Antall József và Henryk Sławik: TƯỢNG ĐÀI CỦA LÒNG NHÂN HẬU VÀ QUẢ CẢM
- Thứ năm - 06/07/2017 06:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một quần thể tượng rất đặc biệt vừa được khai trương tại thủ đô Budapest của Hungary, ngay trong khu đại học lâu đời của trường Bách khoa bên bờ sông Danube, nổi tiếng với truyền thống anh dũng trong các cuộc xuống đường đòi dân chủ của giới sinh viên và giảng viên, nhất là trong cuộc cách mạng mùa thu năm 1956.
Nghe bản audio tại đây.
Tượng đồng khắc họa hình ảnh hai người đàn ông ngồi bên bàn trao đổi với những nét biểu cảm khác biệt, một người dường như sôi nổi và cả gay gắt hơn, và người kia thì trầm lặng và bình tâm hơn. Bối cảnh cuộc gặp mặt là thời gian Đệ nhị Thế chiến, và cạnh tượng là tấm biển cho biết công trạng và đóng góp của họ.
Đó là hai ông Antall József (Hungary) và Henryk Sławik (Ba Lan), ân nhân của hơn 30 ngàn người Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Cùng nhau, họ đã tổ chức và quên mình bảo vệ người tỵ nạn Ba Lan - trong đó có chừng 5 ngàn người gốc Do Thái - khỏi cái chết và sự tù đầy khi Ba Lan bị phát-xít Đức và Liên Xô cộng sản xâm chiếm.
Cả hai nhân vật nói trên đều được nhận danh hiệu “Người Dân Ngoại Công Chính”, là sự vinh danh cao nhất của Nhà nước Israel dành cho những công dân nước ngoài đã liều mình để cứu mạng dân Do Thái trong đại nạn holocaust. Rất trang trọng, tên tuổi hai ông cũng đã được đặt cho hai đoạn đường ven bờ sông Danube ở Budapest.
Điều rất thú vị là vào tháng 11 năm ngoái, một tượng đài y hệt thế cũng đã được khánh thành tại thủ đô Warszawa, Ba Lan và bây giờ tới lượt Budapest, Hungary. Việc vinh danh này được thực hiện trên cơ sở một nghị quyết chung của Quốc hội hai nước, thông qua tháng 9-2014, và tới bây giờ đã được đôi bên long trọng thực hiện.
Tượng đồng khắc họa hình ảnh hai người đàn ông ngồi bên bàn trao đổi với những nét biểu cảm khác biệt, một người dường như sôi nổi và cả gay gắt hơn, và người kia thì trầm lặng và bình tâm hơn. Bối cảnh cuộc gặp mặt là thời gian Đệ nhị Thế chiến, và cạnh tượng là tấm biển cho biết công trạng và đóng góp của họ.
Đó là hai ông Antall József (Hungary) và Henryk Sławik (Ba Lan), ân nhân của hơn 30 ngàn người Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Cùng nhau, họ đã tổ chức và quên mình bảo vệ người tỵ nạn Ba Lan - trong đó có chừng 5 ngàn người gốc Do Thái - khỏi cái chết và sự tù đầy khi Ba Lan bị phát-xít Đức và Liên Xô cộng sản xâm chiếm.
Cả hai nhân vật nói trên đều được nhận danh hiệu “Người Dân Ngoại Công Chính”, là sự vinh danh cao nhất của Nhà nước Israel dành cho những công dân nước ngoài đã liều mình để cứu mạng dân Do Thái trong đại nạn holocaust. Rất trang trọng, tên tuổi hai ông cũng đã được đặt cho hai đoạn đường ven bờ sông Danube ở Budapest.
Điều rất thú vị là vào tháng 11 năm ngoái, một tượng đài y hệt thế cũng đã được khánh thành tại thủ đô Warszawa, Ba Lan và bây giờ tới lượt Budapest, Hungary. Việc vinh danh này được thực hiện trên cơ sở một nghị quyết chung của Quốc hội hai nước, thông qua tháng 9-2014, và tới bây giờ đã được đôi bên long trọng thực hiện.
Cuộc đời và nghĩa cử chói lọi của hai vị xứng đáng được đưa vào sách vở, điện ảnh và các thể loại văn hóa đại chúng để đời sau biết đến. Hơn thế nữa, hành động của họ còn là biểu tượng cho sự gắn bó của hai dân tộc Ba Lan và Hungary, hay như đánh giá của Nghị viện Ba Lan, “một tình bạn vô tư hướng tới các dân tộc khác”.
Sự gắn bó cho một sự nghiệp chung
Henryk Sławik sinh ra trong một gia đình nghèo có năm anh em. Ông từng tham gia Đệ nhất Thế chiến, sau đó gia nhập Đảng Xã hội Ba Lan rồi làm việc trên cương vị một ký giả, một chủ bút. Là chính khách cánh tả, trong đời hoạt động, ông có nhiều dịp chứng tỏ khả năng tổ chức và ý chí kiên cường, không quản ngại khó khăn của mình.
Tháng 9/1939, Ba Lan bị phát-xít Đức và Hồng quân Liên Xô tấn công từ hai phía, sau khi chính phủ hai nước ký kết Hiệp định bất tương xâm với thỏa thuận cùng xâm chiếm Ba Lan, phân định Châu Âu và làm nổ ra Thế chiến thứ hai. Henryk Sławik đầu quân và chiến đấu trong một đơn vị quân đội Ba Lan ở cố đô Krakow.
Ngày 17-9, hơn hai tuần sau khi phát-xít Đức tấn công Ba Lan và đồng minh của họ là Liên Xô cũng vào cuộc, Henryk Sławik vượt biên giới Hungary - lúc đó cũng là một đồng minh của Đế chế Thứ ba - và bị bắt vào một trại tù binh. Ông cũng bị đưa tên vào một “sổ đen” ghi lại tên tuổi những người bị Đức coi là “kẻ thù của nhà nước Đức”.
Nhờ thạo tiếng Đức, tại khu trại ở gần TP. Miskolc, Hungary, Henryk Sławik có dịp làm quen với Antall József, hồi đó là đặc phát viên chính phủ phụ trách vấn đề người tỵ nạn của Bộ Nội vụ Hungary. Lúc đó, chính quyền Hung đang tìm cộng tác viên trong vấn đề này và do vậy, Henryk Sławik được tuyển và được về thủ đô Budapest làm việc.
Giữa hai con người thiện tâm cùng độ tuổi, đã hình thành một tình bạn hết sức sâu sắc và đầy ý nghĩa. Trong khuôn khổ công việc của Ủy ban hỗ trợ người tỵ nạn Ba Lan, hai ông đã tổ chức thành lập các trường học, cơ sở nuôi trẻ mồ côi và tạo dựng công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn Ba Lan, khi đó trốn chạy được sang Hungary.
Đồng thời, họ còn thực hiện một nhiệm vụ mật, là giúp các chiến sĩ Ba Lan lưu vong trốn sang Pháp hoặc cùng Cận Đông để gia nhập quân đội Ba Lan chống phát-xít Đức. Antall József đã tận dụng cương vị cao cấp của mình trong bộ máy nhà nước Hungary, và không quản ngại nguy hiểm bản thân để giúp đỡ người bạn Ba Lan của ông.
Dùng giấy tờ giả để cứu dân Do Thái
Những ai quan tâm tới lịch sử Thế chiến thứ hai và Hungary, đều biết rằng từ trước năm 1939, người Do Thái đã bị phân biệt đối xử tại Hungary. Điều đó dẫn tới hệ quả là vào mùa xuân năm 1944, khi Đức quốc xã quyết định can thiệp vào đời sống chính trị của Hungary, thì nước này đã tiến hành chính sách tận diệt ghê gớm dân Do Thái.
Chỉ nội trong hai tháng của đại nạn holocaust năm 1944, đã có chừng 500 ngàn dân Do Thái Hungary thiệt mạng tại các trại tập trung và lò thiêu người. Nhiều người bị bắn luôn xuống con sông Danube vào mua đông lạnh giá năm đó, khiến cứ 10 người Do Thái bị sát hại trong Đệ nhị Thế chiến, thì có một là người Do Thái Hungary!
Trong hoàn cảnh như thế, việc cứu mạng chừng 5 ngàn người Do Thái Ba Lan trong số trên 30 ngàn người tỵ nạn tại Hungary đã được thực hiện bằng cách làm giấy tờ giả cho họ. Henryk Sławik đã cấp giấy tờ chứng nhận tất cả người Do Thái mà ông giúp đều có nguồn gốc Ba Lan và theo Kitô giáo, và điều này sau đó được chính quyền Hungary chấp nhận.
Bằng cách đó, người tỵ nạn có trong tay tờ giấy chứng nhận là Ba Lan, theo luật định Hungary bấy giờ đều được chính quyền sở tại coi là theo Kitô giáo, và tránh được sự thanh lọc, trừng phạt về sau. Một ngôi trường được mở tại TP. Vác, trên giấy tờ là cho con em các sĩ quan Ba Lan mồ côi, nhưng thực chất là nơi ẩn náu của con em Do Thái mồ côi.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi hẳn vào tháng 3-1944, khi Đức quốc xã cho quân đội vào khống chế Hungary. Antall József xin từ chức, nhưng ông vẫn bị cơ quan mật vụ Đức Gestapo bắt giam, còn Henryk Sławik thì chuyển vào hoạt động bí mật và ra chỉ thị làm sao để càng nhiều người tỵ nạn Ba Lan do ông quản lý rời khỏi được Hungary thì càng tốt.
Rốt cục, tất cả người Do Thái - kể cả con em Do Thái mồ côi - dưới tay ông đều thoát được khỏi Hungary, nhưng ông thì vẫn ở lại dù biết hiểm nguy, sau khi vợ ông bị bắt. Rồi Henryk Sławik cũng bị bắt giữ và tra tấn, nhưng ông không khai ra những đồng bạn người Hungary đã hỗ trợ ông. Ngày 23-8 cùng năm, ông bị tử hình tại trại tập trung Mauthausen.
Biểu tượng của lòng nhân đạo và quả cảm
Hai con người, hai số phận, một là quan chức cao cấp của Hungary, sáng lập viên một đảng lớn của nước này và sau giữ cương vị dân biểu, bộ trưởng, quốc vụ khanh và còn sống được tới thập niên 70 thế kỷ trước, một là nhà báo, nhà tổ chức của Ba Lan, và đã hy sinh trước khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, đã để lại tấm gương chói lọi về nhân phẩm và lòng quả cảm.
Họ cũng là hai người bạn chí thiết, sống chết có nhau. Vợ của Henryk Sławik cũng bị đưa đi trại tập trung Đức và trong thời gian đó, dù nguy hiểm nhưng gia đình Antall József vẫn cưu mang con gái của người bạn Ba Lan, và nuôi nấng như con của chính mình, chờ đến khi người mẹ may mắn trở về từ trại tậo trung và cõi chết.
Sau khi đất nước Ba Lan rơi vào gọng kìm của hai đế chế Đức và Liên Xô, và bị xâm chiếm trong một cuộc chiến không cân sức, đã có chừng 120 ngàn người Ba Lan tìm nơi ẩn náu tại Hungary. 30 ngàn người trong số đó phải chịu ơn Henryk Sławik và Antall József, theo nghị quyết chung của Quốc hội hai nước vào tháng 9-2014.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của Henryk Sławik và 40 năm ngày mất của Antall József, chính quyền Ba Lan và Hungary nhấn mạnh rằng, hành động của hai vị “hãy là tấm gương cho hai nước ngay trong thời bình”, và hậu thế cần nghiêng mình trước tinh thần kiên định, lòng dũng cảm quên mình khiến họ không trốn chạy kể cả khi biết sẽ gặp hiểm nguy.
Để vinh danh họ, một tượng đài chung đã được nguyên thủ quốc gia hai nước cắt băng khánh thành vào tháng 3-2015 tại TP. Katowice (Ba Lan), đúng vào Ngày Hữu nghị Hungary - Ba Lan. Và sau đó là các tượng đài tại Warszawa năm ngoái, và Budapest vừa mới đây, “để gìn giữ một mảnh nhỏ của tự do và lòng nhân đạo cho tương lai”, theo lời Chủ tịch Quốc hội Hungary.
Riêng đối với Hungary, tên tuổi ông Antall József, trước nay thường mới được biết tới như thân phụ vị thủ tướng đầu tiên của nước Hung dân chủ sau năm 1989, giờ được hậu thế biết thêm và đặt vào hàng những nhân vật công chính cứu sắc dân Do Thái khỏi họa holocaust, như Kasztner Rezső, Raoul Wallenberg hay Oskar Schindler...
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.