Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BA MƯƠI NĂM NGÀY RA ĐỜI CỦA CHARTA 77

(NCTG) Cách đây tròn 3 thập niên, ngày 6-1-1977, tại Praha (thủ đô Tiệp Khắc cũ), đã ra đời bản tuyên bố mang tên Charta 77 (Hiến chương 77), đòi hỏi dân quyền và quyền chính trị cho cư dân xứ này.

Với một khởi đầu có vẻ hiền hòa như vậy, ít ai nghĩ, sự kiện này - về sau được đánh giá là biến cố quan trọng nhất của vùng Đông Âu năm 1977 - sẽ trở thành dấu hiệu đầu tiên cho sự sụp đổ của cái gọi là "chủ nghĩa xã hội hiện thực" quan liêu và độc đoán theo hình mẫu của Stalin. Vào thời điểm đó, xét trên bề ngoài, chính quyền Xô-viết - tự hào với nền "xã hội XHCN phát triển" (theo cách gọi thời bấy giờ) - vẫn còn rất vững vàng, thậm chí còn có thể bành trướng ở một số nơi...

Mặc dù thế giới đa phần chỉ biết đến bản tuyên bố và phong trào cùng tên (cùng các yếu nhân của nó) thông qua bộ máy tuyên truyền "chính thống" của Tiệp Khắc đương thời, nhưng với thời gian, Hiến chương 77 - trong hậu bán thập niên 70, cũng như trong thập niên 80 thế kỷ trước - đã trở thành biểu tượng quan trọng bậc nhất của cuộc chiến chống lại thể chế toàn trị không chỉ ở Tiệp Khắc, mà còn trong toàn vùng Đông Âu.

Có nhiều nguyên nhân đã dẫn đến sự ra đời của Hiến chương 77. Bỏ qua những liên quan phức tạp mang tính xã hội và tâm lý, lý do trực tiếp của Hiến chương 77 là việc chính quyền Tiệp Khắc "cấm cửa" "The Plastic People of the Universe", một ban nhạc rock theo xu hướng alternative, bị coi là chơi nhạc phản động, và các thành viên ban nhạc bị bắt giam rồi đưa ra tòa năm 1976 vì "tội phá hoại trật tự trị an". Để phản ứng trước hành vi chuyên quyền này, nhiều trí thức đối lập nổi tiếng của Tiệp Khắc đã công khai lên tiếng phản đối và bênh vực ban nhạc. Hiến chương 77 nhấn mạnh rằng Tiệp Khắc đã vi phạm dân quyền và quyền con người, rằng tại xứ sở này, pháp luật không hề được coi trọng, cho dù trước đó 2 năm, tại Hội nghị An ninh và Hợp tác ở Phần Lan, nước này đã ký Tuyên ngôn Nhân quyền Helsinki và đảm bảo sẽ tôn trọng các quyền nói trên.

Václav Havel thời Hiến chương 77 - Ảnh tư liệu

Phong trào Hiến chương 77 - với những sáng lập viên nổi tiếng như kịch tác gia Václav Havel, triết gia Jan Patocka, Zdenek Mlynár (chính khách), Jirí Hájek (về sau giữ chức bộ trưởng Nội vụ) hay văn sĩ Pavel Kohout - tuyên bố rằng họ không phải là một phong trào chính trị đối lập (không có điều lệ, không có các cơ quan chỉ đạo...), mà là một tập hợp dân sự muốn đối thoại với chính quyền trước tình trạng những quyền căn bản của công dân bị vi phạm. Sau khi ra đời, Hiến chương 77 được vài tờ nhật báo Tây Âu - "Le Monde" (Pháp), "The Times" (Anh) và "Frankfurter Allgemeine Zeitung" (Đức) - đăng tải ngày 6-1 và 7-1-1977, và được lan truyền ở Tiệp Khắc dưới dạng samizdat (báo "chui", tự phát hành). Sau khi được công khai hóa, 242 nhân vật thuộc giới trí thức Tiệp Khắc đã ký vào bản tuyên bố. Lập tức, cơ quan an ninh quốc gia Tiệp Khắc coi đây là một hành động "phản quốc", "phản cách mạng" và các yếu nhân của phong trào như Václav Havel, Ludvík Vaculík (nhà văn) và Pavel Landovsky (diễn viên) bị cảnh sát bắt giam ngay trong ngày 6-1. Một chiến dịch tuyên truyền và "đấu tranh tư tưởng" khổng lồ được tổ chức và vận động để chống lại Hiến chương 77: cái gọi là "Phản Hiến chương" đã ra đời trong hoàn cảnh ấy và, do bị bắt buộc, cưỡng bức, hàng trăm ngàn người - trong số đó có những nhân vật quen biết và khả kính đương thời - đã phải đặt bút ký nó.

Những trí thức ký Hiến chương 77 bị truy đuổi và trù úm, nhiều người bị sa thải, con cái không được đến trường mà họ muốn; rốt cục, không ít người phải chọn con đường di tản. Cũng có người chấp nhận hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị để đổi lấy sự "bình yên". Năm 1979, trong số những người đầu tiên ký tên, 6 người bị án tù từ 3 đến 5 năm vì tội "chống nhà nước". Tổng thống Tiệp Khắc và Cộng hòa Czech trong tương lai, ông Václav Havel, cũng nằm trong số này...

*

Kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của Hiến chương 77, tháng 1-2007, Trung tâm Czech ở Budapest đã tổ chức một buổi gặp mặt với sự tham gia của một số nhân vật có hệ lụy với sự kiện lịch sử lớn này. Hồi tưởng lại 3 thập niên trước, những người ký Hiến chương 77 cho biết chính phong trào này đã đoàn kết những nhóm đối lập mang xu hướng khác nhau, vào một công cuộc chung là đòi hỏi nhân quyền và dân quyền. Khi Hiến chương 77 lan sang Hung, chỉ trong vòng 1 ngày, đã có 34 trí thức ký tên đoàn kết với ý tưởng của bản tuyên bố. Một kỷ niệm khó quên được nhắc lại: hai thế hệ các đồ đệ của trường phái Lukács (mang tên Lukács György, triết gia, nhà mỹ học vĩ đại người Hung), vốn bất đồng tư tưởng và không trò chuyện với nhau từ 5 năm, đã hòa giải khi cùng ký ủng hộ Hiến chương 77. Để rồi ngay sau đó, nhiều tên tuổi kiệt xuất (như Szelényi Iván hay Heller Ágnes) đã bị sa thải, hoặc buộc phải rời nước...

Hiến chương 77 đóng vai trò lịch sử quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các nền dân chủ ở Đông Âu cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Nhờ phong trào này, các nhóm đối lập vốn ít có quan hệ mật thiết, đã cùng hợp tác trong khuôn khổ pháp luật để đàng hoàng đàm thoại với chính quyền về những vấn đề cấp thiết của người dân và đất nước. Hiến chương 77 cũng có tác động sâu rộng đến phe đối lập dân chủ ở Hung, Ba Lan, Đông Đức..., và là một trong những yếu tố khích lệ, giúp Hungary có một phong trào đối lập cứng cỏi và tự tin từ năm 1986, 30 năm sau ngày cách mạng 1956 bị đàn áp, để rồi 3 năm sau đó, nước này có sự chuyển đổi thể chế hòa bình và ổn định nhất ở mức có thể. Ở Tiệp Khắc, các thành viên Hiến chương 77 cũng góp phần to lớn trong sự thành công của "Cách mạng nhung" năm 1989, khiến Cộng hòa Czech và Slovakia trở thành các xứ sở dân chủ và pháp quyền.

Phong trào Hiến chương 77 còn kéo dài đến năm 1992, và chỉ chấm dứt khi thể chế toàn trị ở Tiệp Khắc cáo chung. Bản tuyên bố nổi tiếng Charta 77 đã được tổng cộng 1.898 trí thức đặt bút ký, và đã vạch trần hơn 600 trường hợp vi phạm pháp luật trong 15 năm tồn tại vì các quyền công dân và con người.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, theo các tư liệu lịch sử Hungary