điêu, quốc huy, đập cửa kính, v.v.... không khí rất tưng bừng, náo nhiệt, tại ngã tư rất đông người kéo đến xem. Cánh cửa trên gác hai của ĐSQ Trung Quốc đã được khép lại, chỉ để hở một chút để đủ bên trong nhìn được ra chứ bên ngoài thì chịu.

Lúc này, rất đông công an dẫn theo chó đến, nhưng họ chỉ ngăn không cho người Hung đến gần xem, nhưng vẫn để cho phóng viên quay phim. Công an Hung làm bộ dẹp người Việt, vỗ vai người này nói vài câu lại vỗ vai người khác nói vài câu chứ chó vẫn đeo rọ và dùi cui vẫn đeo bên hông. Đúng lúc cao trào nhất thì lại có hai cán bộ ĐSQ Việt Nam mở cổng bước ra la quát: “Ai là đầu têu đứng ra tổ chức cho các anh chị tự phát, làm loạn như thế này khi chưa có chỉ đạo của chúng tôi, hả, hả???”. Thời đó hầu như ai cũng sợ cán bộ sứ quán như sợ cọp, nên mọi người né tránh, chuyển sang bên hông ĐSQ Trung Quốc tiếp tục hô khẩu hiệu.

Hai cán bộ đó vẫn đi theo, túm được ai cũng hỏi tên là gì, ở đơn vị nào? Vì mình trước đây do ĐSQ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam quản lý, mà các chú bên đó đối xử rất thân thiện, coi tụi mình như con, cháu trong nhà, cứ một hai tháng lại kéo nhau lên thăm mấy chú. Từ ngày thống nhất hai miền, còn lại ĐSQ Việt Nam, mình chỉ lên đây đúng một lần để nộp hộ chiếu – lần đó mình đã chôm lại quyển hộ chiếu, có dịp mình sẽ kể sau - nên họ chẳng biết mình và mình cũng chẳng biết họ là ai. Cho nên khi họ hỏi tới thì mình đứng lại trả lời rất thản nhiên thoải mái.

Đến câu ai là “đầu têu” thì mình trả lời: đối với tất cả sinh viên Đại học Bách khoa Budapest là do hiệu trưởng trường “đầu têu”, nhưng theo cháu thì không nên dùng từ “đầu têu” mà nên dùng từ ai cho biết thông tin chính thức về Trung Quốc đánh Việt Nam. Sau khi biết thông tin chính thức thì mỗi người hành động theo quyết định của mình. Theo cháu nghĩ, đáng ra các chú phải là người “đầu têu” trong chuyện này thì các cháu mới mến phục ạ! Sau đoạn đối thoại ấy, tên và đơn vị của mình lập tức được các vị hỏi lại lần nữa và ghi chép vào sổ.

Chắc cộng thêm vài lần tương tự như vậy đã xảy ra trong thời học sinh mà trong hồ sơ cán bộ của mình được các chú ghi nhận xét: “Đối tượng tự do, vô tổ chức kỷ luật, không có ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Tự kiêu, coi thường lãnh đạo”. Mình đã đọc được là vì trước khi quay lại Hungary năm 1989, ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cơ quan - do có quan hệ thân tình - đã cho mình xem trước khi niêm phong.

Trở lại câu chuyện vào ngày 20-2-1979, đến lúc đó thì cả bọn đã cụt hứng, nghĩ bọn Tàu không ra đuổi, công an Hung cũng không dẹp mà tại sao ĐSQ mình lại ra hăm dọa, xua đuổi nhỉ? Kể cũng lạ. La hét nhiều khát nước mà không ai dám vào ĐSQ Việt Nam xin ngụm nước máy, mót... tiểu phải vào quán Hung đi nhờ. Cả bọn bất mãn hậm hực kéo nhau ra về, trên xe mấy thằng bàn tính làm đơn xin tình nguyện về nước để tham gia chiến đấu chống giặc Tàu.

Vừa đến cửa KTX thì gặp thằng Đượng đơn vị trưởng đi ra, hỏi thì nó nói bị triệu lên sứ họp gấp. Tối, đem câu chuyện của ông người Hung trên xe buýt nhận định về cuộc chiến tranh trao đổi với thằng bạn Hung cùng phòng, thì nó bảo nó cũng có suy nghĩ như ông ấy. Mình hăng tiết đưa ra bao nhiêu lý lẽ, nào là về sự dã man, tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot đối với người dân thường Campuchia cũng như dân Việt Nam vùng biên giới phía Tây-Nam, nào là về lịch sử âm mưu thâm độc ngàn đời của Tàu hòng đồng hóa Việt Nam, v:v...

Thằng bạn bình thản trả lời: những thông tin mày có một chiều thì khó để đánh giá sự việc một cách khách quan được, dựa vào số liệu thực tế đáng tin cậy nhất là Camphuchia có 5 triệu dân (đấy là nó chưa trừ đi 2 triệu người đã bị diệt chủng) mà đòi đánh Việt Nam với gần 50 triệu dân, một quốc gia mới kết thúc chiến tranh với bao kinh nghiệm chiến đấu? Cũng như Việt Nam chúng mày không thể đánh Trung Quốc được! Mà giả dụ tức quá thì cũng đánh mức độ thôi chứ đánh sang tận đất Thái Lan, rồi lập lên chính phủ bù nhìn theo mình, rồi mang quân đội rải khắp mấy tháng vẫn chưa rút về?

Theo thằng bạn Hung, đó chính là Việt Nam đã xâm lược Campuchia rồi! Nó bảo, thử xem dư luận thế giới mấy ai ủng hộ lãnh đạo Việt Nam hay không? Về thực chất thì cuộc chiến tranh phía Bắc với Trung Quốc bây giờ chẳng khác gì mấy với cuộc chiến xâm lăng Campuchia, và về bản chất các cuộc chiến tranh chỉ nhằm thỏa mãn ý tưởng bệnh hoạn, tham vọng ngông cuồng của một vài cá nhân lãnh đạo quốc gia mà thôi, chỉ thương tiếc cho số phận của những người dân đen. Mình lờ mờ cảm thấy hình như thằng bạn nó nói đúng!

Khuya, thằng Đượng gõ cửa báo ngày mai đi lên ĐSQ để tham gia biểu tình. Mình văng tục và trả lời luôn thằng đơn vị trưởng: “Tao đ. đi nữa!”. Sau này với biết lý do là ở Việt Nam, lãnh đạo thấy BBC đưa tin về cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Việt Nam trước ĐSQ Trung Quốc tại Budapest rất ấn tượng nên đã lấy làm gương để chỉ đạo các ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài học tập noi theo. Từ lúc đó sứ quán mới ra chỉ đạo bắt mỗi ngày một đơn vị đến để biểu tình.

Tuy nhiên, về sau mình có nghe nói hôm sau do đi biểu tình có tổ chức nên rất èo uột, chả ai hứng thú la hét cả, rất gượng gạo mặc dù ĐSQ có cử người ra trực tiếp động viên và mở cổng cho ai muốn vào đi tiểu cũng được!?

Tác giả bài viết: Đỗ Như Phương, từ Budapest