BẠO HÀNH TÌNH DỤC, TỘI ÁC CỦA HỒNG QUÂN TRONG ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
- Thứ hai - 07/10/2013 21:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một đề tài được coi là cấm kỵ, hoặc ít nhất cũng không mấy khi được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu sử của Hungary, vừa được tái hiện trong một bộ phim phát trên Đài Truyền hình Quốc gia Hungart ngày 3-10 vừa qua.
Đạo diễn trẻ Skrabski Fruzsina - Ảnh: Hegedűs Márta (“Dân tộc Hungary”)
Bộ phim tư liệu “Sự ô nhục bị che đậy” của nữ đạo diễn trẻ Skrabski Fruzsina về chủ đề những tội ác của quân đội Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến - đặc biệt là những tội ác đối với phụ nữ - được coi là đã đả động đến một tấn thảm kịch xưa nay chưa được chính thức nghiên cứu một cách có hệ thống tại Hungary.
Chưa có những dữ liệu chính xác, tuy nhiên theo bộ phim, ước tính cho thấy có chừng 400-800 ngàn phụ nữ Hungary đã bị Hồng quân Liên Xô cưỡng hiếp và làm nhục khi quân đội Xô-viết tràn vào đất Hung. Đạo diễn bộ phim cho rằng, trong số một triệu quân nhân Liên Xô có mặt tại chiến trường Hungary, cứ 10 người lại có một người đã cưỡng bức phụ nữ, và sự cưỡng bức diễn ra nhiều lần!
Bộ phim phá đổ một taboo (cấm kỵ)
Khi binh lính Nga vào đất Hung, Mária mới lên mười. Một nhân vật của bộ phim, hiện đã là một phụ nữ đứng tuổi, buồn rầu thuật lại tấn thảm kịch mà gia đình bà đã phải chịu đựng: bà nội của bà sống tại một trang trại xa xôi đã bị 7 người lính thay nhau Xô-viết hãm hiếp.
Mária không được chứng kiến cảnh tượng đó, nhưng người chú của bà đã là một nhân chứng bất lực khi bị một quân nhân Nga dí súng vào trán ngay tại nơi diễn ra sự việc. Bà Mária cho hay, về sau, bà nội của bà đã lặng thinh và giữ nỗi đau ấy trong lòng suốt cuộc đời!
Câu chuyện đau lòng của Mária, đáng tiếc, không phải là một trường hợp cá biệt. Hầu như không một gia đình nào, không một ai đã trải qua thời kỳ đó lại chưa từng nghe về những chuyện như thế, tuy nhiên, thảm kịch của những phụ nữ Hungary bị quân đội Liên Xô làm nhục cho đến giờ vẫn là một vết thương chưa lành.
Hơn hai mươi năm sau ngày nước này chuyển đổi thể chế chính trị, hầu như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào, hoặc đối thoại xã hội nào đề cập tới “mảng trắng” đó của lịch sử Hungary thế kỷ 20, cho đến khi nữ đạo diễn trẻ Skrabski Fruzsina bắt tay vào cuộc.
Trả lời phỏng vấn báo chí, tác giả bộ phim chia sẻ rằng bô phim đã ra đời rất khó nhọc. Không còn những thủ phạm có thể vạch mặt chỉ tên để có thể lên án và quy trách nhiệm, và việc tìm kiếm những người có liên quan để phỏng vấn cũng vô cùng khó khăn.
Mặc dù đã ấp ủ ý tưởng về bộ phim từ rất lâu, nhưng Fruzsina không tìm được nạn nhân trực tiếp nào để phỏng vấn. Chỉ có một người có mẹ bị làm nhục đã lên tiếng; một nhân chứng gián tiếp khác có người chị bị lính Nga hãm hiếp rồi dí súng vào đầu bắn, trong khi vẫn nắm chặt tay hai con gái nhỏ.
Đoàn làm phim đã có những thước phim quý báu tại Nga, khi họ đến Hội Cựu chiến binh Nga để phỏng vấn những cựu chiến binh đã kinh qua Đệ nhị Thế chiến và có những trải nghiệm về cách hành xử của quân đội Xô-viết với cư dân trong thời chiến.
Vì tại Nga các cựu chiến binh được coi là những anh hùng dân tộc được tôn vinh ở mức cao nhất, nên đạo diễn phim nghĩ rằng, việc đề nghị nhóm cựu chiến binh góp mặt trong một bộ phim mà đề tài là những tội ác nghiêm trọng của Hồng quân trong thời chiến, là một sự bất kính lớn.
Tuy nhiên, nhà làm phim cho báo giới hay, tất cả các cựu chiến binh hợp tác với cô đều không tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về đề tài này, và không ai đứng dậy, bỏ đi trong những cuộc trao đổi kéo dài nửa tiếng đó!
Những tội ác bị che khuất
Cho đến nay, việc nghiên cứu về những tội ác của Hồng quân thời Đệ nhị Thế chiến - trong đó có những tội ác đối với cư dân, và đặc biệt là đối với phụ nữ - vẫn gặp phải nhiều khó khăn đáng kể. Những kho thư khố quân sự ở Moscow vẫn đóng cửa trước giới nghiên cứu, sử gia Hungary.
Pető Andrea, một nhà nghiên cứu thuộc Khoa Giới tính xã hội, Đại học Trung Âu (Budapest) cho biết, phía Nga đã hai lần bác đơn xin nghiên cứu và tiếp cận thông tin của bà. Cho nên khi tìm hiểu về con số các nạn nhân tại Hungary, bà chỉ có thể dựa trên những báo cáo của giới bác sĩ và các cơ sở chữa trị bệnh hoa liễu.
Tuy nhiên, những tội ác của quân đội Liên Xô thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dù ít được nhắc đến, đã là một thực tế lịch sử không ai phủ nhận. Tàn sát đàn ông, hãm hiếp phụ nữ, sát hại trẻ em, cướp bóc và tự báo thù, “tự xử” một cách bừa bãi là điểm đặc trưng cho Hồng quân tại các xứ sở thù địch ở Đông Âu mà họ đặt chân tới.
Quân đội Xô-viết tại Hungary - Ảnh tư liệu
Điểm đáng nói nhất là Ban lãnh đạo quân sự Xô-viết, kể từ cấp cao nhất, đều nhắm mắt, bỏ qua, thậm chí trong nhiều trường hợp, còn tỏ ra khích lệ những sự bạo hành này, nhất là trên đất Đức. Ilya Ehrenburg, nhà văn lớn của Liên Xô thời đó, đã có những bài viết hô hào chém giết người Đức, được coi là hiệu lệnh chính thức của chính quyền Stalin.
Hãy giết người Đức bằng mọi cách, bất kẻ họ là ai, vì họ không phải là những con người, và càng giết nhiều càng tốt, coi đàn bà Đức như những “chiến lợi phẩm” để có thể mặc sức bạo hành, v.v... là một số thông điệp kinh hoàng mà Ehrenburg đã đưa ra trong những ngày tháng khốc liệt nhất của Đệ nhị Thế chiến, như quan điểm chính thống của Ban lãnh đạo Xô-viết.
Chính Stalin, khi nhận được lời phàn nàn của lãnh đạo cộng sản Nam Tư Milovan Dilas (về sau đoạn tuyệt với CNCS Stalinist) về những tội ác kinh hoàng của Hồng quân, cũng cho rằng giới quân nhân của ông do luôn phải chịu gian khổ và hiểm nguy, nên cũng cần “một chút giải trí”, và phụ nữ các vùng bị chiếm đóng được coi là phần thưởng dành cho họ.
Còn một phóng viên chiến trường Liên Xô là Lev Kopeliev, khi viết một cuốn sách về tệ bạo hành tình dục của Hồng quân đối với phụ nữ Đức và Ba Lan, thì đã bị đày đi trại tập trung cải tạo Gulag về sự can đảm nói thẳng nói thật đó của mình.
Được sự dung dưỡng của chính quyền, chỉ trong những tháng cuối của cuộc chiến, đã có gần 2 triệu phụ nữ Đức bị hãm hiếp, nhiều người còn bị làm nhục nhiều lần. Tất cả phụ nữ ở độ tuổi 13-70 ở Đức thời đó đều bị coi là “nạn nhân tiềm ẩn” của Hồng quân. Không ít phụ nữ đã tự vẫn vì không chịu nổi nỗi nhục này, nhiều người buộc phải nạo phá thai.
Những đứa trẻ ra đời trong tội lỗi như vậy bị tẩy chay và sống trong nhục nhã. Thống kê cho thấy, thời gian 1945-1948 hàng năm ở Đức đã có tới hai triệu ca phá thai bất hợp pháp, và những căn bệnh hoa liễu cũng lan tràn đến mức vào năm 1947, chính quyền Liên Xô buộc phải ra tay để ngăn chặn những bạo hành tình dục của binh lính chính họ.
Tại Hungary, một đất nước cũng bị coi là thù địch với Liên Xô vì đã đứng về phía Đức trong Đệ nhị Thế chiến, những tội ác của Hồng quân còn được coi là chưa ở đâu, và chưa bao giờ tàn bạo như thế. Ít nhất có tới nửa triệu người (đa phần là đàn ông) bị đưa sang các trại tập trung Gulag ở Siberia - và riêng tại Budapest đã có chừng 50 ngàn phụ nữ bị hãm hiếp.
Tàn nhẫn nhất là trong nhiều trường hợp, trước khi hãm hiếp người vợ, lính Nga đã giết người chồng ngay trước mặt họ. Những phụ nữ bị làm nhục phần nhiều còn bị đánh đập, ai tìm cách chống lại hoặc chạy trốn đa phần đều bị sả súng bắn chết. Đó là thảm kịch của phụ nữ tại các nước Tiệp, Ba Lan, Áo, Romania và Hungary, khi đó bị Hồng quân chiếm đóng!
Lịch sử cần được làm sáng tỏ
Lý do gì khiến một nữ đạo diễn trẻ theo đuổi một đề tài bị coi là cấm kỵ trong nhiều thập niên? Theo chia sẻ của nhà làm phim Skrabski Fruzsina, bà luôn quan tâm đến lịch sử của CNCS, đặc biệt là những phần còn được làm sáng tỏ, những tội ác còn chưa bị vạch trần và trừng phạt một cách chính thức, và vấn đề trách nhiệm vẫn bị bỏ ngỏ.
Đạo diễn cho biết, sau gần 7 thập niên, đề tài này vẫn hết sức nhạy cảm. Mặt khác, tìm kiếm được người để phỏng vấn, tìm hiểu là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhận và tế nhị. Tuy nhiên, bà quan niệm rằng đến giờ vẫn không nói ra, hoặc đến giờ vẫn chưa tạo điều kiện để những người có liên quan được lên tiếng, thì còn chờ đến bao giờ?
Một chủ đề quan trọng và ít được nhắc đến của Thế chiến thứ hai - tội ác của Hồng quân Liên Xô - theo Fruzsina phải được sự quan tâm và chú ý của giới trẻ, vì đến nay nó vẫn mang tính thời sự. Và do đó, bà đã đặt trọng tâm cho bộ phim, làm sao để độc giả đã bắt đầu xem trên TV, thì không chuyển sang kênh khác.
Trả lời những ý kiến phản đối kiểu “không nên bới móc quá khứ”, “hãy để quá khứ ngủ yên”, v.v..., đạo diễn phim khẳng định: những tội ác chiến tranh không bao giờ hết thời hiệu, căn cứ các hồ sơ lưu trữ tại các kho thư khố của Nga, hiện vẫn có thể truy trách nhiệm những kẻ còn sống. Do đó, nhắc lại một chuyện cũ cũng không bao giờ là điều quá muộn hoặc vô ích!
Trong phim, cũng có sự hiện diện và lên tiếng của các nhà nghiên cứu Nga. Một sử gia Nga cũng thừa nhận, quân đội Liên Xô tàn bạo và hung hãn hơn bất cứ quân đội nào khác trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Đây là điều rất đáng để tâm, vì nó cho thấy một nét khác của khái niệm “quân giải phóng Xô-viết”, thường được tung hô một cách vô điều kiện thời XHCN.
Cuối cùng, nhà làm phim cho rằng, bà có thể vui mừng khi bộ phim rất được sự để tâm của công luận Hungary ngay từ khi nó chưa được công chiếu. Đối với bà, quan trọng nhất là sự thật phải được nói ra, và phải được giới trẻ biết đến. Đối với những nạn nhân, bộ phim có thể là sự đền bù nho nhỏ, rằng tấn thảm kịch của họ không bao giờ rơi vào quên lãng!
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.