Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẢN HIẾN PHÁP 60 NĂM TRƯỚC VÀ NHỮNG MÓN NỢ LỊCH SỬ

LTS: Nếu như đối với các quốc gia phương Tây, “tinh thần pháp luật” (De l’esprit des lois, tên một tác phẩm lớn của Montesquieu - Mạnh Đức Tư Cựu) là một khái niệm hết sức gần gũi và được tôn trọng từ nhiều thế kỷ nay, thì tại các nước châu Á, “truyền thống” gia trưởng, độc đoán, các thói quen tùy tiện kiểu “phép vua thua lệ làng”, lề lối suy nghĩ đặc thù của xã hội tiểu nông… đã khiến “thượng tôn pháp luật” cho đến nay vẫn là cái đích để “phấn đấu” của nhiều xã hội “chậm tiến”.

Trong bối cảnh ấy, và nhất là khi Việt Nam vừa trải qua những biến cố trọng đại (gia nhập WTO, quyết tâm hòa mình với thế giới…), thời gian gần đây, ý kiến cho rằng cần có một hệ thống pháp luật rõ ràng, nghiêm túc trên nền tảng một “bộ luật mẹ”, một bản Hiến pháp dân chủ, được “soi xét” bởi một cơ quan độc lập (như mô hình Tòa án Hiến pháp ở phương Tây) đã được nhiều tác giả đề cập tới trên báo chí.

Đặc biệt, sau 60 năm, bản hiến pháp đầu tiên - nhưng chưa hề được đưa vào thực thi và theo nhiều chuyên gia luật, chưa có giá trị pháp lý - của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được nhắc lại như một hoài niệm đẹp đẽ về ý tưởng dân chủ, tự do và bình đẳng, cũng như về tinh thần pháp luật của người dân Việt Nam thuở ấy. Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Hữu Đang (*), nhà cách mạng, nhà hoạt động văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ trước, thủ lĩnh tinh thần của phong trào Nhân văn Giai phẩm, cũng có một bài viết nổi tiếng mang tựa đề “Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ như thế nào?” đăng trên báo “Nhân văn” số 5, ra ngày 20-11-1956, trong đó ông ca ngợi nội dung bản Hiến pháp 1946 mà theo ông là “bảo đảm tự do dân chủ”, “một điều kiện „không có không được“ của một chính thể dân chủ”.

Bản hiến văn 1946 có những điều mà đến nay, khi đọc lại, chúng ta vẫn thấy rất đẹp, rất “cấp tiến”, như ông Nguyễn Hữu Đang đã trích trong bài viết trên:

ĐIỀU THỨ 10: Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận; - Tự do xuất bản; - Tự do tổ chức và hội họp; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước.

ĐIỀU THỨ 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư từ của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.

Bài viết sau đây cho chúng ta một số ý niệm về bản hiến văn có ý nghĩa lịch sử này. (NCTG)

*

(TIA SÁNG) Những gì chưa trả được người ta gọi là nợ. Lịch sử gồm nhiều điều đã biết và vô vàn ẩn số mà chúng ta chưa biết, những sự thật ấy nếu được nghiên cứu và phổ biến một cách trung thực có thể giúp người đời sau hiểu quy luật hưng thịnh của các tộc người. Năm 1946, người Việt Nam đã có một bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam Châu Á lúc bấy giờ. Chỉ tiếc rằng sáu thập kỷ tiếp theo dân tộc ta đã không có cơ hội đi xa hơn trong chủ nghĩa lập hiến. Nhiều sự thật liên quan đến bản hiến văn ấy dường như vẫn chưa được soi rọi đầy đủ. Ngày xuân, bài viết dưới đây góp vài lời bàn về ba điều chưa thật rõ xung quanh Hiến pháp 1946.

Hồ Chí Minh, một người cộng sản đã từng làm việc cho Đệ tam Quốc tế, chắc chắn ít hay nhiều phải chịu các ảnh hưởng lập pháp đã diễn ra thời đó tại Liên Xô. Giã từ Hiến pháp 1924 với nhiều tư tưởng của Lenin, Liên Xô đã bước sang thời kỳ của Hiến pháp 1936 (**) dưới ảnh hưởng đáng kể của Stalin. Bản Hiến pháp 1936 cũng như Hiến pháp 1977 sau này của Liên Xô đều là những cương lĩnh chính trị ghi nhận vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng Sản trong một nhà nước công nông, ghi nhận sở hữu toàn dân, hệ thống nông trang kiểu hợp tác xã được xác lập. Từ 7 thành viên, thu nạp thêm Mondavia và 3 nước Baltic, trong những năm 40 của thế kỷ trước có lẽ Liên Xô đang ở trong giai đoạn bành trướng sức mạnh, ảnh hưởng của Stalin đến toàn thế giới chắc là không thể nhỏ.

Ấy vậy mà thật thú vị là tất cả 70 điều của Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều không hề có bóng dáng của Hiến pháp Liên Xô 1936. Thậm chí so với những gì đã diễn ra trong lịch sử pháp luật ở Trung Hoa lục địa sau khi Đảng Cộng sản thâu tóm quyền lực quốc gia năm 1949, có thể thấy bản hiến văn năm 1946 của Việt Nam chứa đựng những tư tưởng dân chủ hơn hẳn. Người ta thấy những dấu hiệu phân chia và đối trọng quyền lực, thấy rõ thái độ thượng tôn và tiếp nối truyền thống tư pháp đã có từ thời thực dân, chứ tuyệt nhiên không phủ nhận và xây mới hoàn toàn như Mao Trạch Đông đã làm với hệ thống pháp luật thời Quốc dân đảng. Nhiều người giải thích bản hiến văn 1946 như một thỏa hiệp cho giai đoạn dân chủ nhân dân, một bước đệm cho cuộc cách mạng vô sản sẽ diễn ra sau đó. Đó là sự suy diễn lô-gích một chiều, thường là của các nhà soạn sử khi Đảng đã có thực quyền. Người ta cũng có thể giải thích bởi những đóng góp của nhân sĩ yêu nước không cộng sản đã được tập hợp dưới ngọn cờ độc lập dân tộc vào việc soạn thảo bản hiến văn này. Cũng có thể, như một giấc mơ tránh đổ máu và chiến tranh lan rộng, Hồ Chí Minh mong muốn cho Việt Nam một bản hiến văn để có thể chung sống trong một Liên hiệp Pháp. Cũng có thể do mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh tụ Hồ Chí Minh và Stalin, hoặc do mối quan tâm không đáng kể của Stalin đến khu vực Đông Dương, tất cả những ẩn số đó có thể giải thích thêm cho sự thật rằng Hiến pháp 1946 rất ít chịu ảnh hưởng của Liên Xô.

Nếu không chịu ảnh hưởng của Liên Xô, thì ngược lại những bước đi chập chững đầu tiên của Việt Minh và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại có sự góp mặt và chứng kiến đáng kể của người Mỹ. Những dấu ấn của chúng có thể thấy ở “Tuyên ngôn Độc lập” và bản hiến văn năm 1946. Điều trớ trêu và đầy bi kịch này ít được nhắc đến trong sử liệu của Việt Nam. Dường như người Mỹ đã cung cấp chẳng những khí tài, mà cả tư tưởng và những hy vọng độc lập cho các nhóm vũ trang chống thực dân và phát xít. Chỉ tiếc rằng sau cái chết của Roosevelt vào tháng 4 năm 1945, chính quyền Mỹ đã nhân nhượng đáng kể quyền lợi của thực dân, thậm chí công khai đứng sau các thế lực thực dân để đàn áp các lực lượng kháng chiến ở Việt Nam. Một bi kịch lớn, có lẽ chẳng riêng cho người Mỹ. Người ta thấy vai trò và quyền lực của chủ tịch nước rất lớn. Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 không chịu trách nhiệm trước Quốc hội, không thể bị khởi tố trừ tội phản quốc, có thể từ chối công bố các đạo luật do Quốc hội ban hành và yêu cầu Quốc hội thảo luận lại. Vị trí này làm cho người ta liên tưởng đến quyền lực của tổng thống theo Hiến pháp nước Mỹ hơn là chế độ đại nghị của người Pháp. Điều này đã giảm đi rất đáng kể trong các bản hiến văn theo mô hình Xô-viết sau này, chủ tịch nước chỉ có chức năng nghi lễ mà ít mang tính quyền lực. Những vấn đề này dường như ít được giới sử học Việt Nam quan tâm. Nước nhỏ, dân tộc nhỏ chỉ có thể hiểu lịch sử của chính mình trong chao đảo quyền lực giữa các nước lớn.

Bản Hiến pháp 1946 được thông qua chỉ có hơn 1 tháng trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, người Pháp bắt đầu cuộc đàn áp vũ lực. Khi ấy quân Tưởng đã rút, mâu thuẫn đôi khi đẫm máu giữa Việt Quốc, Việt Cách và Việt Minh dường như cũng đã được dẹp sang một bên, người ta đã thấy xu hướng chính phủ kháng chiến dường như hoàn toàn do Đảng Cộng sản kiểm soát. Từ đây xuất hiện câu hỏi liệu bản hiến văn này có còn giá trị trong thời kỳ kháng chiến và thực sự những người cầm quyền có muốn tuân thủ nó nữa hay không. Quốc hội tuy đã thông qua, song không công bố và đưa bản hiến văn này cho toàn dân phúc quyết, bởi vậy nó chưa thể có hiệu lực về phương diện pháp lý. Các tiền đề chính trị - xã hội đã không còn tồn tại để bản hiến văn năm 1946 có thể có hiệu lực ngay sau khi nó vừa được ban hành. Bản hiến văn ấy chưa từng được sửa theo cách thức mà nó đề nghị; nó đã bị thay thế bởi những tuyên bố chính trị khác.

Người Việt Nam đã có ít nhất 4 bản hiến pháp (nếu không kể tới các bản hiến pháp của chính quyền Sài Gòn). Ấy vậy mà dân tộc ta dường như vẫn chưa có may mắn được làm quen với tư tưởng lập hiến. Hiến pháp 1946 đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân. Nó chỉ lóe lên như một ánh chớp trước tiếng súng đêm kháng chiến mà dường như có rất ít giá trị thực tế. Chỉ khi bàn nhiều về chủ quyền nhân dân, sáu mươi năm sau ngày thành lập nước Việt Nam mới, người ta bỗng nhớ tới bản hiến văn này với những ước mong và hoài niệm.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Mới mất tại Hà Nội ngày 8-2-2007, thọ 95 tuổi. NCTG sẽ có bài về thân thế và sự nghiệp của nhân vật kiệt xuất này.

(**) Thường được gọi là “Hiến pháp Stalin” và được bộ máy tuyên truyền Liên Xô đương thời tung hô là “bản hiến pháp dân chủ nhất thế giới”. Hiến pháp Xô-viết 1936 được một vài trí thức lớn trong Đảng Cộng sản Liên Xô chấp bút, trong đó, nổi tiếng nhất là Nicolai Bukharin, một nhà cách mạng cựu trào và uyên bác, từng dược Lenin trừu mến gọi bằng cái tên “con cưng của toàn đảng” trong di chúc của mình. Hai năm sau ngày viết Hiến pháp, Bukharin bị đồng chí cũ là Stalin khép án tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo lớn tại Moscow năm 1938.

Tác giả bài viết: Phạm Duy Nghĩa