BẢNG TÊN ĐƯỜNG NHẮC NHỚ QUÁ KHỨ ĐỘC TÀI
- Thứ sáu - 16/04/2010 02:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sử gia Elek András, một nhân viên bảo tàng, cho hay: tháng 2 vừa rồi, Bảo tàng đã đưa ra một kêu gọi những ai còn giữ các tấm biển tên đường, phố thời xa xưa, hãy tặng cho bảo tàng.
Nhiều cư dân địa phương đã hưởng ứng "chiến dịch" này với những tấm biển tên đường, phố, quảng trường mang tên Lenin, Lumumba, Malinovsky (nguyên soái Liên Xô, một trong hai vị thống chế nổi tiếng với chiến tích "giải phóng" Hungary thời Đệ nhị Thế chiến), Cộng hòa Xô-viết (tên chính quyền do những người cộng sản Hungary thành lập năm 1919, chủ trương "khủng bố đỏ", chỉ tồn tại được chừng 4 tháng rưỡi)...
Trong số đó, thú vị và giá trị nhất là một biển tên đường bằng đồng, khắc họa chân dung nhà báo, luật gia cộng sản Hungary Ságvári Endre (bị sen đầm nước này bắn chết năm 1944), cũng như tấm biển bằng gốm từng đặt tại phố Hiến pháp (ca ngợi "bộ luật mẹ" năm 1949 của nhà nước cộng sản Hungary, được soạn thảo theo hình mẫu của Hiến pháp Stalinist 1936 của Liên Xô).
Theo sử gia Elek András, Hódmezővásárhely là nơi có truyền thống sản xuất đồ gốm, sành sứ và các mặt hàng mỹ thuật công nghiệp khác. Do đó, thập niên 70 thế kỷ trước, thay vì làm bằng sắt và tên được ghi bằng 2 màu đen - trắng đơn giản, một số biển tên đường, phố đã được "gia công" đẹp đẽ như những tác phẩm nghệ thuật, như hai ví dụ trên cho thấy.
Nhà nghiên cứu sử học cũng kể một vài ví dụ thú vị về cách đặt tên đường, phố mang nặng tính ý thức hệ thời kỳ đó. Chẳng hạn, tại thành phố này, cái tên Lenin không những được đặt cho phố, mà còn cho cả quảng trường. Sau này, đầu năm 1956, khi lãnh tụ Khrushchev vạch trần những tội ác của nhà độc tài Stalin, thì một con phố mang tên Stalin thoạt đầu cũng được đổi lại thành Lenin.
Tuy nhiên, về sau, các quan chức địa phương cho rằng cùng một lúc mà tên Lenin xuất hiện ở ba nơi thì hơi "quá trớn", và trong thực tiễn cũng không "thích hợp" lắm. Nên rồi con phố nọ lại được đổi thành Lumumba (tên vị thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Congo, bị sát hại năm 1961).
Nhìn lại lịch sử, trong thời kỳ độc tài cộng sản, không chỉ các danh nhân của phong trào công nhân thế giới như Marx, Engels, Lenin... mà Stakhanov - người thợ mỏ gương mẫu, được tấn phong danh hiệu Anh hùng Lao động XHCN Liên Xô và đặt tên cho phong trào thi đua cộng sản vì thành tích "vượt mức kế hoạch" 14 lần! - cũng được đặt tên cho đường phố tại Hódmezővásárhely.
Ngoài ra, những thuật ngữ, khái niệm mang tính biểu tượng của CNCS như Mạc-tư-khoa, Du kích, Hồng quân, Sao Đỏ... cũng được ghi nhận lại trong căn cước của nhiều cư dân địa phương, như trú quán của họ.
Bảo tàng Ký ức
Bảo tàng Ký ức (khởi công năm 2005, khai trương năm 2006 tại Hódmezővásárhely) là trung tâm triển lãm đầu tiên ở Hungary được xây dựng nhằm giới thiệu lịch sử những năm tháng dưới chế độ độc tài cộng sản tại địa phương. Vô vàn những tư liệu, đồ vật, ảnh, kỷ vật gia đình... đặc trưng cho các thập niên thời XHCN đã được đưa về bảo tàng trong 5 năm qua.
Bằng nguồn tài trợ (gần 200 triệu Ft) của Liên hiệp Châu Âu, năm ngoái, bảo tàng đã bắt đầu được mở rộng bằng một phòng triển lãm mới rộng 115m2, và một kho chứa các hiện vật hiện vẫn được sưu tầm liên tục cho bảo tàng. Triển lãm "Những năm tháng đầy biến cố: 1989-90: Sự sụp đổ của một thể chế, sự ra đời của một thể chế" sẽ được tổ chức vào cuối tháng này tại phòng triển lãm mới nói trên.
Với những tấm biển tên đường, phố xa xưa, các nhân viên bảo tàng cũng cố gắng để giới trẻ nhận biết rằng, những con đường, con phố mà ngày nay họ đang sinh sống, đang đi lại hàng ngày, cách đây hơn 2 thập niên đã phản ánh ý thức hệ cộng sản như thế nào.